Sáng 22/11, học sinh lớp 9 của các trường THCS ở huyện, thị xã thuộc Thành phố Hà Nội đã trở lại trường học trực tiếp sau một thời gian học trực tuyến để phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng với học sinh lớp 9 của các trường học thuộc huyện Ba Vì đã được đi học từ ngày 8/11, đến nay, đã có 18 huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố cho học sinh lớp 9 trở lại trường học trực tiếp. Một số huyện như Hoài Đức, Thanh Trì, Quốc Oai… đang rà soát, hoàn thiện công tác chuẩn bị để đón học sinh vào ngày mai, 23/11.
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, các địa phương có thể linh hoạt bố trí thời gian đi học trở lại phù hợp, tùy tình hình thực tế, chậm nhất là ngày 24/11/2021.
Trực tiếp kiểm tra, nắm bắt tình hình tổ chức dạy học trực tiếp tại một số trường học ở huyện Sóc Sơn và huyện Mê Linh, đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phó Giám đốc Phạm Xuân Tiến đánh giá: Các nhà trường đã chủ động, tích cực từ khâu chuẩn bị, phân luồng đón học sinh đến quá trình tổ chức dạy học, việc duy trì các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với mục tiêu quan trọng là bảo đảm an toàn cho học sinh. Các khâu phòng chống dịch Covid-19 được các nhà trường thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.
Trò chuyện trực tiếp với học sinh và kiểm tra thực tế cho thấy, học sinh rất hào hứng khi được trở lại trường học tập. Các em cũng có ý thức nghiêm túc trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để tự bảo vệ bản thân và những người xung quanh.
Liên quan đến công tác tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho học sinh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến thông tin: Theo kế hoạch, từ ngày 22/11 đến ngày 28/11/2021, học sinh cấp trung học phổ thông sẽ được tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19, sau đó đến học sinh cấp trung học cơ sở. Nếu hoàn thành theo tiến độ, học sinh trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố sẽ quay trở lại trường học trực tiếp từ tháng 12/2021.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn Trần Thị Thanh Huế cho biết, các trường trên địa bàn đã chủ động chuẩn bị các điều kiện đón học sinh lớp 9 trở lại trường, trong đó có việc xây dựng kịch bản tổ chức dạy học với mục tiêu vừa bảo đảm an toàn, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã hướng dẫn các nhà trường tổ chức tập dượt cho cán bộ, giáo viên, nhân viên kỹ năng xử lý nếu phát hiện ca F0 khi đang tổ chức dạy học. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường tận dụng tối đa thời gian học sinh học trực tiếp để rà soát, bồi dưỡng, tổ chức dạy học bảo đảm chất lượng, nhất là đối với các môn có trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông.
Hiệu trưởng Trường THCS Phù Linh, huyện Sóc Sơn Ngô Thị Tuyết Mai cho biết: Toàn bộ học sinh lớp 9 đã được phổ biến kỹ về các biện pháp phòng chống dịch trước, trong và sau khi đến trường. Nhà trường đã bố trí cán bộ, nhân viên, giáo viên đón học sinh từ sáng sớm, triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như: Đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, hướng dẫn các em vào lớp theo sơ đồ phân luồng…
Nhà trường cũng bố trí giãn cách các lớp theo từng khu vực để bảo đảm không tập trung đông người. Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho biết, có 7 trong tổng số 20 trường THCS của 18 xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh khối lớp 9; 11 xã còn lại còn có các ca F0 chưa đủ 14 ngày, tính đến ngày 19/11/2021, nên chưa thể đón học sinh trở lại trường. Theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh, tổng số học sinh lớp 9 của 7 trường cho học sinh học trực tiếp là 1.029 em, tỷ lệ học sinh đi học đạt 95,82%…
Phòng tiếp tục chỉ đạo các nhà trường theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của học sinh và diễn biến dịch Covid-19 tại địa phương để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp nếu có trường hợp học sinh liên quan đến ca bệnh.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, địa bàn huyện có 15/16 trường đón học sinh lớp 9 trở lại trường học. Riêng Trường THCS Phương Đình chưa tổ chức dạy do có 5 giáo viên dạy lớp 9 thuộc đối tượng F1. Như vậy, huyện Đan Phượng có 67 lớp 9 đón học sinh đến trường với tổng số tên 2.600 học sinh, sáng 22/11, đã có trên 99% học sinh đi học trực tiếp trở lại. Tại huyện Gia Lâm do là địa bàn có nhiều xã có ca mắc Covid-19 nên sáng nay chỉ học sinh lớp 9 thuộc các xã: Phú Thị, Kim Lan, Đa Tốn, Đông Dư, Bát Tràng trở lại trường học trực tiếp.
Các địa phương khác, Huyện ủy, UBND huyện đã phân công các thành viên trong đoàn kiểm tra của huyện đến trực tiếp các trường THCS để kiểm tra và hướng dẫn các nhà trường thực hiện tốt công tác đón học sinh trở lại trường. Ban chỉ đạo phòng chống dịch các xã, thị trấn đã cử lực lượng công an, y tế phối hợp cùng nhà trường phân luồng học sinh trước cổng trường và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho cán bộ, giáo viên và học sinh theo quy định.
Để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã yêu cầu giáo viên chưa tiêm đủ 02 mũi vắc-xin phòng, chống Covid-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp. Các trường phải có phương án bảo đảm giãn cách tối đa trong lớp học, trường học; giảm sĩ số học sinh/buổi dạy.
Những trường có học sinh, giáo viên trên nhiều địa bàn khác nhau; Hiệu trưởng nhà trường phải thường xuyên rà soát, nắm rõ thông tin của các học sinh, cấp độ dịch của xã/phường nơi học sinh cư trú. Nếu địa bàn học sinh cư trú là nơi có F0 trong cộng đồng trong vòng 14 ngày tính đến thời điểm đi học; thì Hiệu trưởng bố trí cho học sinh ở những địa bàn này học ở nhà theo hình thức trực tuyến. Nếu giáo viên thuộc các đối tượng liên quan đến F1, F2 thì làm việc tại nhà và dạy học bằng hình thức trực tuyến.
Theo Hanoi.gov.vn