Điều kiện khắt khe, mức hỗ trợ kém hấp dẫn khiến người Hà Nội không mặn mà với hoạt động đổi xe cũ lấy xe mới. Số lượng người mang xe đến đo khí thải miễn phí cũng khiêm tốn.
Mang chiếc Future được mua năm 2009 qua cửa hàng Honda Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy) để kiểm tra khí thải, ông Quốc (53 tuổi) nhận được thông báo về chỉ số nồng độ khí thải vượt mức phép. Sau khi nghe nhân viên tư vấn, ông bỏ hơn 700.000 đồng để bảo dưỡng, nâng cấp xe.
Chiếc xe máy được ông Quốc dùng hơn 12 năm qua đã rất cũ, ống bô thi thoảng xả ra khói đen. Khi đi đường dài, xe phát ra tiếng kêu xọc xạch. Nghe về chương trình hỗ trợ 2-4 triệu đồng để đổi xe cũ lấy xe mới, ông cho biết đã tham khảo nhưng xe của ông không đủ điều kiện để tham gia do không phải xe sản xuất trước năm 2002.
Đồng thời, ông cho rằng ngay cả khi được hỗ trợ, số tiền còn lại mà ông phải bỏ ra vẫn quá lớn để sở hữu chiếc xe mới. Thay vào đó, ông dễ dàng chi ra số tiền nhỏ để tân trang lại chiếc xe đang dùng.
Theo thống kê, hơn 460 lượt xe máy đã đến đo khí thải miễn phí ở các đại lý hãng xe trong gần một tuần qua, chưa có xe nào đủ điều kiện tham gia đổi xe máy cũ lấy xe mới và nhận hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng. Con số 460 cũng rất khiêm tốn so với mục tiêu 5.000 xe tham gia đo khí thải miễn phí trong thời gian thí điểm từ ngày 12 đến 30/11.
Khó đáp ứng được điều kiện hưởng hỗ trợ
Chia sẻ với Zing, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Trưởng cửa hàng đại lý xe Honda Phạm Văn Đồng, cho biết trong 4 ngày đầu triển khai thí điểm, cửa hàng tiếp nhận khoảng 100 lượt xe đến kiểm tra khí thải, trong đó nhiều người đã được hưởng mức hỗ trợ 200.000 đồng tiền bảo dưỡng xe và sẵn sàng chi thêm một số tiền nhỏ để sửa, nâng cấp xe cũ.
Về chương trình đổi xe cũ lấy xe mới, một số người quan tâm và gọi điện thoại qua cửa hàng để hỏi nhưng chưa có ai đủ điều kiện để hưởng mức hỗ trợ 2-4 triệu đồng/xe.
Theo bà Thu, nhiều người dân gặp vướng mắc ở quy định xe phải được đăng ký chính chủ tại Hà Nội trước năm 2002.
Thực tế, quá trình làm việc, các cửa hàng Honda rất ít khi tiếp nhận sửa chữa môtô Honda từ 20 tuổi trở lên. Cửa hàng của bà Thu từng tiếp nhận một chiếc Dream đảm bảo yếu tố sản xuất trước năm 2002, còn đủ phụ tùng, nhưng chủ xe lại đăng ký ở Hưng Yên nên không thoả mãn điều kiện để được hỗ trợ.
Ngoài ra, chiếc xe không chỉ là phương tiện cá nhân mà còn gắn bó nhiều kỷ niệm nên nhiều người không có nhu cầu thay mới mà chỉ muốn bỏ ra một mức phí nhỏ để nâng cấp, sửa.
“Với một số loại môtô Honda được sản xuất trước năm 2002 như Dream hay Future, người dân có thể dùng để chở hàng hóa tiện hơn nhiều so với các xe đời mới hiện nay. Do đó, nhiều người cũng không có nhu cầu đổi”, bà Thu lý giải.
Theo ông Phan Quang Tâm, Trưởng bộ phận kỹ thuật của Honda Phạm Văn Đồng, sau khi đo khí thải của xe và ghi nhận giá trị không đạt chuẩn so với quy định, người dân sẽ được hỗ trợ 200.000 đồng và chỉ cần trả thêm khoảng 40.000-130.000 đồng để bảo dưỡng, nâng cấp xe, đưa mức khí thải của xe về ngưỡng an toàn.
Theo khảo sát tại cửa hàng, độ tuổi khách hàng quan tâm việc đo khí thải và bảo dưỡng xe là 45-60.
Còn tại cửa hàng xe Yamaha ở Cầu Giấy, nhân viên cửa hàng cho biết đại lý tiếp nhận nhiều trường hợp đến tham gia chương trình nhưng chủ yếu người dân quan tâm việc được đo khí thải miễn phí cùng ưu đãi như tặng dầu, hỗ trợ 200.000 đồng tiền bảo dưỡng.
Theo các nhân viên, với điều kiện là chủ phương tiện phải hoàn tất thủ tục thu hồi và biển số xe với cơ quan đăng ký để được hỗ trợ đổi xe mới. Nhiều người dân ngại mất thời gian nên không mặn mà.
Hỗ trợ tiền đổi xe chỉ là ưu đãi như mua các mặt hàng khác
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết chương trình thí điểm đo khí thải xe máy miễn phí là do Sở TN&MT Hà Nội triển khai nhưng mức hỗ trợ đổi xe máy lại là do doanh nghiệp quyết định. Do đó, việc hỗ trợ này thực chất tương tự các chương trình đổi tivi cũ lấy tivi mới, là ưu đãi của doanh nghiệp để thu hút sự tham gia của người dân.
Về việc người dân Hà Nội không mặn mà với việc đổi xe, ông Tùng cho rằng điều này phụ thuộc vào nhu cầu và điều kiện thực tế của họ.
Nhiều gia đình mong muốn đổi xe máy nhưng chưa đủ kinh phí để bù vào phần còn lại. Với mức hỗ trợ 2 triệu đồng, người dân cần bỏ ra thêm ít nhất 18 triệu đồng để sở hữu chiếc xe mới. Khi mua xe trên 40 triệu đồng, người dân mới hưởng mức hỗ trợ cao nhất là 4 triệu đồng/xe.
Với nhiều người, đây là số tiền lớn và không có lợi về mặt kinh tế, đặc biệt với người lao động sử dụng xe máy như một phương tiện mưu sinh.
“Tiền hỗ trợ không phải từ ngân sách Nhà nước mà từ doanh nghiệp, do đó các hãng xe có quyền tự quyết định điều kiện và mức hỗ trợ cho người dân. Việc này tương tự chương trình ưu đãi ở các loại hàng hóa khác. Tôi không ngạc nhiên khi thấy người dân không mặn mà gì với việc này”, ông Tùng nói.
Dù vậy, chuyên gia nhấn mạnh mục đích chính của chương trình thí điểm là kiểm tra khí thải môtô, xe máy, hướng đến quy định cứng kiểm tra khí thải định kỳ. Thống kê ban đầu cho thấy khoảng hơn 50% số xe đang sử dụng có nồng độ khí thải vượt quá tiêu chuẩn và cần được bảo dưỡng.
Trước mắt, trong giai đoạn thí điểm và lấy ý kiến người dân, việc đo khí thải là miễn phí, đồng thời người dân được hỗ trợ 200.000 đồng nếu phải bảo dưỡng xe. Kết thúc giai đoạn này, việc đo khí thải định kỳ với xe máy có thể được quy định cứng và người dân phải trả tiền.
“Chương trình thí điểm nhằm khảo sát khả năng chi trả của người dân đối với việc đo khí thải định kỳ, để các cơ quan tính toán một cách hợp lý xem làm thế nào để thuận tiện cho người dân. Còn việc hỗ trợ đổi xe chỉ là ưu đãi thêm của các hãng”, chuyên gia nói.
Theo thống kê từ Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường, Cộng đồng (Live&Learn) là đơn vị phối hợp thực hiện, trong số hơn 460 phương tiện đã tham gia vào chương trình thí điểm “Xe sạch – Trời xanh”, số xe tham gia hoạt động đo khí thải miễn phí nhiều nhất thuộc dòng xe Honda với 412 chiếc.
Trong thời gian thí điểm (12-30/11), chương trình sẽ hỗ trợ đo khí thải, tặng dầu động cơ và hỗ trợ chi phí bảo dưỡng 200.000 đồng/xe cho khoảng 5.000 xe máy thuộc các hãng Honda, Yamaha, SYM, Suzuki, Piaggio.
Theo Zing