Con đường dốc nhất thế giới hay nằm chênh vênh bên vách núi, một bên là vực thẳm đều là những cung đường nguy hiểm thách thức tay lái và sự dạn dày kinh nghiệm của người điều khiển xe.
Đường Baldwin, Dunedin, New Zealand – con đường dốc nhất thế giới
Đường Baldwin nằm tại thành phố Dunedin thuộc phía Nam của New Zealand, được coi là con đường dốc nhất thế giới. Là đường thẳng có chiều dài khoảng 350m, tại đoạn thấp của con đường có độ dốc trung bình. Nhưng đoạn phía trên dốc hơn nhiều. Điểm dốc nhất lên tới 35%. Để an toàn cho người đi, phần bề mặt dốc của đoạn đường được láp bê tông. Điều này rất quan trọng trong những ngày ẩm ướt.
Hầm Laerdal – đường hầm dài nhất thế giới, Na Uy
Laerda được mệnh danh là đường hầm dài nhất thế giới với chiều dài lên tới 24.51km. Đường hầm kết nối giữa Laerdal và Aurland, đi xuyên qua những ngọn núi cao. Chi phí xây dựng hầm lên tới 113.1 triệu USD. Đây cũng là con đường mang tới rất nhiều tiện ích, giải quyết vấn đề những ngày tuyết rơi dày gây cản trở giao thông ở Na Uy.
Đường D915 Bayburt, tuyến đường nguy hiểm nhất thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ
Trên trang web của dangerousroads.org đã bình chọn D915 Bayburt – tuyến đường ở Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua “con đường tử thần” Death Road ở Bolivia để trở thành tuyến đường nguy hiểm nhất thế giới. Đường D915 Bayburt dài 66 dặm với 29 khúc cua nguy hiểm và không có rào chắn xung quanh. Một phần của đường thường xuyên đóng cửa vào mùa đông vì bão tuyết và băng giá.
Tateyama Kurobe Alpine Route, con đường trong tuyết, Nhật Bản
Con đường ngoạn mục dẫn qua miền bắc Nhật Bản, nổi tiếng với các bức tường tuyết cao dọc xung quanh. Tuyến đường được hoàn thành từ năm 1971, kết nối thành phố Toyama với thị trấn Omachi trong tỉnh Nagano. Đây cũng là điểm rất hút khách du lịch khi tới Nhật Bản.
Con đèo tử thần Death Road ở La Paz, Bolivia
Đây là một trong những con đường hấp dẫn các tay đua khi đến với Bolivia dù được mệnh danh là “con đèo tử thần”. Khung cảnh âm u sẵn có xung quanh đường khiến Death Road càng trở nên nguy hiểm hơn.
“Cây cầu say rượu” Storseisundet, Na Uy
Được đặt với cái tên “Cây cầu say rượu” bởi Storseisundet mang hình dáng ngoằn nghèo khác thường. Cầu được hoàn thành năm 2005, nhanh chóng trở thành điểm đến của khách du lịch. Khi thời tiết xấu, lái xe qua cầu, các tài xế phải chịu những đợt sóng biển đập qua rào chắn và gió lốc. Nhưng khi thời tiết đẹp, đây lại là nơi lý tưởng ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên.
Đường ngoằn ngoèo nhất thế giới Lombard, Mỹ
Đường Lombard ở San Francisco, Mỹ, được mệnh danh là con đường ngoằn ngoèo nhất thế giới với những góc cua san sát nhau. Nhìn từ trên cao, tuyến đường được xây theo hình zig zag. Tài xế tham gia giao thông qua đây chỉ được đi với tốc độ giới hạn.
Đoạn đường Du Gois
Có một con đường trên bờ biển Đại Tây Dương của Pháp được gọi là “Passage de Gois”, điều đặc biệt là con đường này sẽ bị biến mất hai lần mỗi ngày. Con đường đắp cao tự nhiên này kéo dài giữa Beauvoir-sur-Mer và đảo Noirmoutier kéo dài hơn 4 km và bị nhấn chìm dưới mực nước biển từ 1 đến 4 mét hai lần mỗi ngày khi thủy triều lên.
Đường núi Thiên Môn
Nằm trong Công viên Quốc gia Núi Thiên Môn ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, Núi Thiên Môn có một con đường với 99 khúc cua dựng đứng. Con đường dài hơn 11 bắt đầu ở độ cao gần 200 mét so với mực nước biển và lên cao hơn 1.280 mét khi lên đỉnh núi.
Bất chấp tính chất của con đường, ngọn núi là một địa điểm du lịch nổi tiếng với nhiều du khách leo lên cầu thang 999 bậc, được gọi là “Nấc thang lên thiên đường”, dẫn đến Động Thiên Môn.
Đường Đại Tây Dương
Đường Đại Tây Dương là một con đường dài 8 km với chi phí xây dựng là 14 triệu USD. Con đường này chạy qua một quần đảo ở Na Uy và được xây dựng từ năm 1983 đến năm 1989.
Con đường này nổi tiếng với những cây cầu uốn lượn, tạo cảm giác gần giống như đường ray của những chiếc tàu lượn siêu tốc. Ngoài những cây cầu lắt léo, con đường này còn phải chịu những điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, khó lường như gió bão và nhiệt độ giảm đột ngột, khiến tầm nhìn của những người tham gia giao thông bị giảm mạnh.
Theo VTV