21 hộ dân kiện chủ đầu tư dự án công viên đa chức năng có bến du thuyền, biệt thự, rộng 118 ha, vốn đầu tư 6 tỷ USD… cho rằng chưa được thanh toán tiền chuyển nhượng đất.
Những hộ dân ở phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM, yêu cầu được trả 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, bị đơn – Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Penisula (chủ đầu tư “siêu dự án” Công viên Mũi Ðèn Ðỏ và khu nhà ở đô thị, quận 7) cho rằng đã thanh toán đầy đủ cho các hộ, thông qua người được uỷ quyền.
Vụ án “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa 21 hộ dân và chủ đầu tư dự án sẽ được TAND quận 7 đưa ra xét xử vào ngày mai, 15/11.
Theo hồ sơ vụ kiện, 118 ha đất khu Mũi Ðèn Ðỏ có vị trí đắc địa tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Nhà Bè, được UBND TP HCM quy hoạch thành khu công viên. Năm 2007, Công ty cổ phần Đại Trường Sơn (nay là Công ty Sài Gòn Penisula) được thành phố chấp thuận là chủ đầu tư thực hiện Dự án công viên Mũi Ðèn Ðỏ và khu nhà ở đô thị.
Với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD, dự án là khu phức hợp gồm công viên đa chức năng, văn phòng, biệt thự, căn hộ, khách sạn… và bến cảng du thuyền quốc tế lớn nhất Việt Nam.
Dự án này thuộc diện Nhà nước thu hồi đất giao cho chủ đầu tư triển khai, song Công ty Sài Gòn Penisula đề xuất được tự thỏa thuận đền bù đất với các hộ dân để đẩy nhanh tiến độ dự án và được UBND thành phố chấp thuận. Đến giữa năm 2011, UBND phường Phú Thuận công bố quyết định của UBND TP HCM về việc triển khai dự án, tổ chức họp để lấy ý kiến khu phố, tổ dân phố và đại diện người dân. Các hộ dân có đất thuộc khu vực này sau đó đã chuyển nhượng quyền sử dụng cho Công ty Sài Gòn Penisula. Tính đến tháng 4 năm nay, tổng diện tích đất đã được đền bù là gần 1.125.000 m2 (95% dự án).
Phối cảnh dự án Khu công viên Mũi đèn đỏ và nhà ở đô thị. Ảnh: Saigon Peninsula
Tuy nhiên, năm 2019, 21 hộ dân cho rằng Công ty Sài Gòn Penisula vẫn chưa thanh toán tiền chuyển nhượng đất như cam kết nên kiện ra tòa.
Trong đơn khởi kiện, các hộ dân cho biết, từ 2007 đến 2008, họ đã ký các hợp đồng ủy quyền (có công chứng) cho các ông Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Hữu Tài, Nguyễn Văn Mỹ thay mặt họ ký hợp đồng chuyển nhượng đất với Công ty Sài Gòn Penisula. Phía nguyên đơn đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, đến nay Công ty Sài Gòn Penisula vẫn chưa thanh toán tiền chuyển nhượng đất như đã cam kết nên các hộ vẫn quản lý, canh tác.
Phía nguyên đơn yêu cầu chủ đầu tư trả tổng cộng 2.100 tỷ đồng gồm tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất và lãi suất từ khi ký hợp đồng đến nay.
Hồi tháng 5, TAND quận 7 đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, đại diện ủy quyền của 21 hộ dân giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, song đồng ý giảm 50% tiền lãi, còn yêu cầu bị đơn thanh toán hơn 1.473 tỷ đồng.
Trong khi đó, đại diện Công ty Sài Gòn Penisula cho rằng, diện tích đất của các hộ dân liên quan đến dự án là đất nông nghiệp. Theo quy định của pháp luật, các gia đình, cá nhân “không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất chuyên trồng lúa”. Do đó, các hộ này đã lập hợp đồng ủy quyền cho một số cá nhân đứng ra đàm phán, thỏa thuận với chủ đầu tư để nhận tiền đền bù, thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo bị đơn, hợp đồng ủy quyền thể hiện người ủy quyền “chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về mọi hành vi của người nhận ủy quyền thực hiện”. Do đó, sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng với ông Hà, Tài, Mỹ (người được các hộ dân ủy quyền), công ty đã chi tiền tạm ứng để các ông này thanh toán cho các hộ dân. Những người này sau đó đã bàn giao bản gốc giấy tờ đất của 21 hộ dân, các hợp đồng ủy quyền viết tay và giấy giao kết giữa họ và người dân cho công ty. Bị đơn đã cung cấp những chứng cứ này cho tòa.
Phía chủ đầu tư dự án cũng cho rằng, giá trị chuyển nhượng trên các hợp đồng ủy quyền và giấy giao kết giữa nguyên đơn với người được ủy quyền chênh lệch rất lớn so với hợp đồng chuyển nhượng giữa Công ty Sài Gòn Penisula ký với các ông Hà, Tài, Mỹ. Nếu các hộ dân không đồng ý với giá trị chuyển nhượng thì phải khởi kiện người được ủy quyền. Từ đó, Công ty Sài Gòn Penisula không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Quá trình tòa thụ lý, bị đơn còn đề nghị HĐXX, đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do các hộ dân đã hết thời hiệu khởi kiện. Theo bị đơn, đây là vụ “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, thời hiệu khởi kiện theo quy định của Bộ luật Dân sự là 3 năm kể từ ngày quyền lợi ích bị xâm phạm. Tính từ thời điểm các hộ dân thực hiện việc chuyển nhượng đất cho chủ đầu tư đến nay đã hơn 10 năm, nên nguyên đơn mất quyền khởi kiện.
Đại diện nguyên đơn phản bác quan điểm và chứng cứ phía bị đơn đưa ra. Theo người này, trong hợp đồng ủy quyền không có điều khoản nào cho phép người được ủy quyền được trực tiếp nhận tiền. Do đó, Công ty Sài Gòn Penisula phải có trách nhiệm thanh toán trực tiếp cho các hộ dân.
Phiên tòa sau đó tạm hoãn theo đề nghị của đại diện VKSND giữ quyền công tố, để nghiên cứu, đánh giá chứng cứ trước khi phát biểu quan điểm giải quyết vụ án; đồng thời đưa thêm người liên quan vào tham gia tố tụng.
Mới đây, Quận ủy quận 7 kiến nghị Ban Cán sự Ðảng TAND TP HCM có hướng chỉ đạo xử lý dứt điểm vụ án, nhằm bảo đảm tình hình an ninh trật tự, sớm đưa dự án vào triển khai, góp phần phát triển địa phương.
TAND quận 7 nhiều lần lên kế hoạch mở lại phiên xử, song do dịch bệnh kéo dài, TP HCM liên tục phải giãn cách xã hội.
(theo VNE)