Châu Thành là tên một huyện của tỉnh Long An. Đó cũng là địa danh phổ biến ở Nam bộ. Tên Châu Thành gợi lên nhiều sự tò mò về câu chuyện phía sau một địa danh phổ biến.
- Theo Từ điển Tiếng Việt (Quang Hùng – Ánh Ngọc), châu thành là từ Hán Việt. Châu là vùng đất, thành là đô thị, từ châu thành được giải thích là vùng đô thị hay còn gọi là thành phố. Với cách diễn đạt tương tự, Việt Nam từ điển (Lê Văn Đức) giải nghĩa châu thành là “thành thị, khu vực chính một xứ hay một tỉnh, nơi người đứng đầu xứ hay tỉnh trưởng cai trị, thường dân cư đông đúc, mua bán thịnh vượng”. Trong sách Phương ngữ Nam bộ ghi chép và chú giải (Nam Chi Bùi Thanh Kiên) ghi rõ: “Châu thành chỉ các làng xã vây quanh tỉnh lỵ”.
Huyện Châu Thành cũng là nơi có Lễ hội Làm Chay được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể (Ảnh tư liệu)
Cả 2 cách giải thích này nghe có vẻ khác nhau nhưng thực ra đều phù hợp. Nếu cách giải nghĩa của từ điển dựa vào việc phân tích nghĩa của từ thì Phương ngữ Nam bộ ghi chép và chú giải giải thích dựa trên thực tế cuộc sống hiện nay. Cũng như huyện Châu Thành của các tỉnh khác, Châu Thành của Long An nằm bên cạnh TP.Tân An, trung tâm hành chính của tỉnh. Được biết, thời Pháp thuộc, các địa giới hành chính trong tỉnh có nhiều thay đổi về cả tên gọi lẫn ranh giới. Các địa phương được tách, nhập, đổi tên nhiều lần. Trong đó, vùng đất Châu Thành ngày nay từng là nơi đặt trung tâm hành chính của các phủ, huyện khác nhau.
Địa chí Long An có đoạn nói về huyện Vàm Cỏ (bao gồm huyện Châu Thành và Tân Trụ) như sau: “Đầu thế kỷ XIX đến nay, trên địa bàn Vàm Cỏ đã lần lượt xuất hiện nhiều trung tâm như phủ lỵ ở huyện Cửu An ở thôn Bình Khuê (nay thuộc xã Quê Mỹ Thạnh) năm 1813 đến năm 1832, đổi làm phủ lỵ phủ Tân An, huyện lỵ huyện Tân Thạnh ở thôn Bình Quới (nay thuộc xã Bình Quới) năm 1941. Thời Pháp thuộc, trên khu vực Vàm Cỏ ngày nay có 2 thị trấn: Châu Thành và Bình Phước. Việc xuất hiện liên tục của các trung tâm trên địa bàn Vàm Cỏ, ít nhiều phản ánh sự “hội tụ” các tiềm năng kinh tế – văn hóa ở địa phương”. Từ đó, có thể thấy, trước kia, Châu Thành từng là vùng đất trù phú, thuận lợi, đông đúc dân cư.
Tác giả Nguyễn Thanh Lợi, trong bài viết Giải mật những địa danh kỳ lạ – Đất Châu Thành nam thanh nữ tú (đăng trên Báo Tuổi trẻ online ngày 24/02/2021) giải thích về địa danh Châu Thành như sau: “Ban đầu “châu thành” chỉ các trung tâm hành chính, nơi có chợ búa, các cơ quan của hạt tham biện trú đóng. Sau khi thành lập các thị xã với chức năng “tỉnh lỵ”, nó chiếm một phần diện tích của “châu thành”, phần diện tích còn lại vẫn giữ tên cũ là quận Châu Thành và sau này là huyện Châu Thành”.
Theo ghi chép của Địa chí Long An, những năm 1800, châu thành được sử dụng như một danh từ chung chỉ khu vực trung tâm của một địa giới hành chính và tương đương với huyện. Ví dụ: Khu tham biện Tân An có: Châu Thành Bình Lập, huyện Tân An và huyện Cửu An; Khu tham biện Phước Lộc có: Châu Thành Cần Giuộc và huyện Phước Lộc,… Điều này phần nào khẳng định quan điểm của tác giả Nguyễn Thanh Lợi. Cũng theo tác giả, Châu Thành của Long An trở thành tên riêng từ năm 1922. Trải qua nhiều lần đổi tên, tách, nhập, đến năm 1989, Châu Thành chính thức có tên huyện Châu Thành với 13 xã, thị trấn như hiện nay.
Nhắc đến Châu Thành, giờ đây, ai cũng biết đó là vùng quê trù phú với những mái nhà khang trang xen lẫn vườn thanh long xanh mướt
- Huyện Châu Thành, Long An hiện là thủ phủ thanh long của tỉnh. Đây cũng là địa phương đầu tiên xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Nhắc đến Châu Thành, giờ đây ai cũng biết đó là vùng quê trù phú với những mái nhà khang trang xen lẫn vườn thanh long xanh mướt. Không còn đường đất sình lầy, không còn nhà tạm, dột nát, 100% hộ dân có điện sử dụng, trên 90% hộ dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn 02 của Bộ Y tế. Là huyện nông nghiệp, sản xuất cây thanh long có giá trị cao nên đời sống người dân Châu Thành được nâng lên từng bước. Huyện đang hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao với lộ trình hoàn thành trong 3 năm nữa.
Đây cũng là vùng đất anh hùng, giàu truyền thống, nơi sinh ra, lớn lên của nhiều anh hùng, chiến sĩ cách mạng. Châu Thành là quê hương nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Thông; Giáo sư, nhà cách mạng tài ba Trần Văn Giàu; nhạc sĩ Cao Văn Lầu; cũng là nơi có Lễ hội Làm Chay được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
Người dân Châu Thành hoàn toàn có quyền tự hào về vùng đất quê hương mình, từ sự đặc biệt trong tên gọi, truyền thống văn hóa, lịch sử đến thành quả xây dựng quê hương hôm nay./.
(theo baolongan)