Huyền Không tự ở núi Hằng Sơn, Sơn Tây, Trung Quốc, là một ngôi chùa lơ lửng trên vách đá, không có địa căn mà chỉ có một số cột gỗ chống đỡ. Vậy mà trải qua hơn 1400 năm phong vũ thăng trầm, thiên tai địa chấn, Huyền Không tự vẫn đứng sừng sững nguy nga như một ấn chứng về lịch sử và tôn giáo không thể phai mờ…
Vào tháng 12 năm 2010, tạp chí “The Time” của Mỹ đã đưa ra danh sách mười công trình kiến trúc kỳ hiểm nhất trên thế giới, và ngôi chùa treo Huyền Không ở Sơn Tây, Trung Quốc đã được bình chọn. Khi thi tiên Lý Bạch vân du đến đây, kỳ cảnh này đã làm ông chấn động. Và ngôi chùa này cũng từng xuất hiện trong tiểu thuyết võ hiệp “Tiếu ngạo giang hồ”.
Chùa Huyền Không tọa lạc tại Kim Long Hạc, Bắc Nhạc, Hằng Sơn, huyện Hồn Nguyên, thành Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây. Ngôi chùa này đầu tiên được xây dựng vào cuối triều Bắc Ngụy, và được tu bổ hoàn thiện vào các triều Tấn, Nguyên, Minh và Thanh sau đó. Các bậc tiền nhân đã dùng những câu thơ: “Diện đối Hằng Sơn, bội ỷ Thúy Bình; Thượng tại nguy nham, hạ lâm thâm cốc; Tạc thạch vi cơ, tựu nham khởi ốc; Kết cấu kinh hiểm, tạo hình kỳ đặc”, (ý tứ là: Mặt đối Hằng Sơn, lưng dựa Thúy Bình; Trên neo trên vách đá hiểm trở, dưới bám vào thâm cốc; Đẽo đá làm nền móng, từ đó dựng phòng ốc; Kết cấu cheo leo hiểm trở, tạo hình độc đáo kỳ thú) để giới thiệu khái quát về Huyền Không tự.
Xây dựng một ngôi chùa tại lưng chừng vách núi quả là một việc siêu phàm. Những đặc điểm huyền diệu của Huyền Không tự khiến ngôi chùa nổi bật trong lịch sử kiến trúc cổ kim. Bất luận đó là từ ý tưởng thiết kế hay ý tưởng kiến trúc của nó, sự can đảm của nó, sự kỳ công và không sợ hãi của nó đều khiến người ta thán phục không thôi, trở thành nguồn cảm thán bất tận!
Huyền Không tự có 40 điện, vũ, đài, các lớn nhỏ – giữa những lâu các được nối với nhau bằng một con đường lát ván; du khách một khi bước lên con đường lát ván phải đồng thời nhấc gót, nín thở, dò dẫm bước từng bước trên ván gỗ, chỉ e đạp chân quá nặng thì chùa sẽ sụp xuống. Tuy nhiên, dù dưới chân có âm thanh “cọt kẹt”, thì tòa lâu các mắc vào đá vẫn thản nhiên bất động.
Thế núi ở đây dựng đứng, hai bên là vách đá cao 100m như những nhát rìu chặt xuống, nhưng ở giữa lại có một chỗ hõm nhẹ vào trong – chính là lấy chỗ hõm ấy làm điểm đặt móng mà dựng lên ngôi chùa Huyền Không tự treo giữa vách đá. Vào năm Khai Nguyên thứ 23 của nhà Đường (năm 735 SCN), sau khi thi nhân Lý Bạch du ngoạn Huyền Không tự, ông đã viết hai chữ “tráng quan” (ngoạn mục) trên vách đá. Đại du hành gia thời Minh triều Từ Hà Khách đã gọi Huyền Không tự là “Đại kỳ quan thiên hạ”.
Kiến tạo từ 1500 năm trước, Huyền Không tự làm thế nào để vượt qua thiên tai?
Trong 1500 năm qua, Huyền Không tự đã gặp phải vô số lần địa chấn, thậm chí 20 năm trước, tại đây từng xảy ra trận động đất mạnh 6,1 độ Richter, nhưng Huyền Không tự không hề bị trận động đất làm tổn hại. Làm thế nào một tòa kiến trúc không có địa căn có thể kháng lại động đất và đá lăn do sạt lở?
Nguyên lai là, vị trí sở tại của Huyền Không tự nằm trong hẻm núi được bao bọc bởi hai ngọn núi, ở giữa bị nước sông xói mòn hình thành một rãnh tự nhiên, đá lăn xuống thuận theo đường parabol, bởi vậy bất luận là đá lăn nhiều thế nào cũng không thể trúng vào ngôi chùa.
Ngoài ra, Huyền Không tự là một kiến trúc được kiến tạo hoàn toàn bằng gỗ, kết cấu mộng và lỗ mộng của ngôi chùa được gọi là “kết cấu đàn hồi”, nó có thể tùy theo rung động địa chấn mà lắc lư đàn hồi, do đó phi thường hiệu quả trong việc triệt tiêu xung kích của động đất. Đây là một thiết kế có đặc tính hấp thụ rung sốc thập phần tinh tế của Huyền Không tự. Đặc tính này chính là lý do giúp Huyền Không tự ung dung tồn tại qua mọi thảm họa thiên nhiên.
Liệu ngôi chùa có phải là dựa vào 27 cột trụ sắt chống đỡ?
Hóa ra những cột sắt này là chỉ là đồ trang trí do hậu thế thêm vào; Thực tế là có 27 dầm ngang bên dưới công trình đã chống đỡ cho Huyền Không tự. Những thanh dầm này được người dân địa phương gọi là “thiết thiên đảm”, vốn là những thanh xà gỗ vuông được gia công từ loại cây thiết sam mộc – một loại cây đặc hữu của địa phương – và cắm sâu vào các hốc đá.
Trước khi đưa dầm xà vào hốc đá, người ta sẽ khoét một lỗ và chèn một cái nêm hình tam giác, dầm được đỡ bởi nêm và được cố định chắc chắn, dù có rung lắc đến đâu cũng không thể bị tuột ra. Hơn nữa, nghe nói những thanh xà gỗ này đã được tẩm dầu cây ngô đồng nên không sợ bị mối mọt, có tác dụng sát trùng. Và mỗi dầm xà đều được neo chắc chắn trên vách núi, nó đã hòa vào núi thành nhất thể, vì vậy kết cấu của nó đặc biệt mạnh mẽ.
Tuy nhiên, vào thời xa xưa ấy, cổ nhân chưa có máy móc thi công cơ giới hiện đại, vậy họ làm cách nào để khoan những lỗ vuông và sâu trên vách đá? Cổ nhân cũng không có công nghệ đổ bê tông, vậy làm cách nào để cố định các thanh xà bằng gỗ, mà việc thao tác những thanh xà gỗ này lại ở độ cao tám, chín mươi mét?
Xung quanh những mê đố này, người ta đã đưa ra nhiều suy đoán, nhưng thật khó để lý giải chúng. Bất luận là từ góc độ nghệ thuật kiến trúc hay kỹ thuật kiến trúc, Huyền Không tự đều khiến người ta thán phục, lưu lại một bí ẩn thiên cổ cho thế nhân.
Nguồn gốc của Huyền Không tự vẫn còn là một bí ẩn
Vậy ai đã xây dựng nên Huyền Không tự? Điều này vẫn còn là một bí ẩn cho đến ngày nay. Người ta nói rằng Huyền Không tự được xây dựng bởi hòa thượng Liễu Nhiên của triều đại Bắc Ngụy. Một người khác lại nói là Thiên sư đạo trưởng Khấu Khiêm (365-448 SCN) triều Bắc Ngụy, đã lưu lại một di huấn trước khi quy tiên: xây dựng một tòa tự viện giữa không trung, đạt đến “Thượng diên tiêu khách, hạ tuyệt hiêu phù”. Sau đó, các đệ tử của Thiên sư đã gây quỹ, chọn thiết kế, xây dựng thành Huyền Không tự vào năm thứ 15 của triều Bắc Ngụy (tức năm 491 SCN).
Bất luận do ai xây dựng nên, thì “Huyền Không tự” đều hiện chứng cho “chính tín” đối với Phật và Đạo của những tu hành giả, gồm “hòa thượng” và “đạo sỹ”. Từ góc độ này mà xét, những người tu hành theo Phật và Đạo cũng là những người nắm vững tri thức chân chính của khoa học. Ngôi “Huyền Không tự” này chắc chắn sẽ soi sáng trái tim mọi người như một ngọn hải đăng, và truyền cảm hứng khích lệ thế nhân khám phá những điều chưa biết vốn tồn tại từ ngàn đời trong nội hàm bác đại tinh thâm của văn hóa truyền thống.
Theo Epoch Times