“Giản dị, dân giã nhưng ẩn chứa một khát khao cống hiến cháy bỏng với nghề báo”, đó là một nhận xét ngắn gọn của một nhà báo lão thành về Đỗ Tuấn, thành viên của tạp chí Văn Hiến VN. Còn về cá nhân, tôi lại muốn nói đến những phẩm chất đáng quý của một công dân Đỗ Tuấn.
Đàm phán, tháo gỡ “quả bom xăng” ở Lạng Giang
Ngày 28/10/2021, Công an huyện Lạng Giang có Tờ trình số 94/TTr-CALG về việc khen thưởng đột xuất trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn Huyện gửi Công an tỉnh Bắc Giang. Điều lạ trong Tờ trình này là không đề nghị khen thưởng một chiến sĩ Công an mà là khen thưởng một người dân đã có công trong việc thuyết phục đối tượng chấp hành cưỡng chế thi hành án dân sự, đó là Đỗ Tuấn. Nhiều lần cùng anh mạn đàm nhưng Đỗ Tuấn luôn kín tiếng về chuyện này, chỉ đến khi biết được Tờ trình, thuyết phục mãi, Đỗ Tuấn mới chia sẻ với tôi câu chuyện việc anh tham gia hỗ trợ lực lượng Công an trong tình thế sinh tử như trong phim Mỹ.
Nhấp chén trà, anh kể lại: Khoảng hơn 9 giờ ngày 22 tháng 4 năm 2021, tôi đi làm qua thôn Tiền, Đại Lâm, Lạng Giang, Bắc Giang. Tôi thấy một người đàn ông ôm một bé gái đang trên tầng 3, luôn miệng nói sẽ ôm con nhảy xuống tự tử, xung quanh rất đông người đang tập trung. Khi tôi hỏi mọi người thì được biết Hội đồng cưỡng chế giao tài sản cho người mua tài sản bán đấu giá đối với ông Đặng Đức Thịnh, sinh năm 1979. Hội đồng cưỡng chế thi hành án đã vận động, thuyết phục Đặng Đức Thịnh tự nguyện giao tài sản nhưng Đặng Đức Thịnh không tự nguyện giao tài sản và đóng cửa cố thủ trong nhà để chống đối, sau đó đưa con gái nhỏ khoảng (8 tuổi) lên ban công tầng 3 và dọa Tổ công tác nếu cố tình cưỡng chế thì cả 2 bố con cùng nhảy xuống tự tử. Tình thế lúc này vô cùng nguy hiểm vì anh Thịnh đang trong tình trạng bị kích động mạnh, gia đình cũng có mặt kêu gọi nhưng anh Thịnh không nghe theo, cháu bé thì đang sợ hãi và khóc rất to.
Do trước đó có mối quan hệ quen biết với anh Thịnh, tôi đã liên hệ với anh Hà, Phó Trưởng Công an huyện Lạng Giang và Tổ công tác để phối hợp tuyên truyền, vận động với anh Thịnh. Khi tôi có mặt, anh Thịnh rất kích động về mặt tâm lý, dội xăng khắp nhà, cầm bật lửa doạ sẽ tự vẫn cùng toàn Tổ cưỡng chế thi hành án. Tổ công tác lùi ra sân, tôi tiến đến sát cửa ra vào trong tình thế vô cùng nguy hiểm khi xăng vẫn chảy tràn qua giày, tôi quyết tâm lại gần Thịnh, nói chuyện về gia đình, công việc và đặc biệt nhấn mạnh về những đứa trẻ, con của anh Thịnh và tương lai của chúng. Sau khoảng 15’, anh Thịnh đưa tôi bật lửa và ngồi sụp xuống sàn khóc.
Lúc này Tổ công tác nhanh chóng lại gần, phá cửa ra vào, khống chế và đưa anh Thịnh ra ngoài, tiến hành kiểm kê tài sản và bàn giao tài sản đồng thời đưa cháu bé con anh Thịnh xuống Trụ sở UBND xã Đại Lâm để tránh sợ hãi. Tổ công tác vào giải thích thông báo quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân đối với sự việc cưỡng chế này, tiến hành kiểm kê và cho người khênh tài sản (giường, tủ, bàn ghế, bếp ga…) ra ngoài sân trước cửa.
Lúc này tôi đã lên xe để về nhà thay quần áo vì toàn thân đầy mùi xăng thì đồng chí Hà lại gọi điện báo Đặng Đức Thịnh lại vào phòng ngủ tầng 1 đóng cửa cố thủ trong đó. Tổ công tác đã gọi cửa, thuyết phục nhưng Thịnh không nghe. Đã nắm bắt được tâm lý của anh Thịnh trước đó nên tôi đề xuất Tổ công tác tạm dừng việc phá cửa để tôi gọi điện thuyết phục anh Thịnh. Sau 15’ thuyết phục qua điện thoại, anh Thịnh đã đồng ý ra khỏi phòng ngủ để Tổ công tác tiếp tục kiêm kê tài sản trong phòng đó.
“Lúc tôi vào nhà anh Thịnh thì xăng lênh láng khắp nhà, tay Thịnh cầm 2 bật lửa. Lúc đó nếu lúc đó, Thịnh châm lửa thì không chỉ tôi mà cả Thịnh và Đoàn công tác đều sẽ chìm trong biển lửa” … Đỗ Tuấn chậm rãi kể lại chuyện anh đã bước một chân vào cái chết như thế. “Lúc đó anh có sợ không?” bạn phóng viên trẻ cạnh tôi bật thốt lên câu hỏi. “Lúc đó thật sự tôi không sợ mà chỉ nghĩ đến lũ trẻ của anh Thịnh sẽ ra sao nếu Bố nó châm lửa, nghĩ đến tính mạng của Đoàn công tác chứ tôi thật sự không nghĩ đến mình. Lúc thành công thuyết phục và đưa được Thịnh ra khỏi ngôi nhà, toàn thân tôi lúc đó mới bủn rủn, ngồi ghế mãi mới đứng dậy được”. Đỗ Tuấn cười hiền lành bổ sung thêm còn chúng tôi thì đổ mồ hôi lạnh khắp người và tự hỏi, nếu mình ở đó, mình có dám làm thế hay không?
Thầm lặng đóng góp hàng trăm triệu vào công tác phòng chống dịch Covid-19
Khi cuộc chiến với dịch Covid-19 chưa đến hồi kết, những hành động cao đẹp lại một lần nữa được nhân lên, thể hiện sự đoàn kết, tương thân tương ái và sự lo lắng cho sức khỏe của toàn dân cũng như vận mệnh của nước nhà. Sau 4 lần dịch bùng phát, nguồn lực của đất nước đã phải tiêu tốn rất nhiều, tuy nhiên trong “tâm bão” người Việt Nam vẫn luôn che chở, đùm bọc “lá rách ít” để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Tại Bắc Giang, lời kêu gọi toàn dân chung tay phòng, chống dịch của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, MTTQ tỉnh Bắc Giang không chỉ được cán bộ, đảng viên, nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh hưởng ứng mà khắp nơi trên mọi miền tổ quốc đã hướng về, ủng hộ cho Bắc Giang trong cuộc chiến chống dịch Covid – 19.
Trong đó phải kể đến tấm gương là gia đình Đỗ Tuấn ở thị trấn Nếnh, Việt Yên, anh cùng gia đình đã dệt lên một câu chuyện cảm động giữa cuộc chiến cam go này. Không ồn ào, cả gia đình anh Tuấn đã ngày đêm hỗ trợ người dân đặc biệt là các công nhân Khu công nghiệp đang phải nghỉ làm, cách li tại nhà. Có nguồn thu nhập chính của gia đình là đàn vịt nuôi lấy trứng, ao cá, vườn rau, anh Tuấn đã bàn với vợ trích một phần ra quyên góp, giúp đỡ bà con đang khó khăn. Mỗi ngày, gia đình Đỗ Tuấn mang 1000 quả trứng, thả lưới bắt cá và mang từng bó rau đến trực tiếp các điểm quyên góp và các chốt để các cán bộ y tế cải thiện bữa ăn hàng ngày. Bất kể nắng mưa, hai vợ chồng anh đều đặn, gửi đồ mà gia đình sản xuất được đến các điểm tiếp nhận.
Suốt 120 ngày, gia đình Đỗ Tuấn đã đóng góp gần 12 vạn quả trứng, hơn 10 tấn cá và nhiều tấn rau, trị giá hàng trăm triệu đồng cho các tổ, chốt phòng chống dịch và người dân sinh sống trong vùng cách ly tại Thị trấn Nếnh và huyện Việt Yên.
Hình ảnh hai vợ chồng Đỗ Tuấn đi xe máy, mặc đồ phòng hộ, khẩu trang kín mít chở lỉnh kỉnh rau, trứng, cá vào tận các ngõ ngách tặng bà con đã trở thành quen thuộc với người dân nơi đây. Thế nhưng, cũng như bao người âm thầm đóng góp, Đỗ Tuấn và gia đình không kể chuyện với ai, tránh thông tin cho báo chí. “Những gì mình làm được thấm vào đâu với sự hi sinh của các y, bác sĩ, chiến sĩ trên tuyến đầu. Nhiều gia đình và cá nhân khác cũng làm giống như gia đình tôi, chỉ muốn góp một phần nhỏ bé cho công tác phòng, chống dịch chứ nghĩ gì đến tuyên truyền bản thân”. Đỗ Tuấn lại cười, nụ cười hồn hậu trên gương mặt sạm đen nắng gió nhưng đầy rạng rỡ và chân thành.
Chủ tịch CLB Hội xe thiện nguyện tỉnh Bắc Giang
Những ngày Bắc Giang cách ly toàn xã hội để chống dịch, các xã, huyện trở thành những ốc đảo cô lập do toàn bộ hoạt động giao thông vận chuyển hàng hoá bị đứt gãy. UBND tỉnh Bắc Giang rất nỗ lực nhưng lượng phương tiện vận chuyển có hạn, các tài xế kiệt sức do lịch trình di chuyển dày đặc. Nguy cơ cạn kiệt nhu yếu phẩm, vật tư phòng chống dịch hiển hiện.
Lúc này, nhiều tài xế xe tải tình nguyện lao vào tâm dịch, góp sức người, sức của giúp quê hương thân yêu. Bản thân Đỗ Tuấn cũng tình nguyện tham gia vào đội hỗ trợ vận chuyện miễn phí của tỉnh Bắc Giang. Anh là một trong những người đồng khởi xướng thành lập Đội xe Thiện nguyện, hoạt động miễn phí, cùng với sự nỗ lực hoạt động không ngừng nghỉ với gần 50 thành viên khắp cả nước, 22 xe tải hoạt động gần 4 tháng bằng kinh phí tự đóng góp của các thành viên trong đội. Đỗ Tuấn và Đội xe thiện nguyện Bắc Giang đã lập nên kì tích khi vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hoá, vật tư y tế, nhu yếu phẩm cần thiết tới người dân trong khu cách li trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Khi dịch bệnh tại Bắc Giang cơ bản được kiểm soát, nhân dân tỉnh Bắc Giang với tấm lòng biết ơn nhân dân cả nước đã chủ động quyên góp nhu yếu phẩm vật tư y tế và lương thực thực phẩm gửi tới những tỉnh thành đang căng mình chống dịch. Hàng trăm tấn hàng hoá được Hội Chữ thập đỏ tỉnh tập kết nhưng vấn đề nảy sinh là vận chuyển thế nào để gửi trọn vẹn tấm lòng người dân Bắc Giang trong thời gian nhanh nhất tới nhân dân miền Nam? Sau khi bàn bạc với các thành viên CLB xe Thiện nguyện, Đỗ Tuấn đã chủ động đề xuất với Ban Dân vận Tỉnh uỷ, nhận trọng trách tổ chức đưa hàng hoá tới Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến đi đầu tiên rất quan trọng khi nó sẽ đặt ra một lịch trình cụ thể, chi tiết, ăn ở đâu nghỉ lúc nào, phối hợp đội hình đoàn xe ra sao để trong vòng 40 tiếng phải mang hàng hoá vượt 2000 km tới Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến đi đầu sẽ là một mẫu để những chuyến hàng sau di chuyển thuận lợi hơn. Mang theo áp lực cực lớn và lời hứa như “Quân lệnh” với lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và toàn thể người dân Bắc Giang, đoàn xe chở nặng tấm lòng của nhân dân tỉnh Bắc Giang đã đúng hẹn 40 tiếng đến nơi an toàn, đầy đủ và không xảy ra sự cố nào đáng kể. “Sau chuyến đi gần như không ăn, không ngủ, tôi đã nằm ngủ một mạch đúng 12 tiếng, ngủ say đến nỗi không biết gì. Chắc do tinh thần được thả lỏng sau khi đi đến nơi, về đến chốn”, một lần nữa, Đỗ Tuấn lại nở nụ cười hồn nhiên như đang kể chuyện về ai đó chứ không phải về chính anh. Đỗ Tuấn xứng đáng là một trong những công dân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong phòng chống dịch được UBND tỉnh Bắc Giang và Công an tỉnh Bắc Giang tặng bằng khen trong tổng kết công tác phòng chống dịch tại tỉnh nhà.
Tôi viết bài viết này vào ngày 30/10/2021, khi dịch bệnh lại một lần nữa bùng phát tại Bắc Giang, Việt Yên xuất hiện ổ dịch mới tại xã Thượng Lan và có dấu hiệu lan vào Khu công nghiệp. Nhưng khác với sự bi quan và lo lắng của những lần trước, tôi bình thản vì tin tưởng lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và những người dân Bắc Giang bình dị nhưng luôn đoàn kết, yêu thương nhau, và cả những người luôn âm thầm cống hiến như Nhà báo Đỗ Tuấn. Tôi tin tưởng Bắc Giang sẽ tiếp tục tạo nên một kỳ tích nữa trong công tác phòng, chống căn bệnh quái ác này để kinh tế, xã hội của tỉnh tiếp tục bay cao, bay xa.
Việt Minh