Ăn nồi cá cấn cá mại kho lá nghệ non, vắt chân lên ghế ngắm nước lụt vào bậc cửa là đặc sản của người xứ lụt đất quảng.
Chạy theo cơn mưa lúp xúp mà ra vùng ven thành phố, ở đó ruộng đồng vẫn còn, mùa này nước chảy róc rách trên ruộng, ngó chừng còn sắp nước lên. Nghe đâu nước đã lên từ phía bìa Bắc thành phố, nước lên từ sông Vu Gia.
Ở đâu có nước là ở đó có cá. Khu vườn cao thì chớ mà lỡ có nước mưa chạy vào là cá nhảy lên bở, cao ngất nghễu từ vườn rau mà có hôm bác làm vườn chộp được chú cá rô, cá lóc theo nước. Nên mới có câu má tôi hay đọc cho tôi nghe mỗi khi la rầy chúng tôi đòi hỏi cái gì quá quắc “tụi nó ức như cá ức nước“, ừ như cá ức nước.
Cá ức nước nhảy bờ, người quê kéo cái rớ bắt mớ cá nhép lộn xộn cùng bầy tép bạc vỏ mỏng tanh trong veo như mắt mèo lúp xúp. Có mớ cá cấn cá mại ruột béo mập đỏ đỏ lẫn với bầy tép bạc là nghĩ ngay đến đám lá nghệ non góc vườn.
Cá cấn cá mại phải nhớ lá nghệ non.
Ngắt mấy lá nghệ rửa sạch dùng con dao thật bén xắt mỏng mịn mớ lá. Rồi giã thêm vài củ nghệ tươi, giã nhúm nén, tất cả xóc hết vào mớ cá cấn cá mại tép bạc, thêm chút nước mắm, dầu ăn, chút đường, ít ớt nếu ăn cay còn không thì thôi. Bởi nghệ thôi đã đủ vị the the cho người mới nhập môn ăn món cá kho mặn xứ quảng.
Xóc nồi cá xíu rồi để chút cho thấm. Kho loại cá này không nên dùng nồi đáy nhỏ lớp cá dày sẽ mất ngon. Tốt nhất là kho cá trên cái chảo, lớp cá mỏng sẽ làm con cá cứng và kho thấm đến từng con cá.
Lửa kho cá vừa vừa trên chảo đến khi khô luôn nước cá chỉ còn lớp dầu đã ướp thì vừa. Cá kho vậy khi ăn sẽ không bỏ đi một tí gì bởi xương đã mềm và chuyển qua giòn, còn tới chút nghệ thì còn ngon hơn nữa.
Ăn nồi cá cấn cá mại kho lá nghệ non, vắt chân lên ghế ngắm nước lụt vào bậc cửa là đặc sản của người xứ lụt đất quảng.
Món cá cấn cá mại có vị đăng đắng mà không dùng chữ đắng, người quảng hay nói cá có vị “nhẫn nhẫn” là đúng chuẩn quảng hung.
Đường lộ ở ngay sau lưng nhà, nghe cả tiếng xe chạy ì ầm ngoài xa lộ chớ quẹo vô đây rồi thì màu xanh của cây hoà màu nước lênh láng thì quê kiểng hình như còn đủ đầy chớ có mất đi đâu./.
(Theo PLO)