Lang Lang là thần đồng âm nhạc Trung Quốc, một trong những nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng nhất thế giới hiện nay. Anh đang ở năm cuối của tuổi “tam thập nhi lập”, tuổi chín muồi nhất của một danh cầm (anh sinh năm 1982, sau hai năm NSND Đặng Thái Sơn đăng quang ở cuộc thi Chopin). Ngày 31/8/2018, nghệ sĩ piano xuất chúng này được tạp chí Times bình chọn trong top 100 người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.
Lang Lang – nghệ sĩ piano nằm trong top 100 người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới.
Ảnh Lang Lang cùng với Berliner Philharmoniker
Lang Lang thực sự đã thanh xuân hoá và tạo ra những khả năng mới cho cây đàn kinh điển số 1. Hơn thế nữa, trên cây đàn 100% Tây phương, Lang Lang còn cho thấy hoàn toàn có thể có một sự hoà điệu tuyệt vời, tự nhiên với âm nhạc phương Đông…
Siêu đẳng về kỹ thuật trong các bản nhạc kinh điển và có độ khó cao về kỹ thuật dành cho đàn piano của các nhà soạn nhạc vĩ đại Mozart, Liszt, Schumann, Haydn, Schubert với những ngón tay như lượn bay trên các phím đàn và những dòng suối nhạc tuôn trào choáng ngợp, nhưng Lang Lang vẫn cho ta thấy điều phân biệt một nghệ sĩ lớn với một “thợ đàn” chính là khả năng cảm nhận và trình diễn tác phẩm theo cách riêng của mình. Dười bàn tay anh, âm nhạc của các thiên tài âm nhạc các thế kỷ trước bỗng tươi trẻ, mới mẻ, gần gũi với chúng ta lạ lùng. Anh hiện tại là cái tên thu hút bậc nhất, đảm bảo thu nhập cho các phòng hòa nhạc cổ điển danh tiếng nhất thế giới.
Nghệ sĩ dương cầm Lang Lang biểu diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia.
Lang Lang lại nói: “Giá trị của nền âm nhạc kinh điển châu Âu đã được khẳng định và luôn được khán giả mọi thế hệ kính trọng. Nhưng cũng đã đến lúc phải chú ý tới các nhà soạn nhạc châu Á”. Không chỉ nói, Lang Lang còn dành không ít chương trình biểu diễn của mình để trình diễn những tác phẩm của các nhà soạn nhạc Á đông. Và có lẽ, anh coi đây là phần đóng góp chủ yếu của anh cho cây đàn mà anh yêu quý. Phần Lang Lang trình diễn tác phẩm của nhà soạn nhạc trẻ người Trung Quốc Tan Dun từng được giải Oscar về phần âm nhạc trong bộ phim nổi tiếng “Ngoạ hổ tàng long”, tác phẩm mang tên “Tám bản ký ức vẽ bằng màu nước” là phần hết sức thuyết phục trong một số đêm diễn của anh ở Âu Mỹ. Những giai điệu và sắc màu Trung Hoa thuần khiết với nhiều cung bậc, trạng thái bất ngờ vang lên tràn ngập rạo rực quanh ta, vừa như muốn đưa ta trở lại với cội nguồn quá khứ vừa như muốn cùng ta vưon đến tương lai. Nghe Lang Lang trình diễn tác phẩm của mình, Tan Dun nói Lang không những đã giúp anh nói được tiếng lòng mình mà còn giúp anh khám phá thêm chính bản thân mình: “Khi nghe Lang Lang đàn, tôi như nghe được tiếng lòng mình, tôi có thể ngửi thấy mùi đất quê hương tôi, giúp tôi nhớ từ đâu tôi đến và nơi tôi sẽ đi. Trong tiếng đàn của anh, tôi nghe được tiếng nói của nhân loại và sự lặng im của tạo hoá”.
Lang Lang và cha song tấu đàn nhị – dương cầm
Lang Lang còn làm chúng ta vô cùng ngạc nhiên khi trình diễn ngẫu hứng ở Nhà hát Lớn Hà Nội một số làn điệu dân ca Việt Nam với khả năng phóng tác kỳ tài và sự truyền cảm tuyệt vời. Lang Lang đã hai lần đến biểu diễn ở VN vào năm 2003 và 2018. Anh nói anh rất yêu múa rối nước, ẩm thực VN, bất ngờ trước vẻ đẹp của các cô gái và sự lịch lãm của các chàng trai VN.
Lang Lang đã nhiều lần dành phần kết thúc cũng là phần cao trào của nhiều đêm diễn là phần song tấu của anh với cha mình, nghệ sĩ đàn nhị nổi tiếng Guoren Lang, người đã suốt đời hy sinh để tạo nên cuộc đời âm nhạc phi thường của anh. Anh cho biết ở bất cứ đâu, đây cũng là phần biểu diễn được đánh giá rất cao trong chương trình biểu diễn của anh khi hai cha con anh cho thấy hoàn toàn có thể có một sự kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc cổ điển phương Tây và âm nhạc truyền thống phương Đông để tạo nên những giá trị âm nhạc mới.
Lang tâm sự: “Các nền âm nhạc có thể có phong thái khác nhau, nhưng tình cảm con người thì luôn đồng nhất. Từ nhỏ, tiếng đàn nhị của cha đã khơi gợi tình yêu âm nhạc trong tôi. Tiếng đàn ấy giúp tôi cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ trong cuộc sống. Đó cũng là những điều tôi cảm nhận được khi nghe tác phẩm của Bach, Beethoven, Chopin. Bởi vậy, tôi tin rằng nếu người phương Đông thích thú với các tác phẩm kinh điển phương Tây, thì người phương Tây cũng có thể yêu thích như thế với các bản dân ca Trung Quốc. Cây đàn Piano của tôi và cây đàn nhị của cha tôi rất giống nhau trong khát vọng nói lên những tình cảm của con người”.
Lang Lang cho biết trong tương lai, song song với việc học tập và trình diễn các tác phẩm kinh điển phương Tây, anh sẽ tập trung nhiều hơn để phát triển và giới thiệu nền âm nhạc truyền thống Trung Quốc và Á đông ra nhiều nước trên thế giới.
Anh còn mong muốn đem nhạc cổ điển đến nhiều hơn với thanh thiếu niên. Cũng như danh cầm piano của những sân vận động khổng lồ Richar Claydman, ban tứ tấu đàn dây hay nhất mọi thời đại Born, nghệ sĩ độc tấu violon giàu nhất nước Anh Vanessa Mae… Lang không thích một thứ nhạc cổ điển giam mình trong sự nghiêm trang cố chấp, trong những chiếc áo đuôi tôm, những phòng hoà nhạc sang trọng, chỉ dành cho một thiểu số người được cho là có văn hoá cao. Anh phấn đấu cho một thứ âm nhạc cổ điển không chỉ trong các phòng hòa nhạc dành cho giới quý tộc mà ở ngoài hè phố, giữa quảng trường, là cầu nối giữa tất cả mọi người, không bị ngăn trở bởi mọi hàng rào ngôn ngữ, địa lý, sắc tộc, đẳng cấp xã hội…
Anh cũng không ngần ngại biểu diễn pop rock cho thanh thiếu niên.
Anh muốn tương lai sẽ luôn rộng mở cây đàn piano thần thánh của mình.
NTK