Sau hơn 200 năm tồn tại, triều đại nhà Lý trải qua 9 đời vua với 32 niên hiệu. Tuy vậy, cho đến nay vẫn rất ít người hiểu rõ về ý nghĩa của các niên hiệu thuộc vương triều này.
Niên hiệu là danh hiệu của vị vua được đặt khi lên ngôi, đại diện cho một giai đoạn nhất định để muôn dân gọi thay cho tên chính. Vua là Thiên tử nên niên hiệu cũng phải mang ý nghĩa và giá trị biểu trưng cho sự thịnh vượng. Việc tuyên bố niên hiệu khi một niên hiệu khác vẫn được sử dụng sẽ bị coi là thách thức đối với hoàng đế đương nhiệm.
Ảnh hưởng từ Trung Quốc
Theo sử liệu, các triều đại phong kiến Việt Nam có tất cả 144 niên hiệu. Vì niên hiệu Thái Bình của nhà Đinh được dùng liên tục trong cả hai triều vua kế tiếp nhau (hai lần liên tục, nhưng coi là một vì triều vua sau chỉ tồn tại không đến 1 năm).
Niên hiệu Thuận Thiên được cả hai ông vua đầu triều của nhà Lý (Lý Thái Tổ) và nhà Hậu Lê (Lê Thái Tổ) lấy làm tên cho những năm đầu trị vì của mình (hai lần, nhưng không liên tục và ở 2 triều đại khác nhau).
Các giai đoạn lịch sử mà có tới 2 niên hiệu song song cùng tồn tại trên hai phần lãnh thổ nào đó của Việt Nam, là: Giai đoạn 1533 – 1677 (phân tranh giữa nhà Mạc và nhà Hậu Lê) và 1778 – 1793 (chuyển tiếp giữa nhà Hậu Lê và nhà Tây Sơn).
Các niên hiệu thường chỉ có 2 chữ, nhưng điều khác biệt của nhà Lý có lúc lên tới 4 chữ. Thậm chí, vua Lý Nhân Tông còn đạt kỷ lục về việc thay đổi niên hiệu, khi 8 lần thay đổi. Điều này khác biệt với nhà Nguyễn sau này, các vua chỉ dùng một niên hiệu duy nhất trong suốt thời gian trị vì của mình.
Việc đặt niên hiệu đã quan trọng, việc thay đổi niên hiệu cũng quan trọng không kém. Vua phải ban ra chiếu, thông báo rộng rãi trong cả nước và có thư hàm thông báo đến các nước bang giao. Như vào năm 2019, Nhật Bản công bố niên hiệu mới là Lệnh Hoà khi hoàng Thái tử Naruhito đăng quang, chính thức lên ngôi, trở thành Thiên hoàng thứ 126 của Nhật Bản.
Niên hiệu các triều đại ở Việt Nam chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Trung Quốc. Nhà Lý có nhiều vua đặt niên hiệu dài 4 chữ (Thiên Ứng Chính Bình, Chính Long Bảo Ứng, Càn Phù Hữu Đạo, Thiên Chương Hữu Đạo…), tương tự như nhiều niên hiệu của các vua nhà Tống (Thái Bình Hưng Quốc, Đại Trung Tường Phù, Kiến Trung Tĩnh Quốc…).
Các vua cuối thời Hậu Lê và thời Nguyễn thường đặt duy nhất một niên hiệu (như Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Gia Long, Minh Mạng…), tương tự như các vua nhà Thanh (Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, Gia Khánh…).
Thuận mệnh Trời thay thế nhà Lê
Đặt niên hiệu gần như một quy định bắt buộc mang tính quốc gia. Tuy nhiên ý nghĩa của các niên hiệu thì không phải ai cũng tỏ tường. Đặc biệt, vương triều nhà Lý ẩn chứa nhiều bí ẩn, mà sau này các nhà nghiên cứu lịch sử đã cố gắng giải mã.
Vua đầu tiên sáng lập nhà Lý là Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) ở ngôi 18 năm (1009 – 1028). Trong thời gian trị vì, Lý Thái Tổ chỉ đặt một niên hiệu là Thuận Thiên có nghĩa là Thuận với ý trời. Niên hiệu đầu tiên của vị vua nhà Lý cũng thể hiện thông điệp“mệnh Trời”, là Thiên tử xứng đáng thay thế nhà Tiền Lê.
Sau khi Lý Thái Tổ băng hà, Lý Phật Mã lên ngôi lấy miếu hiệu là Lý Thái Tông, trị vì 26 năm. Hoàng đế Thái Tông được mô tả uy dũng hơn người, bách chiến bách thắng, trải qua loạn ba vương mà lên ngôi, công danh rạng rỡ triều Lý.
Trong thời gian làm vua, Lý Thái Tông đã đặt 6 niên hiệu: Thiên Thành (1028 – 1034) – trời tác thành mà được làm vua. Thông Thụy (1034 – 1039) – điềm lành thông suốt. Càn Phù Hữu Đạo (1039 – 1042) – trời ban mệnh và phù giúp. Minh Đạo (1042 – 1044) – đạo Trời sáng tỏ. Thiên Cảm Thánh Vũ (1044 – 1049) – trời cảm ứng ban cho uy vũ. Sùng Hưng Đại Bảo (1049 – 1054) – nhờ sùng kính Trời mà được báu vật.
Vị vua thứ 3 là Lý Nhật Tôn (Lý Thánh Tông) trị vì 18 năm (1054 – 1072). Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đánh giá: “Vua khéo kế thừa, thực lòng thương dân, trọng việc làm ruộng, thương kẻ bị hình, vỗ về người xa, yên ủi người gần, đặt khoa Bác sĩ, hậu lễ dưỡng liêm, sửa sang việc văn, phòng bị việc võ, trong nước yên tĩnh, có thể gọi là bậc vua tốt”.
Trong thời gian 18 năm, vua Lý Thánh Tông đặt 5 niên hiệu: Long Thụy Thái Bình (1054 – 1058) – điềm rồng xuất hiện báo hiệu thái bình. Chương Thánh Gia Khánh (1059 – 1065) – Thánh thần phù trợ rạng rỡ, vui mừng. Long Chương Thiên Tự (1066 – 1068) – thừa tự ngôi rồng rạng rỡ của Trời. Thiên Huống Bảo Tượng (1068- 1069) – trời ban phúc cho voi quý. Thần Vũ (1069 – 1072) – biểu dương vũ lực như thần.
Vị vua có nhiều niên hiệu nhất
Vua Thánh Tông băng hà, Lý Nhân Tông lên ngôi trị vì trong suốt 55 năm (1072 – 1127). Ông là vị vua ở ngôi lâu nhất trong lịch sử. Các nhà sử học ca ngợi Lý Nhân Tông là người “nhân hiếu, có tiếng đức tốt, trọng kén chọn danh thần, đặt khoa thi tiến sĩ, cầu người hiền, nghe lời can, nhẹ thuế khóa, ít lao dịch…”.
Trong thời gian làm vua, Lý Nhân Tông đã đặt 8 niên hiệu: Thái Ninh (1072 – 1076) – thiên hạ được an ninh hạnh phúc. Anh Vũ Chiêu Thắng (1076 – 1084) – vũ lực hùng mạnh đem lại chiến thắng. Quảng Hựu (1085 – 1092) – phù hộ lan tỏa. Hội Phong (1092 – 1100) – hội tụ tốt lành. Long Phù (1101 – 1109) – điềm lành từ rồng. Hội Tường Ðại Khánh (1110 – 1119) – hội tụ các điều tốt lành lớn. Thiên Phù Duệ Vũ (1120 – 1126) – Trời phù giúp để có võ công rực rỡ. Thiên Phù Khánh Thọ (1127) – Trời phù hưởng thọ.
Vị vua thứ 5 của nhà Lý là Lý Thần Tông (Lý Dương Hoán), làm vua 10 năm (1128 – 1138). Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Vua khi mới lên ngôi hãy còn trẻ dại, đến khi lớn lên, tư chất thông minh, độ lượng nên việc sửa sang chính sự, dùng người hiền tài, thủy chung đều chính, nhiệm nặt khúc nôi, không gì sai lệch. Tuy thân mang ác tật nhưng rồi chữa lành, cũng là nhờ có ý trời cả”.
Trong 10 năm làm vua, Lý Thần Tông đặt 2 niên hiệu: Thiên Thuận (1128 – 1133) – thuận theo mệnh Trời. Thiên Chương Bảo Tự (1133 – 1138) – mệnh Trời rạng rỡ tôn quý.
Vua Thần Tông qua đời, Lý Anh Tông (Lý Thiên Tộ) lên ngôi trị vì 37 năm (1138 – 1175). Ông là người biết quản lý, điều hành chính trị, “không mê hoặc lời nói đàn bà, ký thác được người phụ chính hiền tài, có thể gọi là không hổ thẹn với trách nhiệm gánh vác” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Lý Anh Tông đặt 4 niên hiệu: Thiệu Minh (1138 1139) – nối tiếp sự anh minh. Đại Định (1140 – 1162) nghĩa là sự ổn định lớn. Chính Long Bảo Ứng (1163 – 1174) – ứng với đạo Trời. Thiên Cảm Chí Bảo (1174 – 1175) – Trời cảm động ban báu vật.
Lý Cao Tông (Lý Long Trát) thay vua Anh Tông và làm vua trong 35 năm (1175 – 1210) tuy cũng làm được một số việc mà sử sách ghi nhận là tốt, nhất là giai đoạn những năm đầu làm vua nhưng chủ yếu ham chơi, đắm chìm trong tửu sắc. Lý Cao Tông đặt 4 niên hiệu:
Trinh Phù (1176- 1186) – theo phù mệnh Trời để bền vững. Thiên Tư Gia Thụy (1186 – 1202) – điềm lành Trời ban. Thiên Gia Bảo Hựu (1202 – 1205) – Trời phù hộ họ Lý. Trị Bình Long Ứng (1205 – 1210) – rồng ứng hiện, quốc gia thái bình.
Vua Cao Tông băng hà, Lý Huệ Tông (Lý Hạo Sảm) lên ngôi trị vì 14 năm (1211 – 1224). “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: “Đến đời Huệ Tông cái rường mối hư hỏng của thiên hạ đã quá lắm mà vua thì không phải người giỏi giang cứng cáp… Thế là cái điềm nguy vong đã hiện ra rồi”. Trong thời gian làm vua, Lý Huệ Tông đặt một niên hiệu là Kiến Gia – nghĩa là xây dựng sự tốt lành.
Sau khi Lý Huệ Tông bị bức tự tử, công chúa Lý Chiêu Hoàng (Lý Phật Kim), theo sự sắp đặt của Trần Thủ Độ lên ngôi vua hơn 1 năm, thì bị họ Trần lập kế nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Tuổi thơ lên ngôi báu khi vương triều đã suy vong không thể cứu vãn, nhà Lý chấm dứt từ đây.
Lý Chiêu Hoàng chỉ đặt một niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo – đạo Trời sáng tỏ.
Trị vì 216 năm, trải qua 9 đời vua với 32 niên hiệu cho thấy nhà Lý luôn hướng tới những điều tốt lành. Tuy nhiên, cũng có đời thiên tư nhiều về những điều mang tính thần thánh, mê tín nên ít nhiều có ảnh hưởng tác động đến việc chọn và đặt niên hiệu.
Theo Giáo dục & Thời đại