Đêm nay, chương trình Con đường Âm nhạc của VTV lại dành nói về Thanh Lam, năm ca sĩ này 52 tuổi. Tôi chợt nhớ bài tôi viết về chị “Nắng quái Thanh Lam” nhân xem live show Nắng lên cũng của VTV trong chương trình “Âm nhạc và những người bạn” cách đây 17 năm. Đó là đêm 18/7/2004 khi Thanh Lam 35 tuổi, tuổi những tưởng chị sẽ sắp giã từ đời sống nhạc trẻ. Kỳ lạ thay đến nay những gì tôi được nghe thấy trong Con đường Âm nhạc của chị vẫn như những gì đã nghe thấy 17 năm trước. Thanh Lam không phải là ca sĩ của số đông, không nhiều người thích xem chị, nhưng khi chị thật là mình thì rất đáng nghe.Tôi nghĩ không cần phải viết gì thêm về “lão bà” của nhạc Pop VN…Còn sống còn hát, Thanh Lam vẫn luôn là Thanh Lam, ăn mặc thế, hát thế, khóc cười thế. Ai yêu sẽ thêm yêu, ai ghét sẽ càng ghét. Dù sao, trung thành đến cùng với mình, như Thanh Lam, không hề dễ…
Diva Thanh Lam
Quả là nắng đã rực rỡ trong live show của “người đàn bà hát” này. Không phải là một thứ “nắng mai” hồn nhiên, rộn rã như trong ca khúc mở màn “Nắng lên” của nhạc sĩ trẻ Lê Minh Sơn mà là một thứ “nắng quái chiều hôm” cô đặc mà đắm đuối, cái ánh nắng kết tụ tinh lực cả đời của một ngôi sao. Một trang trí giản dị bất ngờ đối với một live show nhạc trẻ kể cả các live show trong chương trình “Âm nhạc và những người bạn” của VTV. Không có các nhóm múa minh hoạ. Tiết chế tối đa việc sử dụng màu sắc trang phục và ánh sáng. Hình như Thanh Lam và những người bạn của mình đã tướt bỏ tất cả những vật trang sức không cần thiết. Họ chỉ muốn đem tới cho người hâm mộ những gì thuộc về âm nhạc, thực là âm nhạc. Chỉ chọn 12 ca khúc: 3 bài của Trịnh Công Sơn, hai bài của cha mình, nhạc sĩ Thuận Yến, một của Thanh Tùng, một của Phó Đức Phương và 5 bài của nhạc sĩ trẻ Lê Minh Sơn, nhưng Thanh Lam không chỉ chứng minh được tài năng phong phú và bản lĩnh đỉnh cao của mình mà còn đem đến cho người xem những sáng tạo bất ngờ thú vị. “Nhìn những mùa thu đi”, “Ướt mi”, “Ru em từng ngón xuân nồng” là cách thể hiện những tác phẩm thủ thỉ tâm tình bất hủ của nhạc sĩ thiên tài họ Trịnh theo cách rất “Thanh Lam”: nồng cháy và dữ dội. Nếu “Chia tay hoàng hôn” thật rắn rỏi hiện đại thì “Em tôi” lại hết sức mềm mại, dân giã. Nếu “Giọt nắng bên thềm” là một thứ nhạc nhẹ “trung tính” quen thuộc thì “Huyền thoại hồ Núi Cốc” được Thanh Lam trình bày theo phong cách acapella không nhạc đệm cùng 3 người bạn trẻ Khánh Linh, Ngọc Huy, Phương Uyên lại hấp dẫn lạ lùng, có lẽ đã làm ngạc nhiên cả chính tác giả của ca khúc. “Mẹ mong”, “Nơi đàn cò bay đi”, “Người ở, người về”, “Ôi quê tôi”, là sự đồng cảm sâu sắc với những trăn trở của người nhạc sĩ trẻ khi cảm nhận những vấn đề của cuộc sống hiện đại từ vang vọng của những âm hưởng truyền thống. Ở những tác phẩm có tính chất “phá cách” của người nhạc sĩ trẻ này, Thanh Lam đã làm cho những giai điệu có vẻ trúc trắc, nghịch nhĩ, đứt đoạn trong các ca khúc của anh trở nên tự nhiên, thanh thoát, liền mạch và giàu sức chinh phục hơn nhiều những ca sĩ trẻ “chuyên trị” ca khúc Lê Minh Sơn như Ngọc Khuê, Tùng Dương trình bày trong “Sao Mai Điểm hẹn” vừa qua. Đúng là Thanh Lam đã tìm lại được sự phiêu linh trong âm nhạc như chị nói khi những gì chị hát cho chúng ta nghe như đều vắt ra từ trái tim chân thành, và đặc biệt là từ tiềm thức sâu thẳm của người ca sĩ. Cách cảm nhận và xử lý tác phẩm tinh tế và độc đáo của Thanh Lam đã nhận được sự chia xẻ và hỗ trợ tuyệt vời của nhạc sĩ phối khí Trần Mạnh Hùng và biên tập chương trình Lê Minh Sơn. Các bản phối để Thanh Lam hát trên nền dàn dây gồm violon và cello, hoặc ghi ta và violon như “Ru em từng ngón xuân nồng”, “Ướt mi”, “Chia tay hoàng hôn” rất giàu cảm xúc. Việc đưa đàn nhị vào bản phối bài “Em tôi” hay đàn bầu và dàn trống dân tộc vào bản phối bài “Ôi quê tôi” không chỉ là cách trang điểm hình thức mà thực sự làm tăng sức chinh phục của tác phẩm.
Xem “Nắng lên” của Thanh Lam, không ít người mượn cái từ “Diva” của thị trường nhạc nhẹ thế giới tấn phong cho chị là “Diva” số 1 của nhạc nhẹ Việt Nam. Thực ra, tôi nghĩ một ca sĩ có thiên hướng “vị nghệ thuật” như Thanh Lam không thích hợp lắm với những vinh danh kiểu như “Nữ hoàng” hay “Diva” của âm nhạc đại chúng. Chị chưa bao giờ hoàn toàn là con người của thị trường. Ngay trong lúc nổi tiếng nhất của mình, Thanh Lam chưa bao giờ có sức thu hút rộng rãi của một Phương Thanh, một Mỹ Tâm, một Lam Trường, thậm chí cát xê của chị do các bầu sô chi trả cũng chưa bao giờ vượt được Mỹ Linh, Hồng Nhung, Trần Thu Hà. Thanh Lam cũng đã từng bị cám dỗ “ra chợ” với những “Bên em là biển rộng” hay “Hoa cỏ mùa xuân” nhưng rồi chị dừng bước ngay vì không muốn bị đánh mất mình (hay không có khả năng tự đánh mất mình?) khi chạy theo đồng tiền và những danh vọng nhất thời. Với 6 album đã ra mắt: “Thiện thanh”, “Em và tôi”, “Cho em một ngày”, “Ru đời”, “Tự sự”, “Mây trắng bay về” và live show “Nắng lên” hôm nay, Thanh Lam có thể không phải là “Diva” số 1 hay “Nữ hoàng” của thị trường nhưng chắc chắn là ngôi sao có cá tính nhất và giàu sáng tạo nhất hiện nay, nhất là khi cô ca sĩ xuất thân là một học sinh đàn tỳ bà này thể hiện rõ tâm huyết tìm đến một thứ nhạc nhẹ giàu chất cổ điển và đậm màu sắc Việt Nam.
Ở tuổi 35, cái tuổi “hoàng hôn” của một cuộc đời nhạc nhẹ, Thanh Lam cho thấy chị vẫn chưa “về già” mà mới đang “chín tới” với giọng hát sung mãn và năng lực sáng tạo dồi dào hơn bao giờ hết. Không còn một Thanh Lam gầm gào, dữ tợn một cách hình thức, vô lý như trước đây. Những vinh quang và cay đắng, thành công và vấp ngã, hạnh phúc và bất hạnh trong cuộc đời và sự nghiệp đã tạo ra một Thanh Lam rực cháy mà đằm thắm, ào ạt mà đậm đà, bộc trực mà chín chắn như ta chưa từng biết. Tất nhiên, ta vẫn mong Thanh Lam bớt đi một chút kỹ thuật, một chút cường điệu để giọng hát “thật” hơn, “giản dị” hơn và vì thế sẽ giàu sức sống hơn, sẽ gần gũi và quyến rũ hơn như tính cách “bụi bặm” đáng quí của chị…
NTK