Tin sáng 22/10: Hơn 20% doanh nghiệp dùng vốn nhà nước Việt Nam thua lỗ gần 34.000 tỷ đồng

8:39 | 22/10/2021

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

– Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 877.537 ca mắc COVID-19, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.911 ca nhiễm).

– Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 872.811 ca, trong đó có 795.307 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 01/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn.

+ Có 17 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (422.201), Bình Dương (227.328), Đồng Nai (60.081), Long An (33.999), Tiền Giang (15.331).

Bắt Giám đốc công ty xăng dầu lớn nhất Vũng Tàu

VnExpress – Chiều 21/10, bà Mai Thị Dần, 56 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Hà Lộc bị VKSND Đồng Nai phê chuẩn lệnh bắt tạm giam để điều tra hành vi Buôn lậu liên quan đến đường dây sản xuất 200 triệu lít xăng giả.

Sáng cùng ngày, hàng chục cảnh sát vũ trang đã bao vây cảng biển, trụ sở Công ty Hà Lộc tại TP Vũng Tàu. Sau nhiều giờ khám xét, lực lượng chức năng thu giữ nhiều tài liệu liên quan, niêm phong nhiều bồn chứa xăng cỡ lớn và một số giấy tờ sổ sách kế toán.

Ngoài bà Dần, Công an Đồng Nai cũng mời làm việc một số người liên quan để làm rõ hành vi buôn lậu của bà Dần. Trong đó, có ông Nguyễn Đức Chuyên (chồng bà Dần) và kế toán công ty.

Động thái được Công an Đồng Nai đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra đường dây sản xuất xăng giả do đại gia Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ở TP HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (64 tuổi, quê Vĩnh Long) cầm đầu.

Công ty Hà Lộc là doanh nghiệp chuyên vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương với hàng loạt cảng biển lớn khu vực phía Nam. Ngoài ra, công ty này còn chuyên xử lý chất thải và buôn bán nhiên liệu khí lỏng, rắn… và đa ngành nghề khác. Đây cũng là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất ở Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực phía Nam.

Đừng run rẩy, sợ trách nhiệm quá khi chống dịch

Thanh Niên – Thảo luận tại tổ ngày 21/10, các đại biểu cho rằng ở một số nơi lãnh đạo còn tình trạng lo lắng, sợ hãi tới mức run rẩy không dám quyết định trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Góp ý kiến, nhiều ĐB lo lắng về việc trước đó chúng ta khóa cửa quá lâu, diễn biến dịch còn phức tạp nên các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (đoàn Vĩnh Phúc), cho biết Bộ đã trao đổi với một số DN lớn như Adidas, Apple… và được phản hồi Việt Nam thời gian qua đã giãn cách xã hội trong thời gian tương đối dài, nên một số đơn hàng không đáp ứng được. “Do đó, họ phải chuyển một số đơn đặt hàng đi, tuy nhiên hiện cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang phục hồi và còn tiếp tục mở rộng”, ông Sơn nói.

Liên quan công tác điều hành chống dịch, ĐB Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh (đoàn Đồng Nai) nói, có những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành “không thể cứ đổ lỗi do COVID-19”. Chẳng hạn, Thủ tướng gọi điện trực tiếp đến cấp xã nhưng cấp tỉnh có những người không nắm được nội dung. Trong điều hành KT-XH có tình trạng lo lắng quá, run rẩy sợ trách nhiệm không dám quyết. “Lo thì đúng nhưng sợ mà run quá không dám đưa ra các quyết sách thì không ổn. Chúng ta cần chuyển trạng thái căng ra chiến đấu với COVID-19 sang điều hành linh hoạt, hiệu quả; đồng thời phải chấn chỉnh một cách nghiêm khắc đối với những vị trí, cá nhân không làm tròn bổn phận, trách nhiệm”, ĐB An đề xuất.

Việt Nam lên tiếng việc Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông

BNGVN – Hôm 21/10, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc thực hiện bắn đạn thật ở Biển Đông, nói rằng Việt Nam “nhất quán chủ trương mong muốn Biển Đông là khu vực hoà bình, ổn định.”

Trước đó, kênh CGTN của Trung Quốc, vào ngày 19/10 công bố video các máy bay tiêm kích bom JH-7 của đơn vị không quân hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ Trung Quốc thực hiện diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông trong thời gian vừa qua.

Trong video, các tiêm kích bom mang theo nhiều loại vũ khí bay ở độ cao cực thấp để tránh radar và hệ thống phòng không đối phương giả định.

Theo thông cáo trên trang web của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn khẳng định Việt Nam nhất quán chủ trương mong muốn Biển Đông là khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Từ TP.HCM, ông Đinh Kim Phúc, một chuyên gia về Biển Đông, nói với Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ rằng:

“Tham vọng về chủ quyền biển đảo của Bắc Kinh đối với Biển Đông thì họ tự nhận rằng họ đã có chủ quyền từ hàng ngàn năm, như vậy là trái lại tất cả chủ quyền lịch sử trong khu vực cũng như trái với Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

“Hành động của Trung Quốc luôn luôn đẩy khu vực Biển Đông lên bờ vực chiến tranh, bắt đầu từ khi Trung Quốc thành lập cái gọi là Tam Sa vào năm 2007 cho đến nay.

“Nguy cơ xung đột trên Biển Đông không còn là nguy cơ tiềm ẩn nữa mà nó sẵn sàng có một cuộc chiến tranh cục bộ, hay tổng lực để giải quyết vấn đề chủ quyền và an ninh khu vực.”

Ông Đinh Kim Phúc nhận định rằng tham vọng của Trung Quốc đe dọa đến quyền lợi tất cả các nước Đông Nam Á, nhất là các nước có liên quan đến chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

Hơn 20% doanh nghiệp dùng vốn nhà nước Việt Nam thua lỗ gần 34.000 tỷ đồng

Voatiengviet – Có đến 21% trong số các doanh nghiệp thuộc nhà nước Việt Nam hoặc có một phần vốn nhà nước bị thua lỗ đến hơn 30 nghìn tỷ đồng trong năm 2020, các báo trong nước đưa tin.

Dẫn lại một báo cáo của chính phủ Việt Nam gửi tới quốc hội nói về hoạt động của các doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước trong năm 2020, các báo trong nước cho hay Việt Nam có 807 doanh nghiệp hoạt động với toàn phần hoặc một phần vốn do nhà nước góp.

Trong đó, chiếm hơn một nửa là các doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước, chiếm gần 1/4 là các doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn, số còn lại là các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn.

Mảng tối trong bức tranh mà báo cáo của chính phủ đưa ra là có 124 doanh nghiệp hoàn toàn thuộc nhà nước làm ăn kém hiệu quả và vẫn còn lỗ lũy kế trong năm 2020 lên đến tổng cộng gần là 31 nghìn tỷ đồng.

Nếu tính chung cả những doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước, có 169 trên 807 doanh nghiệp, tương đương xấp xỉ 21%, còn lỗ lũy kế với tổng số là gần 34 nghìn tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp có số lỗ lũy kế lớn bị nêu tên là Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ gần 5.400 tỉ đồng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ gần 3.200 tỷ đồng, và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ hơn 1.200 tỷ đồng.

Bản báo cáo cho biết rằng trong cùng năm, 15% trong số 807 doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp gắn với nhà nước chịu lỗ phát sinh với tổng cộng lên đến gần 16 nghìn tỉ đồng. Chiếm hầu hết con số đó, tới hơn 15 nghìn tỷ đồng là số lỗ phát sinh của 79 doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ từ 50% vốn trở lên.

Gây chú ý trong bản báo cáo gửi quốc hội được báo chí trích đăng là một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn dùng vốn nhà nước. Trong đó, riêng Tổng công ty Hàng không Việt Nam chịu lỗ phát sinh là hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Ở mức độ lỗ nghìn tỉ có Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thua lỗ phát sinh hơn 1.600 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ phát sinh gần 1.200 tỷ đồng.

Số các hãng, tập đoàn nhà nước lỗ ở mức trăm tỉ được nêu ra gồm Tổng công ty Du lịch Sài Gòn lỗ phát sinh 318 tỷ đồng, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (Đài Truyền hình Việt Nam) lỗ phát sinh 265 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực Miền nam lỗ phát sinh 210 tỷ đồng, Tổng công ty cổ phần Xây dựng và công nghiệp Việt Nam lỗ phát sinh 154 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp lỗ phát sinh 102 tỷ.

Bên cạnh đó là rất nhiều các hãng nhà nước lỗ ở mức vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.

Mảng sáng của bức tranh, theo báo cáo của chính phủ, là tính chung các doanh nghiệp dùng vốn nhà nước có lãi phát sinh trước thuế đạt gần 163 nghìn tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng con số này bị giảm 22% so với năm 2019.

Vẫn bản báo cáo cho biết tính tới hết năm 2020, tổng vốn mà nhà nước Việt Nam đầu tư vào 807 doanh nghiệp là xấp xỉ 1,6 triệu tỷ đồng.

Hậu Giang: không chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với việc đi lại của người dân

Ngày 21/10, Sở Y tế tỉnh Hậu Giang có công văn về việc hướng dẫn tạm thời các biện pháp về chuyên môn y tế trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, tỉnh không chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với việc đi lại của người dân; chỉ thực hiện xét nghiệm đối với các trường hợp đến tỉnh từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế (vùng phong tỏa) hoặc không xác định rõ khu vực phân cấp độ dịch; các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ như xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở…;

Xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan y tế thực hiện tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị…; đối với các nhóm nguy cơ (các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người…) như: Lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper),…

Cùng với đó, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngẫu nhiên cho người có nguy cơ lây mắc COVID-19 cao.

Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch, địa phương quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp.

Tỉnh Hậu Giang cũng thực hiện biện pháp cách ly y tế, theo dõi sức khỏe các trưởng hợp F1, F2, người đến từ địa bàn có dịch hoặc khu vực xác định đang có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế.

 

Tổng hợp 

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth