Sau đúng 4 năm cho ra mắt triển lãm ảnh Văn Cao (2013) công bố rất nhiều bức ảnh xúc động chưa bao giờ công bố về người nghệ sĩ thiên tài rất được người dân Việt ngưỡng mộ, người mà anh cảm nhận “không có ai khổ bằng ông”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán lại bất ngờ tung ra một triển lãm ảnh chuyên đề không ai có thể nghĩ tới: “Nhạc trưởng”.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán.
Cuộc triển lãm mang tên “Nhạc trưởng” của Nguyễn Đình Toán do tạp chí Xưa và Nay phối hợp với Hội quán Di sản tổ chức tại Khách sạn Thăng Long Opera Hà Nội từ ngày 17 đến 23/9/2017, trưng bày 51 chân dung nhạc trưởng nổi tiếng trong và ngoài nước với 51 ảnh khổ lớn. Không ngờ chàng nghệ sĩ nhiếp ảnh vốn là lính chiến này lại là một người mê nhạc cổ điển. Anh luôn có mặt tại Nhà hát Lớn khi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn. Nhờ thế, Nguyễn Đình Toán đã có một kho ảnh lớn các nhạc trưởng trong những giờ phút thăng hoa cùng dàn nhạc giao hưởng, trong đó có những nhạc trưởng nhiều nước trên thế giới như Yoshikazu Fukumura, Honna Tetsuji (Nhật), Graham Sutcliffe (Anh), Donan Wilson, Charier Ansbacher (Mỹ), Lior Sambadal (Israel)…và các nhạc trưởng quen thuộc nhiều thế hệ của nước ta như Trọng Bằng, Đàm Linh, Nguyễn Thiện Đạo, Trần Quý, Đỗ Hồng Quân, Lê Phi Phi, Đỗ Dũng, Nguyễn Thiếu Hoa, Doãn Nguyên …
Nhà thơ Hoàng Cầm ngồi bên dòng sông Đuống đã được ông đưa vào văn học. Ảnh : Nguyễn Đình Toán
Nguyễn Đình Toán cho biết chụp ảnh các nhạc trưởng đang chỉ huy biểu diễn có nhiều cái khó. Trước hết, đó là việc phải chụp từ trên sân khấu xuống và không được sử dụng đèn flash. Một lần bấm máy nếu không tế nhị sẽ phân tán tư tưởng của các nhạc công. Có những khoảnh khắc rất đẹp mà anh rất muốn bấm máy nhưng phải kiềm chế bởi làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến buổi biểu diễn. Anh thường phải canh chờ rất lâu để bắt được những khoảng khắc thần sắc thăng hoa của nhạc trưởng hay sự giao hòa đặc trưng giao hưởng giữa các nhạc công và nhạc trưởng thì mới bấm máy.
Nhạc trưởng Nguyễn Thiên Đạo ngày 8/10/2014
Một cái khó nữa với riêng Nguyễn Đình Toán là sự hạn chế của cái máy ảnh của anh. Chụp chân dung nhạc trưởng là chụp một chân dung động, muốn có được một bức hình động thật đẹp thì phải có những máy ảnh cao cấp hiện đại mà anh không có khả năng sở hữu. Anh phải khắc phục bằng cách chụp nhiều lần, có khi đi cả buổi đi xem cũng chỉ “bắt” được 1 đến 2 kiểu mà cũng chưa thật ưng lắm. Anh đặc biệt tiếc khi không thể ghi được những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt các nhạc trưởng trong những buổi diễn mà mắt anh thấy rõ mồn một nhưng máy ảnh của anh chưa đủ tính năng để ghi lại.
Theo Nguyễn Đình Toán, chính sự trở lại của chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” dịp 2-9 năm 2017 đã gợi ý cho anh mở ra cuộc triển lãm ảnh độc đáo này. Anh rất vui vì sự trở lại của chương trình hòa nhạc Quốc gia thường niên rất được trông đợi này sau một thời gian gián đoạn nên đã chúc mừng bằng việc làm ngay hơn 20 bức ảnh các nhạc trưởng trưng bày tại sảnh Nhà hát Lớn Hà Nội nhân ngày diễn ra “Điều còn mãi” lần thứ 7. Buổi trưng bày gây ấn tượng mạnh và một số bạn bè, nhất là nhà sử học Dương Trung Quốc đã cổ vũ anh tổ chức cuộc triển lãm ảnh “Nhạc trưởng” (chính anh Quốc đã bỏ 7 triệu tiền túi giúp Toán in phóng ảnh thêm để triển lãm). Cuộc triển lãm chưa hẳn đã bao gồm các tác phẩm đặc sắc nhất của Nguyễn Đình Toán về đề tài thú vị này bởi anh chưa đủ thời gian khai thác hết kho phim, thẻ tích lũy hơn 20 năm về các nhạc trưởng của mình.
Được biết, vị “Thống đốc Ngân hàng ảnh văn nghệ sĩ Việt Nam” Nguyễn Đình Toán (theo cách gọi của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo) mê nhiếp ảnh từ lúc còn là chiến sĩ Đại đội 2, Trung đoàn 220, Sư đoàn 361. Trong thời gian ở quân ngũ, niềm đam mê nhiếp ảnh ngấm vào trong anh từ lúc nào không biết nên mặc dù điều kiện kinh tế gia đình khó khăn anh vẫn dành dụm để mua một chiếc máy ảnh rồi tự thiết kế buồng tối tráng phim, in phóng ảnh riêng cho mình.
Sau đó, khi xuất ngũ, hơn 30 năm nay, nhất là khi về hưu tình nguyện làm phóng viên không lương cho tạp chí Xưa Nay, anh đã kiên trì theo đuổi bộ môn nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, nhất là tiền bạc này. Cho đến nay, dù tiếng đã nổi như cồn về ảnh văn nghệ sĩ, được bạn bè phong đến chức “thống đốc” như trên nhưng Nguyễn Đình Toán vẫn chưa đủ tiền để sắm được một chiếc máy ảnh đủ khả năng “chiến đấu”. Thu nhập của anh chủ yếu vẫn là chút nhuận bút “còm” từ báo chí cho các bức ảnh chân dung để đời của mình, phải tằn tiện chi tiêu cho phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Nhưng cũng chẳng mấy khi anh có nhuận bút vì hầu hết các bức ảnh đều được nhiều tòa soạn vô tư dùng chùa, thậm chí không biết tác giả là ai để đề tên. Tuy nhiên, Nguyễn Đình Toán nói anh sẽ gắn bó cả cuộc đời mình với niềm đam mê nhiếp ảnh. Nguồn động viên lớn nhất của anh là sự ủng hộ vô điều kiện của gia đình, đặc biệt là vợ anh, một bác sĩ quân y, đã gánh vác các trọng trách gia đình để tạo điều kiện tối đa cho anh theo đuổi đến cùng niềm đam mê của mình.
Nguyễn Đình Toán bắt đầu chụp chân dung các nhạc trưởng từ năm 1992, vì vậy có những bức là ảnh đen trắng, chụp bằng phim chứ không phải chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số như hiện nay. Hầu hết các buổi biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam anh đều tìm đến xem và hình ảnh các nhạc trưởng đã lôi cuốn anh. Nhạc trưởng mà anh chụp nhiều nhất là Lê Phi Phi. Anh chụp nhạc trưởng này từ năm 1996 đến nay. Đơn giản là vì Lê Phi Phi là nhạc trưởng chỉ huy rất nhiều chương trình của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam mà anh được xem, lại là một nhạc trưởng có gương mặt khả ái, phong cách chỉ huy đĩnh đạc khá tiêu biểu.
Ngoài ra, nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji cũng là một trong những nhạc trưởng Nguyễn Đình Toán chụp nhiều bởi ông đã chỉ huy nhiều chương trình biểu diễn tại Việt Nam. Trong buổi khai mạc triển lãm, nhạc trưởng Honna Tetsuji cũng đến dự và tỏ ra rất thích thú những tác phẩm mà anh chụp ông cầm đũa chỉ huy tại Việt Nam.
Nhạc sĩ Văn Cao (phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dịp Tết Nhâm Thân 1992. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Sau Văn Cao và “Nhạc trưởng”, vào dịp tạp chí Văn hiến VN tổ chức hội thảo “Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc” tháng 12/2018, dù nghèo, tôi cũng dành ít tiền mời Nguyễn Đình Toán cùng Trần Hồng, Trần Định tổ chức trưng bày ảnh về Đại tướng. Chúng tôi không ngờ Nguyễn Đình Toán có hẳn một kho ảnh rất quý về Đại tưởng, phong phú chẳng thua gì Trần Hồng, Trần Định, những nghệ sĩ được ăn lương để chụp ảnh Đại tưởng, đặc biệt là ảnh Đại tướng với văn nghệ sĩ, các nhà báo, nhà khoa học, trong đó bức ảnh chụp Đại tướng với nhạc sĩ Văn Cao mồng 6 tết năm 1992 thực sự là một kiệt tác. Năm ngoái, trong nhịp giỗ đầu người bạn thân Nguyễn Trọng Tạo, nhân buổi ra mắt bộ sách “Tuyển tập Nguyễn Trọng Tạo”, Nguyễn Đình Toán cũng lục tìm và in phóng để trưng bày đến 70 bức ảnh chân dung Nguyễn Trọng Tạo hết sức chân thật sống động, trong đó có nhiều bức ảnh mà dù có mặt cùng Toán “trên từng cây số”, khi còn sống Nguyễn Trọng Tạo cũng không hề biết. Tôi nhớ mãi hôm Toán cùng tôi và Trần Định, Thanh Thảo, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Thụy Kha, Phương Bình lên thăm Nguyễn Trọng Tạo ở chung cư Linh Đàm trước khi anh mất ít ngày, Toán lặng lẽ đi lại bấm máy suốt buổi, vừa bấm vừa lau nước mắt, cố để anh Tạo không biết anh khóc.
Năm ngoái, trong dịp Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức họp mặt nhân ngày Giỗ Tổ tại Nhà hát Lớn, Nguyễn Đình Toán cũng tổ chức trưng bày hơn 70 bức ảnh các nghệ sĩ sân khấu lão thành, trong đó có bức chân dung tuyệt đẹp của ba tôi, nhà nghiên cứu soạn giả Mịch Quang, mà dù cũng thân với anh, tôi chưa hề được biết. Đây là bức chân dung đúng nhất về ba tôi, cả diện mạo và bi kịch của cuộc đời thể hiện trong thần sắc cũng như nỗi ưu tư về sự mong manh của nghệ thuật truyền thống ngày hôm nay. Khi tôi điện cảm ơn, Toán cho biết anh có hẳn một seri chân dung chụp ba tôi mà anh chưa từng công bố, anh sẽ phóng tặng gia đình.
Và năm tới, kỷ niệm 100 năm sinh Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Toán sẽ tiếp tục làm bất ngờ chúng ta bởi những bức ảnh chưa từng công bố về nhà thơ mà anh rất yêu mến và chụp ảnh nhiều hơn bất cứ văn nghệ sĩ nào.
Với kho ảnh khổng lồ chưa thể khai thác số hóa, nghệ sĩ ảnh chân dung văn nghệ sĩ số 1 của đất nước Nguyễn Đình Toán sẽ còn có không chỉ là những bức ảnh mà những seri ảnh nhân vật làm bất ngờ, làm sững sờ tất cả chúng ta vì các giá trị lịch sử nhân văn to lớn của chúng. Đó là những tác phẩm nghệ thuật thực sự vô giá.
Nhưng có lẽ điều làm chúng ta bất ngờ nhất là việc nghệ sĩ nhiếp ảnh lớn này vẫn là người “ngoại đạo” của giới nhiếp ảnh nước nhà. Anh chưa là Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN và chưa bao giờ có ai có ý định xem xét để tặng bất cứ giải thưởng nghệ thuật nào cho anh, tất nhiên trong đó có giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh…
Anh Toán vốn không màng điều này. Nhưng những người có trách nhiệm với văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà chẳng lẽ lại không?
Nguyễn Thế Khoa