Nhân 8 năm ngày mất của thượng tướng Nguyễn Nam Khánh.
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh.
Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh (20/2/1927 – 20/10/2013) trong một gia đình công nhân trong một xưởng dệt của Pháp ở huyện Tây Sơn, Bình Định, năm 17 tuổi Nguyễn Nam Khánh đã sớm tham gia hoạt động cách mạng và năm 18 tuổi đã trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông gia nhập vệ quốc đoàn và từ một chiến sĩ ông đã trở thành cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn rồi sư đoàn trong kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Liên Khu 5. Tập kết ra Bắc năm 1955, Nguyễn Nam Khánh từng được giao trọng trách thành lập và là chính ủy lữ đoàn dù đầu tiên và duy nhất của quân đội nhân dân VN. Năm 1964, ông được cử làm Phó chính ủy sư đoàn 304 và cũng ban lãnh đạo sư đoàn đưa sư đoàn chủ lực này hành quân vượt Trường Sơn kịp có mặt tại chiến trường Tây Nguyên để tham gia chiến dịch Plây me, làm chủ công trong trận Ia Drang nổi tiếng, vây diệt sư đoàn kỵ binh bay số 1 khét tiếng của quân lực Hoa Kỳ, trận thắng đầu tiên của quân đội ta trước quân xâm lược Mỹ tại chiến trường miền Nam. Sau đó, ông là Chính ủy sư đoàn 3 Sao vàng, Chủ nhiệm chính trị rồi Phó chính ủy quân khu 5, Khu ủy viên khu 5. Sau ngày toàn thắng, ông được điều ra lại thủ đô Hà Nội và từ năm 1979 đến năm 1996, suốt 17 năm liền ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương, là một trong những vị lãnh đạo có uy tín lớn của quân đội thời gian này. Năm 1997, ở tuổi 70, ông mới được cho nghỉ công tác.
Tôi biết thượng tướng Nguyễn Nam Khánh khi vào công tác ở chiến trường khu 5 đầu những năm 1970 nhưng chỉ thực sự được tiếp xúc gần gũi với ông khi tham gia hoạt động trong Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy vị tướng lừng danh từng 30 năm trận mạc này lại là một con người hiền hậu, cả tin và đầy lòng vị tha. Tôi hiểu vì sao các bạn văn nghệ sĩ trong quân đội tôi quen từng công tác dưới sự lãnh đạo của tướng Nguyễn Nam Khánh thường gọi ông là một ông “Bụt sống” của họ. Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh là hiện thân của lòng tốt và sự ngay thẳng. Ông rất ghét mọi sự ồn ào, đao to búa lớn, hình thức khoa trương, ông đối xử cởi mở chân thành với tất cả mọi người, luôn nhiệt tình vô tư giúp đỡ bất kể ai gặp khó khăn cần đến ông từ việc nhỏ đến việc lớn. Ông vận động nhiều tướng lĩnh quân đội trong đó có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tham gia vào các hoạt động của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dấn tộc. Ông cùng GS Hoàng Chương gặp các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề nghị ủng hộ thiết thực cho Viện. Ông rất say mê văn hóa truyền thống dân tộc, ông kể rằng mình đã từng diễn hát bội, thích hô bài chòi, ông thuộc nhiều ca dao, tục ngữ Bình Định và miền Trung. Đặc biệt, thượng tướng Nguyễn Nam Khánh luôn trăn trở thao thức với thời cuộc của đất nước. Những năm tạp chí Văn hiến Việt Nam của chúng tôi đóng trụ sở ở phố Lý Nam Đế gần nhà ông, hầu như tuần nào ông cũng ghé thăm chúng tôi vài lần, nhắc nhở chúng tôi phải biết quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng của đất nước. Ông thường ngồi tâm sự rất lâu với tôi những ưu tư day dứt của ông trước việc những giá trị cao quý dần bị lãng quên, coi thường, tình trạng băng hoại đạo đức của con người, nạn tham nhũng tràn lan và sự khủng hoáng niềm tin của nhân dân. Ngày ông Trần Kiên, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương mất, ông đem đến cho tôi một bài viết rất xúc động về người cộng sản liêm chính này, ông nói với tôi: “Anh Khoa cho in ngay nhé! Bây giờ chính là lúc chúng ta cần lắm những người như anh Trần Kiên”. Tôi nhớ, đâu khoảng đầu năm 2005, ông ghé thăm chúng tôi, đi lại rất khó khăn và có vẻ rất buồn. Ông kể với tôi chuyện ông vừa có tâm thư gửi lãnh đạo Đảng đề nghị kiên quyết đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm những âm mưu bè phái đen tối, vu cáo hãm hại các vị lãnh đạo và nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước không cùng phe cánh, đe dọa sự tồn vong của Đảng. Tôi có phong phanh biết chuyện này, chưa biết đúng sai thế nào, và như nhiều người, vừa cảm phục vừa lo lắng cho ông. Tôi nói như năn nỉ ông: “Bác ơi, bệnh tim của bác đang rất nặng, phải tránh các chấn động mạnh. Bác đừng cố gắng theo đuổi những chuyện châu chấu đá xe làm gì, không lợi cho sức khỏe”. Nghe tôi nói, thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, ông “Bụt sống” nhân từ như nhiều bạn tôi vẫn gọi, chợt đỏ bừng mặt, giọng ông rắn đanh lại: “Dẫu có chết tôi cũng phải đi đến cùng chuyện này, không thể để bọn cơ hội tự do hại nước hại dân, hại đồng chí của mình. Chúng tôi là thế hệ “bộ đội cụ Hồ”, cụ Hồ đã dạy: còn một hơi thở còn chiến đấu cho dân cho nước”…Nhìn mái tóc bạc trắng, nghe hơi thở dốc trong giọng nói quyết liệt của ông, nghĩ tới những gì mà vị tướng già đã và sẽ phải chịu đựng trong cuộc đấu tranh vì công lý, tôi không cầm được nước mắt.
Ông ra đi đã được 8 năm, chỉ sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúng nửa tháng (20/12.2013). Nhớ ông, đọc lại tập hồi ký “Miền Trung, những tháng ngày không quên” của thượng tướng Nguyễn Nam Khánh về thời gian 30 năm cầm súng vì độc lập tự do thống nhất tổ quốc, tôi càng ngưỡng mộ khí phách cùng những phẩm chất tuyệt vời của người chiến sĩ vệ quốc kiên trung trong ông. Tôi muốn thầm nhắn với ông: Thôi bác hãy thanh thản yên nghỉ cùng Đại tưởng thân yêu và những người hiền với những vị chỉ huy và bạn chiến đấu thân thiết của bác, những Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Chánh, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái, Chu Huy Mân, Nguyễn Hữu An, Hoàng Minh Thảo…
Lịch sử rất công bằng, nhân dân ta rất tinh tường, trắng đen tất rõ ràng, phải trái sẽ phân minh và các giá trị cao quý luôn là vĩnh cửu. Rồi các mưu mô đen tối sẽ bị phanh phui trước ánh sáng, bọn cơ hội sẽ bị trừng phạt và những ước vọng thiêng liêng cùng cuộc đấu tranh không mệt mỏi của Đại tướng, của các bậc tiền bối quân đội nhân dân Việt Nam và của bác nhất định sẽ được các thế hệ sau tiếp nối xứng đáng trong cuộc trường chinh gian khổ vì một nước Việt Nam trường tồn trong độc lập, tự do, dân chủ, hùng cường…
Nguyễn Thế Khoa