Tổng gần 854,000 ca nhiễm, gần chạm mốc 21,000 ca tử vong
Tính đến sáng 15/10, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 853,842 ca nhiễm, 788,005 ca đã khỏi bệnh, 4,327 ca nặng đang điều trị và 20,950 ca tử vong. Tính riêng đợt dịch thứ 4 (kể từ 27/4) đến nay, số ca nhiễm là 849,197 ca.
Hôm qua 14/10, Việt Nam ghi nhận 4,151 ca mắc mới gồm 4 ca nhập cảnh, 3,088 ca ghi nhận trong ngày tại 42 tỉnh/thành phố và 1,059 ca Sóc Trăng bổ sung mã bệnh, trong đó có 1,718 ca cộng đồng.
Số mắc ngày 14/10 so với ngày 13/10 tại Việt Nam tăng 689, trong đó, Tây Ninh tăng 223 ca, Đồng Nai tăng 161 ca, Lâm Đồng tăng 20 ca, Sài Gòn lần đầu sau 98 ngày xuống dưới 1,000 ca – giảm 253 ca, Hà Giang giảm 152 ca, Đắk Lắk giảm 69.
Cũng trong ngày 14/10, Việt Nam có 719 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, số tử vong là 81 ca tại 10 tỉnh/thành, chủ yếu ở Sài Gòn (61), Bình Dương (10).
Bất chấp đại dịch, TP.HCM thu ngân sách hơn 271.000 tỷ đồng
Thanhnien – Bất chấp ảnh hưởng đại dịch COVID-19, tình trạng phong toả kéo dài khiến cuộc sống của hàng triệu người lao đao, nhiều doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, một báo cáo mới công bố cho biết nền kinh tế TP.HCM vẫn có nhiều điểm sáng như thu ngân sách 9 tháng hơn 271.000 tỷ đồng (tăng gần 8% so với cùng kỳ), dịch vụ ngân hàng tăng trưởng, giá trị xuất khẩu ở Khu Công nghệ cao mang về hơn 16 tỷ đô la Mỹ (USD).
Báo Thanh Niên cho biết, thông tin này được đưa ra tại hội nghị Thành ủy TP.HCM hôm 14/10
Bộ Y tế yêu cầu không cần xét nghiệm với người đã chích đủ 2 liều vaccine
Ngày 14/10, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cho biết, trong hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” có điểm đáng chú ý là những người đã chích đủ liều vaccine và người đã khỏi bệnh chỉ phải xét nghiệm trong các tình huống như: có yêu cầu điều tra dịch tễ; thuộc diện cách ly, theo dõi; người đến từ địa bàn có dịch.
Theo đó, không chỉ định xét nghiệm với những người dân đi lại, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch và các trường hợp thuộc các tình huống trên.
Cơ quan y tế xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị…; nhóm nguy cơ gồm các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người… như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)…
Đà Nẵng dự kiến cho nhà hàng, quán ăn được phục vụ tại chỗ
Chiều ngày 14/10, Đà Nẵng cho biết, bắt đầu từ 0h ngày mai (16/10), dự kiến đa số các hoạt động được mở cửa trở lại, trừ các cơ sở kinh doanh làm đẹp, dịch vụ tiếp xúc gần như vũ trường, karaoke, massage.
Theo đó, các khu vực ăn uống tại chỗ không được hoạt động quá 50% công suất, và phải có thiết bị quét mã QR cho khách hàng, không được quá 40 người trong một phòng.
Cũng tại Đà Nẵng, vào chiều cùng ngày, điểm phong tỏa cuối cùng tại K223/18/96 Trường Chinh ở phường An Khê, quận Thanh Khê với 23 gia đình/91 người đã được gỡ bỏ.
Như vậy, hiện toàn bộ 56/56 xã, phường tại Đà Nẵng đều là vùng xanh.
Bình Dương mở lại hoạt động xe khách, taxi nội tỉnh, liên tỉnh
Chiều 14/10, tỉnh Bình Dương thông báo, xe khách, xe bus, taxi, xe ôm công nghệ, bến khách ngang sông … sẽ bắt đầu lưu thông trở lại từ hôm nay ngày 15/10 với xe nội tỉnh và ngày 20/10 với xe liên tỉnh.
Các xe taxi được hoạt động không quá 20% số xe hiện được quản lý và phải đăng ký với Sở GTVT. Còn xe hợp đồng từ 16 chỗ trở lên chạy không quá 30% số xe hiện có.
Đặc biệt, với những vùng có nguy cơ cao, các phương tiện giao thông chỉ được hoạt động từ 50% công suất (số chuyến, số chỗ ngồi) trở xuống.
Hành khách trên xe phải đáp ứng điều kiện: Có giấy xét nghiệm âm tính trong 72 giờ và giấy xác nhận đã chích ít nhất 1 liều vaccine đủ 14 ngày hoặc F0 khỏi bệnh sau 14 ngày nhưng dưới 180 ngày.
Ngân hàng thế giới hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 2%
VnExpress – Theo báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô mới công bố, Ngân hàng thế giới (World Bank) cho biết sau khi đạt kết quả tốt trong nửa đầu năm, GDP quý 3 năm nay suy giảm 6,2% (so với cùng kỳ năm trước), ghi dấu mức giảm lớn nhất kể từ khi Việt Nam tính toán và công bố dữ liệu GDP theo quý.
Ngân hàng thế giới cho biết: “Ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nhạy cảm với các biện pháp giãn cách xã hội, giảm đến 9,3% (so cùng kỳ năm trước), đóng góp 60% trong tổng mức giảm GDP. Ngành công nghiệp cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, giảm 5% (so cùng kỳ năm trước) khi các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo ở khu vực phía Nam phải đóng cửa để kiềm chế dịch lây lan”.
Ngân hàng thế giới đánh giá với GDP giảm sâu trong quý 3, và sự phụ thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý 4 khi cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang gỡ bỏ dần các hạn chế, GDP năm 2021 của Việt Nam hiện được ước tính tăng trưởng với tốc độ từ 2 % đến 2,5%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 4,8% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 8 vừa qua.
Theo Ngân hàng thế giới, việc vận hành trở lại của nền kinh tế cũng sẽ đối diện với một số thách thức trong thời gian tới. Trong đó, tổ chức này lưu ý đến rủi ro thiếu hụt lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất công nghiệp và cung cấp dịch vụ.
Tổng hợp