“Giải oan” Kịch Lưu Trọng Văn

18:41 | 15/10/2024
Tác giả Lưu Trọng Văn.

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này.
(Ta về ­ thơ Tô Thùy Yên)

NHÂN VẬT
Khoa, thiếu tướng, tư lệnh quân đoàn VNCH.
Do, trung úy, tùy viên của Khoa.
Quốc, đại đội trưởng Việt cộng.
Đông, trung úy VNCH.
Dịu, người yêu Đông.
Sao, lính Việt cộng.
Thao, sư trưởng Việt cộng.
Phiến, trung tá VNCH em trai của Thao.
Út Trong.
Tô, thiếu tướng Việt cộng.

Kịch không theo màn lớp mà theo trình tự câu chuyện và cách kể chuyện.

Màn chưa mở. Phía ngoài, Do trong quân phục trung uý quân đội VNCH và Út Trong áo bà ba trắng.

-­ Ba anh đặt anh tên là “Tự Do”. Anh luôn tự hào mình là con người tự do.

-­ Cho đến bao giờ?

-­ Sớm nay, thiếu tướng bay đến các đơn vị tử thủ. Anh xin theo, thiếu tướng không cho. Ông bảo, những ngày tự do của chúng ta có thể sắp hết rồi, em còn quá trẻ, hãy làm điều gì em thích nhất, gặp người nào em thích nhất để nói câu nào em muốn nói nhất. Và… anh tới đây. Út Trong ơi, lúc này anh dư thừa tự do mà không biết dùng vào việc gì ráo. Anh tìm em để cột tự do của anh vô em, có thể…

– Vang lên tiếng trực thăng, Do ngước nhìn bầu trời.

-­ Thiếu tướng đã về bộ tư lệnh. Anh đi nghen!

-­ Có thể… Có thể gì vậy anh?

– ­Có thể… chỉ vài giờ nữa, tự do của anh bị truy đuổi, bị tước đoạt, thì nó đã thuộc về em rồi. Mỗi lần nghĩ đến nó, tìm đến nó, anh chỉ cần hướng về em.

Tiếng súng nổ nhiều phía. Do ôm Út, lặng một chút, tính hôn Út nhưng lại thôi. Do buông Út ra, đột ngột chạy đi. Tất cả đột nhiên im lặng.

Đèn tắt.

Màn vẫn đóng.

Những tiếng chuông điện thoại. Do chạy tới các góc treo và đặt điện thoại, nhấc một ống nghe lên.

-­ Tôi trung úy Do tùy viên của thiếu tướng Khoa xin nghe. Vâng, vâng. Thưa đại tá…

Khoa, thiếu tướng, tư lệnh quân đoàn của quân đội Việt Nam Cộng hòa xuất hiện, từ dưới sân khấu chậm rãi đi lên.

-­ Trình thiếu tướng, sáng qua tại Sài Gòn, thiếu tướng Phạm Văn Phú tư lệnh quân đoàn Hai uống thuốc độc tự sát ạ.

– ­ Cách đây một tuần, tướng Phú điện cho tôi, tỏ ra tức giận tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên đài truyền hình đổ thừa cho ông ấy đã tự bỏ chạy khỏi Tây Nguyên dẫn đến thảm họa hôm nay. Sau đó tướng Đôn, tổng trưởng quốc phòng, còn theo đóm ăn tàn chửi ông ấy là kẻ hèn nhát chạy trốn, trong khi sau đó chính tướng Đôn đã lên máy bay tháo chạy ra Hạm đội 7. Tướng Phú là sĩ quan chuyên nghiệp có lý tưởng quốc gia làm sao có thể chịu được sự sỉ nhục này trước toàn dân? Nhưng, tự sát, để làm chi hè?

– ­ Thưa thiếu tướng, em cũng có nghe chuẩn tướng Lê Văn Hưng kể, chính tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên tại Cam Ranh đã ra lệnh cho tướng Phú rút khỏi Tây Nguyên, trong khi tướng Phú đòi tử thủ ở Pleiku. Chuẩn tướng Hưng nói, nhục, khi thắng tranh công nhau, khi bại đổ lộn nhau, còn chính nghĩa quốc gia cái mẹ gì nữa?

Điện thoại tiếp tục reng. Do lại cầm một ống nghe. ­

– Thưa thiếu tướng, tướng Phú đang hấp hối trong bệnh viện Gral, Sài Gòn.

Điện thoại lại reng. Do lại cầm ống nghe khác.

– ­ Thưa thiếu tướng, đại tướng Dương Văn Minh đã gặp tướng Vanuxem của quân đội Pháp vừa từ Paris bay qua. Vanuxem yêu cầu đại tướng lên đài phát thanh chỉ cần tuyên bố “Cần sự trợ giúp của nước ngoài” với lý do “Hà Nội vi phạm hiệp định Paris” thì, trong vòng 24 giờ quân của Bắc Kinh sẽ đổ vào miền Nam sẵn sàng giúp chúng ta cứu vãn tình hình và ngăn bước tiến của quân Bắc Việt.

­-Tướng Dương Văn Minh nói sao?

-­ “Xin cảm ơn, bây giờ đất nước chúng tôi sắp chấm dứt chiến tranh. Xin ông để chuyện này cho người Việt Nam chúng tôi tự giải quyết”.

– Nối máy cho tôi tới chuẩn tướng Lê Văn Hưng.

-­ Dạ, chuẩn tướng không nhấc máy ạ.

-­ Tới đại tá Hiến.

Đầu dây bên kia, đại tá Hiến đứng nghiêm cầm máy.

­- Đại tá theo tôi nhiều năm, chúng ta quá hiểu nhau. Cuộc họp sớm nay ở Sở chỉ huy tiền phương, nhìn vào mắt của đại tá, tôi biết đại tá đã quá hiểu tình hình.

-­ Vậy tại sao sớm nay thiếu tướng vẫn cho lệnh tử thủ?

-­ Tôi không thể trả lời được câu hỏi này. Một câu hỏi mang tính sống còn, quả thật, tôi đã không thể hiểu, cách đây hơn một giờ khi tôi đến đơn vị tiền tiêu kiểm tra phòng thủ, và bây giờ những gì đã xảy ra, là như thế nào. Và càng không thể hiểu tình thế một giờ nữa sẽ ra sao. Thôi, cứ để lịch sử lên tiếng, cái gì đến sẽ phải đến vậy.

-­ Xin hỏi thiếu tướng, lúc này, vâng giây phút này, thiếu tướng nghĩ tới danh dự tư lệnh của thiếu tướng hay thiếu tướng nghĩ đến ai?

-­ Tôi không thể từ chối một sự thật là tôi có nghĩ đến danh dự tướng cầm quân của mình. -­ Vậy thiếu tướng nghĩ gì về việc tướng Phạm Văn Phú tư lệnh quân đoàn Hai sáng nay… -­ Câu hỏi của tôi là để làm chi? Chọn cái chết vậy để làm chi hè? Này, tôi cần biết suy nghĩ của đại tá về câu trả lời tướng Vanuxem của tướng Dương Văn Minh? Tôi hỏi câu hỏi này vì nó liên quan tới số phận đất nước không chỉ hôm nay mà rất lâu dài về sau.

-­ Nếu tướng Minh nghe theo lời khuyên và cam kết của Vanuxem kêu gọi tử thủ Sài Gòn để chờ quân cộng sản Bắc Kinh tham chiến, thì chắc chắn Sài Gòn tan nát và người Việt chúng ta tiếp tục máu đổ, đầu rơi không biết bao giờ dừng. Thưa thiếu tướng, đó là hậu quả ngay trước mắt. Còn tương lai ư? Chắc thiếu tướng cũng như chúng tôi có cùng suy nghĩ như ông cố vấn Ngô Đình Nhu khi xác định mối đe dọa lâu dài của dân tộc chúng ta là ai rồi.

– Tôi có câu hỏi cuối cho đại tá, người mà tôi tin luôn trung thực. Nếu đại tá là tướng Dương Văn Minh lúc này, đại tá sẽ làm gì?

– ­Tôi có nhiều năm gần tướng Minh, tôi hiểu không tự dưng vào giờ phút ai cũng biết sắp sụp đổ này tướng Minh lại chấp nhận làm tổng thống.

– ­Để cáng đáng một sứ mệnh, đúng không? ­ Tôi nghĩ lịch sử sẽ phán xét…

– Thưa thiếu tướng, thiếu tướng cũng cho tôi hỏi câu hỏi cuối. Nếu thiếu tướng là tướng Minh thì…

-­ Đầu hàng ư? Thật nhục! Nhưng nếu nghĩ đến xương máu của người Việt Nam chúng ta hơn 20 năm nay, thì…

-­ Có nghĩa là, là một quân nhân, thiếu tướng vẫn sẽ phải chấp hành lệnh của tổng thống kiêm tổng tư lệnh? Xin lỗi, đây mới là câu hỏi cuối cùng.

-­ Quân đội là quân đội. Tôi sẽ ra lệnh các đơn vị dưới quyền tôi chấp hành lệnh của tổng tư lệnh dù là tử thủ hay đầu hàng. Nhưng, riêng tôi, Khoa khẽ cười, nếu tướng Minh ra lệnh đầu hàng thì tôi chấp hành theo cách của tôi. Chào đại tá!

-­ Dạ, chào thiếu tướng!

Điện thoại nhiều góc lại reng liên tục. Do cầm một ống nghe, lắng nghe.

-­ Vâng! Vâng!

Do ngưng điện thoại nhìn về phía Khoa.

-­ Dạ, thưa thiếu tướng, tướng Pazzi trong đoàn ngoại giao Pháp đang chờ điện thoại của thiếu tướng. Tướng Pazzi vẫn muốn gửi thông điệp từ cộng sản Bắc Kinh, mọi việc có thể dàn xếp nếu quân đoàn chúng ta tiếp tục theo kế hoạch tử thủ bất chấp Sài Gòn bị thất thủ.

Khoa cười đầy mỉa mai.

-­ Mỹ cuốn cờ bỏ rơi chúng ta, còn cộng sản Trung Quốc phản bội đánh sau lưng cộng sản Bắc Việt. Hài hước! Nói với tướng Pazzi, chúng ta chỉ chấp nhận tử thủ cho chính lý tưởng quốc gia của chúng ta chứ không tử thù cho bất cứ thế lực nào khác. Đủ rồi, chúng ta không chấp nhận làm tay sai cho bất cứ thế lực nào khác nữa.

Vang lên những hồi chuông điện thoại nữa.

-­ Nhưng giờ phút này chúng ta còn ai, còn gì để tử thủ?

Khoa nhìn khắp điện thoại như chọn một điện thoại nào mà mình chờ đợi và muốn nghe. Khoa nhấc điện thoại này liền dập xuống, nhấc điện thoại kia liền dập xuống. Đến điện thoại nữa thì lắng nghe.

-­ Dạ, con đây. Con bình an. Mạ khỏi lo. Thôi con bận chút việc nha. Con thương mạ. À, mạ nhớ uống thuốc…

Dội lên những tiếng sung, Khoa vội cúp máy, đứng thừ một lúc im lặng. Lại vang lên những tiếng reng điện thoại, Do nhấc máy, lắng nghe. Khoa nhìn cử chỉ của Do nhận ra điều gì đó không hay.

-­ Chuyện gì nữa vậy?

-­ Dạ, không…

-­ Em đừng giấu tôi! Chuyện gì?

-­ Dạ…tư lệnh sư đoàn 5, chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ đã…

-­ Như tướng Phú uống thuốc độc?

-­ Dạ, không, chuẩn tướng Vỹ tự bắn vào thái dương ạ.

-­ Để làm chi hè?

Màn từ từ mở. Dòng kênh, cây cầu khỉ, bên kia dòng kênh một ụ súng, chiến hào. Quốc, Sao mặc đồ quân giải phóng, ngồi trong chiến hào.

-­ Thế rồi sao anh Quốc?

-­ Tao rủ em vào cái lò gạch bỏ hoang. Tao cởi áo của em ra.

-­ Rồi sao nữa? Sao thở hồi hộp.

-­ Mẹ kiếp một ánh đèn pin chiếu thẳng vào ngực trắng bóc của em cùng tiếng hô, để nguyên áo, cấm phi tang. Cứ thế ánh đèn pin chiếu hồi lâu vào ngực em, tao và em cùng lóa mắt sợ hãi, đứng bất động. Bỗng đèn pin tắt.

-­ Rồi sao nữa? ­

– Từ đê sông Cầu tao nghe những tiếng cười khoái trá. Há ra, bọn lính cùng đơn vị tao thèm gái quá, đi rình… Mày lần đầu tiên thấy vú con gái lúc nào?

-­ Chưa một lần.

-­ Tao nghĩ sắp tới ngày chúng ta trở về nhà rồi, tha hồ…

-­ Nhưng cái dưới thì em thấy rồi.

-­ Hả? Vậy là mày hơn đứt tao rồi còn quái gì nữa.

-­ Nhưng thấy lúc tệ lắm.

-­ Cô nàng đi tè à?

-­ Dạ, vô tình em đạp xe qua thôi, nàng trong lùm điền thanh…

Cả hai cùng cười.

-­ Có tiếng hò anh à?

-­ Ờ.

-­ Không thể nghĩ đây là lúc trận đánh cuối cùng anh nhể? Tiếng hò… êm ả quá anh nhể? Em nhớ quê em, ngày mùa, u em hay hò lơ hó lơ…

Quốc và Sao cùng lắng nghe tiếng hò trên dòng kênh.

Sân khấu buông xuống tấm bảng đề: “10g30 sáng 30. 4. 1975”

Tiếng hò của Út Trong rõ dần. Bên này cầu khỉ, Khoa và Do trong quân phục quân đội VNCH từ đâu xuất hiện cũng lắng nghe.

Út Trong hò:
Ngó lên trời thì trời trong mây trắng
Dòm xuống nước nước trắng lại trong
Nhỏ nhỏ như ai chớ nhỏ nhỏ như em đây mà chắc dạ ơ à bền lòng ơ à
Ơ à… Lỡ duyên thời em chịu lỡ ơ…
Lỡ duyên thời em chịu lỡ …
Mà đóng cửa loan phòng ờ ơ à…
Em chờ anh, ơ à Ơ à …ơ à ơ…ơ…ư..

-­ Xin thiếu tướng dừng bước!

-­ Tôi muốn nghe rõ tiếng hò.

-­ Em phải thi hành công vụ bảo vệ thiếu tướng. Em nhắc lại, thiếu tướng không được bước lên cầu, rất nguy hiểm.­

– Đây là dòng kênh, không phải giới tuyến.

-­ Nhưng lúc này bên kia là…

-­ Cũng là cánh đồng lúa, cũng là rặng dừa, cũng là những thằng đàn ông mê tiếng con gái hát hò…

Khoa bước gần đến chân cầu khỉ.

-­ Lỡ duyên thời em chịu lỡ ơ… Lỡ duyên thời em chịu lỡ … Con bé có giọng hò dễ thương quá!

-­ Em nghe nói hồi trẻ thiếu tướng đã từng yêu một cô gái xinh đẹp nhất làng.

-­ Chiến tranh, chiến tranh… súng, đạn, bom, máu… thế mà hơn 20 năm rồi. Cả một tuổi trẻ rồi…

-­ Thiếu tướng sớm nay còn đến các đơn vị đôn đốc binh lính tử thủ, vậy mà bây giờ thiếu tướng lại chỉ muốn nghe tiếng hò…

-­ Tôi thèm một phút thật bình yên. Không hiểu cô bé con nhà ai?

-­ Út Trong…

-­ Em biết cô ấy à? Vậy sớm nay…

-­ Dạ, em…

-­ Em nói gì?

-­ Lúc này anh vẫn đang dư thừa tự do mà chẳng biết dùng vào việc gì ráo. Anh muốn tìm em để cột tự do của anh vô em, có thể…

-­ Có thể cái gì? Em cho tôi đoán nhen!

-­ Dạ.

­- Có thể chốc lát nữa thôi, tự do của anh bị săn đuổi, bị… trói lại, bị… cướp mất, thì nó đã được em giữ, em cất giấu cho anh rồi.

-­ Dạ, đúng vậy. Dạ, sao nữa ạ?

-­ Để mỗi khi nghĩ đến tự do anh lại nhớ em.

-­ Dạ, sao nữa ạ?
-­ Để khi muốn có tự do anh lại đi tìm em, ôm em, hôn em…

Do cười:

-­ Dạ, câu này thì em không nói ạ.

-­ Nhưng em có muốn nói không? Hả? Tiếng hò khuất sau hàng dừa kia mất rồi.

-­ Em tin, cô ấy sẽ quay lại, cô ấy sẽ hò lại. Em không hiểu thời trẻ thiếu tướng yêu thế nào, chớ tụi em, khỏi nhiều lời cứ cấp tập hôn như pháo dập thôi ạ.

-­ Vậy vừa rồi em có…

-­ Dạ, chỉ vội ôm… Vì, trực thăng của thiếu tướng…

-­ Ngu lắm em ạ. Tôi không cho em theo tôi ra trận địa tử thủ sớm nay để muốn em nói và làm điều gì cần nhất sau này khỏi phải hối hận cơ mà. Út Trong! Tên thật đời thường, thật bình dị, thật dễ thương. Còn cái tên Tự Do của em nghe nó xủng xoảng ta đây thời cuộc lắm. Cứng lắm! Cái gì chính trị thời cuộc cũng sẽ qua đi. Cái còn lại vẫn là những Út Trong, Út Thắm…Út Ơi…

Khoa đứng lặng khi nhận ra con thuyền đang quay trở lại.

-­ Út Trong của em quay lại rồi kìa! Chắc cô ấy hửi được mùi của em quanh đây.

Do cố giấu mình, rời khỏi cây cầu khỉ nơi

Khoa đang đứng ở chân cầu.

Có tiếng xe Jeep, trung tá Phiến xuất hiện, mặt tỏ bức bối.

-­ Tôi cần gặp trực tiếp thiếu tướng.

-­ Vâng tôi sẽ trình báo thiếu tướng.

Phiến xô Do.

-­ Khỏi trình báo!

-­ Chuyện gì vậy?

-­ Thưa thiếu tướng, trong lúc dầu sôi lửa bỏng vậy mà thiếu tướng lại ở đây? Tôi vẫn muốn đánh sập cầu Long An.

-­ Trung tá không nghe lệnh của tôi cho đại tá chi khu trưởng Long An là không được đánh sập cầu Long An sao?

-­ Chúng ta phải chặn bước tiến của chủ lực cộng sản. Chẳng lẽ thiếu tướng không muốn điều đó?

-­ Này, trung tá Phiến, hồi nhỏ cậu thích đi cầu khỉ không? Tôi một lần thấy cảnh rước dâu qua cầu khỉ, tà áo dài cô dâu buông theo gió soi bóng dòng kênh, thiệt đẹp. Vô ích! Không ngăn được quân cộng sản nữa rồi. Tử thủ lúc này là vô nghĩa.

-­ Có nghĩa là thiếu tướng vẫn cương quyết không đánh sập cầu Long An?

-­ Dù sao, nếu hòa bình bà con có cây cầu qua lại về miền Tây hay lên Sài Gòn cũng đỡ cực.

Khoa định bước lên cầu khỉ, tay vịn thành cầu cheo leo.

Phiến rút súng ra chĩa về phía Khoa.

-­ Vậy ra, miệng các ông hô hào tử thủ, trong khi đó các ông, kẻ chạy trốn, kẻ muốn buông súng đầu hàng. Đù má!

Do chĩa súng vào Phiến.

-­ Buông súng xuống, trung tá! Ông nên nhớ tôi chưa bắn trật bao giờ. Do giọng quả quyết.

-­ Do, hạ súng xuống! Em nghe lệnh tôi không?

Hạ súng! Khoa nói.

Do từ từ hạ súng xuống.

­- Trung tá Phiến. Bắn đi! Tôi chờ đợi những viên đạn như thế dù ở phía bên này hay phía bên kia.

Khoa hất hàm về phía bên kia dòng kênh. Nhưng trước khi cậu bắn tôi, xin cậu cho tôi nghe hết câu hò đã.

Khoa bước mấy bước nhìn về chiếc thuyền với

Út Trong đang hò…
Ơ à ơi, ời à
Ngó lên trời thì trời trong mây trắng
Dòm xuống nước nước trắng lại trong
Nhỏ nhỏ như ai chớ nhỏ nhỏ như em đây mà chắc dạ ơ à bền lòng ơ à
Ơ à… Lỡ duyên thời em chịu lỡ  ơ..  Lỡ duyên thời em chịu lỡ …
Mà đóng cửa loan phòng ờ ơ à…
Em chờ anh, ơ à Ơ à …ơ  à ơ…ơ…ư..

Bên kia con kênh, Quốc và một số lính quân giải phóng vẫn nấp bên những tàu dừa, súng nghếch nòng về phía Khoa và Do.

-­ Ông ta lên cầu. Sao chĩa súng về phía Khoa. Hình như ông ta chỉ muốn nhìn thấy cô gái trên thuyền đang hò anh Quốc ạ.

Quốc gật đầu.

-­ “Lỡ duyên thời em chịu lỡ ơ…  Lỡ duyên thời em chịu lỡ …”, vậy mà lúc này những thằng đàn ông muốn bắn giết nhau. Ông ta mang lon tướng phải không anh?

-­ Tướng. Hai sao là thiếu tướng. Này, cậu thấy vạt áo cô nàng bay không? Cái lườn cô nàng ẩn hiện…

Sao vẫn chĩa súng về phía Khoa, Quốc nhìn và im lặng. Nòng súng của Sao khẽ rung rung. Quốc nhận ra, lấy tay giữ nòng súng cho khỏi rung.

-­ Em thấy hồi hộp quá! Em linh cảm chiến tranh sắp tới hồi kết thật rồi…

Trong chèo thuyền đi khuất, tiếng hò tắt dần.

Khoa đứng lặng một lúc ở chân cầu khỉ như có ý chờ đợi điều gì đó mà không thấy.

­- Sao lại có thể im lặng như vậy nhỉ?

Do rùng mình nhận ra điều gì đó.

-­ Phải chăng…? Do nhìn về phía bên kia kênh vẫn không một tiếng động.

Từ trên cao hạ xuống tấm bảng: “11g kém 5 phút ngày 30.4.1975”.

-­ Trời trong, mây trắng… Phiến nhìn lên bầu trời lúc đó xám xịt cười lớn. Có nghĩa là hết rồi ư thưa thiếu tướng?

-­ Còn! Vẫn còn! Lệnh của tôi, cấm tự sát! Tôi cấm! Cấm! Cấm!

Khoa giận dữ gào lên. Khoa đến bên Phiến.

-­ Tự sát không phải là nghĩa vụ của các sĩ quan, binh sĩ. Rõ chưa? Trung tá hãy trở về đơn vị và nói lệnh này của tôi đến từng sĩ quan, binh sĩ của chúng ta. Đi đi! Đi đi nào! Phiến vẫn chần chừ. Khoa nhỏ giọng với Phiến, nắm tay Phiến.

– Thôi, không phải là lệnh nữa, vì lúc này lệnh đâu còn nghĩa lý gì, trung tá hãy coi đây là lời cầu xin của tôi đến anh em, những người đã cùng sống chết với tôi vì quốc gia này, mạng sống là cái quý giá nhất đối với từng người lính. Tôi cầu xin.

-­ Rõ! Thưa thiếu tướng! Phiến dập chân giơ tay chào theo kiểu nhà binh.

Phiến lên xe Jeep, tiếng xe rú lên, bỗng im bặt. Dội lại tiếng cười của Phiến… “trời trong mây trắng…”. Đột nhiên Khoa gọi Phiến.

-­ Trung tá, chúng ta vẫn có cơ hội giữ lại miền Tây này nếu đồng ý cho quân cộng sản Bắc Kinh nhảy vào.

-­ Đù má! Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, chưa đủ sao, thưa thiếu tướng!

Phiến rồ ga xe Jeep phóng đi.

Màn đóng lại. Từ trên buông xuống dòng chữ: “11g ngày 30.4.1975.”

Vang lên nhạc hiệu đài Sài Gòn. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

ʺTôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn”.

Út, cặp thuyền vào bờ.

-­ Má ơi! Gì vậy má?

-­ Im nào Út, tao nghe. Bà Tư ngồi nhai trầu lắng nghe radio.

­- Vậy là hòa bình hả má?

Mắt bà Tư không biểu hiện vui hay buồn. Khi lời của Dương Văn Minh kết thúc trong tiếng hát “Nối vòng tay lớn”, vang lên tiếng hò reo đâu đó rồi đột ngột vang lên tiếng súng nổ chát chúa. Bà Tư giật mình.

-­ Tổ cha đứa nào bắn vậy?

Không tiếng trả lời. Út chạy về phía có tiếng súng.

Bỗng vang lên tiếng khóc.

-­ Tổ cha đứa nào khóc vậy?

-­ Má ơi, anh Hai bắn.

-­ Hả, nó bắn ai? Hòa bình rồi, sao nó còn bắn ai? Tổ cha mày chớ, Vui ơi!

-­ Anh Hai bắn anh Hai.

-­ Hả? Út Trong! Mày nói sao? Thằng Vui bắn thằng Vui?

Vang lên tiếng khóc của Trong rồi bặt im lặng.

Màn lại từ từ mở. Góc phải, cây cầu khỉ và dòng kênh. Góc trái một khu vườn hoa trái, mái nhà tranh, khói bếp lên êm đềm.

Đông mặc quân phục trung úy biệt động VNCH, dáng ngang tàng, tóc dài, khuôn mặt phong trần. Ông Mười, nông dân, quắc thước chặn Đông lại.

-­ Ngon heng, còn chơi bộ đồ đó heng? Việt cộng vô tới. Đù, loẳng ngoẳng súng. Hổng nghe ông Dương Văn Minh vừa kêu gọi hạ vũ khí sao mậy? ­ Thì sao, chú Mười?

­- Muốn lấy con gái tao thì cởi bộ đồ đó lẹ lên.

-­ Con chỉ cởi ráo khi… Đông cười. Dịu đâu rồi chú?

Đông đập cửa. Đông xô bung cửa xông vào nhà, không thấy Dịu.

-­ Tao chỉ cho, nếu mày…

-­ Không! Con không trút bỏ. Tại sao con phải trút bỏ? Đại tướng kêu gọi đầu hàng là việc của đại tướng.

-­ Có phải câu thơ này của mày không?

Đôi lúc nghĩ trời sinh mỗi mình ta là đủ.
Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi.
Vì đàn bà người nào cũng như người nấy
Nên ta bảo mình thôi, hãy quên em
Nhưng đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy
Nên suốt đời ta nhớ nhớ quên quên.

-­ Thơ lính…

-­ Con Dịu khoe thơ của mày làm tặng nó mà.

-­ Chú Mười, con không còn thời gian đâu, Dịu đâu rồi?

Cũng nơi đây ta đắp mồ cho bạn
Vừa quay lưng xác bạn lại bật tung
Mỗi thước đất cài trăm ngàn mảnh đạn
Ta sống nhăn, hóa kiếp gọi anh hùng
Cũng nơi đây ta cứu người con gái
Gửi trực thăng di tản về Bình Dương
Trực thăng nổ khi vừa rơi mặt đất
Ta điếng hồn như vừa nuốt phải xương

– Thơ mày hào sảng mà bi hùng lắm Đông à. Con Dịu từ nhỏ đã thích đám trai nghĩa khí tưng tưng, coi trời bằng vung mà rổn rảng tình với nước.

-­ Chú Mười ơi, chú cho con gặp Dịu, con nói một câu rồi con đi. Con sẽ không làm liên lụy tới chú, tới Dịu khi xe tăng của cộng sản tràn vô.

-­ Dù ai thắng, ai thua, người Việt mình không còn bắn giết nhau nữa cũng là vui con à. Đêm đêm tao đọc thơ của mày mà tao khóc. Khóc vì thương đất nước mình. Tao khóc, con Dịu cũng khóc theo. Nó đang tắm trên kênh…

Dịu choàng khăn rằn, áo quần ướt sũng xuất hiện. Đông lao tới bên Dịu. Đông sững lại trước mặt Dịu. Ông Mười nhìn đôi trẻ rồi lặng lẽ bỏ đi. ­ Chú Mười! Đông gọi giật lại.

-­ Tao nghe. Ông Mười nói mà không quay đầu lại.

Đời lính chiến như ngọn đồi hoang dại
Em có thương ta một giọt nước mắt hãy thầm gieo.
Rồi lửa đạn ngút trời em ạ
Giữa đồi cháy, bỗng mọc một chồi hoa.

– Chú Mười, các bài thơ chú vừa đọc không phải thơ của con đâu. Dịu ơi, không phải thơ của anh đâu mà thơ của người lính Nguyễn Bắc Sơn và thơ của người lính Nguyễn Trạch Gầm. Anh xin lỗi em, anh đã vơ trộm thơ của họ để cua em. Anh muốn gặp em giây phút này chỉ để xin lỗi em là anh đã lừa dối em.

-­ Vậy mấy câu thơ mày vừa đọc là của ai?

-­ Dạ, do chính con vừa viết khi nghe lời kêu gọi đầu hàng của tướng Minh. Thôi, anh đi nghen!

Đông chạy đi.

-­ Dịu, mày còn đứng trân đó sao? Đuổi theo nó lẹ lên!

Dịu luống cuống.

-­ Nghĩa là sao hả ba? ­ Tao linh tính… Một tiếng nổ.

Sân khấu im lặng. Dịu mắt ngơ ngác.

-­ Nghĩa là sao hả ba?

Dịu chạy về phía có tiếng nổ.

Ông Mười bần thần khẽ ngâm lại mấy câu thơ của Đông.

Đời lính chiến như ngọn đồi hoang dại
Em có thương ta một giọt nước mắt hãy thầm gieo

Dịu xuất hiện đứng thất thần. Rồi bỗng ứa nước mắt.

Trên phông sân khấu, hiện rõ dần giọt nước mắt phía đồi cháy, tấm lưng người lính.

Góc sân khấu, Đông cầm ghi ta đàn, hát:

Đời lính chiến như ngọn đồi hoang dại
Em có thương ta một giọt nước mắt hãy thầm gieo.
Rồi lửa đạn ngút trời em ạ
Giữa đồi cháy, bỗng mọc một chồi hoa.

Ánh sáng chiếu về phía cây cầu khỉ.

Khoa từ từ lên cầu trước ánh mắt ngạc nhiên của Do. Do ngăn Khoa lại. Khoa xô Do rồi tiếp tục lên cầu. Dừng lại ở giữa cầu trống hoác, ngực cố tình chĩa về phía bên kia kênh nơi Khoa biết có thể có những nòng súng Việt cộng chĩa về phía mình. ­ Thưa thiếu tướng, em… lo.

-­ Em nghe rõ lời tướng Minh rồi chớ? Hạ vũ khí. Hòa bình…

Im lặng, không một tiếng động.

-­ Út Trong à, những thằng đàn ông sẽ trở về…

­- Có một câu hỏi từ lâu em và các sĩ quan dưới quyền thiếu tướng rất muốn hỏi… ­ Vì sao đến giờ này tôi vẫn độc thân chớ gì?

-­ Dạ.

-­ Thật ra, trước khi đăng lính tôi rất mê âm nhạc và vẽ. Nhất là vẽ. Tôi ước mơ sẽ học trường Mỹ thuật Huế, hoặc trường Mỹ thuật Sài Gòn. Thế rồi tôi gặp một cô gái. Thế rồi tôi yêu cô gái đó như em đã biết. Thế rồi cô gái đó bỏ tôi đi Pháp không một dòng tin để lại. Thế rồi tôi quyết định bỏ tất cả đam mê của mình để tình nguyện vô lính. Thế rồi đời binh nghiệp cùng lý tưởng quốc gia đã cuốn hút tôi. Cứ vậy, hơn 20 năm chiến trận. Lỡ duyên thời em chịu lỡ … Thương quá!

Bên kia kênh.

-­ Hòa bình thật rồi hả anh? Em sẽ về với u hả anh? Nhưng, em không hiểu được, đúng là ông ta đang cố tình chĩa ngực về phía em. Tại sao ông ta lại cố tình như vậy? Chưa bao giờ em thấy một ông tướng gần họng súng của em đến như thế. Ước gì, sau này gặp ông ta trong một cuộc nhậu nhỉ, em sẽ hỏi ông ta… Mà anh Quốc này, xanh cỏ đỏ ngực nghĩa là gì?

-­ Nếu cậu bắn chết viên tướng kia cậu sẽ được thưởng huân chương đỏ ngực. Hoặc chết xanh cỏ, hoặc là anh hùng ấy mà.

-­ Em cầm súng, chẳng bao giờ nghĩ đến đỏ ngực làm đếch gì.

Quốc nhìn nòng súng của Sao vẫn chĩa về phía Khoa, nhưng rồi nòng súng từ từ chúc xuống.

Bên này kênh.

Vẫn không một tiếng động, Khoa từ từ trở lại chân cầu.

-­ Thôi! Đi!

Tiếng trực thăng, gió từ cánh quạt trực thăng thổi mạnh. Do đi về chiếc xe Jeep.

-­ Sao cậu không nghĩ tôi sẽ lên trực thăng bay ra Hạm đội Mỹ ngoài khơi đang chờ tôi?

-­ Em biết thiếu tướng lúc này muốn đến đâu.

Do lên xe Jeep, Khoa lên ngồi cạnh. Bỗng vang lên một tiếng nổ chát chúa. Bên kia kênh đùn lên một cuộn bụi và những tàu lá.

Khoa nhìn về phía có tiếng nổ.

-­ Đêm qua tiểu đoàn công binh có gài mìn?

-­ Dạ có.

­- Hy vọng chỉ là một con bò đi lạc.

Khoa lặng người một lúc rồi vẩy ta ra hiệu xe chạy.

Xe Jeep dừng lại một lán thương binh. Tiếng thét vang lên đau đớn.

-­ Đù… đau quá má ơi!

Một viên thiếu úy vừa bị cưa bỏ một chân. Khoa đến bên thiếu úy.

-­ Tôi xin lỗi cậu. Khoa nắm chặt tay viên thiếu úy.

-­ Thiếu tướng ơi, đù má đau quá. Thiếu tướng ơi, đù má, đừng bỏ em.

Khoa cố nén nước mắt sau cặp kính đen.

-­ Tôi sẽ ở lại với em.

Khoa đi ra gặp bác sĩ Huy.

Minh họa: Trần Thắng

– Bên kia cũng là trại thương binh à?

-­ Dạ, thương binh cộng sản.

Chần chừ một thoáng, Khoa quyết định đi về chỗ thương binh cộng sản đang điều trị.

Một thương binh thét lên:

-­ Địt mẹ, đau quá mẹ ơi!

Khoa đến tận giường người thương binh phía bên kia. Những ánh mắt nhìn Khoa. Có ánh mắt e ngại, có ánh mắt hằn học.

-­ Sướng chưa? Tướng hả, địt mẹ, bắn giết nhau sướng chưa? Một thương binh nói.

-­ Tôi nghĩ rằng chiến tranh đã kết thúc. Các anh sẽ được quân đội các anh đón như những kẻ chiến thắng, những anh hùng. Các anh sẽ được tôn vinh. Còn bên dãy nhà kia, các thương binh của chúng tôi không biết số phận sẽ ra sao. Vậy mà tất cả chúng ta khi đau đớn cùng một tiếng gọi “má ơi!”, “mẹ ơi!” đó. Đù má hay địt mẹ cũng vậy thôi. Khoa rớm khóc.

Khoa lặng lẽ đi ra để giấu nước mắt của mình. Nhìn lên bầu trời im lặng. Bác sĩ Huy đến bên cạnh.

-­ Hồi nhỏ, tôi từng được coi triển lãm tranh do thiếu tướng vẽ lúc còn trẻ, vẽ cảnh vật thôn Vĩ Dạ. Tôi thích nhất bức tranh nắng lên trên những hàng cau gầy guộc.

Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên… ­

– Bác sĩ cũng quê Vĩ Dạ à?

-­ Dạ.

-­ Thôi, bảo trọng nhé!

Khoa bấu vai bác sĩ rồi theo Do lên xe Jeep. Bác sĩ Huy đứng lặng nhìn theo. Vang lên tiếng ngâm thơ:

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có trở trăng về kịp tối nay?

Một tiếng súng nổ. Bác sĩ Huy vẫn đứng bất động như đang thấm vào mình câu thơ của Hàn Mặc Tử. Khoa quay đầu lại chợt nhận ra Huy đang từ từ khuỵu chân xuống. Khoa ngẩn người một lúc rồi chạy tới đỡ Huy. Huy gục xuống.

Do nhìn khắp nơi không thấy ai, không thấy bất cứ họng súng nào.

-­ Đạn lạc, thưa thiếu tướng.

-­ Nhưng sao lạc trúng ông ấy mà không trúng vào tôi? Khoa thét lên. Tại sao? Tại sao? Tại sao?

Ánh sáng tắt. Sân khấu buông xuống tấm bảng: Bộ tư lệnh quân đoàn. 15 g chiều 30.4.1975.

Do từ ngoài đi vào.

-­ Thưa thiếu tướng họ đã đến.

-­ Cho vào!

Quốc xuất hiện, tiếp theo là Thao trong quân phục quân giải phóng.

Khoa và Thao ngồi xuống, đứng sau Khoa là Do, đứng sau Thao là Quốc.

Khoa bình thản mời khách uống trà. ­ Trà Bảo Lộc đó thưa các ông. Hình như ngoài Bắc có trà Thái Nguyên rất ngon?

Khoa bình thản uống trà trước.

Thao chậm rãi cầm ly trà uống.

-­ Giờ phút này uống trà thật là xa xỉ. Thôi, cho tôi nói. Khi thành Quy Nhơn thất thủ, trước khi tự thiêu chết theo thành, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đã gửi thư cho tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu… ­ Tôi biết bức thư ấy viết gì. Thao nói.

— Vậy ông có hứa…

-­ Tôi không phải là người quyết định được việc đối xử với thuộc cấp của ông thế nào sau cuộc chiến.

-­ Tuy vậy tôi vẫn muốn coi đó là điều kiện duy nhất.

­ Các ông là kẻ chiến bại. Các ông không được quyền ra bất cứ điều kiện nào.

­ Vậy thì tôi hỏi ông, là chỉ huy ông có thương lính của ông không?

­ Một câu hỏi không thích hợp lúc này.

­ Vậy ông còn đến đây làm gì? Phải chăng ông muốn chứng kiến tôi vẫn còn sống?

-­ Quân đội chúng tôi đã vây chặt Cần Thơ. Quân đội chúng tôi đã làm chủ toàn vùng. Sài Gòn cũng đã hoàn toàn trong tay chúng tôi. Tôi muốn khuyên ông đừng ra lệnh binh lính tử thủ như kế hoạch ban đầu của các ông và cũng đừng như Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tự vẫn khi để mất thành.

-­ Câu trả lời cho lời khuyên thứ nhất liên quan đến sinh mạng những người lính của tôi, đã rõ. Tôi không muốn họ cùng đồng bào đổ máu nữa. Trước đây mấy giờ, tôi chứng kiến một người lính của tôi và một người lính của các ông đã la hét đau đớn do vết thương thế nào. Tôi đã ôm trên tay tôi một bác sĩ quân y bị đạn lạc. Còn câu trả lời cho lời khuyên thứ hai nó thuộc về cá nhân tôi. Chỉ cá nhân tôi quyết định. Chắc câu chuyện của chúng ta đến đây chấm dứt. Vâng lúc này uống trà là quá xa xỉ.

Thao đứng dậy.

-­ Ai là người pha trà cho ông?

-­ Cậu Do, tùy viên của tôi, cậu ấy rất mê đọc văn của Nguyễn Tuân. Hình như ông nhà văn ấy là đảng viên cộng sản như ông. Cậu ta bắt chước ông nhà văn tẩm trà với nhụy sen và chỉ dùng nước mưa để pha trà.

-­ Tôi ngửi thấy mùi sen. Sen Đồng Tháp. Nhụy sen Huế có mùi khác.

-­ Vậy ra ông cũng rất…

-­ Thật tiếc chúng ta không có cơ hội để ngồi bình phẩm về thú uống trà của các cụ xưa.

-­ Không có hay không còn?

-­ Chính tôi cũng không biết nữa. Thôi, chào ông.

-­ Xin thủ trưởng ra trước, tôi muốn có vài lời với ông Khoa. Quốc nói.

-­ Cậu có ba phút.

Thao đi ra.

-­ Ông muốn gì? Khoa hỏi.

-­ Thưa ông, tôi là người sáng nay cùng ông nghe cô gái hò…

-­ Tại sao các ông không bắn tôi?

-­ Người lính của tôi tên Sao định bắn ông, nhưng đã dừng lại do ngạc nhiên, vì sao ông đeo quân hàm hai sao cố tình lên giữa cây cầu khỉ lúc đó, cố tình quay ngực về họng súng của cậu ấy sau khi radio phát đi lời kêu gọi đầu hàng của tướng Dương Văn Minh? Phải chăng ông muốn chúng tôi bắn thẳng vào ngực ông?

-­ Sao ông nghĩ vậy?

-­ Tôi chỉ nghĩ vậy khi vừa rồi nghe ông nói đến chuyện Võ Tánh và Ngô Tùng Châu gửi thư cho Trần Quang Diệu tỏ ý chọn cái chết cho tròn khí tiết… Vâng, thực ra trước đó ông đã muốn bị chúng tôi bắn chết ở cái giây phút mà tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

-­ Nếu bắn chết một tên tướng mà chỉ huy của các ông gọi là tướng ác ôn như tôi, cậu Sao ấy sẽ được lên lon, sẽ được phong anh hùng, sẽ được thưởng huân chương. Chẳng lẽ cậu ta không biết điều ấy hay sao?

-­ Thưa ông…

­ Nhìn vào mắt ông, tôi linh tính…

-­ Vâng, từng trải qua nhiều chiến trận, sống chết, chắc ông linh tính không sai đâu.

-­ Có nghĩa là tiếng mìn nổ ấy… Và đó chính là điều ông muốn kể với tôi?

-­ Đúng, thưa ông. Tôi đã ôm cậu ấy, cậu ấy nói lời cuối thế này, em không cần xanh cỏ cũng không cần đỏ ngực …

Khoa cố kìm nước mắt. Quốc đi ra. Khoa ngồi xuống ghế im lặng. Đột nhiên Khoa bình thản hỏi Do.

-­ Đã phát lương lần cuối cùng cho anh em chưa? ­ Dạ, thưa thiếu tướng, rồi ạ.

-­ Không thằng nào biển thủ lương của anh em chớ?

-­ Dạ, không ạ.

-­ Lương của tôi đâu?

-­ Dạ, 70.000 đồng, em đã cất vào tủ của thiếu tướng rồi ạ.

-­ Em chuyển tất cả 70.000 đồng cho mẹ tôi. Giờ thì em về nhà đi! Mà này, Do, em muốn tôi có một lời khuyên cho em lúc này không? Chuyện yêu đương ấy. Khoa khẽ mỉm cười.

-­ Dạ, em nghe ạ.

-­ Nhưng là một kẻ thất bại trong tình yêu, thì tôi có thể khuyên em điều gì cơ chứ?

-­ Bài học của thất bại ạ. Do cười.

-­ Không chỉ mình ta biết cô gái ấy đẹp và dễ thương. Yêu đương và chiến tranh giống nhau ở một điểm, đó là, kẻ chiến thắng đều là kẻ biết chinh phục. Và cả yêu đương và chiến tranh còn giống nhau ở một điểm này nữa, chiến thắng ấy lập tức vô nghĩa nếu kẻ đó không đem lại hạnh phúc cho người mình yêu, cho đất nước mình yêu.

Ánh sáng tối dần rồi ánh sáng rõ dần. Hai bên cánh gà, Phiến và Thao. Phiến cầm súng chĩa về Thao.

-­ Anh bước thêm bước nữa tôi tự sát. Phiến nói.

-­ Phiến! Mày muốn tự sát thì cứ tự sát, nhưng đêm qua tao về gặp má, má bảo, tụi bay về ăn cơm với má một bữa rồi mần gì thì mần.

-­ Sao anh không mang súng?

-­ 10 năm rồi anh em mình mới gặp nhau, chẳng lẽ để bắn nhau?

-­ Tôi không tin!

Thao cởi áo, ngực trần gầy guộc có vết sẹo lớn ở bụng.

-­ Mày coi đi! Tao không giấu súng.

-­ Không! Tôi căm thù anh! Anh đã làm cho má khổ. Anh cút đi, cút lẹ đi kẻo tôi sẽ…

-­ Vậy thì mày cứ bắn tao đi! Đây này, bắn vào chỗ có vết đạn này này để cho chúng có đôi.

-­ Tại sao anh không theo ai, lại theo cộng sản? Tôi căm thù cộng sản! Tôi dám nói vậy đó. Anh có dám nói anh căm thù quốc gia không? Dám nói không?

-­ Phiến! Nghe anh nói đây! Anh không tranh cãi với em. Vô nghĩa lúc này. Má đã khổ rồi. Vì sao má khổ? Bàn sau. Nhưng má sẽ khổ hơn nữa, sẽ tiếp tục khổ nếu anh em ta không trút hết mọi quân phục để trở lại cùng là con của má đứt ruột đẻ ra, ăn với má một bữa cơm. Má nói, có thể đó là bữa cơm cuối cùng tùy tụi bay.

-­ Thôi được. Tôi chấp nhận. Nhưng với điều kiện, anh không được cho má thấy vết thương trên bụng anh. Má sẽ nghĩ là chính tôi bắn anh.

-­ Tại sao?

Phiến cởi tung áo để lộ một vết thương ở ngực.

-­ Khi má vô tình thấy vết thương này của tôi lúc tôi tắm từ sông lên, má đã giận dữ hỏi, thằng Thao bắn mày phải không? 10 năm anh đi biền biệt, anh đâu hiểu má khổ vì sao. Với má không có bên này, bên kia, miền Nam, miền Bắc, quốc gia, cộng sản. Với má, cuộc chiến tranh này là thằng Thao với thằng Phiến bắn giết nhau. Mà cả hai thằng đều là con của má. Má khổ vì điều đó. Má đau vì điều đó.

-­ Dù sao thì chiến tranh cũng kết thúc rồi. Anh sẽ giải ngũ về ở với má. Từ nay anh em mình sẽ cùng ăn cơm má nấu.

Phiến cười mỗi lúc càng to càng chua xót hơn. ­ Chẳng lẽ em không muốn cho má bớt khổ sao?

-­ Anh quen lừa dối rồi phải không? Lừa dối ai thì lừa dối, tôi xin anh đừng lừa dối má. Tôi xin anh đó. Anh bảo chiến tranh kết thúc rồi ư? Anh bảo hòa bình rồi ư? Xạo! Xạo! Đó là với anh, kẻ thắng cuộc.

Tấm bảng buông xuống với dòng chữ: 18 giờ 30.4.1975.

Ngôi nhà bình dị, một chiếc bàn, một mâm cơm, bà Ba Mơn ngồi giữa, hai bên là Thao và Phiến.

-­ Thằng Thao thích đọt rau lang chấm nước mắm kho quẹt. Thằng Phiến thích rau tập tàng trộn ba khía. Đó, có đủ rồi đó. Ăn đi!

-­ Má ăn trước, tụi con sẽ ăn. Thao nói.

-­ Có cút rượu đưa cay vẫn hơn má à. Phiến nói.

-­ Tao chấp nhận. Mà nè đây là bữa cơm gia đình hay cuộc đàm phán đình chiến hả tụi bay?

-­ Thôi được theo điều kiện của thằng Thao, tao ăn trước. Thôi được theo điều kiện của thằng Phiến tao có cút rượu đế Gò Đen đây.

Thao cầm cút rượu rót ra ba ly.

-­ Má con ta mừng hội tụ ạ. Thao nói.

Ba người cùng đưa ly rượu lên uống. Thao cạn. Phiến cạn. Bà Ba không cạn được. Bà ngồi lặng một lúc.

-­ Giờ này bên nhà dì Tư tụi bay, dì ấy ngồi trước mâm cơm mà khóc.

-­ Quá ngu ngốc! Thao đập bàn.

-­ Anh bảo ai ngu ngốc?

-­ Thằng Vui đó. Là lính, mắc mớ gì mà tự sát? ­ Anh hiểu gì về lính tụi tôi?

-­ Thôi, thôi, tao đã bảo không được đụng đến chuyện đánh nhau.

-­ Do má, đương uống rượu mừng má con ta sum vầy, má lại…Thao nói.

-­ Ờ, xưa nay cái gì chẳng tại tao? Tụi bay thành kẻ thù của nhau cũng tại tao mắc mớ chi đẻ ra hai đứa chớ gì? Sao má không thương thằng Vui cho được? Tụi bay biền biệt, thằng Vui đóng quân gần nhà, tối ngày lui tới. Lúc tao bệnh có nó. Lúc tao đánh đổ nồi cơm, có nó. Lúc tao té sông, có nó.

-­ Con không hiểu được nó chỉ là thằng lính, đúng là nghe tuyên truyền bậy bạ. Thua trận đâu phải trách nhiệm của một thằng lính quèn như nó? Không hiểu được là không hiểu được.

-­ Vậy ông tướng Phạm Văn Phú tự sát thì anh hiểu được không? Vậy ông tướng Lê Nguyên Vỹ tự sát thì anh hiểu được không?

-­ Nguội ngắt rồi. Tụi bay không gắp thì tao gắp cho vậy. Nè Phiến! Tập tàng vườn nhà mình nghen. Ba khía ông Chín Cò lượm ở bãi bồi đó. Nè Khoa, đọt lang vườn nhà dì Tư đó. Thằng Vui cũng rất mê đọt lang quẹt kho quẹt như mày. Trời đất sao kì vậy, cùng ăn một thứ vầy mà…

-­ Tao hiểu được. Lên đến tướng là mắc tội ác với nhân dân đầy mình. Họ biết không thoát tội được, họ tự sát.

Phiến đập tay xuống bàn cái rầm. Bà Ba im lặng nhìn Phiến. Bà lặng lẽ nhặt chiếc bát, đôi đũa bị rớt.

-­ Má ơi, con xin lỗi má. Mọi chuyện đi quá xa rồi. Tất cả đã vượt qua giới hạn gia đình mình nơi má là người chủ nhà rồi. Thao nói.

-­ Không! Tao đã nói với tụi bay, tao không biết quốc gia hay cộng sản, tao không biết miền Nam hay miền Bắc. Phiến, con nhớ chớ? Bà Ba vạch áo của Phiến lộ vết sẹo ở ngực.

-­ Tao hỏi mày có phải thằng Thao bắn mày phải không?

Phiến tới bên Thao, Thao xô tay Phiến. Phiến cố lấy tay vạch áo Thao, hai anh em xô xát nhau, vật lộn nhau quyết liệt, những tiếng thở dốc.

Bỗng cả Thao và Phiến cùng bật cười cùng nằm lăn ra trên sàn.

-­ Anh nhớ hồi nhỏ anh em mình cũng vật nhau thế này vì cái Mong con ông Sáu Đũng ở cuối xóm để trái ổi trên rào nhà mình. Anh bảo Mong cho anh, em bảo Mong cho em, vậy là giành nhau. Em còn nhớ chớ?

-­ Nhớ. Có điều cái Mong ấy ngày 28 tháng Tư không chờ anh và em về, mà xuôi Gành Hào vượt biển, chẳng biết giờ có làm mồi cho cá?

Cả hai cùng ngồi dậy.

-­ Thao, mày giấu má cái gì?

-­ Dạ không má ơi!

-­ Không qua được mắt tao! Mày giấu má cái gì ở bụng?

-­ Con đã nói không.

-­ Có! Có! Con nói có. Do vạch áo Thao lộ ra vết sẹo lớn. Do con bắn đó má! Huề!

-­ Tổ cha tụi bay, tao đẻ ra đứa nào cũng lành lặn, vậy mà… Tụi bay huề, chớ tao không huề. Bao giờ tụi bây mới hiểu được điều đó? Sao ngu quá trời vậy bây ơi?

Bà Ba chợt thừ ra im lặng một lúc. Thao và Phiến đứng bất động.

-­ Thôi, bây giờ, nghe má, trời đánh tránh miếng ăn. Đứa nào ăn hết ba chén cơm là còn thương má. Vậy đó. Tao chẳng cần biết thằng nào cộng sản hay quốc gia mới tử tế, thằng nào theo Mỹ hay Trung cộng, Nga sô mới tử tế, tao chỉ biết thằng nào lúc này ăn hết ba chén cơm tao nấu mới thực sự thương tao, mới thực sự tử tế với tao.

Thao và Phiến đến bên bàn ăn, lặng lẽ ăn cơm.

Màn từ từ khép. Tất cả im lặng.

Bỗng vang lên tiếng khóc của bà Ba. Tiếng khóc càng lúc càng nức nở. Ở hai cánh gà, Thao và Phiến xuất hiện mỗi người một cánh, đứng im lặng cùng nghe tiếng khóc. Màn giữa hé mở, bà Ba xuất hiện.

-­ Thao ơi, Phiến ơi, bao năm nay anh em tụi bay bắn giết nhau lỗi là do má. Má đẻ các con ra mà không nuôi dạy các con biết yêu thương, đùm bọc nhau, má không dạy được các con cái gì là trọng nhất trên cõi đời này. Lỗi ở má, tất cả lỗi ở má. Các con ơi, má già rồi, má gần đất xa trời rồi, liệu má có còn cơ hội chuộc lại lỗi với ông bà tổ tiên không? Má xin các con, cho má chuộc lỗi của má đi nếu từ nay các con thật sự không còn thù ghét nhau nữa, các con biết vì má, người đẻ ra các con mà nhịn nhường nhau, thực lòng thực dạ thương yêu nhau, tha thứ bỏ qua cho nhau. Tụi bay không biết vì sao con Mong bỏ đi đâu? Cái đêm 28 tháng Tư, nó đến chia tay má…Nó khóc rồi nói, má ơi, con xin lỗi má vì không được là con dâu của má. Vậy thực ra con ưng đứa nào, thằng Thao hay thằng Phiến? Nó nói, con ưng cả hai. Má bảo, tao gả cả hai đứa cho con! Nó nói, không được đâu má ơi! Hai anh tính như nước với lửa. Thao, con nói thật má nghe trước khi lên bưng con đã nói gì với con Mong?

-­ Dạ, con không nói gì ráo.

-­ Con Mong bảo, con nói với nó, anh đi không biết bao giờ trở về. Thôi, em và Phiến hãy đến với nhau rồi lo cho má. Cố sinh cho má một đứa cháu nội để má ru, má bồng. Có phải con nói vậy không?

-­ Dạ… không.

-­ Con dối má à? Con thề trước ông bà tổ tiên coi! Sao con im lặng? Còn Phiến, trước khi đăng lính dù tình nguyện lên Tây Nguyên, con nói gì với con Mong?

-­ Dạ… không.

-­ Con cũng dối má à? Con Mong kể má nghe, con đã khuyên con Mong ráng mà chờ anh Thao trở về sinh cho má một đứa cháu đích tôn… Con có nói vậy không? Con thề trước ông bà tổ tiên coi! Sao con im lặng? Con Mong nó đi, vì nó không muốn hai đứa bây lại… Các con thú thật với má đi, lời con Mong là đúng, đúng không? Vậy là tao vẫn dạy được tụi bây là anh em một nhà, lấy gia đình là trọng, thương yêu nhau. Tụi bây vẫn thực sự thương yêu nhau và thương má. Vậy tại sao? Tại sao, bà Ba đến bên Thao vạch áo Thao ra, đến bên Phiến vạch áo Phiến ra, tại sao lại có những vết đạn bắn này, tại sao lại có những vết thương này? Trời cao đất dày ơi! Do ai? Vì ai?

Tấm bảng buông xuống với dòng chữ: 20 giờ 45 phút 30.4.1975.

Chuông điện thoại reng, Khoa bắt máy. Đầu dây bên kia là đại tá Hiến.

-­ Thưa thiếu tướng, chuẩn tướng Lê Văn Hưng vừa tự sát.

-­ Cho tôi gặp vợ của chuẩn tướng Hưng.

Hiến đưa điện thoại cho vợ của chuẩn tướng Hưng.

-­ Tôi đã lệnh cho toàn quân đoàn rồi, cấm không một sĩ quan, binh lính nào tự sát. Cấm! Cấm! Tại sao chuẩn tướng Hưng lại chống lệnh của tôi? Tại sao cô không ngăn cậu ấy lại? Hả? Ai cho phép cậu ta làm vậy? Khoa gào lên phẫn uất.

Vợ chuẩn tướng Hưng khóc nấc, không nói nên lời. Khoa cũng không ngăn được nước mắt.

Điện thoại trở lại tay Hiến.

-­ Đại tá kể đi! Khoa xuống giọng.

-­ Lúc 6 giờ rưỡi chiều, một nhóm chừng 10 người đại diện cho dân chúng Cần Thơ vào xin gặp chuẩn tướng, họ khẩn xin chuẩn tướng đừng đánh lại… bởi nếu như vậy cộng sản sẽ pháo vào Cần Thơ và thành phố sẽ trở thành bình địa. Lúc 7 giờ tối, chuẩn tướng gọi vợ vào phòng làm việc. Chuẩn tướng nói: “Người ta chọn sự bỏ chạy nhưng với anh thì không bao giờ. Ngoài kia vẫn còn hàng ngàn binh sĩ dưới quyền, những người mà anh đã từng cùng nhau vào sinh ra tử. Làm sao mà giờ phút này anh có thể bỏ mặc họ để trốn đi, tìm sự bình an cho riêng bản thân mình? Nhưng đầu hàng thì anh cũng không bao giờ chấp nhận. Quân cộng sản đã đến gần kề… chống lại chỉ thêm tang thương và mất mát…”. Sau đó chuẩn tướng cho mời tất cả sĩ quan đang chờ bên ngoài vào họp. Chuẩn tướng nói: “Tôi không bỏ mặc các anh em để mang vợ con chạy ra nước ngoài, tôi cùng thiếu tướng Khoa đã thống nhất vào phút chót sẽ không tử thủ nữa, vừa vì chúng ta không còn lực, vừa vì sinh mạng của dân chúng. Các anh em không ai phải chịu trách nhiệm tủi hổ này cả. Chỉ những ai trực tiếp nắm vận mệnh quốc gia trong tay phải chịu trách nhiệm… Xin vĩnh biệt các chiến hữu!”.

-­ Rồi sao nữa?

-­ Dạ, chuẩn tướng đưa tay lên chào rồi bắt tay từng người một, xong, quay trở vào phòng làm việc, khóa trái cửa lại. Một tiếng nổ.

-­ Để làm chi hè?

Hiến ngập ngừng điều gì đó…

-­ Hình như đại tá còn điều gì muốn kể?

-­ Dạ, thôi, thưa thiếu tướng.

-­ Đại tá sợ cho tôi à?

-­ Dạ không, thưa thiếu tướng.

-­ Tại sao đại tá không báo cáo vụ hạ sĩ Vui tiểu đoàn ba là người tự sát đầu tiên?

-­ Dạ…

-­ Tại sao còn…

-­ Vâng, dạ còn trung úy Đông…, tôi không dám báo cáo thiếu tướng ạ, vì tôi biết thiếu tướng là bạn rượu với trung úy Đông ở tiền đồn, thiếu tướng rất mê tiếng hát trung úy Đông…

Ánh sáng mờ dần. Vang lên tiếng mõ. Khoa mặc áo phật tử ngồi xếp bằng, tọa thiền, trước mặt là bộ Kinh Phật. Trên cao từ từ buông xuống tấm hình mẹ của Khoa một người đàn bà thuần Việt, phúc hậu. Trong tiếng mõ nhỏ nhẹ như từ xa vẳng lại, Đông xuất hiện. Đông khẽ đọc những câu thơ của Trạch Gầm.

Cũng nơi đây ta đắp mồ cho bạn
Vừa quay lưng xác bạn lại bật tung
Mỗi thước đất cài trăm ngàn mảnh đạn
Ta sống nhăn, hóa kiếp gọi anh hùng
Cũng nơi đây ta cứu người con gái
Gởi trực thăng di tản về Bình Dương
Trực thăng nổ khi vừa rơi mặt đất
Ta điếng hồn như vừa nuốt phải xương…

Rồi Đông khẽ hát bài hát mà Đông viết lời:

Đời lính chiến như ngọn đồi hoang dại
Em có thương ta một giọt nước mắt hãy thầm gieo.
Rồi lửa đạn ngút trời em ạ
Giữa đồi cháy, bỗng mọc một chồi hoa.

Khoa bỗng giật mình khi nghe tiếng động cửa.

Đông biến mất.

-­ Ai?

Do xuất hiện.

-­ Tôi bảo em về nhà, sao quay lại?

-­ Dạ, thưa thiếu tướng, trung tá Phiến điện cho em, phải quay lại, không được rời thiếu tướng nửa bước.

-­ Cậu ta lo cho tôi à? Mấy giờ rồi?

-­ Dạ, sắp kết thúc ngày 30 tháng Tư rồi ạ. Thưa thiếu tướng, thiếu tướng chợp mắt một chút đi ạ.

Khoa nhìn tấm bản đồ chiến sự với các mũi tên đỏ và đen châu mũi vào nhau.

-­ Do, em giúp tôi một việc.

-­ Dạ, thưa thiếu tướng.

-­ Em tháo bỏ những ranh giới thép gai, những mũi tên trên bản đồ kia giúp tôi.

Do tháo bỏ những mũi tên đen.

-­ Cả những mũi tên đỏ của quân ta nữa.

Do tháo bỏ nốt những mũi tên đỏ, hiện lên những khoảng xanh không mũi tên nào hết. Khoa đến bên bản đồ nhìn, khẽ cười.

-­ Thế là chúng ta đã trả lại cho xóm làng, cánh đồng sự bình yên vốn dĩ của nó.

Khoa mở cửa sổ nhìn ra ngoài trời đêm.

-­ Tại sao họ chưa vô đây?

-­ Trình thiếu tướng, nếu Việt cộng vô dinh tụi em đánh không?

-­ Thôi đừng đánh nhau, họ vô để tôi nói chuyện.

Khoa mở tủ cầm hai bọc tiền.

-­ Cái này, lương tháng này của tôi phải không? ­ Dạ.

-­ Em nhớ đưa cho mẹ tôi. Còn đây là tiền tôi tiết kiệm. Không vợ con cũng chả tiêu pha gì. Em cầm lấy để dành lấy vợ. Đừng như tôi. Làm ra tiền phải có vợ tiêu chớ. Cô gái hò sáng nay dễ thương đó. Lấy vợ, cần dễ thương, khỏi cần xinh.

Từ trên cao hạ xuống tấm bảng đề: 1 giờ sáng ngày 1.5.1975.

-­ Trình thiếu tướng, Việt cộng đang vô dinh.

Do nói.

-­ Không được bắn!

Quốc xuất hiện.

-­ Lại ông à?

-­ Đêm tôi đi tuần tra thấy phòng của ông còn đỏ đèn. Vâng, tôi có nghe cả tiếng mõ tụng kinh. Khoa nhìn qua cửa sổ.

-­ Thằng bé đang ôm khẩu thần công chỗ cột cờ kia là ai?

-­ Mồ côi cả cha lẫn mẹ, không ai nuôi, khi chúng tôi vô đây cứ đòi theo chúng tôi. Nó bảo, cho nó vô dinh của ông để được cưỡi súng thần công.

-­ Ông biết không, có lần ở mặt trận Tây Nguyên, ngồi bên hầm pháo 155 ly, vua chiến trường, tôi từng ước nó không nhả đạn nữa mà để cho trẻ chăn trâu cưỡi nhong nhong như cưỡi trâu. ­ Tôi chẳng hiểu gì về ông cả.

-­ Tôi cũng chẳng hiểu gì về ông. Vậy mà chúng ta lại là kẻ thù của nhau. Khẽ hát, “hai mươi năm nội chiến từng ngày…gia tài của mẹ là nước Việt buồn”.

-­ Ông nghĩ đây là cuộc nội chiến ư?

-­ Hình như ông không nghĩ vậy? Thôi, nếu đụng vào những vấn đề như thế chúng ta khó có tiếng nói chung.

-­ Tôi rất buồn, thật ra rất chua xót khi nhận ra rằng tôi đã không hiểu về ông một viên tướng đối nghịch. Tôi không thích bắn nhau với người mà tôi không hiểu.

-­ Chẳng lẽ với ông bắn nhau phải có hứng ư?

Cửa mở, thằng bé xuất hiện.

-­ Chú ơi, chú cho con khẩu súng đó nha!

-­ Để làm gì hả con?

­ -Khẩu súng đó ngộ và đẹp quá trời, anh lính của chú bảo đó là súng đồ chơi.

-­ Bây giờ nó không còn của chú nữa.

-­ Vậy nó của ai?

-­ Chắc của chú Quốc đây.

-­ Chú Quốc, chú cho con heng!

-­ Nó cũng đâu phải của chú.

-­ Vậy của ai?

-­ Của ai thì của, nhưng con à, từ nay, đúng, từ nay chắc chắn nó không còn của chú nữa. Khoa nói.

-­ Tèo! Cháu ra hành lang đi! Kiếm chỗ ngủ một giấc nhé. Quốc nói.

-­ Dạ! Cậu bé tên Tèo đi ra.

-­ Bây giờ tôi có một việc muốn hỏi ông, và đây mới thực sự là lý do khi thấy phòng của ông còn đèn mà tôi vào.

-­ Tôi nghe.

-­ Tôi có tới trại quân lao của các ông.

-­ Đừng thả bất cứ ai!

-­ Nghĩa là sao thưa ông?

-­ Chúng đều là tội phạm.

-­ Nhưng tội phạm chống lại các ông, có nghĩa là…

-­ Vậy thì ông thả chúng ra đi, còn hỏi tôi làm gì nữa? Quyền trong tay các ông mà. Kẻ thù của kẻ thù là bạn mà.

-­ Nhưng thú thật, tôi vẫn không yên lòng vì… ­ Cảm ơn ông đã nghĩ tử tế về tôi.

-­ Sao ông lại nghĩ rằng, tôi nghĩ tử tế về ông?

-­ Tôi có thể ngu ngơ hiểu cái ác của kẻ thù của mình, nhưng tôi luôn đọc được đâu là ánh mắt, đâu là hơi thở có tình người của bất cứ ai.

-­ Những sĩ quan bị ông giam trong trại quân lao mắc tội gì với chế độ của ông?

-­ Tội ức hiếp Dân, tội ăn cắp, tội tham nhũng, tội lừa đảo, tội buôn lậu… Chế độ cộng sản của ông có bỏ tù bọn khốn đó không? Nếu không, thì cứ thả chúng ra! Chúng là sâu mọt có thể không hại chế độ bởi có thể có chế độ sống bằng dối trá và tham nhũng, ăn cắp, nhưng hại Dân. Hại Dân. Loại đó tôi chỉ muốn bắn bỏ.

-­ Cảm ơn ông! Hy vọng tôi sẽ còn được gặp ông.

Quốc đứng dậy, định đi ra bỗng nhìn thấy những mũi tên đỏ, đen vứt trên kệ tủ, cầm lên. Quốc nhìn tấm bản đồ.

-­ Tôi hiểu những mũi tên này, đỏ và đen. Nó đã được tháo ra, trả lại cho tấm bản đồ kia những dải đất xanh bình yên. Thưa ông, có không ít vị chỉ huy của tôi, tôi coi thường, nhưng khi gặp ông, tôi rất kính trọng. Tôi hiểu những gì đang diễn ra trong ông. Tôi biết chuyện chuẩn tướng Hưng đã tự sát. Tôi còn nghe một sĩ quan của chuẩn tướng kể là ông Hưng đã đóng cửa phòng, gài chốt lại và đã chọn chỗ nào của cơ thể bắn vào mà chưa chết ngay để đủ sức giấu khẩu súng ở chỗ khó tìm nhất trong căn phòng.

-­ Ông ấy sợ vợ ông ấy tìm ra khẩu súng để tự sát theo ông ấy.

-­ Tôi không thể biết khi bình minh lên, mặt trời tỏ sáng, số phận của ông sẽ ra sao, nhưng tôi vẫn mong rằng, chúng ta còn gặp nhau.

Quốc xé vụn những mũi tên rồi mở tung cửa sổ, ném xuống.

-­ Tôi ngạc nhiên khi con phố này các ông đặt tên là “Hòa Bình”.

-­ Liệu một ngày nào đó nó sẽ bị đổi tên hay không? Vì hòa bình của chúng tôi khác với hòa bình của các ông.

-­ Tôi nghĩ khác, thưa ông, với đàn ông chết trận, dù phía bên này hay phía bên kia thì hòa bình vẫn là hòa bình như nhau, nhưng với những người đàn bà, những người vợ, người mẹ của người lính chết trận, dù ở phía bên này hay phía bên kia, chiến tranh mới bắt đầu. Chiến tranh của cô đơn, của nỗi đau mất mát… Ông ngủ đi một chút, đêm sắp tan rồi. Chào ông!

-­ Ông quê ở đâu?

-­ Bắc Ninh, thưa ông.

-­ Quan họ? ­ Vâng.

-­ Ông có muốn nghe một ca khúc về quan họ? ­ Sao ông có?

-­ Trong một lần họp Hội đồng tướng lãnh ở Sài Gòn, tổng thống Thiệu đã bật băng ghi âm cho chúng tôi nghe rồi ông ta tặng tôi băng ghi âm ấy vì biết tôi rất mê âm nhạc. Đây là băng ghi âm tổng thống thu lại từ Đài Hà Nội.

Khoa bật máy ghi âm vang lên ca khúc “Những cô gái Quan họ” của nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Trên quê hương quan ( í ) họ ( i )
Một làn nắng ( i ) cũng mang điệu dân ca
Giữa mùa lúa thơm cánh cò bay đẹp như trong mộng ( i )
Những cô Tấm ngày xưa như vẫn còn đây trong mùa trẩy hội

Quốc cố nén nước mắt.

-­ Ông có thuộc câu hát quan họ nào không?

Quốc khẽ hát:

Gió rằng là rằng gió lạnh… ờ ơ gió lạnh cái đêm đông trường nửa chăn là chăn nửa chiếu à a à a nửa giường, nửa giường để đó chờ ai… ­ (Ngồi tựa song đào).

-­ Tôi bất ngờ, ông cũng biết bài đó.

-­ Thế đã bao giờ ông đặt câu hỏi, những kẻ như tôi chiến đấu vì điều gì không? Đất nước này đâu phải của riêng ai?

-­ Vậy thì lý do gì những người như ông lại muốn tử thủ với chúng tôi?

-­ Câu hỏi chính xác hơn là tử thủ với… cộng sản.

-­ Vâng, cộng sản, tôi là đảng viên cộng sản, tôi luôn tự hào về điều này.

-­ Đó chẳng qua do ông còn quá trẻ và thế hệ của ông bị bịt mắt quá lâu để không biết những sự thật mà…

-­ Ông…, vậy ông hiểu gì?

-­ Tôi được biết chính quyền cộng sản đã tịch thu đất của người có nhiều đất…

-­ Chia lại cho dân nghèo để người cày có ruộng, chả lẽ lại không tốt?

-­ Vấn đề là, không phải những ai có nhiều ruộng đều là bọn xấu, đều là bọn tước đoạt ruộng của dân nghèo. Cải cách ruộng đất của các ông đã gây nên cái chết của hàng trăm ngàn người chỉ có tội duy nhất là sở hữu nhiều ruộng hơn kẻ khác. Ở miền Nam này cũng cải cách ruộng đất nhưng chính phủ bỏ tiền mua lại ruộng thừa của người giàu để chia lại cho người nghèo.

-­ Nhưng ông có biết vì sao chế độ của ông thua không?

-­ Tôi chỉ biết vì sao các ông thắng mà thôi.

-­ Vì sao?

-­ Vì người lính các ông ra trận biết quá ít về sự thật. Nhưng thắng trên chiến trường không quan trọng bằng, kết quả của chiến thắng quân sự ấy có làm cho dân tộc này hùng cường lên không, có làm cho dân tộc này hạnh phúc hay không.

-­ Điều này thì tôi không thể biết.

-­ Ông có muốn nhìn vào đâu để biết không?

-­ Dạ, không.

-­ Chỉ cần nhìn vào cách đối xử của kẻ thắng đối với kẻ thua là biết. Nhanh thôi mà. Có thể chỉ trong ngày mai thôi mà.

-­ Có nghĩa là ông không tin chúng tôi sẽ khoan hồng tất cả kẻ bại trận như trong thời nội chiến của nước Mỹ?

-­ Đúng! Tôi không tin. Chỉ khi nào các ông hiểu được vì sao những vị tướng của chúng tôi đã tự sát khi các ông chiến thắng, thì tôi mới hy vọng để có thể tin…

Khoa khẳng khái, mạnh mẽ nói.

Bỗng Do xuất hiện mặt tỏ hớt hải.

-­ Chuyện gì vậy giữa nửa đêm?

-­ Dạ thưa thiếu tướng, từ căn cứ sư đoàn 7 vừa báo về, 30 phút trước, chuẩn tướng Trần Văn Hai đã uống thuốc độc…

-­ Vậy đó, lại thêm một viên tướng nữa của chúng tôi tự sát. Khoa nói.

Khoa lặng người đi, từ từ ra một góc sân khấu lặng lẽ lau nước mắt.

-­ Hai ơi, để làm chi hè?

-­ Có phải ông Hai này khi là tỉnh trưởng Phú Yên đã không chịu dùng xe nhà binh để đưa đón vợ của tướng Vĩnh Lộc đi du lịch theo lệnh của tướng Vĩnh Lộc, mà tự bỏ tiền túi của mình ra thuê xe… như một sự mỉa mai…

-­ Đúng, thưa ông! Ông ấy là một chỉ huy rất nóng tính và cương trực, không được lòng cấp trên nhưng rất được lòng dân và lính.

-­ Tại sao người như thế lại tự sát? ­ Họ không chỉ kết liễu đời mình vì danh dự… Quốc nhìn Khoa nói nhỏ với Do.

-­ Tôi rất lo…

Ánh sáng chiếu vào Khoa.

-­ Hai ơi, ngày tôi trao sư đoàn 7 lại cho cậu, cậu ôm tôi và hỏi, “Tụi mình quá ít, trong khi đó tụi xôi thịt quá nhiều. Quốc gia sẽ ra sao?”. Tôi đã nói với cậu, ra sao thì ra, dù chúng ta sinh nhầm thế kỷ, dù bao quanh chúng ta quá nhiều lũ phản bội, chúng ta vẫn không thể sống hèn.

-­ Ông tùy viên. Tôi nghĩ, ông không nên rời ông thiếu tướng nửa bước. Thật tình tôi e ngại, đêm nay ông ấy sẽ… Dù ở đối nghịch với các ông, nhưng tôi tin ông thiếu tướng là người tử tế, tôi không muốn đất nước mình mất đi một con người như thế.

-­ Vâng, Cảm ơn ông. Xin ông đi ra ngoài cẩn trọng, binh lính của chúng tôi có không ít người vì hận thù có thể bóp cò bất cứ lúc nào.

-­ Vâng cả ông nữa… đạn lạc khắp nơi.

Quốc ra hành lang, bế cậu bé ra cổng, có mấy chiến sĩ đứng ngoài cổng khoác súng đi cùng Quốc.

Trong phòng của Khoa. Khoa ngồi hút thuốc hết điếu này đến điếu khác.

Từ trên cao hạ xuống tấm bảng đề: “3 giờ sáng 1 tháng 5.1975”.

Do rón rén bước vào phòng. Khoa đang nằm trên sofa bất động, mắt đeo kính đen không biết đang ngủ hay thức. Vang lên những tiếng súng từ nhiều phía. Khoa vẫn nằm bất động. Ánh sáng tắt dần. Do ngồi một góc ngủ vật vờ. Khoa chợt đứng dậy, lấy gối kê đầu cho Do. Khoa đến bên bàn thờ Phật, gõ chuông boong boong boong. Khoa thắp nhang rồi chắp tay niệm Phật.

Khoa trở lại bàn lấy ra một tờ giấy trắng, ngồi im lặng bên tờ giấy trắng ấy. Khoa vẽ hình cô gái mặc áo bà ba đang chèo thuyền trên kinh. Vẽ xong, Khoa cuộn lại, tiếp tục hút thuốc.

-­ Mấy giờ rồi Do?

-­ Dạ, thưa thiếu tướng, 5 giờ sáng rồi ạ.

-­ Mặt trời lên rồi nhỉ?

-­ Dạ.

-­ Tôi nhờ em một việc, em mặc thường phục đem bức tranh này tìm gặp Út Trong, nói là tôi vẽ tặng cô ấy như một món quà cho ngày cưới của cô ấy. ­ Dạ. Nhưng…

-­ Không nhưng gì hết.

-­ Dạ, em không thể rời thiếu tướng lúc này.

-­ Em lo tôi sẽ… Khoa cười. Tôi thề danh dự quân nhân với em là tôi sẽ đợi em quay lại, vì tôi rất muốn biết bức họa này Út Trong đã đón nhận chưa.

Ánh sáng tắt dần, từ trên cao buông xuống bức tranh Khoa vẽ Út Trong đang chèo thuyền. Ánh sáng chiếu vào bức tranh.

Màn từ từ khép. Cây cầu khỉ. Út Trong đứng bên một mô đất có thanh thập tự, bất động, im lặng. Bình minh. Bà Tư đi tới cùng Do.

-­ Út ơi, về đi con! Con đã bên mộ anh Hai con suốt đêm rồi.

-­ Má hứa với con, má không giận anh Hai nữa con sẽ về.

-­ Má giận nó vì nó đâu có thương má.

-­ Sao má biết anh Hai không thương má?

-­ Thương má, thì tại sao nó nỡ bắn vào da thịt của nó, nó quá biết da thịt của nó cũng chính là da thịt của má mà. Má mang nặng đẻ đau nó, nựng thương nó cho nó nên người. Nó báo hiếu má vậy đó. Sao không giận cho được?

Bà Tư im lặng một lúc.

-­ Cậu này là…

-­ Ảnh là người mà con tính thưa với anh Hai, tính thưa với má…

-­ Dạ. Con chào bác. Con xin lỗi bác, con đã chẳng làm gì được để ngăn anh Hai…

-­ Ủa. Út, còn ngôi mộ nào đây nữa con?

-­ Dạ, khi con ra đây đã thấy ngôi mộ này, chỗ này gò đất cao không bị ngập nước khi mùa lũ, ai đó… chắc là cũng mới chết hôm qua.

Bà Tư chắp tay vái ngôi mộ.

-­ Thôi cho anh Hai con có bạn.

-­ Má, hình như Việt cộng… Bà Tư, Do, Út tránh vào góc khuất.

Quốc và nhóm bộ đội xuất hiện mang theo một tấm bia trên mô đất và lá cờ đỏ sao vàng nhỏ. Họ dựng tấm bia lên mô đất bên cạnh mộ của Vui, đắp cỏ xanh lên mô đất rồi cắm lá cờ.

-­ Anh Quốc, còn ngôi mộ này nữa… ­ Đắp cỏ luôn.

-­ Dạ, không biết là dân trong làng hay là quân ngụy Sài Gòn.

-­ Chết rồi thì là ai cũng vậy. Cỏ đâu có phân biệt ai với ai, cứ có đất là mọc là phủ xanh thôi.

Em yên nghỉ nhé, Sao ơi! Cỏ sẽ mãi xanh trên ngôi mộ của em dù em không cần xanh cỏ. Anh và đồng đội sẽ quay lại với em rồi đưa em về với u của em.

-­ Nghiêm!

Tốp bộ đội đứng nghiêm.

Quốc rút súng bắn lên trời ba phát.

-­ Chúng tao vĩnh biệt mày, Sao ơi!

Quốc khóc… Út Trong lặng lẽ xuất hiện.

-­ Đây là mộ anh Hai em. Cho em được khóc với. Suốt đêm qua một mình bên mộ này, em không dám khóc.

-­ Em chính là cô gái sáng qua chèo thuyền trên kênh và hò…

-­ Lúc đó anh cũng nghe sao?

-­ Cả cậu ấy nữa. Cậu Sao ấy, đẹp trai, chất phác… Sau đó cậu ấy đạp trúng mìn. Cậu ấy nghe em hò, nhớ điệu hò lơ mà u cậu ấy thường hò những đêm trăng tỏ. Em tên gì?

-­ Dạ Út Trong ạ.

-­ Anh Hai em vì sao… ­ Dạ, anh ấy tự sát… ­ Tướng?

-­ Dạ không, lính rặc thôi ạ.

-­ Tướng tự sát còn có lý, anh ấy chỉ là lính, tại sao…

-­ Em không biết. Em không biết. Em không biết. Mà tại sao em lại phải biết?

Út đến bên tấm bia với lá cờ đỏ.

-­ Anh! Anh giúp em một việc được không?

-­ Em cứ nói!

-­ Hai ngôi mộ này giờ bên nhau, không biết sẽ còn bên nhau bao lâu nữa, em muốn trên hai ngôi mộ ấy chỉ có họ tên, quê quán, năm sinh, chết ngày 30 tháng Tư năm 1975 thôi, đừng cấp bậc, đơn vị, đừng cờ quạt nào hết ráo.

-­ Anh hiểu. Quốc chần chừ.

-­ Chắc khó cho anh lắm phải không?

-­ Thôi, thế này vậy. Nếu được, em hò lại bài ca đó đi, để cậu ấy nghe lần nữa cho nguôi ngoai… rồi thì…

Út lặng đi một lúc rồi cất tiếng hò…
Ơ à ơi, ời à
Ngó lên trời thì trời trong mây trắng
Dòm xuống nước nước trắng lại trong
Nhỏ nhỏ như ai chớ nhỏ nhỏ như em đây mà chắc dạ ơ à bền lòng ơ à
Ơ à… Lỡ duyên thời em chịu lỡ  ơ…  Lỡ duyên thời em chịu lỡ…
Mà đóng cửa loan phòng ờ ơ à… Em chờ anh, ơ à Ơ à… ơ  à ơ…ơ… ư..

Trong tiếng hò ấy Quốc đến bên Út lặng ngắm nhìn vẻ đẹp của Út.

-­ Anh Hai em tên gì?

-­ Dạ, Vui ạ.

-­ Còn cậu ấy tên Sao. Vui sao!

-­ Hay, sao… vui?

Út lại thút thít khóc.

Quốc từ từ đến bên mộ Sao gỡ lá cờ đỏ khỏi mộ. Quốc cất lá cờ đỏ vào ngực mình quay lại nhìn Út lần cuối với ánh mắt rất buồn, rồi cùng tốp bộ đội khuất dần.

Bà Tư và Do xuất hiện lại.

Do rút từ ống giấy ra bức tranh Khoa vẽ.

-­ Đây là bức tranh đêm qua thiếu tướng vẽ. Thiếu tướng bảo, muốn tặng em coi như món quà cưới cho em. Thiếu tướng bảo, hết chiến tranh, đàn ông rồi cũng sẽ về nhà, không lỡ duyên đâu.

Út cầm bức tranh, ngắm nhìn, xúc động. Do lặng lẽ bỏ đi. Út quay lại không thấy Do nữa.

-­ Út à, thôi, má hết giận thằng Hai rồi. Má muốn ngồi một mình với nó. Con! Đứng trơ đó à? Đuổi theo nó đi chớ! Nói với nó, người nào con chọn má cũng đồng ý.

Út đi khuất. Bà Tư lấy nhang thắp trên mộ Vui và mộ Sao. Bà đứng yên chắp tay khấn.

-­ Các con ơi! Các con ơi!

Bà Tư òa khóc. Vang lên dàn đồng ca cùng điệp khúc “Các con ơi!”.

Út đuổi theo Do đến một gò đất.

-­ Em về với má đi!

-­ Anh không hiểu vì sao em ca hoài bài ca đó sao? Anh không hiểu tất cả là cho anh sao? Em biết anh lúc đó cùng thiếu tướng bên kênh, em hò, em ráng quay lại rồi tiếp tục hò. Khi tay cộng quân ấy bảo em hò cho người lính cộng quân chết nghe, em hò ngay không chút chần chừ. Anh Hai em tự sát vì lẽ gì? Chẳng lẽ em không biết sao để em lại hò cho kẻ thù của anh ấy nghe bài ca đó. Em hò là cho anh. Anh mù mắt sao mà không thấy em hướng về phía anh đang ẩn nấp để hò.

Út khóc. Rồi đột ngột chạy đi. Do quay lại đuổi theo Út. Do ghì ôm Út. Do hôn khắp cơ thể Út. Ánh sáng chỉ còn chiếu về thân thể Do và Út đang cuồng nhiệt với nhau. Ánh sáng tắt. Đột ngột chiếu về một gò đất. Hiện dần lên một nòng súng. Nòng súng kéo dài thẳng đứng rồi nòng súng từ từ ngả xuống về phía đôi trai gái. Rồi nòng súng từ từ rút lại cho đến khi không còn thấy nữa.

Một tiếng rú lên của Út.

Ánh sáng chiếu lại Út và Do.

Tiếng thở của Út.

-­ Anh đừng bỏ em!

-­ Anh về chút xíu với thiếu tướng. Anh không thể để thiếu tướng một mình lúc này. Anh sẽ quay lại!

Do chạy đi.

Từ cao buông xuống bảng đề: 6g ngày 1.5.1975.

Căn phòng của Khoa. Khoa và Do. ­ Hai người lính đối đầu nhau giờ bên nhau… Thật trớ trêu! Khoa nói.

-­ Dạ, thưa thiếu tướng.

-­ Từ giờ phút này em đừng gọi tôi là thiếu tướng nữa. Đúng, không cấp bậc, không số lính, không đơn vị, không sắc cờ trên bia mộ những người lính, họ chết rồi hãy trả lại cho họ quê hương, họ tên, năm sinh, năm mất là đủ. Họ cùng năm sinh 1955 à? Cùng mãi mãi 20 tuổi à? Em cho tôi nối máy với đại tá Hiến được không?

-­ Dạ, đại tá Hiến cùng vợ con lên tàu ra biển rồi ạ. Sở chỉ huy chỉ còn trung tá Phiến.

-­ Nối máy cho tôi.

-­ Dạ.

Điện thoại reng. Phiến cầm máy.

-­ Vâng tôi xin nghe thưa thiếu tướng!

-­ Đây là lệnh cuối cùng của tôi với tư cách thiếu tướng tư lệnh quân đoàn, trung tá đến văn phòng đại tá Hiến lấy toàn bộ sơ đồ mà kế hoạch tử thủ của chúng ta đã bố trí gài mìn ngăn quân cộng sản.

-­ Dạ, vâng. Đốt ạ?

-­ Không! Đưa cho chỉ huy quân cộng sản.

-­ Dạ, sao lại vậy? Thưa thiếu tướng!

-­ Tôi không muốn bất cứ ai trở thành nạn nhân nữa.

-­ Dạ, rõ! Thưa thiếu tướng.

Phiến đi khuất.

Khoa đến bên Do.

-­ Em có cùng cô ấy…

-­ Dạ.

-­ Em tin rằng, tôi chưa một lần không? Tôi cứ nghĩ, kết thúc chiến tranh… Thấy thế nào?

-­ Dạ, em cứ nghĩ, đó chính là chiến thắng lớn nhất cuộc đời em.

Ha ha ha… Khoa cười lớn.

Khoa ôm Do, xốc Do lên xoay mấy vòng.

-­ Đàn ông là phải thế chứ!

Một giai điệu êm dịu. Tiếng sáo tinh khiết, trong lành.

Từ trên cao buông xuống hai tấm bảng, một đề “MƯỜI NĂM SAU”, một đề “THU MUA PHẾ LIỆU CHIẾN TRANH”.

Đống phế liệu chiến tranh, đạn pháo, bom vv…

Quốc và Do mặc thường phục ngồi cùng cưa quả bom lớn. Vừa cưa vừa nói chuyện.

-­ Mẹ kiếp, thế mà mười năm rồi. Quốc nói.

-­ Mười năm, ba tháng, sáu ngày. Do nói.

-­ Sao cậu không về nhà mà lại kiếm tôi?

-­ Nhà không còn nữa. Ba má tôi cùng các em vượt biển chẳng biết sống chết ra sao. Tôi kiếm anh chỉ để hỏi anh, bức chân dung Út Trong do thiếu tướng vẽ, anh còn giữ không? Đó là gia sản duy nhất của tôi lúc này.

-­ Sao lại hỏi tôi?

-­ Trong trại cải tạo, Út duy nhất một lần đến thăm tôi. Tôi hỏi bức tranh ai giữ, Út bảo Út đã cho anh.

-­ Thực ra cậu cần biết bức chân dung hay cần biết…

-­ Vâng, cả…

-­ Cả hai hay cả ba? Quốc khẽ cười đôn hậu.

-­ Nghĩa là sao? Cả hai thì tôi hiểu, nhưng cả ba thì…

-­ Quả bom này may mà bị xịt. Công nghệ hiện đại, chuẩn xác của Mỹ mà cũng có bom xịt đấy.

-­ Anh lấy nó ở đâu?

-­ Trên một cánh đồng, không xa dòng kênh… Cậu còn nhớ dòng kênh ấy không?

-­ 10 năm trong trại, khi nhớ đến dòng kênh này, tôi đều gọi nó là dòng kênh Út Trong.

Quốc ngừng cưa, đứng dậy vê điếu thuốc rồi châm lửa hút. Nhả khói. Quốc đưa cho Do điếu thuốc. Do cũng đứng dậy dời quả bom, Do hút nhẹ. Nhả khói. Rồi hút một hơi thật dài, thật sâu.

Ngậm khói trong miệng một lúc rồi mới nhả khói.

-­ Tại sao anh lại…ra nông nỗi này? Do hỏi.

-­ Tôi lấy cô ấy.

-­ Điều ấy Út Trong đã kể tôi nghe khi tới thăm tôi.

-­ Người ta không chấp nhận một sĩ quan cộng sản lấy vợ có anh ruột tự sát trong cái ngày 30 tháng Tư ấy để tỏ lòng trung thành với chế độ…

-­ Anh cứ nói ngụy. Tôi quá quen với chữ ngụy ấy rồi.

-­ Còn tôi không quen. 10 năm rồi vẫn không quen và càng ngày càng không quen.

-­ Thôi, anh cứ kể những gì anh có thể kể đi!

-­ Chuyện còn dài. Cứ từ từ, rồi tôi sẽ kể hết cậu nghe. Tối nay cậu tạm ngủ ở đây.

-­ Ta cưa tiếp chớ! Do dụi thuốc xuống chân. Cái khó là không biết lúc nào nó dở chứng.

Quốc ngó khúc cưa, lấy thước đo độ sâu của khúc cưa.

-­ Thôi! Để tôi.

-­ Cứ cho tôi cùng anh!

-­ Không! Tôi một mình, không sao.

-­ Có nghĩa là, anh vẫn…

-­ Làm sao biết được nó có thật sự xịt hay không? Tôi quen rồi, tôi biết lúc nào nó dở chứng.

Bỗng Quốc buông cưa.

-­ Cậu theo tôi.

Quốc chỉ tay vào vách nhà tranh. Từ trên cao từ từ buông xuống bức vẽ Út Trong.

Do lặng người.

-­ 10 năm. Vậy mà chính anh nói với tôi chỉ 10 ngày.

-­ Rồi cậu sẽ hiểu tất cả.

-­ Anh yêu cô ấy?

-­ Ngay khi nghe tiếng hò cùng cái nhìn đầu tiên, không chối. Mà này, câu hỏi cậu cần biết nhất sao cậu không hỏi? Tôi chờ cậu hỏi đấy.

-­ Sự thật, tôi…tôi không đủ can đảm để hỏi.

-­ Cậu có nhớ lùm cây sau lúc ở khu mộ, cách đây mười năm…

-­ Vậy ra cái nòng súng ấy là của anh?

-­ Vậy ra cậu biết có nòng súng chĩa về phía cậu?

-­ Sao anh không bắn?

-­ Sao cậu không bỏ chạy?

-­ Tôi đã không bắn vì cô ấy đang hạnh phúc.

-­ Còn tôi cũng không bỏ chạy vì cô ấy đang hạnh phúc. Chúng ta cưa nốt đi chớ!

-­ Để lúc khác. Sau khi chứng kiến khoảnh khắc hạnh phúc của cô ấy với cậu, tôi đã tự nhủ, thế là hết…

Quốc và Do ngồi xuống bàn. Quốc lấy ra chai rượu. Rót hai ly.

-­ Mừng cậu trở về!

Hai người uống.

-­ Hy vọng lại nhen nhúm lên khi tôi bị tống đi cải tạo dù 10 ngày?

-­ Tôi không phải kẻ lừa cậu. Tôi nghe cấp trên của tôi nói mọi sĩ quan sẽ chỉ đi học tập 10 ngày. Quá 10 ngày tôi tìm đến nhà Út Trong, tôi hỏi cậu về chưa. Cô ấy bảo chưa. 20 ngày tôi tới hỏi rồi 30 ngày, rồi 90 ngày… Sau đó tôi không đến nữa khi nhận ra bụng cô ấy.

-­ Anh nói sao?

-­ Kẻ thứ ba. Đúng.

Do lặng người đi.

-­ Vậy ra tôi không mất tất cả. Do cố giấu tình cảm, niềm vui của mình. Nó…

-­ Con trai. 9 tuổi rồi. Giống cậu như đúc. Rồi cậu sẽ gặp. Nó luôn biết ba nó là ai.

-­ Lý do gì, cuộc đời anh lại thế này? Chẳng lẽ anh bỏ quân ngũ chỉ vì người ta đã thất hứa với những người như tôi. 10 ngày thành 10 năm?

-­ Cậu có thuộc bài thơ 10 năm ấy không? Tôi nghe loáng thoáng có một nhà thơ tên là Tô Thùy Yên, bị tù 10 năm…

-­ Bài thơ này tên là “Ta về”. Tôi chỉ nhớ vài đoạn.

-­ Đọc đi!

­Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này .­

– Lúc ấy tôi bắn cậu thì sao nhỉ?

­- Thôi, đúng là tôi cần biết sự thật. Dẹp! Thơ với phú, dẹp mẹ nó đi! Dù anh có còn trong quân đội của anh hay bị đuổi ra khỏi, tôi vẫn nói thẳng với anh rằng, tôi căm thù các anh. Tôi vừa cưa bom với anh ư? Từ bao giờ tôi đã biết diễn trò mèo, trò khỉ ấy? Tôi chỉ cần bức tranh này và đứa trẻ thôi. Còn lại là của… anh, kẻ thắng cuộc.

Quốc tát mạnh vào má Do.

-­ Im mồm! Ở trại cải tạo người ta không dạy cậu tình yêu là gì à? Cậu sẽ có tất cả, nhưng trừ bức tranh này.

Quốc trở nên bình thản đứng một góc ngâm lại câu thơ của Tô Thùy Yên.

Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.

– Hay lắm! Địt mẹ, hay lắm!

Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.

– Nhưng tôi thích nhất câu này. Chút rượu hồng đây xin rưới xuống / Giải oan cho cuộc biển dâu này.

-­ Anh muốn nói nỗi oan ư? Nỗi oan của ai? Của ai? Của ai?

-­ Của ai ư? Cậu tưởng chỉ những người như cậu mới bị oan trái ư? Bố mẹ cậu đặt tên cậu là Tự Do, cậu là tùy viên của một ông tướng đáng kính nể, tại sao cậu lại có thể tầm thường ích kỷ chỉ nghĩ đến số phận, thân phận của mình thôi như vậy? Tóm lại là thế này. Bức tranh này đã là của tôi. Cô ấy cho tôi. Tôi không muốn đưa cho ai khác, kể cả cậu.

-­ Đó là kỷ niệm cuối cùng và duy nhất của tướng Khoa, người mà tôi yêu kính.

-­ Tôi không quan tâm.

-­ Do nó là hình ảnh của Út Trong, cô gái mà anh yêu ư? Anh hãy cứ yêu cô ấy.10 năm rồi. 10 năm là thời gian quá đủ để một cuộc tình có thể trở thành dĩ vãng rồi. Xin anh đừng đạo đức giả!

-­ Dẹp cái giọng tử tế muốn hy sinh cho người khác đi. Cậu đếch hiểu gì tôi sất. Với lại trong đầu còn đầy thù hận, còn đầy ẩn ức kẻ thua cuộc thì cậu sẽ mãi mãi, xin lỗi, đéo hiểu gì về tôi sất. Tôi muốn giữ bức tranh này không phải vì là chân dung cô gái một thời tôi yêu mà nó do tướng Khoa vẽ.

-­ Vậy anh không tin tôi có cùng mục đích như anh à?

Có tiếng xe jeep. Tiếng gọi từ xe jeep.

-­ Quốc! Quốc!

-­ Dạ, thủ trưởng vào đây!

Tô, gầy còm, mặc quân phục cũ, quân hàm thiếu tướng bước vào.

-­ Mẻ sắt này của cậu nữa là đủ đó.

-­ Em cứ tưởng thủ trưởng đùa.

-­ Khi rút quân về chiến khu tớ đã lịnh giật sập cầu Phú Long và gởi thư lại cho dân: Thằng Tô này vì việc quân mà phá cầu đi lại của bà con. Xin hứa sẽ phục dựng sau ngày thắng lợi…Từ 75 tới giờ đã 10 năm, đi ngang qua cây cầu gãy, tớ bức bối không chịu được. Đùa sao cậu? Tớ hứa với dân tớ phải thực hiện chớ.

-­ Em bái phục thủ trưởng đấy.

-­ 10 năm là quá tệ. Tớ ra lệnh phá cầu thì tự tớ phải xây lại cầu trả lại cho dân, xấu hổ bỏ mẹ, chớ bái phục cái con…

Chợt nhận ra Do, Tô cười.

-­ Suýt văng con cặc, hề hề. Khách hả?

Minh họa: Trần Thắng

Tô nhìn Do, đến bắt tay Do.

-­ Quen quen khuôn mặt này nha. Rồi! Nhớ cấm lộn. Trong văn phòng của tướng Khoa khi tớ tiếp quản có một bức hình. Cậu, đúng rồi cậu đứng cạnh tướng Khoa. Cậu là Trần Tự Do, tùy viên của tướng Khoa. Đúng không? ­ Vâng, thưa ông!

-­ Sao bây giờ mới…

-­ Ông nghĩ người như tôi 10 năm qua thì ở đâu?

-­ Xin lỗi, tớ xin lỗi. Cậu, chính cậu là người 10 năm trước chứng kiến cái chết của tướng Khoa. Đúng không? Cậu, chính cậu đã chôn xác tướng Khoa, đúng không?

-­ Đúng, thưa ông.

-­ Quốc, cậu kể tớ nghe lại chuyện tướng Khoa nói với thằng Thao cái ngày 30 tháng Tư ấy đi!

-­ Thì em kể hai lần rồi.

-­ Tớ muốn nghe lại để cậu Do này là nhân chứng, xác minh.

-­ Thủ trưởng không tin em hay sao?

-­ Khi thằng Quốc này tới gặp tướng Khoa, cậu có mặt ở đó, đúng không?

-­ Dạ.

-­ Thôi được, tớ muốn nghe lời tướng Khoa nói từ chính cậu. Cậu Do à.

-­ Dạ, thiếu tướng Khoa nhắc lại chuyện lịch sử,

Võ Tánh và Ngô Tùng Châu chấn giữ thành Bình Định gửi thư cho Trần Quang Diệu, tướng Tây Sơn xin đối xử tử tế với những quan, lính thất thủ thành, tha chết cho họ, đừng bắt tù tội họ, đừng hành hạ họ…

-­ Nè, hơi khác lời thằng Quốc kể nha.

-­ Dạ, em kể… thiếu đó ạ. Đúng là có cả câu tha chết cho họ, những người thua cuộc, đừng bắt tù họ, những người thua cuộc, đừng hành hạ họ…

-­ Những người thua cuộc… Hừ, đù, các cậu tính móc mỉa tôi hả? Hả? Đù…

Quốc bật ôm lấy Do, rồi trên vai Do, Do cảm nhận giọt nước mắt nóng hổi của Quốc. Đột nhiên Do xô Quốc ra.

Tô sấn đến Do lấy tay túm áo ngực Do lắc lắc.

-­ Vì… cô gái kia chớ gì? Này, tôi nghe thằng Quốc bảo đây là bức tranh tướng Khoa vẽ trước khi tự sát. Tôi nghe, rụng tim. Trước khi tự sát mà còn bình tĩnh vẽ chân dung một cô gái. Huyền thoại.

-­ Thủ trưởng có cái tật không tin kẻ đối nghịch lại… Quốc nói. Đó là tật xấu, rất xấu, thủ trưởng ơi! Đó, thủ trưởng thì giật cầu, tướng Khoa lại không cho giật cầu.10 năm đất nước thống nhất, nhưng con người hai phía vẫn chưa chịu hiểu nhau đâu.

-­ Thôi được, cứ cho cậu nói trúng tim đen của tớ. Tớ cũng chỉ là con người. Khi nghe chuyện một ông tướng…

-­ Dạ, ông cứ gọi là ngụy. Tôi nghe quen rồi.

-­ Thôi, cậu kể đi, những gì cậu chứng kiến những phút cuối cùng của tướng Khoa. Tôi muốn nghe. Tôi cần nghe. Tôi phải nghe.

-­ Thưa ông, đêm 30 tháng Tư ấy, thiếu tướng Khoa không chợp mắt. Ông ngồi thiền rồi vẽ bức chân dung cô gái này. Cô gái mà anh Quốc và tôi nghe cô ấy hò trước lúc tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Sớm 1 tháng Năm, thiếu tướng Khoa bảo tôi đem bức tranh đến tặng cô gái coi như món quà cưới cho cô gái, khi thiếu tướng Khoa biết tôi và cô gái… ­ Yêu nhau! Cậu cứ kể sự thật. Quốc nói.

-­ Sự thật ấy chẳng để làm gì nữa.

-­ Quốc! Vậy ra cậu biết họ từng yêu nhau sao? ­ Dạ.

-­ Vậy ra, cậu đã…đang tâm, cậu đã… hừ, tớ lộn về cậu! Hừ, cậu thật ra là thằng khốn. Nhục ! Đù má, nhục! Cướp vợ của kẻ thù hả?

Tô túm áo ngực Quốc rồi đấm Quốc vào mặt.

Quốc bình thản không cãi, không chống cự. Tô đến bên Do.

-­ Tớ xin lỗi cậu. Tớ đã có một người lính khốn nạn như nó. Mà nè, thằng Nam là con của ai? Quốc, thằng Nam mấy tuổi? Học lớp ba. Đù… 9 tuổi hả.

-­ Đó là việc riêng của chúng tôi. Tôi không muốn bất cứ ai dính vô! Tôi nói thiệt với ông, tôi có thể tha thứ hết cho anh Quốc ấy, vì những gì anh ấy làm chỉ ảnh hưởng đến tình cảm quá khứ của tôi mà thôi. Nhưng điều tôi, chúng tôi khó tha thứ, chúng tôi không thể tha thứ là anh ấy và các ông…Lá thư của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu gửi cho Trần Quang Diệu khi thất thủ thành Quy Nhơn mà tướng Khoa của chúng tôi nhắc lại cho đại diện của các ông, nhưng đã không được các ông quan tâm, nói toẹt ra, các ông vứt sọt rác.

Quốc lặng lẽ đọc câu thơ của Tô Thùy Yên:

Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này.

-­ Thưa ông 10 năm, có người 13 năm, 15 năm… Thưa ông hàng trăm ngàn người vì không chịu được khốn quẫn, đường cùng đã vượt biển rồi làm mồi cho cá biển. Do giọng phẫn uất.

-­ Tôi chỉ là một tướng chiến trường, tôi không có quyền quyết định.

-­ Vâng, tướng Phạm Văn Phú, tướng Lê Nguyên Vỹ, tướng Lê Văn Hưng, tướng Trần Văn Hai và cả tướng Nguyễn Khoa, người vẽ bức chân dung cô gái kia…cũng đâu có quyền quyết định. Nhưng họ đã tự sát. Vâng thưa ông, vì danh dự và cả vì lý tưởng mà họ theo đuổi nữa. Tôi trân trọng ông vì lời hứa với người dân khi đánh sập cây cầu sẽ làm lại cầu, và ông đang thực hiện điều đó. Nhưng còn cái lời hứa, lời cam kết một đất nước thống nhất thật sự anh em một nhà thì sao? Cái nào lớn hơn cái nào? Giải oan cho cuộc chiến tranh này. Rượu có rưới cả đại dương, nước mắt có rưới cả đại dương cũng làm sao giải được cái oan nghiệt cuộc chiến tranh này?

Tô im lặng trước những lời nói vừa phẫn uất chất chứa bao lâu, vừa bi ai của Do. Quốc lặng lẽ đến bên quả bom, ngồi xuống, lấy cưa, cưa. Tiếng cưa rin rít mỗi lúc mỗi to, rờn rợn.

-­ Như vậy anh vẫn không thể cho lại tôi kỷ vật cuối cùng này?

-­ Không!

-­ Quốc, cậu tiếc gì khi cậu đã có cô ấy và đứa con…

-­ Thủ trưởng 10 năm bên tôi, nhưng thực ra, thủ trưởng nào có hiểu gì. Những người lính sống chết với mình, thủ trưởng còn không hiểu, thì làm sao thủ trưởng có thể hiểu được những người lính bên kia chiến tuyến ấy, và sẽ càng làm sao hiểu được những viên tướng chỉ huy bên kia chiến tuyến ấy.

-­ Có lẽ tớ đã sai. Tớ đã quá giáo điều, quá sách vở. Tớ nhớ ở chiến khu Tây Ninh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường nói câu của một ông Tây nào đấy: “Mọi lý thuyết đều xám xịt. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi” và “Mỹ Ngụy không phải ai cũng xấu”. Chiến tranh, những trận đánh, cơn đói, cái chết và mong mỏi hòa bình đã cuốn hết thời gian của tớ, tớ đâu còn thời gian để biết, để hiểu thấu mỗi cuộc đời, mỗi số phận mình gặp. Tớ chỉ có một niềm tin vào lá cờ mà tớ đổ máu. Bây giờ nghĩ lại, tớ không hiểu vì sao khi nghe cậu kể những gì cậu nghe, cậu thấy trong ngày 30 tháng Tư ấy với tướng Khoa, tớ đã không tin. Khi cậu bỏ quân ngũ, tớ cũng không tin những lời cậu kể là sự thật dù rất yêu cậu. Nhưng, thề có anh linh của ba má tớ, dù không tin vào những gì cậu kể, thì tớ vẫn cúi mình cảm phục những vị tướng của bên kia đã tự sát trong ngày 30 tháng Tư ấy. Bây giờ thì tớ mới hiểu ở phía bên nào cũng có người lương thiện và bọn khốn nạn.

Do chuẩn bị đi.

-­ Cậu tính đi đâu lúc này?

-­ Tôi đi thắp nhang cho ông ấy.

-­ Vậy ra, mộ của tướng Khoa gần đây à?

-­ Vâng, tôi chôn, tôi biết.

-­ Tôi muốn đi theo cậu, được không?

-­ Tùy ông!

-­ Quốc! Đi cùng chớ!

-­ Không! Em phải cưa nốt quả bom này mới đủ số thép cho thủ trưởng xây lại cây cầu.

-­ Này, trước khi đi, tớ muốn nghe cậu kể lại những giờ phút cuối cùng của tướng Khoa.

-­ Tôi không thể kể một mình câu chuyện này. Do đến bên Quốc, níu tay Quốc lại ngừng cưa. Phải có cả anh nữa. Anh cũng chứng kiến những giờ phút ấy.

Quốc ngừng cưa.

Màn khép lại. Vang lên tiếng súng. Từ trên cao hạ xuống bảng đề: “7g 30 ngày 1.5.1975”. Màn mở.

Do trang phục trung úy sĩ quan tùy tùng chạy vào. Khoa ngồi trên sofa gục đầu xuống.

-­ Thiếu tướng! Do hoảng hốt lay người Khoa. Khoa từ từ mở mắt rồi khẽ mỉm cười.

-­ Để làm chi hè? Em… hỏi cưới đi. Bức tranh ấy là quà cưới của tôi cho Út Trong và em. Khoa lấy tay xoa trên trán đẫm máu, nhìn bàn tay đẫm máu. Để làm chi hè?

Khoa nhắm mắt lại. Do ôm Khoa òa khóc.

-­ Anh ơi! Anh ơi!

Phiến xuất hiện. Đứng nghiêm giơ tay chào vĩnh biệt Khoa.

Một góc sân khấu, Quốc và Thao và một số chiến sĩ của mình.

-­ Ông ta tự sát, ông ta muốn là người hùng. Chúng ta không thể để đám tang của ông ta như đám tang một người hùng được. Thao nghiêm giọng.

-­ Thưa thủ trưởng, dù sao nghĩa tử là nghĩa tận. Quốc nói.

-­ Không nhập nhằng! Cậu bao vây bệnh viện Phan Thanh Giản nơi đang quàn xác ông ta rồi cho quân chiếm bệnh viện ngay không để bọn họ cử hành tang lễ theo nghi thức tôn vinh ông ta như một người hùng.

Quốc nhìn Thao im lặng, tỏ chần chừ.

-­ Cậu đứng đực ra đó à? Hay là giữa cậu với tướng Khoa có mối quan hệ gì? Tôi hối hận đã cho cậu ba phút chuyện riêng với ông ta. Chuyện gì vậy?

-­ Vâng, xin tuân lệnh thủ trưởng.

Quốc chào Khoa rồi cùng lính của mình đi ra, dừng lại một góc sân khấu.

-Tiếng đóng đinh vào quan tài. Phiến, Do cùng một số lính mặc quân phục Việt Nam Cộng hòa bồng súng đứng nghiêm chào vĩnh biệt Khoa.

Quốc ra một góc, lặng lẽ bỏ mũ tai bèo xuống như mặc niệm Khoa.

Bộ đàm reng!

Thao đầu dây bên kia nói với chiến sĩ đeo bộ đàm.

­- Quốc đâu!

Chiến sĩ đeo bộ đàm đưa ống nghe cho Quốc. ­ Vâng, thưa thủ trưởng, tôi xin nghe.

-­ Tại sao không chấp hành lệnh của tôi? Cậu muốn ngày hòa bình đầu tiên, ngày đại thắng đầu tiên tôi phải trói cậu lại đưa ra Tòa án binh à? Sao láo vậy hả Quốc?

-­ Dạ, thủ trưởng cứ chửi em ạ. Em chịu. Cái chết em còn chịu được, huống hồ là lời chửi.

Phiến từ lúc nào đến bên Quốc.

-­ Tôi, trung tá Nguyễn Phiến cảm ơn các ông đã không tấn công ngăn cản chúng tôi khi chúng tôi truy điệu người anh hùng của chúng tôi.

-­ Hừ! Cậu còn cố tình bật loa to để tôi nghe những lời như thế của bọn địch à? Trung tá Nguyễn Phiến ư? Hỏi ông ta có người anh là Nguyễn Thao không?

Phiến cầm ống điện thoại.

-­ Anh gọi đúng tên chúng tôi rồi đó­ bọn địch. Tôi chúc mừng anh có những người lính đã đặt sự tử tế của truyền thống cha ông lên trên mọi hận thù, lên trên mọi sắc cờ.

Phiến buông điện thoại, đến trước hàng lính.

-­ Nghiêm!

Nhóm lính bồng súng đứng nghiêm.

Quốc chần chừ một chút đến bên quan tài tướng Khoa, bỏ mũ, đứng nghiêm. Một người lính của Quốc chĩa súng vào Quốc!

-­ Anh Quốc! Thế này là thế nào? Anh quên thằng Sao chết vì mìn của bọn nào à? Anh quên bao đồng đội ngã xuống vì ai à?

Phiến hét to.

-­ Phút mặc niệm tưởng nhớ thiếu tướng tư lệnh bắt đầu.

Quốc vẫn đứng bất động mắt nhìn về phía quan tài.

Người lính bỗng chĩa súng lên trời xả cả băng đạn, rồi quăng súng xuống đất.

-­ Vậy ra bao năm chúng ta bắn giết nhau mà không có kẻ thù sao?

Người lính òa khóc.

Màn từ từ đóng. Im lặng.

Bỗng vang lên tiếng hò của Út Trong ngày nào.

Tiếng hò dứt.

Một tiếng nổ vang lên.

-Tất cả im lặng.

Út Trong từ dưới sân khấu chạy lên, hoảng hốt. Út Trong kéo màn sân khấu ra. Tất cả tan hoang. Bức tranh bị mảnh bom xuyên thủng rách tươm. Quốc đầy máu bên chiếc cưa sắt ngồi gục đầu vào đầu gối của Tô. Do đứng bất động, mắt thất thần. Út quỳ xuống bên Quốc cố nén nước mắt. Cô đã nén được nước mắt. Cô lặng lẽ đứng dậy đến bên Do đối diện Do một lúc. Vẫn không giọt nước mắt. Cô từ từ đến trước sân khấu mắt nhìn thẳng phía trước. Giọng bình thản.

-­ Khi biết em mang bầu với anh, anh Quốc đã tìm đến em xin cưới em. Em bảo, em chỉ yêu mình anh, em đã chọn lựa anh, em sẽ chung thủy với anh, em sẽ chờ đợi anh. Anh Quốc bảo. Em không thể sống yên được khi đứa trẻ không có cha, hơn nữa cha của nó lại là sĩ quan đi cải tạo. Anh cưới em chỉ để em và con em được yên thân thôi. Anh sẽ không bao giờ đụng đến thân thể em. Anh sẽ trao lại em và con em cho anh ấy, khi anh ấy trở về. Em hỏi, anh không sợ mang tiếng lấy người yêu của một sĩ quan ngụy, lấy em gái một người lính ngụy tự sát vì chống cộng à? Anh Quốc bảo, anh chấp nhận bị đuổi khỏi quân đội. Em hỏi, để làm gì? Anh được gì? Chả lẽ, bao năm anh chiến đấu, anh đổ máu để rồi… Anh Quốc bảo, anh muốn tạ lỗi với Do khi chẳng làm gì được để ngăn cái việc mà Do và hàng trăm ngàn đồng đội của Do phải vào tù sau cuộc chiến, khi mà hàng triệu người bên thua cuộc vượt biển ra đi, anh cho đó là sự xúc phạm vô cùng đến danh dự người lính cách mạng của anh. Cưới em, nhưng anh Quốc suốt ngày đêm chỉ ở căn chòi giữa đồng để thu lượm những mảnh đạn bom, sắt thép chiến tranh này. Em hỏi, thế anh chấp nhận bên anh không có em ư? Anh Quốc bảo, cho anh bức chân dung tướng Khoa vẽ em, anh treo ở đây, thế là bên anh luôn có em rồi.

Út òa khóc.

-­ Thế là bên anh luôn có em rồi.

Tô đứng dậy.

-­ Quốc ơi, xin em tha lỗi cho anh! Vang lên tiếng Quốc đọc câu thơ của Tô Thùy Yên.

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này.

Do đến bên bức tranh Út Trong bị rách tươm, ôm bức tranh, để những mảnh rách phủ khuôn mặt mình.

Màn.

Sài Gòn, 11g 23 phút, 22.12.2023


Kịch Lưu Trọng Văn
Đăng trên VĂN HIẾN VIỆT NAM – SỐ 7+8 (354+355) 2024

Cùng chuyên mục

Mấy cảm nhận về cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” của Vũ Bình Lục

Mấy cảm nhận về cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” của Vũ Bình Lục

Truyện ngắn: Đèn lồng đỏ trong mưa rơi

Truyện ngắn: Đèn lồng đỏ trong mưa rơi

“Bán mạng” – tràn đầy hơi thở đương đại

“Bán mạng” – tràn đầy hơi thở đương đại

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ – Thả mình trong cõi vô niệm

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ – Thả mình trong cõi vô niệm

11 cá nhân, 2 tập thể, 5 vở diễn được vinh danh tại Giải thưởng Đào Tấn

11 cá nhân, 2 tập thể, 5 vở diễn được vinh danh tại Giải thưởng Đào Tấn

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh –  Một tài năng tương lai!

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh – Một tài năng tương lai!

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Sáng mãi ánh Sao Khuê – Chùm thơ nhiều tác giả

Sáng mãi ánh Sao Khuê – Chùm thơ nhiều tác giả

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định