Chúng ta đều biết văn chương, nghệ thuật là một lĩnh vực có khả năng thanh lọc tâm hồn, góp phần làm tráng kiện tinh thần, hưng phấn cảm xúc, củng cố những kiến thức, niềm tin đã tích lũy, gợi mở những suy nghĩ mới về con người, thời cuộc, tìm câu trả lời cho những vấn đề đang cần được trả lời trước thực tại….của mỗi con người. Nghĩa là người đọc sẽ chuyển trạng thái khi tiếp nhận một cách có ý thức đối với văn chương nghệ thuật. Tôi đọc tiểu thuyết lịch sử Hừng đông* của Nguyễn Thế kỷ với trạng thái tinh thần đó.
Hừng đông là tiểu thuyết viết về nhà cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu, một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, có cuộc đời hoạt động sôi nổi, đầy gian khổ hy sinh thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám. Lịch sử đấu tranh của Đảng những năm trước Cách mạng là những trang bi hùng với những hy sinh, những tổn thất lớn lao của những con người đứng mũi chịu sào có ý chí gang thép, có lý tưởng cộng sản cao đẹp, có trái tim tràn đầy nhiệt huyết, có phẩm chất yêu nước thương dân mẫu mực. Họ là những trí thức trẻ giác ngộ chủ nghĩa Mác, hiểu rõ hướng đi của thời cuộc, căm ghét chế độ thực dân, là những con người cảm nhận sâu sắc con đường chông gai đang dấn thân, có thể hy sinh tính mạng bất cứ lúc nào, nhưng không một phút do dự, chùn bước, không những không ngại gian khổ, hy sinh mà vì sự nghiệp chung, họ sẵn sàng nhường thuận lợi, nhường sự sống cho đồng chí mình, nhận lấy gian khổ, hy sinh về bản thân một cách có ý thức. Phan Đăng Lưu là một người cộng sản như vậy.
Nhưng đó là “lịch sử tự nó” chúng ta từng được biết qua những trang tiểu sử, những trang tư liệu. Tiểu thuyết Hừng đông muốn tập trung dựng lại nhân vật lịch sử đó bằng tư duy của người viết tiểu thuyết, một phương diện nhận thức khác với nhận thức lịch sử. Ở đây, lịch sử được chuyển tải bằng ngôn ngữ nghệ thuật, bằng các thủ pháp nghệ thuật, bằng cách đưa người đọc đến những không gian, thời gian nghệ thuật mà ở đó tác giả, người kể chuyện muốn người đọc cùng tham gia vào câu chuyện của mình. Viết Hừng đông Nguyễn Thế Kỷ rất có ý thức điều này.
Với 288 trang sách chia thành 11 chương là một dung lượng hợp lý cho việc chuyển tải các khía cạnh cần thiết cho cuốn tiểu thuyết viết về mọt nhân vật lịch sử. Mở đầu tiểu thuyết Hừng đông tác giả đưa người đọc đến thời khắc bi tráng trước phút cuối cùng của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, để lại ấn trượng sâu sắc trong lòng người đọc. Đó là lúc nửa đêm về sáng trong nhà lao tối mịt mù, kẻ thù dẫn Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Cừ và các bạn tù khác đi hành hình.
Một không gian ngột ngạt, một thời khắc đau thương, một “bình minh bầm tím” tang tóc như gieo vào lòng người đọc sự tiếc thương, uất ức…trước sự tổn thất không gì bù đắp nổi. Điều này được nhắc lại thêm một lần cuối sách nhưng ở một “gam màu” lạc quan hơn: Anh chỉ kịp nhìn thấy ánh lửa lóe lên từ nơi đầu họng súng và bình minh mang tới những tia nắng mảnh mai trên vòm trời cao thăm thẳm…Khi anh và đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng các đồng chí trung kiên khác máu nhuộm đỏ ngực áo thì những tia nắng hồng tươi cũng vừa lóe rạng phái chân trời (tr.286).
Từ mất mát hiện tại, tác giả dắt dẫn người đọc “đi tìm” điều đã bị tước đoạt bằng cách ngược về quá khứ, theo những bước chân của nhân vật. Sự xáo trộn thời gian này nằm trong ý đồ nghệ thuật của tác giả. Năm tháng sẽ đi qua theo từng trang sách, tính cách nhân vật rõ nét dần, sự kiện đời sống được thiết lập, logic lịch sử hòa quyện trong lôgic nghệ thuật. Cho đến trang cuối thì nhân vật lịch sử đã được “hình tượng hóa bằng xương bằng thịt” trọn vẹn, hiện lên sống động trong tính chân thật nghệ thuật. Điều đó tạo nên sự hấp dẫn của tiểu thuyết Hừng đông.
Từng chương sách trong tiểu thuyết như từng bức tranh riêng lẻ “đảm nhiệm những chủ đề nhỏ” dựng bên nhau làm nên bức tranh tổng thể để nêu bật chủ đề chung của tác phẩm. Chẳng hạn chương 2: Dưới chân núi Gám nói về thời thanh niên của Phan Đăng Lưu khi vừa tốt nghiệp trường Canh nông Tuyên Quang về nhà, được cha anh chọn vợ cho; chương 3: Non sông đã chết ta há lẽ sống thừa dựng lại hoàn cảnh gia đình, tình cảm ruột thịt trong gia đình, nơi hình thành ý thức cách mạng của Phan Đăng Lưu; hoặc chương 8: Trong nhà lao Buôn Ma Thuột là hình ảnh Phan Đăng Lưu cho dù trong hoàn cảnh bị tù đầy, vẫn không ngừng hoạt động cách mạng viết báo tuyên truyền chủ nghĩa Mác đối với các bạn tù người dân tộc thiểu số Tây nguyên; chương 9:Trước bến Văn Lâu là hình ảnh Phan Đăng Lưu bên cạnh những trí thức cách mạng như Phan Bội Châu, Đào Duy Anh, Nguyễn Chí Diểu…vv.
Những câu chuyện tác giả lần lượt kể vừa đủ để làm hình thành trong ý thức người đọc Phan Đăng Lưu như một hình tượng nghệ thuật không rơi vào sơ đồ, xơ cứng như cách viết chân dung người thật việc thật thường thấy, mà là “một con người từ đời sống”, là “con người này” xuất thân từ nông thôn miền Trung, với các mối quan hệ xã hội đương thời, với những suy nghĩ và tình cảm chân thật, với những khát vọng lý tưởng cao cả.
Mối quan hệ giữa nhân vật chính và các nhân vật phụ cũng được nhà văn quan tâm kỹ lưỡng với mục đích làm nổi bật tính cách của nhân vật chính Phan Đăng Lưu. Chẳng hạn tình cảm của anh với vợ con, với bạn cùng hoạt động Minh Khai, cô Nhồng, thầy Tăng…. Đây là tình cảm “rất con người” của Phan Đăng Lưu với đồng chí cùng hoạt động cách mạng: Nhồng ngẩng lên nhìn Phan Đăng Lưu, trong đôi mắt đang óng ánh nước, anh nhìn thấy cái bóng của mình in trên nền trời thu xanh ngắt. Phan Đăng Lưu cảm thấy bối rối. Nước mắt phụ nữ khiến anh bối rối, hay có điều gì khác vừa đến, anh cũng không biết nữa.
Anh lấy trong túi ra chiếc khăn tay nhỏ, lúng túng giây lát rồi đưa cho Nhồng (232). Đây là tình cảm với quê hương từ trong sâu thẳm tâm hồn Phan Đăng Lưu, tâm hồn của một thanh niên nông thôn xứ Nghệ thấm sâu trong anh, cho nên, trước khi lìa khỏi cuộc đời, điều nhớ nhất đối với anh là quê hương, đồng ruộng, tổ tiên… Phan Đăng Lưu cảm thấy trong gió sớm có mùi của những bông lúa đang chín, thơm ngọt ngào. Anh nhớ những bữa cơm mới. Bữa cơm đầu tiên của một vụ gặt mẹ anh luôn cẩn trọng chuẩn bị như một thứ nghi lễ, thể hiện lòng biết ơn trời đất, tổ tiên đã cho con cháu sức khỏe cũng như mùa màng bội thu (tr.286).
Phan Đăng Lưu hiện lên là một người trí thức trẻ tuổi khát khao lý tưởng giải phóng dân tộc. Xuất thân trong một gia đình hai bên nội ngoại, rồi gia đình bên vợ có truyền thống nho giáo…, bản thân là một trí thức ham học, ham đọc, học giỏi, biết nhiều ngoại ngữ ngay từ thời đi học, Phan Đăng Lưu khát khao tìm hiểu chủ nghĩa Mác, kết thân với nhiều người trẻ tuổi hiểu biết lúc bấy giờ, luôn luôn hướng về các nhân vật hoạt động cách mạng nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc…
Tất cả hun đúc trong Phan Đăng Lưu tinh thần cộng sản, đưa anh đến với tổ chức Đảng, tạo ra trong con người anh ý thức phục tùng tuyệt đối nguyên tắc tổ chức Đảng cũng như trui rèn ý chí cách mạng kiên cường trong mọi hoàn cảnh. Bởi vậy, việc anh gấp rút vượt hàng ngàn cây số từ Nam ra Bắc xin ý kiến Trung ương về khởi nghĩa Nam kỳ, việc anh nhường lại vị trí Quyền Tổng Bí thư của Đảng, rồi lại gấp rút vào miền Nam phổ biến ý kiến của Trung ương, việc anh bình thản trước mũi súng kẻ thù…nằm trong một hệ thống chỉnh thể chi tiết lịch sử và nghệ thuật, tạo ra hiệu ứng thẫm mỹ tổng hợp trong ý thúc tiếp nhận của người đọc: nâng cao hiểu biết về lịch sử, hình thành ý niệm về cái đẹp, cái hoàn thiện của nhân vật, thương tiếc trước sự mất mát như càng được gia tăng, dù đã được báo trước từ những trang đầu chương I.
Những chi tiết đời sống như chuyện vui dân gian, chuyện trạng xứ Nghệ: câu chuyện anh nhà giàu quê Yên Thành học làm sang thuê người đi mấy chục cây số vào thành phố Vinh mua xe đạp khiêng về, rồi lại khiêng đi; câu chuyện ly hôn giả giữa Phan Đăng Lưu và người vợ, chuyện Phan Đăng Lưu rất quý mến đồng đội như cô Nhồng, cô Vịnh, em Diểu…,những cuộc gặp gỡ và đàm đạo thú vị với thầy Tăng….được điểm xuyết trong từng chương sách góp phần làm tăng thêm tính chân thực của tiểu thuyết Hừng đông
Viết Hừng đông, tác giả đã dày công sưu tầm, nghiền ngẫm và sử dụng hợp lý với chủ đề của tiểu thuyết một khối tư liệu phong phú (mà không sa vào lạm dụng) về lịch sử đấu tranh của Đảng giai đoạn từ từ 1925 đến Hội nghị TW lần thứ 7 ( giữa tháng 11 năm 1941). Như chúng ta biết, đây là một giai đoạn hết sức sôi nổi của các tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam, một giai đoạn hết sức phức tạp trong hoàn cảnh phát xít Nhật lăm le muốn hất cẳng Pháp ở Đông dương, cũng là giai đoạn hết sức đen tối của phong trào cách mạng Việt Nam. Kẻ thù ra sức khủng bố, tiêu diệt những người cộng sản.
Nhiều cơ sở Đảng bị tan vỡ, tổ chức Đảng bị tê liệt, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng bị sa lưới mật thám, bị tù tội, tra tấn, hành hình như Trần Phú, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai…Cuốn tiểu thuyết dừng lại ở thời điểm cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (tháng 11 năm 1940) bùng nổ và rơi vào thất bại, do Phan Đăng Lưu – người mang chỉ thị của Trung ương về đến Sài Gòn chỉ chậm trong giây lát và bị bắt ngay sau đó. Nhưng không vì thế mà trang viết của Nguyễn Thế Kỷ nhuốm màu bi quan. Ngược lại, tác giả khẳng định Hừng đông, tuy chưa phải là thời điểm bước sang ngày mới, nhưng là một bình minh hứa hẹn sẽ mang đến màu sắc rực rỡ của ngày mới, là đêm trước đầy máu lửa, nhưng cũng đầy hy vọng của Cách mạng. Trên thực tế, chỉ bốn năm sau, Cách mạng tháng Tám 1945 đã xóa tan kiếp nô lệ của dân tộc, đưa lại ánh sáng huy hoàng của môt thời đại mới, thời đại mà những Phan Đăng Lưu và đồng chí của anh đã thấy trước từ trong bóng tối của tù ngục, đã kiên quyết đưa dân tộc vươn tới, không quản hy sinh, gian khổ đói mặt với kẻ thù.
Viết Hừng đông, Nguyễn Thế kỷ có nhiều tâm sự muốn gửi gắm trong câu chữ. Tác giả đặt người đọc trước sự đối sánh về phẩm chất của những người cộng sản chân chính hôm qua và “một số không ít” những người mang danh cộng sản hôm nay, mà mượn lời nhân vật, tác giả gọi đó là “lũ chuột” đang làm ô danh Đảng. Đừng coi thường lũ chuột…trong bóng tối chúng dễ sinh sôi, và có thê làm mọi trò bản thỉu để có miếng ăn. Chúng cũng sẵn sàng cắn phá mọi thứ tài sản to lớn mà phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của người ta mới tích lũy được. Lũ chuột cũng có thể làm hỏng việc lớn…(tr.285).
Nếu ở Phan Đăng Lưu là sự hy sinh tự nguyện vô bờ bến, là không mảy may có tư tưởng địa vị, vụ lợi, là sự giữ gìn uy tín của Đảng trong bất cứ hoàn cảnh nào…,thì những tiêu cực mà một số đảng viên, trong đó có những người có chức vụ cao trong Đảng như thời hiện tại là một sự phản biện mạnh mẽ của ngòi bút Nguyễn Thế Kỷ, thể hiện tính công dân tích cực của tác giả, cũng là tính thời sự của tiểu thuyết Hừng đông, một tiếng nói tâm huyết, cần thiết trước Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thực ra điều này không phải mới mẻ, nhưng làm trong sạch đội ngũ Đảng lúc này vẫn là bài học hệ trọng, nóng hổi liên quan đến vận mệnh của Đảng, của chế độ. Phẩm chất đạo đức, tâm hồn và trí tuệ của Phan Đăng Lưu cũng như của nhiều nhà cách mạng tiền bối khác luôn luôn cần phải giữ gìn như những tấm gương để soi rọi mọi góc độ phẩm chất đạo đức của người đảng viên hôm nay. Điều này tác giả tiểu thuyết Hừng đông làm hình thành tự nhiên, kín đáo trong ý thức người đọc theo quy luật nhận thức của hình tượng nghệ thuật, chứ không rơi vào thuyết giáo lộ liễu. Bởi vậy, Hừng đông như thể đang tham gia tích cực vào cuộc sống hôm nay, trả lời cho những câu hỏi ngày hôm nay, cho dù các sự kiện trong tiểu thuyết đã xẩy ra khá cách xa thời đại chúng ta.
Nguyễn Thế Kỷ là cây viết tài năng nhiều mặt. Anh vừa là cán bộ quản lý, vừa là cây viết tiểu luận về các vấn đề văn hóa, văn nghệ, vừa là nhà thơ, nhà biên soạn kịch bản, nhà tiểu thuyết…Trang viết của Nguyễn Thế Kỷ, dù là thơ hay các thể loại khác đều thể hiện tâm huyết, nhiệt tình của một ngòi bút giàu cảm xúc, trí tuệ. Với tác phong dễ gần, giản dị, khiêm tốn…văn phong của anh cũng vậy (Người thơ phong vận như thơ ấy – HMT), không ồn ào, không to lời lớn tiếng, mà là lời tâm sự từ trái tim, lặng lẽ thấm sâu tình cảm của người viết. Từng trang trong tiểu thuyết Hừng đông ẩn chứa sức lay động có thể làm “chuyển trạng thái” của người đọc – người tiếp nhận. Hừng đông là tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Thế Kỷ (sau Chuyện tình Khau Vai). Tuy vẫn còn một vài nhược điểm ở ngôn ngữ nhân vật, ở ngôn ngữ trần thuật tư liệu và ngôn ngữ nghệ thuật…nhưng Hừng đông là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử thành công của Nguyễn Thế Kỷ.
Lê Thanh Nghị