Các chuyên gia an ninh mạng trên thế giới đưa ra nhận định về khả năng có hay không cuộc tấn công mạng gây nên sự cố Facebook sập trên toàn thế giới.
Theo Independent, một số chuyên gia công nghệ trên thế giới nhận định, DNS tức hệ thống tên miền, có thể là nguyên do. Khi người dùng nhập “Facebook.com” vào trình duyệt của mình, máy tính không thể chuyển đổi dữ liệu đó thành dữ liệu thực tế tạo nên trang web Facebook.
Trong một loạt tweet, John Graham-Cumming – Giám đốc công nghệ của Cloudflare, một công ty cơ sở hạ tầng web, cho biết vấn đề có thể xảy ra với các máy chủ của Facebook, vốn không cho phép mọi người kết nối với các trang web của nó như Instagram và WhatsApp.
Ông Graham-Cumming cho biết, máy tính chuyển đổi các trang web như facebook.com thành địa chỉ giao thức nội bộ thông qua một hệ thống được ví như sổ địa chỉ của điện thoại. Cloudflare cung cấp một số hệ thống hỗ trợ cơ sở hạ tầng Internet của Facebook.
Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho biết còn quá sớm để khẳng định nguyên nhân của sự cố lần này.
“Thông thường, mọi người thường đặt câu hỏi liệu sự cố có liên quan đến tấn công mạng hay không. Hiện tại chúng ta chưa thể trả lời. Cũng có thể, đây chỉ là lỗi kỹ thuật hoặc lỗi do con người” – Jake Moore, chuyên gia về an ninh mạng, nói.
Tuy nhiên, tờ New York Times dẫn lời hai thành viên nhóm bảo mật của Facebook (đề nghị giấu tên vì họ không được phép phát ngôn) cho biết không có khả năng tấn công mạng gây ra sự cố ảnh hưởng đến cả 3 nền tảng cùng một lúc.
Theo CNN, đến 5h30 sáng 5.10 (giờ Việt Nam), Facebook mới dần trở lại hoạt động một phần sau 6 giờ gián đoạn.
Vào tháng 6.2021, Facebook ghi nhận 1,91 tỉ người dùng hoạt động hàng ngày, tăng 7% so với năm ngoái. Người dùng hàng ngày trên tất cả ứng dụng của công ty (Facebook, Instagram, WhatsApp và Messenger) đạt 2,76 tỉ người.
Vì Facebook cung cấp nhiều dịch vụ quan trọng trên Internet nên những sự cố như thế này có thể gây ra sự cố cho các trang dường như không liên quan khác. Hồi tháng 7.2020, Spotify dường như ngừng hoạt động. Nhưng sự thực không phải do lỗi của Spotify mà là một phần công nghệ của Facebook được nhúng trong ứng dụng.
Thời gian qua, Facebook đã nhiều lần xảy ra lỗi trên toàn cầu. Lần gần nhất là vào tháng 9, dịch vụ Facebook đã bị gián đoạn vì sự cố. Và trước đó nữa là vào tháng 6, các dịch vụ của Facebook cũng gián đoạn nhiều giờ ảnh hưởng tới người dùng tại Việt Nam.
Vào năm 2019, khi Facebook gặp phải sự cố ngừng hoạt động lớn nhất từ trước đến nay, phải mất hơn 24 giờ kể từ khi sự cố bắt đầu xảy ra cho đến khi Facebook cho biết sự cố đã được giải quyết.
Hơn nữa, Facebook có thể không bao giờ tiết lộ điều gì đã gây ra sự cố. Sau sự cố kỷ lục vào năm 2019, Facebook chỉ nói rằng các vấn đề là “kết quả của việc thay đổi cấu hình máy chủ”.
T/h