Vọng từ nước mắt thời gian

11:52 | 30/09/2021

Thời Nay số 1222 (30/9/2021)
VỌNG TỪ NƯỚC MẮT THỜI GIAN

Tôi với thành phố Pleiku có duyên nợ từ những câu thơ của Ngô Thị Thanh Vân trong bài “Người đàn bà bên tượng nhà mồ”. Những bức tượng nhà mồ hay tượng Tây Nguyên như ám vào tôi mỗi khi bước chân lên miền cao nguyên: “Người đàn bà câm lặng/ Tượng nhà mồ câm lặng/ Giây phút tình yêu bất tử hồi sinh/ Tôi khóc”. Và lần này tôi sững người khi nhìn thấy những bức tượng lớn bên nhà rông làng Plei Op (thuộc phường Hoa Lư)

BÍ ẨN TỪ NHỮNG NGÔI NHÀ MỒ

Họa sĩ Lê Hùng (chi hội trưởng Hội Mỹ thuật VN ở Gia Lai) cho tôi xem bức tranh “Lễ hội Pơ Thi” tại xưởng vẽ với cảm xúc như hồi anh mới lên Pleiku. Anh kể chính lễ hội bỏ mả (Pơ Thi) của đồng bào Tây Nguyên đã làm anh chết mê miền đất hoang dã này từ thập niên 80. Đó là một lễ hội cho hồn ma về cõi trời. Cái chết của con người không phải là hết. Mà đó là sự khởi đầu của vòng luân hồi trong vũ trụ sinh tồn của loài người. Ạnh kể thêm người Gia Lai luôn có một truyền thuyết rằng, sau khi làm lễ bỏ mả hồn ma biến thành con nhện trong cõi bà Jung (Trời). Bà thả con nhện lên mặt đất sinh sống. Vòng luân hồi tiếp diễn khi con nhện già yếu chết sẽ tan thành thành nước thấm vào đất. Bà Jung sẽ lấy đất đó nặn thành người rồi hóa cho đầu thai vào một người đàn bà chửa nào đó trong buôn. Hồn ma sẽ nhập vào trẻ sơ sinh trở lại kiếp làm người. Câu chuyện ẩn chứa triết lý của người Tây Nguyên vẻ cái chết chỉ là sự khởi nguồn cho sự sống mới nảy sinh. Chính vì thế lễ bỏ mả là một trong những lễ hội lớn nhất của người Tây Nguyên. Đây là lễ làm nhà mới cho người chết và diễn ra cảnh chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết. Họ không còn ràng buộc gì nữa. Người sống cũng bắt đầu cuộc đời khác không lưu giữ nỗi đau buồn và lo toan với những người đã khuất.

Tranh Pơ Thy 1- Bên tượng nhà mồ- Họa sĩ Lê Hùng (Gia Lai)

Sau đó họa sĩ cho tôi xem bộ ký họa những ngôi nhà mồ trong lễ hội. Bởi triết lý hồn ma có cuộc sống riêng của mình nên người sống phải làm ngôi nhà mồ mới khang trang như thật. Họ phải đưa vào đó những đồ dùng thân thuộc với người đã chết. Lễ bỏ mả chỉ bắt đầu khi thầy cúng hay chủ nhà khấn theo bài: “Xin ma đừng gọi đừng lại gần, đừng thương yêu con cháu nữa. Thôi từ nay thế là hết như cây đã lìa cành như lá đã tàn úa. Chúng tôi đã làm nhà mồ rồi. Đã vẽ những hình vẽ bằng máu trâu, máu bò rồi. Ché rượu cũng đã đặt xuống mả, con gà con cũng đã được thả. Chúng tôi đã bỏ ma rồi”. Họa sĩ Lê Hùng còn cho biết trong trường ca Xinh Nhã của người Gia Rai và Ê Đê cũng có chương miêu tả rõ về lễ bỏ mả. Xing Nhã làm lễ bỏ mả cho cha mình vào buổi sáng đẹp trời sương trốn nắng. Đoàn nô lệ vào rừng chặt cây Kơ Nia và những cây gòn to nhất để dựng nhà mồ. Trong trường ca có đoạn: “Tin ấy truyền đi buôn phía đông. Tin ấy truyền sang làng phía tây. Từ người Bi Kơ Rông sống dọc bờ sông, tới người Mơ nông cắm lông chim trên đầu ở bên bờ suối. Tất cả đều nô nức mang rượu thịt, chiêng trống đến mừng chàng Xing Nhã dựng nhà mồ cho cha”.

Pơ Thi 2 ( LÊ HÙNG )

Họ biến lễ bỏ mả thành hội buôn để ăn mừng cho ma được sống yên lành mau chóng đầu thai. Họ tiễn ma bằng những vũ điệu hoang dại bên đống lửa trại. Các chàng trai và cô gái cất lên những lời ca trong nhịp điệu cồng chiêng rộn ràng. Họa sĩ còn nhớ lời bài hát mới trong một vũ điệu như sau: “Bình minh lên như bức tranh tuyệt vời. Rừng cao nguyên với lưng chừng đồi. Những buôn làng ấm no với nụ cười trên môi…” (Một bài ca trong lễ hội bỏ mả). Họ bày quanh nhà mồ hàng loạt bức tượng gỗ để canh gác không cho những nỗi buồn trôi lạc. Đây cũng chính là phần dương bên cạnh cõi âm (hồn ma) trong suốt năm tháng còn lại cho đến khi được hóa kiếp. Họa sĩ Lê Hùng nói những bức tượng nhà mồ tựa như linh vật kết nối giữa hồn ma với vũ trụ linh thiêng.

Họa sĩ Lê Hùng (bên phải) và tác giả bên quàn cà phê Thu Hà (Pleiku)

VUI BUỒN MẶT TƯỢNG

Việc làm tượng nhà mồ được coi là việc quan trọng nhất của người sống an ủi cho hồn ma được siêu thoát. Những cụm tượng với nhiều cảnh sinh hoạt kết nối với nhau tạo nên hàng rào bao quanh ngôi mộ. Tượng được tạc trên những cây gỗ làm cột chính của hàng rào. Mỗi hàng rào thường có 27 bức tượng với nhiều đề tài khác nhau trong đời sống. Nghệ nhân K’Sor H’Nao (ở phường Đống Đa, TP Pleiku) cho biết có bốn nhóm tượng thể hiện trên các cột chính. Đầu tiên là đề tài “Thú vật”, tiếp tới là chủ đề “Nhớ thương”, sau đó là “Sinh hoạt” và “Phồn thực”. Đặc biệt là tượng người ôm mặt khóc luôn được đặt tại bốn góc hàng rào. Xen kẽ là những tượng gia súc và cảnh sinh hoạt như người đánh trống, gõ chiêng, giã gạo, địu con, đeo gùi…Riêng nhóm tượng mang sắc thái sinh tồn luôn được tạc một cách trực diện như “nam nữ giao phối”, hoặc khoe các bộ phận sinh dục… Đặc biệt hình ảnh người đàn bà chửa không bao giờ được thiếu.

Nhà mồ Tây Nguyên

Ngôi nhà mồ hoang ở Gia Lai

Nghệ nhân Ksor Hnao sáng tạo với niềm tin do thần linh (Giàng) ban cho

Truyền thuyết xưa kể lại, mỗi khi tù trưởng mất người ta phải chôn theo những kẻ hầu cùng của cải để hồn ma vẫn được phục dịch và sống dưới cõi âm. Sau hàng ngàn đời nay người Gia Rai thay việc chôn người sống bằng cách đẽo tượng gỗ để phù hộ vong linh cho người chết. Tượng khóc cho hồn ma được an ủi. Tượng vui để hồn ma được yên lòng siêu thoát. Còn tượng đàn bà chửa luôn đem lại sự hy vọng hồn ma được mau chóng đầu thai. Mỗi nội dung tượng mồ đều đem lại một ý niệm và ẩn dấu triết lý nhân sinh nào đó mà người sống muốn gửi gắm cho kẻ đã khuất về với trời đất. Những bức tượng điêu khắc dân gian ấy có nét gợi cảm tạo ấn tượng sắc nét. Hàng trăm năm qua chúng không hề thay đổi về ngôn ngữ biểu hiện. Đó là những tác phẩm điêu khắc gỗ đậm phong cách Tây Nguyên với những nét độc đáo không nơi nào có được. Chúng không mô tả mà đặc tả bằng những nhát rìu tinh tế và những lưỡi dao tỉa tót tài hoa.

Tài hoa trẻ đục tượng gỗ Tây Nguyên

Một cuộc thi khắc tượng gỗ Tây Nguyên

Mẹ địu con

Tác giả học lên dây đàn Goong bên nhà Rông tại Pleiop

Có những lần chúng tôi tiếp xúc với các bộ tộc người K’ho (ở Lâm Đồng), người Ê Đê (Đăk Lăk), hay dân tộc Gia Rai (Gia Lai), hoặc bộ tộc Mơ nông (Đăk Nông)… mới hay các tượng gỗ Tây Nguyên đều thể hiện sự táo bạo qua ánh sáng thần linh. Nghệ nhân H’Nao diễn đạt thêm rằng, hầu hết những bức tượng nhà mồ đều được tạc theo nguyên tắc tạo hình bằng cách đục khoét và phạt phẳng. Để tạo nên không gian chìm mang âm hưởng ma quái các nghệ nhân luôn có cảm hứng với những chiều sâu có độ tương phản sáng tối. Chính vì thế những chi tiết lồi trên cơ thể con người như trán, má, mũi, ngực…đều được gọt phẳng. Chúng sẽ được gợi lên từ góc độ chìm hoặc nổi của chi tiết bên cạnh. Họ quan niệm tượng nhà mồ được hình thành từ thiên nhiên có sự hài hòa và tạo hình qua sự tương phản âm dương ngũ hành. Gợi chứ không tả. Tác phẩm tạo nên sự tò mò và tưởng tượng của người xem mỗi khi tiếp xúc. Phần hồn được ánh lên từ những góc độ tương phản không gian ảo mộng bất ngờ qua mỗi bức tượng. Đặc biệt với sự bào mòn của thời tiết khắc nghiệt và trải qua năm tháng những bức tượng càng để lại nét đẹp của sự hoang dại. Không ít những ngôi nhà mồ với hàng rào tượng đã đổ nát nhưng luôn bay lên một thứ ánh sáng nhiệm mầu bao phủ với vẻ đẹp dân gian thần tiên qua sự tàn phai.

Vương Tâm

Cùng chuyên mục

Quảng Bình: Cần sớm trùng tu, tôn tạo Tượng đài nữ pháo binh Ngư Thuỷ

Quảng Bình: Cần sớm trùng tu, tôn tạo Tượng đài nữ pháo binh Ngư Thuỷ

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Từ “Giám đốc mê ca hát” đến sự nghiệp giảng dạy

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo