Tháng 6 năm Canh Tý (1300), Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ốm nặng. Khi ấy, ông đang ở phủ đệ Vạn Kiếp, nay thuộc thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Vua Trần Anh Tông (1276-1320) được tin báo, liền cấp tốc từ Thăng Long về thăm. Biết Đại Vương khó qua khỏi, Anh Tông hỏi: “Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang (xâm lược nước ta), thì kế sách (đánh giặc) như thế nào?”. Đại Vương trả lời: “Ngày xưa Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán xua quân sang đánh, nhân dân làm kế “thanh dã” (vườn không nhà trống), đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu, đánh vào Trường Sa (Hồ Nam), còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời nhà Đinh, nhà Lê (Tiền Lê) dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh lên, mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, (nước ta) trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua nhà Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, (Vua nhà Lý) dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm (Châu Khâm), Liêm (Châu Liêm), đến tận Mai Lĩnh, là vì (ta) có thế. Vừa rồi , Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây (chúng ta). Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, (cho nên) giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió, thì dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như tằm ăn lá dâu, không cầu thắng nhanh, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như thể đánh cờ vậy. Tùy thời (mà) tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”!
Ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (1300), người anh hùng dân tộc, thiên tài quân sự thế giới, Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn qua đời ở phủ đệ Vạn Kiếp, hưởng thọ 72 tuổi.
Tương truyền, Hưng Đạo Đại Vương trước khi mất, ngài đoán rằng thế nào giặc Bắc cũng sẽ lại sang xâm lược Đại Việt, nên ngài dặn dò các con hỏa thiêu, lấy tro cốt bỏ vào lọ sành (gốm), bí mật chôn giấu ở đâu đó, rồi trồng cây lên trên, xóa hết dấu vết. Lại còn dặn thêm phải làm thế nào để tro cốt hóa thành đất càng nhanh càng tốt. Cũng lại tương truyền, các con Đại Vương đã cho làm 72 chiếc quan tài giống nhau, để kẻ xấu khó lòng tìm ra đâu là quan tài thật của Đại Vương. Chu đáo sâu sắc đến thế là cùng…Sở dĩ có sự chu đáo này, là bởi đã có bài học sâu sắc từ việc Ô Mã Nhi đã sai lính đào bới mồ mả tiên tổ nhà Trần ở Long Hưng, tức huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay. Các vua đầu triều Trần, kể cả Thái sư Thượng phụ Trần Thủ Độ cũng được chôn cất ở đây. Có lẽ vì quá vội vàng, nên giặc Nguyên Mông chưa kịp đào bới phá hủy, nên chúng còn bở dở. Sau chiến thắng giặc dữ, vua Trần Nhân Tông về thăm khu lăng mộ tiên tổ, nhìn thấy bùn đất còn vương vãi khắp khu lăng, còn vấy bẩn cả những con ngựa đá đứng chầu hầu bên lăng, nên ngài đã vô cùng xúc động, ứng khẩu đọc hai câu thơ, mà người đời sau đặt đề là TỨC SỰ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã / Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Đất nước hai phen khiến ngựa đá phải vất vả / Non sông ngàn thủa vững như âu vàng).
Quả nhiên, Hưng Đạo Đại Vương tính toán như thần. Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt (1215-1294) bị quân dân Đại Việt ba lần đánh cho tơi bời tan tác, thua trận nhục nhã, cho nên kẻ cường bạo từng đánh bại các đạo quân hùng mạnh nhất thế giới ở châu Á, châu Âu, không hề nguôi hận báo thù. Năm 1293, Hốt Tất Liệt đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho một cuộc tiến công xâm lược Đại Việt lần thứ 4, nhưng ông ta ốm nặng rồi chết (1294). Cháu ông ta là Thiết Mộc Nhi (1271-1368) lên kế vị, miếu hiệu là Nguyên Thánh Tông (1294-1307) liền bãi bỏ cuộc viễn chinh xâm lược nước ta lần thứ 4, rồi sai sứ giả Lý Trọng Tân, Tiêu Phương Nhai sang nước ta thông báo việc vua mới của “thiên triều” lên ngôi. Đó là năm 1294. Bấy giờ, Hưng Đạo Đại Vương vẫn đang ở phủ đệ Vạn Kiếp. Chắc chắn, Hưng Đạo Đại Vương cũng đã có sẵn kế sách để đối đầu với Hốt Tất Liệt thêm lần nữa, cho dù là cuộc chiến đấu lần thứ 4 này sẽ rất khốc liệt. Thật may mắn cho sinh linh hai nước vậy!
Đấy là chưa kể đến việc sau đó, vào năm 1407, Minh Thành Tổ Chu Đệ, tên tội phạm chiến tranh, tội phạm diệt chủng, diệt Văn hóa lớn nhất mọi thời đại, lại xua quân sang xâm lược nước ta. Sau khi nhanh chóng đánh bại Hồ Quý Ly, thừa lệnh Minh Thành Tổ, tướng Trương Phụ đã cho quân tàn phá triệt để nền văn hóa của nước ta. Sách vở thư tịch quý hiếm, châu báu vàng bạc, chúng cướp về Trung Quốc. Còn lại thì chúng cho phá sạch, đốt sạch. Chùa Quỳnh Lâm, trung tâm Phật giáo sầm uất nhất của nhà Trần ở Đông Triều (Quảng Ninh ngày nay) cũng bị chúng đốt phá, cướp đi hàng trăm pho tượng quý. Còn như tượng đá, rồng đá thì chúng đập phá, chặt đầu. Bia đá thì chúng đập nát, huống chi là mồ mả những anh hùng đã từng nhiều lần đánh bại chúng? Những hành vi đê tiện, bẩn thỉu này của giặc Bắc, còn tái diễn vào tháng 2 năm 1979. Bọn giặc mang danh Cộng sản quân phiệt hiếu chiến Trung Quốc, đứng đầu là tên giặc lùn Đặng Tiểu Bình, hùng hổ xua 60 vạn quân sang đánh phá toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta. Đến đâu chúng cũng giết sạch, đốt sạch, phá sạch, cướp sạch, kể cả con gà con lợn, rổ khoai, bao thóc, đồng bào ta chưa kịp cất giấu đi… Cuộc chiến chống “giặc Tàu đời mới” kéo dài đến cả hàng chục năm mới tạm yên…
Cho đến nay, lăng mộ thật của Hưng Đạo Đại Vương vẫn chưa ai biết ở đâu. Cũng không hề có sách vở nào ghi chép cả. Vài năm trước, tôi có người bà con xa làm công nhân khai thác đá cho nhà máy xi măng Hoàng Thạch ở Kinh Môn (Hải Dương) kể tôi nghe câu chuyện rất đáng buồn, có thể nói là còn rất đáng giận. Nhà máy xi măng cần nổ mìn phá đá núi làm nguyên liệu. Mấy quả núi đá xung quanh dần dần biến mất tiêu. Môi trường thiên nhiên bị phá hủy nghiêm trọng là điều ai cũng biết. Một hôm, công nhân nổ mìn phá đá, bỗng phát hiện ra một cái hang rất bí mật. Trong hang thấy nhiều hiện vật cổ, đoán là từ đời Trần. Một tấm bia đá to bằng cái chiếu vẫn còn nguyên vẹn. Thấy hiện trạng trong hang có nhiều bí hiểm, công nhân dừng khai thác và báo cáo lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, câu trả lời của cái công ty chủ quản là cứ phá tiếp. Vậy là bao nhiêu cổ vật, trong đó có cả bảo vật trong hang, kể cả tấm bia đá, bị nghiền nát thành xi măng ráo cả. Nghe kể chuyện mà xót xa buồn lòng tiếc nuối. Kẻ làm kinh doanh chỉ biết đến lợi nhuận, chứ họ đâu cần đến khảo cổ với lịch sử, văn hóa (!). Biết đâu trong hang ấy lại là nơi cất giấu tro cốt hay là di cốt (không hỏa thiêu) của Hưng Đạo Đại Vương?
Tôi giải mã thơ ca đời Lý Trần, thấy ông Phạm Sư Mạnh quê ở Kinh Môn, làm quan đến chức Tổng binh, Tả Bộc xạ, đã miêu tả quang cảnh khu vực Kinh Môn đẹp như vịnh Hạ Long. Ngày ấy nước ngập mênh mông, Phạm Sư Mạnh đi lại thăm thú nơi này nơi khác đều phải dùng thuyền buồm. Rất nhiều núi đứng núi ngồi miên man giữa biển nước trong veo, trên là bầu trời xanh biếc, tuyệt vô cùng. Bây giờ Kinh Môn vẫn nhiều núi non như vậy, nhưng chỉ có sông Kinh Thầy lặng lẽ chảy qua. Nhiều quả núi đã bị phá hủy, lấy đá làm đường, làm xi măng phục vụ lợi ích kinh tế. Tiếng mìn nổ đêm ngày đinh tai nhức óc, chả biết đến bao giờ mới ngừng. Còn biết bao điều bí mật nữa chưa được khai mở ở đây?
Vậy, chúng ta nhận ra điều gì nổi bật nhất trong đoạn di ngôn tuy rất ngắn, mà vô cùng vĩ đại của Hưng Đạo Đại Vương?
Thứ nhất, đó là vấn đề Hưng Đạo Đại Vương thừa nhận Triệu Vũ Đế, tức Triệu Đà (240 TCN-137 TCN) là ông vua tài lược, dựng nước đầu tiên (Nước NAM VIỆT), kế tiếp sự nghiệp hơn hai ngàn năm dựng nước của các vua Hùng. Các sử liệu bằng văn tự chính thống (chữ Hán) của nước ta từ hàng ngàn năm trước đều chép như vậy. Hầu hết các loại sách vở thư tịch, đặc biệt là thơ ca của cha ông ta từ xưa, đều thống nhất như vậy. Thế kỷ 15, ông Ngô Sĩ Liên chủ biên bộ ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ, cũng đã kế thừa các sử liệu có trước, bồi bổ thêm tư liệu trong dã sử, trong sách vở đã có sẵn, rồi thêm phần lời bình chủ quan của nhà làm sử. Bài TỔNG LUẬN của Lê Tung (Dương Bang Bản) thì lược thuật rành mạch, đầy đủ, đánh giá rất cao về công lao dựng nước vĩ đại của Triệu Vũ Đế. Hưng Đạo Đại Vương đã khẳng định rất rõ trong di ngôn bất hủ của Ngài. Nguyễn Trãi viết rất rõ trong BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO, rằng “Như nước Đại Việt ta từ rước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu / Núi sông bờ cõi đã chia / Phong tục Bắc (Tàu) Nam (Ta) cũng khác/ Từ TRIỆU, ĐINH, LÝ, TRẦN bao đời gây nền độc lập / cùng HÁN, ĐƯỜNG, TỐNG, NGUYÊN mỗi bên hùng cứ một phương / Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau / Song hào kiệt đời nào cũng có”. Và còn rất nhiều minh chứng, sử sách đã ghi…Những đánh giá xoay chiều, ngược chiều, nhốn nháo, chỉ xảy ra từ khi có chính quyền VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA, tức từ khoảng năm 1954 trở lại đây mà thôi. Hà Nội trước năm 1954 có đường Triệu Vũ Đế, đường Tể tướng Lữ Gia, những người anh hùng dân tộc chống giặc Hán đến giọt máu cuối cùng của nhà Triệu. Diễn ca của cụ Hồ Chí Minh cũng có đoạn viết về triều đại Triệu Vũ Đế oai hùng. Vấn đề này, chúng tôi đã viết tương đối đầy đủ trong bài AN DƯƠNG VƯƠNG VÀ TRIỆU VŨ ĐẾ, NÊN THỜ AI, chắc nhiều bạn đọc chưa quên. Chúng tôi sẽ bổ sung thêm tài liệu và sẽ đăng lại bài viết mấy chục trang viết từ mấy năm trước, để bạn đọc tham khảo.
Hưng Đạo Đại Vương nhắc lại câu chuyện Triệu Vũ Đế đánh đuổi giặc Hán, chẳng những có ý nghĩa khẳng định công lao dựng nước của Triệu Vũ Đế, mà còn có ý ca ngợi tài chỉ huy quân sự của Triệu Vũ Đế. Nước NAM VIỆT vĩ đại của dân Bách Việt, trong đó có người Việt ta. Hầu hết các tộc Việt trong Bách Việt đã bị Hán hóa. Chỉ riêng có người Lạc Việt ta tồn tại, không bị Hán hóa. Theo Lê Quý Đôn, là bởi phúc lớn của tổ tiên, là ý chí ngoan cường bất khuất, đồng thời là núi non hiểm trở vùng biên cương phía Bắc như lũy như thành, góp phần ngăn chặn vó ngựa xâm lăng của kẻ thù phương Bắc.
Hưng Đạo Đại Vương nhắc đến các triều đại Đinh, Lê (Tiền Lê), điều nổi bật là ở các triều đại ấy biết dùng người hiền tài, thế nước bắt đầu lên. Ví như Lê Hoàn biết dùng tài năng của đại tướng Phạm Cự Lượng (Lạng), chỉ huy quân ta đánh bại quân Tống ở trận Bạch Đằng. Tiếp đấy là ở triều Lý (Hậu Lý), biết dùng tài năng của Thái úy Lý Thường Kiệt (tên thật là Ngô Tuấn). Lý Thường Kiệt là một tài năng quân sự kiệt xuất. Nhà Lý đang lớn mạnh, trong khi đó nhà Tống đang suy yếu. Ông chỉ huy chiến trận như thần, bất ngờ tung quân đánh địch ngay từ khi chúng chưa kịp hành động, đánh chiếm châu Khâm, châu Liêm, đuổi giặc đến tận đèo Mai Lĩnh, tức đèo Đại Dũ trên dãy núi Ngũ Lĩnh. Quân Đại Việt tung hoành trên khắp lãnh thổ của nước Nam Việt xưa. Nhà Tống phải khiếp sợ. Hưng Đạo Đại Vương nhấn mạnh vào cái “Thế”. Thế ta lúc đó rất mạnh, kẻ thù, tức nhà Tống thì suy yếu.
Đối với triều Trần, ba lần đánh bại giặc Nguyên Mông, vô cùng anh dũng. Toa Đô trước đó đã đánh chiếm Chiêm Thành, rồi đem hàng chục vạn quân từ phía nam tiến ra Thăng Long. Ô Mã Nhi từ hướng Bắc, hướng đông bao vây ta bốn phía, hòng bóp chết Đại Việt như trở bàn tay. Đại Việt ta lúc đó cũng đang rất mạnh. Nhưng ta biết lấy ít đánh nhiều, lấy đoản binh địch trường trận. Chiến tranh nhân dân, kết hợp chiến tranh du kích, khi có thể thì tổng phản công chiến lược, tiêu diệt kẻ địch hùng mạnh. Dẫu vậy, nhưng Hưng Đạo Đại Vương nhấn mạnh vào điều căn cốt để làm nên chiến thắng, đó chính là ở chỗ “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức cùng đánh giặc”, mới có thể làm nên thắng lợi huy hoàng.
Tuy nhiên, những kế sách ấy, vẫn chưa là đủ. Đại Vương nhắc nhở vua Anh Tông, người đứng đầu đất nước, rằng, yếu tố sống còn, bền vững để giữ nước, ấy là phải “khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ bền gốc, đó mới chính là thượng sách giữ nước”! Lấy dân làm gốc, bài học ấy đã có từ xa xưa, nhưng chẳng phải lúc nào, triều đại nào cũng làm được. “Phúc chu thủy, tín dân do thủy” (Thuyền bị lật mới biết câu “Dân như nước” (QUAN HẢI – Nguyễn Trãi). Câu ấy xưa lắm, nhưng nó đã đúng và hay đến mức kinh điển rồi.
Vậy thì nguyên nhân có sự “xoay chiều đổi gió” nhận thức về triều đại Triệu Vũ Đế ấy nằm ở đâu, mà bao nhiêu năm nay các nhà làm sử ăn lương Nhà nước vẫn im lặng?
Hàng ngàn GS, PGS, TS sử học, mà chẳng thấy ai có công trình nghiên cứu, làm sáng tỏ vấn đề TRIỆU VŨ ĐẾ LÀ “TA” HAY LÀ “GIẶC”. Hay là họ không biết? Hay có người biết mà ngại ngùng, đắp tai giả điếc? Hay là tiếng nói của một số nhà nghiên cứu chân chính đã bị làm ngơ? Điều này khiến cho lịch sử bị hiểu lầm, đến nỗi méo mó cả đi. Sử đời mới không hề nhắc đến công lao dựng nước của Triệu Vũ Đế. Đến nỗi, phần đông dân chúng, thậm chí ngay cả những người gọi là có học hành bài bản, cũng cho rằng nhà Triệu mà Nguyễn Trãi nêu trong BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO là Triệu Quang Phục, tức Triệu Việt Vương (524 SCN-571 SCN). Sao mà ngây ngô và buồn đến thế! Trong khi đó, Trung Quốc không bao giờ ngừng nghỉ việc xuyên tạc, giả tạo, bịa đặt trơ tráo, nhằm “lập lờ đánh lận con đen”, tuyền truyền bằng mọi kiểu để đánh phá chúng ta mọi mặt, đặc biệt là về văn hóa, giáo dục, biến chúng ta thành con vịt đã bị “trúng độc”, tê liệt thần kinh.
Nguyên nhân khởi thủy là vấn đề cho rằng Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) gốc người Chân Định (Hán), nên một vài người có cái nhìn thiển cận, có quyền lực, hành xử sai lệch, đã tự ý loại triều đại Triệu Vũ Đế ra khỏi lịch sử nước ta? Nhưng cách nay mấy ngàn năm, chính sử nước ta đều ghi Thục Phán là hậu duệ của nước Thục ở Tứ Xuyên, đã bị nhà Tần thôn tính từ năm 316 trước công nguyên, con cháu họ trôi dạt xuống phương Nam, cư trú ở vùng núi phía Bắc nước ta như Cao Bằng, xuống cả một phần tỉnh Yên Bái ngày nay. Thục Phán cầm đầu bộ tộc Tây Âu, đánh bại vua Hùng, lập ra nước Âu Lạc. Sử chép Thục Phán cướp nước của vua Hùng, sáp nhập bộ tộc Tây Âu với bộ tộc Lạc Việt, thành Âu Lạc, tự xưng là An Dương Vương, chuyển đô từ Phong Châu xuống Phong Khê (Đông Anh-Hà Nội ngày nay) xây thành ốc Cổ Loa, thống trị nước ta 50 năm thì bị Triệu Đà diệt. Triệu Vũ Đế (Đà) sáp nhập nước Âu Lạc vào cộng đồng các dân tộc Bách Việt, tức nước NAM VIỆT, độc lập, mạnh mẽ, đối trọng ngang hàng với nhà Hán ở phương Bắc, lấy sách lược “nội cương ngoại nhu” (trong rắn ngoài mềm) làm sách lược ngoại giao bền vững, tồn tại mạnh mẽ hơn trăm năm. Vậy mà ngày nay vẫn có người viết rằng Vua Hùng đã nhường ngôi cho Thục Phán. Rồi thì Thục Phán (An Dương Vương) là người Tày, thậm chí người Việt. Có ông nhà văn còn tưởng tượng ra mấy câu chuyện thề thốt của Thục Phán, khi được Vua Hùng “bàn giao”, “truyền ngôi”, mà không hề biết thực hư thế nào. Truyền thông cũng cứ thế mà vui vẻ tuyên truyền sai lệch.
Đến năm 40 SCN, hai chị em bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi Thái thú Tô Định, giải phóng toàn bộ đất đai nước Nam Việt cũ thời nhà Triệu, bao gồm đất Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) ra đến bán đảo Hải Nam thuộc Trung Quốc ngày nay. Tuy nhiên, chỉ được 3 năm, đến năm 43 SCN, cơ nghiệp của Hai Bà Trưng lại bị nhà Hán sai Mã Viện đem quân sang cướp mất. Những câu đối ở đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh (Hà Nội), do Viện Hán Nôm dịch, đều ghi nhận công lao giành lại đất Nam Việt, tức vùng đất ngoài dãy núi Ngũ Lĩnh (Lĩnh Ngoại), hay là Lĩnh Biểu, hay Lĩnh Nam (phía Nam dãy núi Ngũ Lĩnh) của Hai Bà Trưng. Hà Nội hiện vẫn có đường Lĩnh Nam ở quận Hoàng Mai. Sài Gòn từ xưa đã có đường Triệu Vũ Đế, hiện vẫn còn. Đền thờ Triệu Vũ Đế và Hoàng hậu họ Trình ở Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, một thời kỳ dài biến thành đền thờ vị tổ nghề chạm bạc, nay đã được trả lại vị trí cũ, tôn tạo khá khang trang, hàng năm vẫn được dân địa phương tổ chức lễ hội long trọng, vào ngày 1-4 Âm lịch, để tưởng nhớ công lao dựng nước của Triệu Vũ Đế. Đền thờ Triệu Vũ Đế ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, cũng đã được Nhà nước cấp bằng chứng nhận DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA cấp quốc gia…
Cũng trong đền thờ HAI BÀ TRƯNG ở Mê Linh, thấy có trích đoạn bài diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, có câu: “ĐÔ THÀNH ĐÓNG CÕI MÊ LINH / LĨNH NAM RIÊNG MỘT TRIỀU ĐÌNH NƯỚC TA”!. Tôi cho rằng các tác giả viết “Đô thành đóng cõi Mê Linh” có lẽ là chưa chuẩn xác. Lý do là vì Mê Linh không thể đủ tiêu chí để được chọn làm đế đô của nước Nam Việt. Đô thành thời Triệu Vũ Đế đóng ở Phiên Ngung, thuộc Quảng Đông Trung Quốc ngày nay. HAI BÀ TRƯNG TIẾP QUẢN, TIẾP TỤC ĐÓNG ĐÔ Ở ĐÓ, mới có thể quản lý được đất nước rộng lớn bao la như vậy. Có lẽ, sau khi bị Mã Viện tấn công truy đuổi, HAI BÀ mới rút về căn cứ Mê Linh. Mê Linh chỉ là cái thành bằng đất, nhỏ, không thể là đô thành của một quốc gia rộng lớn hùng mạnh được. Thêm nữa, 65 thành trì của quân Hán chiếm đóng, chủ yếu là nằm trên đất Lưỡng Quảng và bán đảo Hải Nam. Đền thờ Hai Bà Trưng vẫn còn khá nhiều bên Lưỡng Quảng… Hoàng đế Quang Trung sai Đô đốc Vũ Văn Dũng làm Chánh sứ sang nhà Thanh, với một số nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc dâng biểu đề nghị vua Càn Long cắt cho phần đất (thuộc Lưỡng Quảng) để lầm chỗ đóng đô. Càn Long bấy giờ đã phê chuẩn, nhưng trong bụng ông ta nghĩ gì, ấp ủ mưu kế gì, thì đó là điều bí hiểm.
Trở lại vấn đề nhà Triệu. Có 3 ý kiến quan trọng. Thứ nhất, đó là ý kiến của ông Ngô Thì Sĩ (thân sinh danh sĩ Ngô Thì Nhậm) ở cuối thời Lê-Trịnh. Ông này cho rằng Triệu Đà (là người Hán, cho nên không thể xem nhà Triệu là một triều đại của nước ta. Đến thời Nguyễn thì cụ Phó bảng Đặng Xuân Bảng (ông nội Tổng bí thư Trường Chinh, tức Đặng Xuân Khu) cũng lặp lại quan điểm này. Sau nữa là nhà sử học Đào Duy Anh, cũng đồng quan điểm của Ngô Thì Sĩ và Đặng Xuân Bảng. Không biết có phải vì việc này hay không mà ông Ngô Thì Sĩ bị “kỷ luật”, đau buồn rồi chết. Ngô Thì Nhậm lúc bấy giờ cũng bị bạn bè trong giới quan lại nghi ngờ có chân trong âm mưu phản loạn của Trịnh Tông, nên phải trốn về quê vợ ở Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, gần 6 năm trời? Nhà sử học danh tiếng Đào Duy Anh, phải chăng, có sự “chỉ đạo không văn bản” của ai đó, đã đưa ra ý kiến bác bỏ nhà Triệu, để có sự bảo đảm về mặt khoa học của giới chuyên môn? Vì lý do lịch sử, còn nhiều điều khuất tất, cho nên khiến nhiều vấn đề lịch sử chưa được khai mở, rõ ràng.
Tôi cứ vật vờ suy nghĩ mãi, rằng có nên nêu ra nghi vấn này không. Sợ rằng người ta sẽ khoác cho mình cái “danh hiệu” chống đối, phản động, hoặc “tự diễn biến”. Nhưng mà không thể không nêu ra giả thiết này. Sử sách hàng ngàn năm qua đã khẳng định công lao của Triệu Vũ Đế. Đền thờ các tướng của vua Hùng đánh nhau với giặc Thục vẫn còn nhan nhản khắp đó đây. Chỉ riêng tỉnh Hải Dương, khi khảo sát 15 đền thờ ở các huyện và thành phố Hải Dương, chỉ thấy có 1 đền thờ Thục Phán An Dương Vương, khi ông vua người nước Thục cuối đời tha hóa, ăn chơi, giết hại công thần, bị Triệu Đà truy đuổi qua đây, đã để lại 200 lạng bạc nhờ dân ở đây lập miếu thờ, rồi chạy ra biển tự vẫn, xác trôi dạt vào Nghệ An. Còn lại thì đều thờ các tướng của vua Hùng đánh nhau với giặc Thục. Bia đá vẫn còn kia. Có tấm bia ghi công 6 vị tướng. Có tấm ghi tên 4 vị, 2 vị…Vậy thì trong đời sống văn hóa tâm linh, dân ta chỉ tôn vinh các tướng của vua Hùng đánh nhau với giặc Thục, chứ có ca ngợi Thục Phán đâu? Chính sử nước ta cũng không có câu nào ca ngợi Thục Phán cả. Vậy thì tôn vinh ông ấy, đặt tên đường tên phố khắp nơi trong Nam ngoài Bắc để làm gì, với mục đích gì?
Sang thời nước VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA, cụ Hồ vẫn có diễn ca lịch sử, ca ngợi Triệu Vũ Đế. Bài diễn ca ấy nhan đề là LỊCH SỬ NƯỚC TA, có đoạn “An Dương Vương thế Hùng Vương / Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân / Triệu Đà là vị hiền quân / Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời / Nước Tàu cậy thế đông người / Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam”… Nguyên tác bút tích Hồ Chí Minh vẫn còn đây, vậy mà ngày nay có ai đó tự ý bỏ đi hai câu viết về Triệu Đà (Triệu Vũ Đế), khiến cho bài ca thể lục bát trở nên lạc vần một cách vô duyên. Cũng có ai đó cố tình bỏ chữ “Triệu” trong BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO, thay vào chữ khác một cách hết sức ngớ ngẩn. Hành vi đánh tráo sự thật như vậy, có phải là phản dân tộc, phản lịch sử, bóp méo lịch sử hay không?
Vậy ai có quyền “sửa đổi” vấn đề lịch sử vô cùng quan trọng này? Tự tiện “Sửa đổi” như thế, chẳng phải là phủ định toàn bộ sử sách hàng ngàn năm của cha ông ta hay sao? Ngoại trừ cụ Hồ nắm quyền lãnh đạo cao nhất, còn có ông Trường Chinh, Tổng bí thư. Phải chăng là ông Trường Chinh đã chỉ đạo cho Ban văn hóa tư tưởng, mà người trực tiếp thực hiện là nhà thơ Tố Hữu? Chả vậy mà nhà thơ Tố Hữu đã viết về nàng Mỵ Châu tội nghiệp, vợ Trọng Thủy, có câu “Trái tim lầm chỗ để trên đầu / Nỏ Thần vô ý trao tay giặc / Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”…Các vị lãnh đạo, đương nhiên là những nhà cách mạng tiêu biểu, yêu nước thiết tha. Điều này thì chả cần phải nói. Nhưng ông Trường Chinh là cháu nội nhà sử học thời Nguyễn là Đặng Xuân Bảng. Liệu có vấn đề gì đó nghiêng về cảm xúc cá nhân ở đây chăng? Thơ Tố Hữu, Nhà nước xuất bản mỗi lần hàng chục vạn bản, lưu truyền khắp dân gian, nhiều thế hệ, cho nên việc hiểu sai về nhà Triệu, thậm chí không biết gì về nhà Triệu, là điều đương nhiên. Có thể Triệu Đà là người gốc Hán, nhưng ông ấy đã Việt hóa, lấy vợ Việt, sống theo phong tục tập quán của người Việt, tiếp sứ nhà Hán cũng ăn mặc, ngồi xổm theo tập quán của người Việt, con cháu mấy đời đều là sự hòa huyết Việt Hán. Tóm lại là ông ấy đã là người Việt, lãnh đạo dân Bách Việt chống nhau với nhà Hán. Thế thì tại sao lại bảo ông ấy là “Giặc”? Hai bên đánh nhau, bên này bảo bên kia là giặc và ngược lại, cũng là chuyện bình thường.
Ngay từ thời chế độ cũ ở miền Nam, ông Lý Thừa Vãn người gốc nhà Lý Việt Nam, được bầu làm Tổng thống Hàn Quốc. Ông ấy đã từng sang Sài Gòn. Ông Barack Ôbama, người gốc Phi, làm Tổng thống hợp chủng quốc Hoa Kỳ và còn nhiều nữa. Lý giải thế nào đây?
Đấy là chưa nói cái việc Triệu Đà là người gốc Hán hay là người Việt chính danh, vẫn còn đang sôi nổi tranh biện. Gần đây, Trung Quốc khai quật khảo cổ ở thành Phiên Ngung, tỉnh Quảng Đông, vốn là kinh đô xưa của nước NAM VIỆT, họ tìm thấy lăng mộ của Triệu Văn Đế (175 TCN-122 TCN), con Trọng Thủy, cháu nội Triệu Vũ Đế, chứ không tìm thấy lăng mộ của Triệu Đà. Một số nhà nghiên cứu Việt Nam gần đây, đặc biệt là các thành viên của VIỆN MINH TRIẾT VIỆT NAM, đã đào sâu nghiên cứu, điền dã, chứng minh rằng Triệu Đà chính là cháu nội của Hùng Duệ Vương. Mộ Triệu Vũ Đế có thể được an táng đâu đó ở phía tây thành phố Hà Nội. Đền thờ của Tể tướng Lữ Gia thì hiện đang ở khu vực Quảng Oai tỉnh Sơn Tây cũ…
Tôi viết bài này, phân tích, đánh giá, ngợi ca một di ngôn tuy rất ngắn, những thật là sâu sắc của người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Lời dặn dò đầy tâm huyết của một nhà yêu nước vĩ đại, một thiên tài quân sự trác việt, chẳng những sâu sắc về lịch sử, về nghệ thuật quân sự, mà còn là bài học đoàn kết, thương dân, gần dân, muôn đời bất hủ.
Những giả thiết của tôi nêu ra về nguyên nhân dẫn đến sự sai lầm, hiểu sai về triều đại Triệu Vũ Đế dựng nước, cũng chỉ là giả thiết, sau khi đã kết nối các chi tiết trong đám sương mờ ảo lịch sử, chứ không nhằm quy kết, buộc tội cho ai. Cụ Hồ từng nói Đảng ta là đảng cầm quyền, trong quá trình lãnh đạo từng có những sai lầm chủ quan hoặc khách quan đáng tiếc. Nhưng có sai thì sửa. Sửa để không mắc sai lầm nữa. Chúng tôi khẳng định việc loại bỏ vai trò của Triệu Vũ Đế là sai lầm nghiêm trọng, cần phải được mau chóng sửa chữa. Chỉ mong các nhà lãnh đạo ngày nay coi trọng ý kiến của các nhà nghiên cứu chân chính. Họ cũng yêu nước, yêu tổ quốc như bất cứ ai. Chỉ mong quý vị có trách nhiệm lắng nghe ý kiến của các nhà nghiên cứu, biết sai rồi thì nên sửa, cho dù nó có thể rất khó nghe. Nếu không trả lại sự thật cho lịch sử dân tộc, thì chúng ta có tội với lịch sử, với đất nước, với các thế hệ người Việt yêu nước và cả với con cháu chúng ta. Mọi sự áp đặt duy ý chí, đều dẫn đến hậu quả không thể lường được. Chẳng phải như vậy hay sao?
Hà Nội ngày Quốc Khánh 2-9-2021
VŨ BÌNH LỤC