Lăng Thiệu Trị nằm ở địa phận làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, cách Kinh thành chừng 8km. Ở ngôi vua được 7 năm, vua Thiệu Trị lâm bệnh mất ngày 4-11-1847 (thọ 41 tuổi). Sinh thời, nhà vua chưa nghĩ đến cái chết của mình và không muốn binh, dân hao tổn quá nhiều sức lực và của cải, nên ông chưa xây cất sơn lăng.
Vừa lên kế vị, vua Tự Đức đã sai các thầy địa lý trong triều đình đi tìm đất xây lăng. Quá trình xây dựng Xương Lăng diễn ra nhanh chóng và gấp rút, chỉ sau 3 tháng thi công các công trình chủ yếu đã hoàn thành. Ngày 14-6-1848 vua Tự Đức lên Xương lăng kiểm tra lần cuối. 10 ngày sau, thi hài cua Thiệu Trị được đưa vào an táng trong lăng, sau 8 tháng quan trong điện Long An ở cung Bảo Định. Vua Tự Đức viết bài văn bia dài trên 2500 chữ, khắc trên tấm bia “Thánh Đức thần công”, dựng vào ngày 19-11-1848 để ca ngợi công đức của vua cha. Như vậy, từ ngày bắt đầu (11-2-1848) đến ngày hoàn tất, lăng Thiệu Trị được thi công trong vòng chưa đầy 10 tháng.
Tổng thể kiến trúc của lăng Thiệu Trị là sự kết hợp và chọn lọc từ mô thức kiến trúc của lăng Gia Long và Minh Mạng. Xương lăng giống với Thiên thọ lăng (lăng Gia Long) ở chỗ không có la thành khu vực lăng mộ và tẩm điện biệt lập, song song với nhau. Xương lăng giống Hiếu lăng (lăng Minh Mạng) ở chỗ cách thức mai táng với việc xây dựng toại đạo (đường hầm đưa quan tài vào huyệt mộ) Bửu thành hình tròn với hồ Ngưng Thúy hình bán nguyệt bao bọc Bửu Thành, các cầu bằng đá, nghi môn, nghê đồng… Lăng gồm hai khu vực: lăng và tẩm. Phần lăng nằm ở bên phải, trước có hồ Nhuận Trạch thông với hồ Điện. Sau hồ Nhuận Trạch là nghi môn bằng đồng dẫn vào Bái đình rộng lớn. Hai hàng tượng đá ở hai bên tả hữu của sân là tiêu biểu của nghệ thuật tạc tượng nữa đầu thế kỷ XIX, ở Huế. Tiếp đến là Bi đình và lầu Đức Hinh tọa trên quả đồi cong dạng mai rùa. Hồ Ngưng Thúy như vầng trăng non án ngữ trước Bửu Thành. Bắc qua hồ có 3 cầu: Chánh Trung (giữa), Đông Hòa (phải), Tây Định (trái), nơi dẫn đến tam cấp vào Bửu thành – chô đặt thi hài vua. Phía phải của lăng có gác Hiển Quang – nơi nghỉ ngơi suy tưởng của vua ở cõi âm.
Khu vực điện thờ được xây dựng riêng, cách lầu Đức Hinh 100m về phía trái. Qua Nghi môn bằng đá cẩm thạch, bước lên ba bậc tam cấp dẫn vào khu vực điện Biểu Đức – nơi thờ bài vị của vua và bà Từ Dũ. Trong chính điệ, trên những cỗ diểm ở bộ mái và ở cửa Hồng Trạch có khắc trên 450 ô chữ chạm khắc các bài thơ có giá trị văn học và giáo dục. Các công trình phụ thuộc như Tả, Hữu Phối điện (trước), Tả, Hữu Tùng viện (sau) quây quần xung quanh điện Biểu Đức càng tăng thêm vẻ tôn nghiêm của chính điện.
Lăng Thiệu Trị dựa lưng vào chân núi Thuận Đạo, gần trước mặt lăng là cả một vùng đất bằng phẳng với cây cối xanh tươi và ruộng đồng mơn mởn trải dài từ bờ sông Hương tới tận cầu Lim. Vua Thiệu Trị nằm đó, yên giấc ngàn thu trong cảnh thanh bình của đồng quê và sự quây quần của quyến thuộc. Chếch về phía phải trước lăng có lăng Hiếu Đông của mẹ vua (bà Hồ Thị Hoa). Phía sau, bên trái là Xương Thọ lăng của bà Từ Dũ (vợ vua). Cách không xa về phía trước là khu lăng “tảo thương”, nơi có nhiều ngôi mộ của các con vua Thiệu Trị chết lúc còn nhỏ. Tất cả quây quần, đoàn tụ quanh đấy với vẻ đẹp giản đơn, gần gũi…
Một số chùm ảnh: Lăng Thiệu Trị – vẻ đẹp bị lãng quên
Minh Quang (T/h)