“Hơn 2 tháng nay, vợ chồng tôi không gửi được đồng nào về quê cho con ăn học. Số tiền tích góp được đến nay cũng đã cạn”, anh Trịnh Đình Tường, thợ phụ hồ ở Hà Nội chia sẻ.
Tiền tiết kiệm sắp cạn
Vợ chồng anh Trịnh Đình Tường rời quê nhà Yên Định (Thanh Hóa) ra Hà Nội làm công nhân phụ hồ đã được vài năm nay.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát đợt 4, công việc phụ hồ giúp vợ chồng anh Trịnh Đình Tường có mức thu nhập 13 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt, vợ chồng anh gửi 4 triệu đồng/tháng về cho các con ăn học.
Tuy nhiên, từ khi Hà Nội giãn cách xã hội, vợ chồng anh Trịnh Đình Tường mắc kẹt nhiều ngày trong căn nhà trọ trên phố Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Vừa mất việc và không về được quê, anh chị phải thắt chặt chi tiêu để đủ tiền duy trì cuộc sống ở thành phố đắt đỏ.
Anh Trịnh Đình Tường gặp khó khăn vì không có việc làm trong mùa dịch Covid-19 (Ảnh: NVCC).
“Ra đường thì bị cấm, vợ chồng tôi về quê cũng không xong vì nếu bị bệnh sẽ lây cả nhà. Ông bà ở quê gọi điện khuyên 2 vợ chồng đừng về, tôi nghe xong buồn lắm”, anh người đàn ông 41 tuổi này cho hay.
Cùng hoàn cảnh, gia đình chị Phạm Thị Mơ (36 tuổi, quê Lý Nhân, Hà Nam) không khá hơn là mấy.
Hơn 4 năm nay, 2 vợ chồng chị Phạm Thị Mơ làm thuê cho một chủ cửa hàng bánh mì ở phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Mỗi tháng, vợ chồng chị thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Nguồn thu này vừa đủ để anh chị đóng tiền ăn ở, thuê nhà và học phí cho con.
Từ hồi Hà Nội giãn cách, vợ chồng chị mất thu nhập, phải dùng đến số tiền “tích cóp” còn lại để sống qua ngày.
“Những lần trước, dịch bùng phát vợ chồng tôi vẫn có việc làm. Lần bùng dịch thứ 4 này thì cuộc sống bộn bề khó khăn hơn. Con trai 7 tuổi xin tiền mua sữa chua, tôi cũng không dám mua” – chị Phạm Thị Mơ tâm sự.
Công việc không có, thu nhập ngắt quãng trong mùa dịch Covid-19 đã khiến gia đình chị Phạm Thị Mơ gặp nhiều khó khăn (Ảnh: NVCC).
Khó khăn cũng không kém với chị Nguyễn Thị Lụa (48 tuổi, quê Hải Hậu, Nam Định). Chị đã làm công việc bán hàng rong hơn 10 năm ở khu vực quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).
Kể từ khi dịch bùng phát, thu nhập của chị bấp bênh: Có hôm bán được 80.000-100.000 đồng nhưng có khi cả ngày vẫn tay trắng.
Thất thu là thế nhưng mỗi tháng chị Nguyễn Thị Lụa vẫn phải đóng 1,5 triệu đồng tiền thuê phòng trọ. Số tiền tiết kiệm để gửi về quê chị phải lấy dùng để trang trải cuộc sống khó khăn này.
“Không có việc làm, tiền tiết kiệm cũng dần cạn, tôi chỉ dám ăn mì gói để sống qua ngày. Hôm nào được phường hỗ trợ gạo thì mới có bữa cơm để ăn”, chị Nguyễn Thị Lụa nói.
Mong từng ngày để đi làm
Chia sẻ với PV, chị Phạm Thị Mơ nói: “Tôi chỉ mong sớm hết dịch để vợ chồng tôi được đi làm có tiền trang trải cuộc sống và lo con ăn học, chứ không phải con xin mua hộp sữa chua mà cũng không có để cho”.
Theo chị Phạm Thị Mơ, ngày thường đã phải thắt lưng buộc bụng mới có thể đủ sống. Nay phải nghỉ việc do Covid-19, chị còn chưa đóng tiền phòng 2 tháng. Cậu con trai nay bước đã vào lớp 2. Chị hy vọng dịch sớm qua đi để đi làm kiếm tiền trả nợ, đóng học cho con và trang trải cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Lụa mong muốn được về quê sau khi Hà Nội hết giãn cách (Ảnh: NVCC).
Thất nghiệp, cuộc sống gia đình anh Trịnh Đình Tường gặp rất nhiều khó khăn. Vợ chồng anh đếm từng ngày để được đi làm. Nhìn thấy người khác có việc anh ao ước được đi làm dù lương thấp cũng chấp nhận.
Dù nhận được sự hỗ trợ về gạo và ít quà của nhà tài trợ, anh Tường vẫn mong mỏi có công việc để tự tạo ra nguồn thu ổn định hơn. Anh chị cũng nghe về chính sách hỗ trợ của thành phố và đang chờ để làm thủ tục.
“Tôi mong dịch sớm được kiềm chế và người dân có thể trở lại sinh hoạt, làm việc bình thường. Có như vậy, công việc và thu nhập mới đảm bảo”- anh Trịnh Đình Tường cho biết.
Còn với chị Nguyễn Thị Lụa chưa bao giờ nghỉ bán hàng lâu như vậy. Chị chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng thầm mong cuộc sống người dân nhanh ổn định. Người lao động phổ thông như chúng tôi sớm có việc làm. Gia đình ở quê đang trông chờ vào số tiền hàng tháng tôi kiếm được. Tình hình này kéo dài tôi không biết có trụ nổi nữa không”.
Không chỉ với gia đình chị Phạm Thị Mơ, anh Trịnh Đình Tường mà nhiều lao động tự do khác, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và có những diễn biến hết sức phức tạp đã đẩy họ vào tình cảnh khó khăn.
Với họ, mong ước lớn nhất là dịch bệnh sớm qua đi để có thể đi làm có thu nhập trang trải cuộc sống và chăm lo gia đình.
Nguyễn Hạnh
Theo dantri.com.vn