Thừa kế là việc chuyển giao tài sản của cá nhân đã chết (tự nhiên hoặc bị tuyên bố chết) cho cá nhân, pháp nhân theo di chúc. Tuy nhiên, theo Bộ luật Dân sự 2015 quy định có trường hợp mặc dù người để lại di sản mà trong di chức không để lại cho những người thân thích thì cũng phải phân chi một phần để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.
Vấn đề này, pháp luật quy định như sau:
Căn cứ khoản 1 Điều 20 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Người thành niên:
“1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.”
Căn cứ Điều 21 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Người chưa thành niên:
“1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
- Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”
Căn cứ khoản 1 Điều 644 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc:
“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
- a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”
Căn cứ khoản 1 Điều 2 của Luật Người khuyết tật năm 2010 về Giải thích từ ngữ thì:
“1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.”
Căn cứ Điều 2 của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định về Dạng tật:
“1. Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
- Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
- Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
- Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
- Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
- Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.”
Căn cứ khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định về Xác định mức độ khuyết tật”
“3. Người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật như sau:
- a) Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- b) Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;
- c) Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.”
Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Người khuyết tật năm 2010 và các văn bản hướng dẫn không có quy định cụ thể về người không có khả năng lao động sau khi Pháp lệnh về người tàn tật năm 1998 hết hiệu lực.
Căn cứ điểm 3.1.6, mục I, Phần B của Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP:
“3.1.6. Người tàn tật, không có khả năng lao động theo hướng dẫn nêu trên là những người thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về người tàn tật, cụ thể như sau:
Người tàn tật không có khả năng lao động là người bị tàn tật, giảm thiểu chức năng không thể trực tiếp sản xuất, kinh doanh hoặc người bị khuyết tật, dị tật bẩm sinh không có khả năng tự phục vụ bản thân được cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên xác nhận hoặc bản tự khai có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã về mức độ tàn tật không có khả năng lao động.”
Như vậy, có thể xem người thành niên mà không có khả năng lao động tự nuôi sống bản thân là người đã thành niên (vào thời điểm mở thừa kế) và được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và phải được chia phần thừa kết theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015./.
Nguyễn Phương