Trên mọi phương diện, so sánh giữa World Cup và giải bóng đá quốc gia V-League luôn là sự khập khiễng rất lớn.
Tuy nhiên, cả 2 chắc chắn cùng có 1 điểm chung: đều là những cỗ máy có thể tạo ra tiền, nhưng ở quy mô khác nhau. Chỉ tính riêng bản quyền truyền hình, World Cup đã đem về cho FIFA hàng tỉ USD. Trong khi đó, V-League lâu nay vẫn phải “chơi” theo kiểu “hàng đổi hàng”, thậm chí BTC phải đi “năn nỉ” các nhà đài để được phát sóng.
Chỉ có một lý do căn bản giải thích điều này, là World Cup rất “đắt khách” khi được cả thế giới ngóng đợi, trong khi V-League thì thậm chí bán cho người hâm mộ trong nước cũng chưa xong.
World Cup tập trung những đội bóng hàng đầu thế giới tham dự, với những ngôi sao được hàng triệu triệu người yêu mến như Ronaldo, Lionel Messi… nên chuyện giải đấu này được quan tâm theo dõi là không ngạc nhiên. Trong khi đó nhìn lại V-League, chúng ta có gì: một giải đấu ít ngôi sao, trình độ chuyên môn thấp, thi đấu bạo lực.
Thành công của U23 Việt Nam vừa qua đã giúp lượng khán giả tới xem các trận đấu ở V-League 2018 nhích lên là một chỉ dấu để những người làm bóng đá Việt Nam biết cần phải làm gì giúp giải đấu trở nên hấp dẫn. Từ đây, bóng đá Việt Nam nói chung và V-League nói riêng mới mong tạo thêm nhiều giá trị.
Dĩ nhiên, nói đi cũng cần nói lại. Bóng đá Việt Nam đang phát triển dựa trên nền tảng thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực chứ chưa dám nói tới những nền bóng đá hàng đầu thế giới. Thế nên, đòi hỏi V-League ngang tầm với Premier League (Anh) hay La Liga (Tây Ban Nha) hoặc Serie A (Ý)… thậm chí là các VĐQG của Hàn Quốc, Nhật Bản là thiếu thực tế. Bóng đá Việt Nam cần những bước đi chắc chắn, đúng với lực của mình và điều quan trọng hơn, những người làm bóng đá cần đánh giá đúng thực trạng nền bóng đá để đưa ra những mục tiêu, cách làm vừa sức
Theo Tiền Phong