Làm từ thiện đúng nghĩa là khi chúng ta hành thiện từ cái tâm từ bi bác ái

11:42 | 03/09/2021

 


Từ khóa “nghệ sĩ sao kê tiền từ thiện” đang hot hiện nay, nguyên nhân xuất phát từ việc quyên góp của hàng loạt nghệ sĩ Việt nhưng vì một vài lý do mà chậm công khai chi tiết các khoản quyên góp. Trong đó, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, Hoài Linh… trở thành tâm điểm.

Nhiều nghệ sĩ Việt được công chúng yêu cầu sao kê tiền từ thiện. Ảnh: CTCC.

Tranh cãi xuất phát từ việc chậm sao kê

Chuyện quyên góp từ thiện của nghệ sĩ nhiều ngày qua vẫn chưa hết nóng. Bởi cho đến hiện tại, các nghệ sĩ Việt từng quyên góp từ thiện như: Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành, Thủy Tiên hay trước đó là nghệ sĩ Hoài Linh vẫn chưa thể thuyết phục được công chúng về tính minh bạch của các khoản quyên góp.

Như Lao Động đã từng đề cập trước đó, việc quyên góp và làm từ thiện được các chuyên gia về văn hóa, luật sư khẳng định là một hành động nhân văn, đáng khích lệ… Tuy nhiên, cho đến hiện tại, vấn đề này lại trở thành tâm điểm của mọi tranh cãi.

Tất cả nguyên nhân được cho là xuất phát từ chuyện chậm sao kê của loạt nghệ sĩ tên tuổi. Trong đó, nhiều nghệ sĩ quyên góp đưa ra các lý do khác nhau để lý giải cho việc chưa hoặc không sao kê chi tiết tiền quyên góp.

Vụ việc Đàm Vĩnh Hưng nhiều ngày qua dính hoài nghi “ôm” số tiền từ thiện lên đến hơn 96 tỉ đồng xuất phát từ việc từ trước đến nay, anh không sao kê số tiền kêu gọi chi tiết với công chúng.

Ban đầu, Đàm Vĩnh Hưng cho biết sẽ công khai toàn bộ giấy tờ sao kê, nếu không chính xác 96 tỉ đồng thì một nữ doanh nhân tố anh phải thua một viên kim cương. Tuy nhiên sau đó, khi người này yêu cầu sao kê thì nam ca sĩ lại nói “không ai có tư cách gì để yêu cầu anh phải làm theo ý mình như kê khai tiền từ thiện, cát-xê”, mà theo đó anh sẽ nhờ pháp luật can thiệp.

Chính vì điều này nam ca sĩ càng khiến công chúng khó chịu và vào trang cá nhân của anh liên tục yêu cầu sao kê.

Trước đó, Trấn Thành từng lên tiếng trần tình cho biết tổng kết số tiền quyên góp cho miền Trung là 9,45 tỷ đồng. Trong đó, anh đã chuyển cho MC Đại Nghĩa 3 tỷ đồng và cho cô Ngọc Hương – mẹ Hà Hồ số tiền còn lại là 6,45 tỷ đồng, tất cả đều có uỷ nhiệm chi đầy đủ.

Cách đây 3 tháng, Trấn Thành từng công bố đầy đủ uỷ nhiệm chi trong đợt kêu gọi từ thiện miền Trung để phân trần trước công chúng.
 Trong 1 lần khác, khi tâm sự với MC Đại Nghĩa về chuyện đứng ra kêu gọi tiền từ thiện, Trấn Thành từng nói: “Trấn Thành nói thế này, tụi em cũng không phải giỏi giang hay làm những chuyện gì to tát lớn lao mà bọn em làm bằng cả tấm lòng. Cái này mình có thì mình giúp những người đang thiếu.

Mà quý vị cứ phải nói là giải trình số tiền này ra cái này cái nọ thì nói thiệt thà tụi em không làm. Đó không phải nhiệm vụ, không phải sinh ra phải làm từ thiện. Làm từ thiện là xuất phát từ cái tâm và thiện nguyện của mình.

Tụi em làm, tụi em rất cực vì phải làm đủ thứ chuyện. Nói thật quý vị, cái tiền đó không ăn đâu, không ăn 1 đồng nào hết vì ăn không sống nổi, không ngóc đầu lên được đâu.

Quý vị yên tâm, tụi em thà không làm, tụi em đủ sức kiếm tiền nuôi sống bản thân nên không ai ăn đâu. Các bạn nào ác ý yêu cầu nói làm gì cho người ta, rồi giải trình số tiền đi thì nói thiệt những người làm từ thiện người ta đón nhận những điều tiêu cực này riết người ta nản, người ta sợ làm”.

Mới đây, Thuỷ Tiên cũng đã bật khóc nức nở trong livestream khi bị nghi bị nghi “ăn chặn” từ 177 tỉ đồng tiền từ thiện miền Trung. Nữ ca sĩ nói lý do chậm sao kê vì đã hỏi ngân hàng nhưng họ nói “việc sao kê tốn đến mấy thùng giấy nên tôi không muốn làm khó”.

Như vậy có thể thấy, việc ồn ào chuyện quyên góp từ thiện, xuất phát từ việc các nghệ sĩ chưa in hoặc chậm in sao kê từ thiện. Điều này dễ dàng khiến công chúng hoài nghi về sự minh bạch trong các hoạt động thiện nguyện của nghệ sĩ.

Cũng như vợ chồng nghệ sĩ Việt Hương, trong thời gian TP.HCM chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nghệ sĩ Việt Hương cùng người thân đã có nhiều hoạt động thiện nguyện thiết thực để hỗ trợ các tổ chức cũng như giúp đỡ những mảnh đời khó khăn.

Cụ thể ngoài mua tặng xe cứu thương, nữ danh hài và ông xã Hoài Phương còn trực tiếp chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc men… để mang tới những khu phong tỏa hỗ trợ bà con.

Nghĩa cử cao đẹp của Việt Hương và gia đình nhận được nhiều lời khen ngợi của giới nghệ sĩ cũng như khán giả hâm mộ.

Việt Hương đã lên tiếng nói rõ về cách thức làm từ thiện của mình.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến trái chiều xuất hiện trên mạng xã hội. Gần đây, trang fanpage chính thức của cô liên tục bị antifan bình luận yêu cầu sao kê tiền từ thiện.

Câu chuyện này cũng được một streamer đề cập tới ở cuộc trò chuyện ồn ào trên mạng. Không im lặng, ở buổi livestream mới nhất, Việt Hương thẳng thắn cho biết gia đình cô không kêu gọi từ thiện và ai tự nguyện đóng góp đều được công khai rõ ràng.

Livestream của tôi có nhiều người nghiệp quá. Dạ thưa tôi xin nói lại lần nữa là: Tôi không kêu gọi quyên góp tiền.

Tôi không kêu gọi bất kì 1 đồng nào. Nhưng có những người quyên góp gạo cho tôi, tôi ăn đâu có hết 10 tấn nên khi chuyển 10 tấn đi cho thì tôi đều có ghi giấy, dán tên đàng hoàng, quý vị coi sẽ thấy rõ” – Việt Hương nói.

Trước đó vào khoảng cuối tháng 7/2021, Việt Hương cũng bị nghi ngờ làm từ thiện để “đánh bóng” tên tuổi.

Công nhận giới nghệ sĩ giờ ưa làm màu ghê. Làm rồi còn phải chụp hình đăng lên để mọi người thấy mình làm việc thiện này nọ. Cái người mà đi từ thiện thật sự họ không có màu mè như vậy đâu” – một tài khoản mạng xã hội đánh giá.

Ngay khi đọc được bình luận, nghệ sĩ 7x đáp trả lại antifan rằng: “Hứa danh dự với anh, em không đăng tấm hình nào nữa nếu anh chỉ cần cho em 5 tấn gạo em tặng bà con là xong.

Sẽ không thấy cái bóng em luôn chứ đừng nói hình. Em ngồi chờ anh, anh nhớ giữ sức khỏe nhé là em mừng rồi”.

Nói thêm về mục đích việc làm của mình, Việt Hương cho rằng: “Nếu thương hai vợ chồng tôi thì bớt chửi bới lại. Mình truyền cho nhau những lời đẹp đẽ để làm kỉ niệm. Từ đó đến giờ chúng tôi dành dụm được bao nhiêu thì vẫn cho bà con nghèo.

Giúp bà con vài ký rau, vài miếng bánh… đến lúc hết dịch thì cái đó không còn quý trọng nữa nhưng sẽ là kỉ niệm cho hai vợ chồng. Chúng tôi làm hết mình, đến khi làm không nổi nữa tôi mới từ chối. Mọi người bớt chửi bới và thương tôi đi”.

Vậy liệu nghệ sĩ có bắt buộc phải sao kê và minh bạch toàn bộ khoản thu chi tiền từ thiện với công chúng?

Thủy Tiên trong đợt cứu trợ miền Trung. Ảnh: CMH.

Nghệ sĩ có bắt buộc sao kê sau quyên góp?

Theo luật sự Hoàng Hà – văn phòng luật sư ở Quận 1, TPHCM, việc sao kê ngân hàng là điều cần thiết để chứng minh một nghệ sĩ làm từ thiện minh bạch.

Bởi khi in sao kê sẽ có ghi rõ về thời gian, số tiền giao dịch, chi tiết việc rút tiền từ tài khoản quyên góp. Từ bản sao kê, có thể biết được các giao dịch phát sinh cũng như kiểm soát hiệu quả chi tiêu của mình.

Luật sư Hà cho rằng, với các số tiền lớn thì sẽ mất thời gian để sao kê nhưng không phải không làm được.

Bên cạnh đó, trước câu hỏi lớn về việc “làm từ thiện có bắt buộc phải sao kê”, luật sư Trần Minh – văn phòng luật L&P giải thích: “Đầu tiên phải nói rõ, pháp luật không cấm hoạt động từ thiện, thậm chí còn khuyến khích mọi người tham gia hoạt động này.

Bên cạnh đó, việc quyên góp từ thiện tự phát, thành lập một tài khoản để tiếp nhận tiền từ thiện của một số nghệ sĩ hiện nay thì các nghệ sĩ được xem là người trung gian, đứng ra tiếp nhận và là người chuyển số tiền đó cho đồng bào đang gặp khó khăn”.

Theo luật sư Minh: “Khi thực hiện các giao dịch, hỗ trợ người khó khăn, các nghệ sĩ phải làm đúng như cam kết đã đưa ra trước đó và phải công khai lại kết quả hoạt động từ thiện cho các mạnh thường quân đóng góp.

Việc công khai, minh bạch số tiền nhận được từ mạnh thường quân là điều cần thiết, rất quan trọng vì nó đảm bảo rằng nghệ sĩ sử dụng đồng tiền từ thiện đúng mục đích, giúp đảm bảo uy tín cho nghệ sĩ và làm tròn nguyện vọng của mạnh thường quân”.

Tiến sĩ văn hóa Tùng Hiếu nhận định: “Việc làm từ thiện từ tiền quyên góp của công chúng rất dễ xảy ra những tranh cãi nếu không đúng cách. Vì vậy, theo tôi họ không nên làm theo diện cá nhân mà hãy tìm sự giúp đỡ ở một số cơ quan đoàn thể như Hội Nghệ sĩ, Hội Doanh nhân… để có nhiều người chung tay cho việc làm của mình minh bạch hơn”.

Làm từ thiện xuất phát từ nghĩa cử cao đẹp

Quan niệm về việc làm từ thiện là nghĩa cử cao đẹp được xuất phát từ đạo lý Phật giáo. Đức Phật từng dạy, con người phải có tấm lòng tứ vô lượng tâm. Nghĩa là khi sống cần biết từ – bi – hỷ – xả, biết rộng lượng, thương yêu và giúp đỡ chúng sanh.

Khi con người hành thiện đó là sự thể hiện tinh thần vị tha, vô ngã và bác ái với đồng loại. Con người tồn tại trong cộng đồng và chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển của cộng đồng. Do đó, con người phải có trái tim và tấm lòng đồng cảm với những vấn đề trong cộng đồng. Đó không chỉ đơn thuần là sự tương tác giữa con người và xã hội. Mà đó còn là sự biểu thị tinh thần và trách nhiệm với những người xung quanh.

Hành thiện, bố thí là sự thể hiện tư tưởng làm điều thiện, tránh điều ác của Phật giáo. Khi con người làm điều tốt lành, đó không chỉ là sự cứu giúp những người khó khăn. Mà đó còn là sự cứu giúp và giải thoát cho chính mình.

Làm từ thiện đúng nghĩa là khi chúng ta hành thiện từ cái tâm từ bi bác ái.

Làm từ thiện trước tiên là sự thể hiện tình người cao đẹp, tấm lòng từ bi bác ái của con người. Đức Phật từng dạy, trái tim của mỗi người đều chảy dòng máu đỏ. Vì vậy mỗi người đều có quyền bình đẳng và luôn mong muốn được hạnh phúc. Nhưng cuộc sống lại là những phân định, nên có người giàu, người nghèo, người hạnh phúc, người đau khổ. Do đó, con người cần mở tấm lòng của mình, cứu giúp chúng sinh vượt qua khó khăn trong bể khổ.

Hành thiện giúp người nghèo không chỉ là sự cho đi, mà chính con người cũng nhận lại rất nhiều. Khi con người làm điều thiện, tốt lành đó là sự tu nhân tích đức. Nếu con người làm nhiều việc tốt cho đời thì luân hồi chuyển kiếp sẽ được phú quý, ấm no.

Con người làm điều thiện là góp phần tích đức cho bản thân, tiêu trừ nghiệp chướng khổ ải. Tuy nhiên, con người cần hiểu đúng giá trị của việc hành thiện. Khi ấy chúng ta mới là thiện đúng nghĩa và cái thiện mới đi từ tâm mà thành.

Hành thiện là việc làm tốt đẹp, gieo động lực, niềm tin cho người khó khăn vượt lên số phận. Chính niềm tin ấy sẽ giúp họ có thêm tinh thần, nghị lực để sống tốt, sống có ích cho đời.

Làm từ thiện không chỉ là hành động cao đẹp mà đó còn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Con người hành thiện bằng cái tâm vô lượng được xem là một biểu hiện hành trì trong tu tập. Chúng ta có thể làm điều thiện, điều tốt bất kỳ đâu và với bất kỳ ai. Nhưng việc thiện ấy phải xuất phát từ tâm, đúng người, đúng hoàn cảnh.

Ngày nay trong xã hội luôn có nhiều hoạt động thiện nguyện vô cùng thiết thực và hữu ích. Đó là những cơ sở khám chữa bệnh miễn phí giúp đỡ người nghèo. Đó là những lớp học tình thương cho các em nhỏ mồ côi không được cấp sách đến trường. Đó là những trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ trẻ em, người khuyết tật, người già neo đơn. Tất cả đều xuất phát từ cái tâm thiện lành, từ nghĩa cử cao đẹp. Với mong muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua nghịch cảnh.

Có thể thấy, làm từ thiện đúng nghĩa là khi chúng ta hành thiện từ cái tâm từ bi bác ái. Hành động ấy phải xuất phát từ trái tim nhân ái, không vì bất kỳ vụ lợi cá nhân nào. Con người hãy hành động thiện nguyện theo đúng tinh thần và sức mạnh lan tỏa mà nó hướng đến.

 

 

Phan Hữu – Quang Tới(T/h)


Cùng chuyên mục

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả