Ngày Quốc Khánh 2-9 có ý nghĩa vô cùng đặc biệt

15:43 | 02/09/2021

Hàng năm cứ dịp lễ Quốc Khánh ngày 2/9 thì mỗi người con Việt Nam lại dâng trào cảm xúc thiêng liêng và niềm tự hào dân tộc. Nhân dịp ngày lễ đặc biệt này hãy cùng chúng ta lần nữa ôn lại mốc son lịch sử trọng đại này.

Ngày 2-9-1945 Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam một mốc son chói lọi của lịch sử nước ta. ( Ảnh: TTXVN)

Nguồn gốc của ngày Quốc Khánh

Thắng lợi Cách mạng tháng Tám trong cả nước đã chấm dứt thời kỳ nô lệ của nhân dân dưới ách thống trị của đế quốc Pháp và phát xít Nhật. Trước tình hình  muôn vàn thử thách, khó khăn, phức tạp của đất nước, Đảng và Bác Hồ đã tập trung giải quyết vấn đề cơ bản của cách mạng lúc bấy giờ là thiết lập chính quyền nhân dân trong cả nước. Trung ương Đảng cử Đồng chí Lê Đức Thọ đón Hồ Chí Minh từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Sau đó, Hồ Chí Minh về ở căn gác số 48, Hàng Ngang rồi hàng ngày đến làm việc tại nhà số 12 phố Ngô Quyền (trụ sở của Chính phủ lâm thời). Trong các ngày 28 và 29 – 8, Hồ Chí Minh dành phần lớn thời gian viết ra bản Tuyên ngôn độc lập.

Vậy tại sao lại là ngày 2/9 mà không phải là ngày khác. Sau ngày 19 tháng 8, Hồ Chí Minh và các cộng sự của Bác bàn bạc việc chọn ngày ra mắt để đọc cho quốc dân đồng bào bản Tuyên ngôn độc lập. Có nhiều ý kiến đề nghị chọn ngày gần sau đó là ngày 25 hoặc 28 tháng 8. Nhưng Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh dẫn lời kể của Giám mục Phaolô Lê Đắc Trọng, một nhân chứng trong thời điểm đó rằng: ông Vũ Đình Tụng, bác sĩ riêng của ông Hồ Chí Minh và cũng là một giáo dân Công giáo, đã đề xuất lấy ngày 2 tháng 9 năm 1945. Bác Hồ hỏi vì sao thì ông Tụng giải thích: nó rơi vào ngày Chủ nhật nên mọi người được nghỉ việc, ngày 2 tháng 9 cũng là ngày Chúa Nhật kính các vị tử đạo Việt Nam, là lễ trọng nên giáo dân đều đi dự lễ. Thời đó chỉ có phía Công giáo mới có các đoàn thể với áo quần đồng phục, đội ngũ chỉnh tề nên dễ vận động đồng bào Công giáo tham gia mít-tinh sau khi tan lễ.

Sau đó, Hồ Chí Minh cho người liên lạc với bên phía tòa giám mục Hà Nội. Đến ngày 22 tháng 8, Bác đến thăm Nhà thờ lớn Hà Nội. Tại đây, khi thấy giáo dân đang chuẩn bị cờ, hoa trang trí nhà thờ, chuẩn bị mừng lễ các vị tử đạo Việt Nam vào ngày 2 tháng 9 sắp tới, Hồ Chí Minh suy nghĩ một hồi rồi nói: “Tôi sẽ làm cho ngày đó thêm ý nghĩa nữa”. Có lẽ ý tưởng này đã đưa đến việc Bác chọn ngày 2 tháng 9 là ngày tuyên bố độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ sáng sớm ngày 2 tháng 9, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ dồn về phía Ba Đình. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga dăng khắp đường phố. Ý chí của nhân dân được biểu lộ trên các khẩu hiệu: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên giữa quảng đường Ba đình, các đội tự vệ vũ trang cùng những đơn vị Quân Giải phóng đội mũ ca lô, quân phục nghiêm trang, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ đài. Những chiến sĩ cách mạng đã từng anh dũng chiến đấu ở Bắc Sơn, Vũ Nhai, đã lập nên các chiến công Phay Khắt, Nà Ngần, vừa cùng nhân dân vùng dậy cướp chính quyền, giờ đây vẫn nắm chắc tay súng bảo vệ nền Độc lập mới ra đời.

Hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, nét mặt hân hoan phấn khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cùng giờ này, nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố cả nước. Muôn triệu trái tim hồi hộp hướng về Hà Nội, chờ đợi giây phút thiêng liêng. Đúng 14 giờ, Hồ Chủ tịch và các vị trong Chính phủ lâm thời ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang từ từ kéo lên. Hàng chục vạn bàn tay nắm chặt giơ lên ngang tai, biểu thị lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Thay mặt cho toàn thể chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập – khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

 

Hàng năm cứ đến ngày Quốc khánh chính là dịp người con Việt Nam dù ở đâu cũng hướng về Tổ quốc, tưởng nhớ công ơn của Bác Hồ vĩ đại.

Ý nghĩa của ngày Quốc Khánh

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, được  Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, chương 1, điều 13, mục 4 khẳng định: “Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là ngày Tuyên ngôn độc lập”.  Đây là ngày lễ lớn diễn ra hằng năm cảu cả Dân tộc để kỷ niệm Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được sinh ra cũng như tưởng nhớ tới chủ tịch Hồ Chí Minh ví đại kính mến.

Trải qua 76 năm kể từ thời điểm được khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đất nước Việt Nam đã đang không ngừng cố gắng, nỗ lực vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu một cách mạnh mẽ.  Đặc biệt Đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Sức mạnh tổng hợp quốc gia tăng lên rất nhiều. Việt Nam được bạn bè thế giới mến phục, coi là biểu tượng của sự ổn định xã hội, tinh thần chiến thắng đói nghèo, đề cao nhân nghĩa trong thế kỷ XXI và được bạn bè quốc tế nể trọng mến phục.

Những thành tựu to lớn đã đạt được từ ngày thành lập nước đến nay còn chứng tỏ sự trưởng thành của toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự dẫn dắt về mọi mặt của Đảng và Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đó là cả một quá trình hy sinh, phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc trong suốt 76 năm qua mà không có gì sánh được. Hiện nay, trên trường quốc tế, Việt Nam đã trở thành quốc gia có được sự uy tín và lớn mạnh hơn rất nhiều.

Ngày nay đất nước ta đã phát triển trất mạnh hơn rất nhiều. Trở thành một quốc gia có uy tín trên trường quốc tế. Vào ngày kỷ niệm Quốc khánh, mỗi người dân Việt Nam dù là sinh sống bất kỳ nơi đâu, ngay trong lòng đất mẹ hoặc xa Tổ Quốc hay ngay trong lòng đất mẹ cũng đều có những cảm xúc thiêng liêng khó tả, cũng không khỏi xúc động bồi hồi, khi nhớ lại khí thế đầy hào hùng, sôi sục và náo nức của những ngày đầu cách mạng. Đồng thời nhớ tới giọng nói ấm áp của chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Vậy nên, có thể nói rằng, Quốc Khánh chính là dịp để bất cứ người dân Việt Nam nào, đồng bào cả nước cũng như bào kiều ở nước ngoài cùng hướng về tổ quốc. Cùng nhau tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh bất khuất, cùng tưởng nhớ và biết ơn vĩ nhân Hồ Chí Minh- người anh hùng dân tộc. Đồng thời, đây  cũng chính là dịp để các thế hệ sau cùng nhau nhìn lại chặng đường lịch sử gian khổ và hào hùng của dân tộc, trau dồi lòng yêu nước, cống hiến cho dân tộc Việt Nam trong tương lai.

Với tầm vóc và ý nghĩa cao cả ấy, ngày 2 tháng 9 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, là kỳ nghĩ lễ quan trọng. Đặc biệt, vào dịp này, rất nhiều hoạt động giải trí, nghệ thuật được diễn ra để chào mừng và thu hút được đông đảo bạn bè quốc tế theo dõi và biết tới nhiều hơn. Năm nay kỳ nghỉ lễ thật đặc biệt trong khi cả nước đang gồng mình chống lại đại dịch. Mỗi người Việt Nam chúng ta hãy phát huy sức mạnh của toàn Đảng toàn dân, toàn quân chung sức đồng lòng đoàn kết cùng nhau phòng chống dịch COVID-19. Mỗi người hãy tự bảo vệ sức khỏe cá nhân cộng đồng, nhất định rằng chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch.

 

 

Lưu Vinh


Cùng chuyên mục

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu