Một trong số ít người am hiểu Hán Nôm còn lại ở Nam Định là tác giả Vũ Minh Am. Ông là hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam Ninh – Nam Hà – Nam Định từ năm 1977.
Kiến trúc sư Vũ Minh Am là tác giả công trình phục nguyên Cột Cờ Nam Định năm 1997. Công trình lịch sử – văn hóa thành Nam được xây dựng năm 1841, đời vua Thiệu Trị, triều Nguyễn, bị tên lửa Mỹ bắn sập năm 1972. Trên nền phế tích đổ nát hoang tàn, Vũ Minh Am dồn tâm huyết, trí tuệ , đầu tư thời gian đọc lại các tài liệu gốc từ chữ Hán, tiếng Pháp, ảnh tư liệu và sau nhiều ngày khảo sát thực địa để có một bản thiết kế hoàn chỉnh được Hội đồng giám định thông qua. Ông tham gia chỉ đạo thi công từ ngày khởi công, một nắng hai sương tại công trường với đội ngũ cán bộ công nhân xây dựng cho một công trình trọng điểm được nhiều người mong chờ. Sau chót, Cột Cờ Nam Định hồi sinh vút lên đột khởi uy nghi, mang tầm vóc một tượng đài chiến thắng của quân và dân thành phố Nam Định. Tác phẩm thiết kế xuất sắc của ông được nhận giải thưởng kiến trúc của Tỉnh năm 1997.
Về văn chương, ông có truyện ngắn “Những chú bé đánh giày ở Bô-kê”, tặng thưởng báo Văn nghệ năm 1962. Truyện viết năm 1961, nay đọc lại vẫn thấy tươi tắn, hồn nhiên, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Nhân vật chính là chú bé Yếc-sin có bố là lính thủy, mẹ là thợ giặt thuê, nhà ở khu phố ngoại ô thành phố nhỏ Bô-kê nước Ghi-nê, cách thủ đô Cô-na-cơ-ri gần hai trăm cây số. Em là chú bé lanh lợi, nói tiếng Pháp khá nhất trong “cái thế giới” các chú bé đánh giày ở công viên kề khách sạn thành phố Bô-kê. Yếc-sin từng bị lão Giăng-cá-sấu quan chức thực dân cũ đánh đập tàn nhẫn khi lỡ chân đá bóng trúng vào cửa kính nhà lão. Nhân vật thứ hai xuất hiện từ đầu truyện: ông khách “da vàng như bánh mì”, ăn mặc không cầu kỳ, đi giày đen, giao tiếp ân cần, lịch sự, lọt vào tầm ngắm của các chú bé. Sau một hồi tìm hiểu, các chú được biết, ông khách da vàng là thầy giáo người Việt Nam, được bác Hồ Chí Minh cử sang Ghi-nê dạy học ở trường trung học cạnh nhà thờ thành phố, theo lời mời của Tổng thống Xê-cu Tu-rê. Mọi người gọi ông là “ông giáo Điên-Biên-Phủ”. Khác hẳn với lão Giăng-cá-sấu khinh bỉ người da đen, ông giáo Điện Biên Phủ thân thiện, tốt bụng. Đám trẻ đánh giày nghèo khổ có cảm tình với ông. Rồi một việc không mong muốn đã xảy ra. Trưa hôm ấy vắng khách, các chú bé đánh giày bày trận bóng đường phố. Đúng lúc Yếc-sin tung cú sút dứt điểm thì ông giáo Việt Nam xuất hiện và hứng trọn quả bóng của em. Đám trẻ hoảng hốt nhưng ông giáo lại tươi cười dừng lại, lượm rồi ném trả các chú quả bóng và nói: “Cứ tiếp tục đi, các cầu thủ tí hon của tôi!”
Để giải quyết vụ việc này các chú bé đùn đẩy nhau và đi đến quyết định: giao cho Yếc-sin phải tìm gặp ông giáo Điện Biên Phủ nói lời xin lỗi và phải đánh giày cho ông giáo nhưng không được lấy tiền. Tác giả khéo miêu tả tâm lý, tình thế, dẫn dắt mạch truyện hấp dẫn, linh hoạt dẫn đến cái kết thật ngay ngắn: Ông giáo Điện Biên Phủ, qua việc tiếp xúc với cậu bé Yếc-sin, trở thành thầy giáo dạy các chú bé đánh giày thất học trong một lớp học riêng vào các buổi tối thứ ba, thứ sáu hàng tuần ở thành phố nhỏ Bô-kê.
Công việc bận rộn của một kiến trúc sư thời chiến ở cơ quan thường trực xây dựng một thành phố bị máy bay Mỹ oanh kích trên 200 trận bom, rốc-két… không cho Vũ Minh Am có nhiều thì giờ bên bàn viết. May sao, ông còn có sở trường về thơ. Tập thơ Quả đương mùa (in chung), giải thưởng Nguyễn Khuyến tỉnh Hà Nam Ninh năm 1986; tập thơ Lặng lẽ tình yêu, Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2004, giải thưởng Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định năm 2006.
Ông còn tham gia dịch thuật và hiệu đính các tập Tam Nguyên Trần Bích San cuộc đời và tác phẩm, Nhà thơ yêu nước Bùi Văn Dị, Hoàng giáp Tam Đăng Phạm Văn Nghị, Tổng tập Văn học Việt Nam số 19, Tuyển thơ các vua Trần. Ông được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Hà tặng Giải thưởng dịch thuật xuất sắc năm 1996 phần dịch thơ Trần Bích San trong tập Mai Nham thi thảo, tạp chí Văn học nước ngoài Hội Nhà văn Việt Nam tặng giải thưởng cuộc thi dịch thơ chữ Hán năm 1999.
Vũ Minh Am hay chữ, là tác giả của nhiều câu đối trên báo , tạp chí số Tết ở địa phương. Ông cũng hay “cho chữ” bạn bè, những bức thư pháp nền nã trên giấy dó với những bài thơ của các danh sĩ. Đôi câu đối phục chế tại nhà lưu niệm nhà thơ Tú Xương, 280 Hàng Nâu, Nam Định do bộ môn Thơ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định cung tiến năm 2000, câu đối của cụ Tú, thư pháp chữ Hán của Vũ Minh Am:
‘An đắc thiên vạn gian, tịnh vô hàn sĩ
Thường như nhị tam nguyệt, hà tất Thiên thai”
Nghĩa là:
Ước được (ta có) nghìn vạn gian nhà thì đời chẳng có ai là hàn sĩ,
Khi nào khí hậu (mát lành) như tháng Hai tháng Ba, thì cứ gì phải (mơ
ước) cảnh Thiên Thai . Huy Vinh dịch (Tạp chí Văn nhân , số 46 – 2005).
Mùa hè năm 2004, trong chuyến đi thực tế của Bộ môn Thơ Nam Định thăm Lam Kinh, thành nhà Hồ, thăm làng Hoàng Trù, làng Kim Liên quê Chủ tịch Hồ Chí Minh, về dâng hương khu tưởng niệm, viếng mộ đại thi hào Nguyễn Du. Vũ Minh Am giúp cho các bạn thơ có dịp hiểu thêm những đại tự, câu đối chữ Hán tôn vinh các danh nhân văn hóa miền đất học Thanh Nghệ Tĩnh. Sau lễ dâng hương đền thờ Lê Thái Tổ ở Lam Kinh, Vũ Minh Am nán lại trao đổi ân cần với người thủ từ giữ cửa đền, đề nghị sửa một chữ viết sai trong đôi câu đối của một nhà hảo tâm ở Hà Nội cung tiến. Từ “bình Ngô”, chữ “Ngô” chỉ “giặc Ngô” trên câu đối sơn then thếp vàng, vị “thư pháp” nào đó đã viết thành chữ “ngô” là “ta”. Người thủ từ đã tiếp thu ý kiến và bắt tay cảm ơn ông. Trong chuyến viễn du khu Bốn nhiều danh thắng, các thi hữu Nam Định nghỉ chân tại khách sạn Thiên Ân, Cửa Lò, Nghệ An. Chủ khách sạn là người lịch sự, biết ứng xử, khiến các vị khách thơ đất Thiên Trường vừa ý. Anh em thơ đồng thanh mời Vũ đại huynh Minh Am “cho chữ” để đoàn lên đường. Vũ Minh Am mỉm cười. Ông thong thả đứng lên giữa bạn bè anh em, trước người chủ khách sạn ngồi ở bàn đối diện. Thế rồi ông đọc ngay tại phòng khách tầng thượng nơi ly cốc sóng hàng khách sạn Thiên Ân:
“Thiên Ân do luyến Thiên Trường khách
Nghệ Tĩnh lưu tình nghệ thuật nhân”
Câu đối ứng tác chững chạc, nghệ thuật chơi chữ tự nhiên, không gượng ép. Mọi người vỗ tay tán thưởng. Buổi hội ngộ tại Cửa Lò xứ Nghệ thật là vui.
Vũ Minh Am quen thân nhà thơ Phùng Quán từ ngày ông được báo Văn nghệ đăng truyện ngắn “Những chú bé đánh giày ở Bô-kê” và nhận tặng thưởng truyện ngắn hay của báo. Hai người cùng tuổi Nhâm Thân, 1932. Ông nhà thơ họ Phùng, quê Hương Thủy, Thừa Thiên, sinh tháng Giêng. Ông kiến trúc sư họ Vũ quê Trực Ninh, Nam Định, sinh tháng Tám. Những năm Vũ Minh Am tu nghiệp đại học ở Hà Nội, ông có những cuộc hẹn hò với ông “Tư Mã Nghi Tàm” bên Hồ Tây, khá tương đắc. Vũ Minh Am nể phục tài thơ Phùng thi sĩ, mấy lần mời Phùng Quán về chơi Nam Định. Phùng Quán cũng nể Vũ Minh Am về tính cách điềm đạm mà sâu sắc cùng năng lực thẩm định thơ và tình thơ của ông. Thơ Đường, thơ chữ Hán Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến …Vũ Minh Am nhập tâm nhiều bài, đọc nguyên tác, phân tích các bản dịch thật khúc chiết, trôi chảy.
Một lần, trong tiệc rượu bạn bè trên căn gác nhỏ, tại nhà riêng Vũ Minh Am, đường Cổng Hậu thành phố Nam Định, lúc cao hứng, Phùng Quán muốn thử tài “ông đồ tân thời tỉnh Nam”. Thi nhân nâng chén mời Vũ Minh Am với một đề nghị thân tình, mời ông bạn kiến trúc sư dịch giúp một bài thơ của mình sang Hán ngữ. Vũ Minh Am ngồi nghiêm ngắn, mắt sáng lên nhìn ông bạn đồng nghiệp ngành xây dựng bên mâm rượu với ông em – nhà thơ Vũ Quốc Ái gương mặt đầy hứng khởi, ông nhận được sự khích lệ. Rồi ông đăm đăm nhìn gương mặt phong trần, chòm râu đẹp nhà thơ Phùng Quán và gật đầu xin mời Phùng thi nhân “ra đề”. Phùng Quán giọng Huế, đọc bài thơ bốn câu như sông Hương dậy sóng Nam bình:
Trăng
“Trăng du đãng ngủ nhờ thềm lạnh
Muốn mời vào nhà không chiếu chăn
Tỉnh dậy, trăng đi còn gửi lại
Nước mắt đầy thềm tạ cố nhân”.
PHÙNG QUÁN
Tất cả im lặng. Một không gian “thiền thơ” đây chăng. Vũ Minh Am đứng dậy. Ông đến bên bàn làm việc, cầm giấy bút ngồi vào ghế và viết. Mọi người im lặng chờ, không ai ho he điều gì hệt như nghi thức của nghệ thuật siêu ứng tác nào đó,“Không gian như có dây tơ/ Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu” (Xuân Diệu). Chỉ có tiếng còi xe toe toe ngoài đường Cổng Hậu nói rằng mọi sự trên đời vẫn thông thoáng. Một ngày hè thành phố Dệt đang ngà ngà say với hiệu còi nhà máy tầm trưa u dài.
Xong rồi! Vũ Minh Am với bản dịch thơ đã “hoàn công”. Ông bước ra tươi tỉnh ngồi xếp bằng tròn xuống chiếu thơ, tay cầm bản dịch thơ mới ra lò. Rượu nếp Kiên Lao lại được rót đều sóng sánh các chén sứ. Bản dịch được người dịch đọc lên:
Nguyệt
“Đãng nguyệt cô miên tá lãnh đình,
Hiềm vô chiên tịch bất đương nghinh.
Nguyệt di thảo thượng lưu dư lệ,
Thâm tạ tri âm tống biệt tình”.
VŨ MINH AM dịch
Phùng Quán vội đỡ lấy tờ thơ còn tươi nét bút. Mọi người nhìn nhau mặt nở tươi. Bản dịch được chấm điểm mười ngay trên chiếu thơ. Ông dịch giả vẫn điềm tĩnh như không. Ông nhà thơ rưng rưng cúi đầu cảm tạ. Hai ông bắt tay nhau thật chặt và nhìn nhau như mới gặp nhau ngày đầu.
Bài thơ từ thể thơ tự do 4 câu được chuyển dịch thành bài thơ tứ tuyệt hoàn chỉnh. Bản dịch sát nguyên tác ngay từ câu mở đầu đến suốt câu 2 không dễ gì thay được một chữ: “Đãng nguyệt cô miên tá lãnh đình/ Hiềm vô chiên tịch bất đương nghinh”. Đặc biệt câu 3, thật khéo: Nguyệt di (trăng đi); và rất sáng tạo: “thảo thượng lưu dư lệ” cất cánh từ “nước mắt đầy thềm” (câu cuối nguyên tác) “còn để lại” (câu 3 nguyên tác) để hội về câu 4 bản dịch thành câu kết gói trọn ý tứ toàn bài “Thâm tạ tri âm tống biệt tình”.
Bản dịch “Nguyệt” của Vũ Minh Am làm giàu thêm nguyên tác “Trăng” của Phùng Quán khiến cả hai ông đều đắc ý, hài lòng. Nguyên tác tiếng Việt với bản dịch Hán ngữ bài thơ “Trăng – Nguyệ” cùng hiện diện trong tuyển tập thơ hoành tráng “Nghìn năm thương nhớ”, do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội ấn hành năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Những người làm sách có con mắt xanh đáng được ghi nhận.
Nhà thơ Phùng Quán qua đời ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà Nội. Kiến trúc sư Vũ Minh Am qua đời ngày 30 tháng 6 năm 2017 tai Nam Định. Bài viết nhỏ này ghi lại một kỷ niệm về tình bạn của hai ông với tấm lòng mến mộ, quý trọng tài năng và tình tri âm bằng hữu ở đời.
Thành phố Nam Định, 30/6/2017
Phạm Trọng Thanh