Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Mil (NHCSXH tỉnh Đắk Nông) kịp thời triển khai đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, qua đó đã giúp người dân ổn định phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho nhiều lao động, từng bước góp phần cùng địa phương thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Đa dạng hóa nguồn lực
Đăk Mil là một trong những huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trong những năm qua. Để đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày một tăng của khách hàng, hàng năm ngoài tranh thủ nguồn vốn Trung ương, vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, NHCSXH huyện Đắk Mil đã đa dạng hóa nguồn lực trên địa bàn. Tính đến hết tháng 7/2021, NHCSXH huyện Đắk Mil đã đạt tổng nguồn vốn trên 365 tỷ đồng, tăng 24,1 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn địa phương, ngân sách của tỉnh và huyện ủy thác là 32 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Đăk Mil Nguyễn Ngọc Lũy cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình SXKD trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, nông sản khó tiêu thụ, giá cả xuống thấp, thế nhưng mọi nguồn vốn huy động phục vụ tín dụng chính sách đều tăng, đây là tín hiệu đáng mừng để người dân được tiếp cận nguồn vốn. Ngoài sự nỗ lực của cán bộ ngân hàng thì ý thức và trách nhiệm sử dụng vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn cũng được nâng cao, như việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả, đến việc tiết kiệm và trả nợ ngân hàng đúng hạn.
Ông Hoàng Văn Luận thôn Đức Hòa, xã Đức Mạnh, huyện Đăk Mil tâm sự, năm 2015 gia đình được vay vốn hộ nghèo với số tiền 40 triệu đồng để đầu tư vào 2ha cà phê. Từ số tiền đó còn mua thêm được 01 con bò sinh sản để chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến năm 2021 gia đình ông đã không còn là hộ nghèo của xã, số nợ cũ được trả hết. Cùng với đó, gia đình ông còn được đoàn thể xã và NHCSXH huyện giúp đỡ, cho vay chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 80 triệu đồng để đầu tư vào 2 ha cà phê đang thu hoạch với trồng thêm mới 01ha bơ và sầu riêng. Đến nay, thu nhập hàng tháng đã giúp cho gia đình không phải lo lắng về bữa cơm hàng ngày mà còn sửa chữa được mái nhà ngày một khang trang hơn.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
Đối với hộ ông Trần Ngọc Lanh thôn Sơn Trung, xã Đăk Gằn, huyện Đăk Mil, gia đình có 6 người, gồm bố, mẹ và 4 người con, thuộc diện cận nghèo năm 2016. Nhờ vốn tín dụng chính sách ông được vay chương trình hộ cận nghèo số tiền 30 triệu đồng để đầu tư trồng xoài và vay vốn từ chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn số tiền 37 triệu đồng cho con đi học. Đến cuối năm 2020, gia đình ông đã thoát nghèo và được tiếp tục hỗ trợ vay vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn số tiền 50 triệu đồng. Đến nay, con gái của ông cũng đã tốt nghiệp đại học và ông còn đầu tư trồng thêm được 01ha cây ăn trái gồm mít và bơ để tăng gia sản xuất tăng thu nhập.
Theo ông Phạm Hòa, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Mil, đến 31/7/2021, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Mil đạt dư nợ gần 354 tỷ đồng, so đầu năm tăng trên 10,2 tỷ đồng, với 11.994 khách hàng còn dư nợ. Qua đó đã giúp 86 lượt hộ nghèo vay số tiền 3.905 triệu đồng; 161lượt hộ cận nghèo vay số tiền 8.059 triệu đồng; 109 lượt hộ mới thoát nghèo vay số tiền 7.286 triệu đồng; 45 hộ nghèo, hộ khó khăn về tài chính vay trang trải chi phí học tập cho học sinh, sinh viên với số tiền 2.943 triệu đồng; 1.043 hộ vay để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh với số tiền 12.063 triệu đồng; 403 lao động vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 11.343 triệu đồng và 733 lượt hộ vay vốn sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn số tiền 29.182 triệu đồng để đầu tư cải tạo, chăm sóc cà phê, tiêu và cây công nghiệp khác.
Mục tiệu được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 – 2025 huyện Đăk Mil đề ra là: Đến năm 2025, Đắk Mil trở thành huyện mạnh về kinh tế, văn hóa – xã hội, tiến tới thành lập thị xã Đắk Mil. Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực để xây dựng Đắk Mil trở thành thị xã đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025. Song song đó, các chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao trình độ dân trí, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách sẽ được quan tâm, chú trọng… Như vậy thì việc đáp ứng nguồn vốn từ Trung ương và vốn ủy thác của địa phương càng trở nên có ý nghĩa thiết thực để tín dụng chính sách thực sự góp sức tích cực cùng Đăk Mil cất cánh, bước vào thời kỳ đô thị hóa, thành khu vực trung tâm thương mại – dịch vụ lớn của tỉnh Đăk Nông.
Thế Hiếu