Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, truyền hình Quân đội đến phỏng vấn, tôi nhớ đến hội thảo khoa học Quốc gia “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc” do tạp chí Văn hiến VN phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử VN, Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN tổ chức vào ngày thứ sáu 21/12/2018 nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của Đại tướng và 74 năm ngày thành lập QĐNDVN. Xin chia sẻ đề dẫn của tôi tại Hội thảo với tư cách là trưởng ban tổ chức và một số hình ảnh về Hội thảo đáng nhớ ấy.
Hôm nay, cũng trong một ngày thứ Sáu luôn gắn với những sự kiện giàu ý nghĩa trong cuộc đời Đại tướng, trong không khí xúc động chào mừng kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, chúng ta từ khắp miền đất nước đã tự nguyện tụ hội về đây để cùng nhau tổ chức một hội thảo về Người anh Cả của đội quân trung hiếu của nhân dân ta, hội thảo “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc”
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc” chắc chắn là một đề tài nghiên cứu khoa học rất rộng, rất lớn, rất khó, rất lâu dài. Trên khía cạnh văn hóa quân sự, Đại tướng của chúng ta, vị “Tư lệnh của mọi tư lệnh, chính ủy của mọi chính ủy” , “một trong những thiên tài quân sự lớn nhất mọi thời đại”, như đánh giá của các tướng lĩnh và chuyên gia quân sự hàng đầu trong và ngoài nước, là người đã tiếp thu và phát triển tư tưởng quân sự truyền thống Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn với tư tưởng quân sự hiện đại thế giới để xây dựng nên một hệ thống tư tưởng minh triết về chiến tranh nhân dân, kết hợp quân sự với chính trị và ngoại giao, chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích, nghệ thuật lấy yếu thắng mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại”…được cả thế giới khâm phục, học tập. Trong một thời gian khá dài thời trẻ, vị tướng thiên tài ấy từng là một nhà báo toàn năng, không những biên dịch, viết báo mà còn là người sáng lập báo, viết báo cả bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, từng làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc kỳ thời Mặt trận dân chủ Đông Dương. Ông cũng từng là người thầy giáo dạy sử rất được mến mộ thời trẻ và sau này người làm ra lịch sử ấy lại là người chép sử lớn nhất thời hiện đại của đất nước, nhất là “quân sử”, với các bộ sách nổi tiếng như Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Điện Biên phủ – điểm hẹn lịch sử, Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng… Nếu chúng ta coi tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những đỉnh cao của văn hóa dân tộc, là ngọn đèn sáng mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam, thì Võ Nguyên Giáp cùng với Phạm Văn Đồng, hai học trò thân cận nhất của Bác trong suốt 29 năm (1940-1969), chính là hai người đầu tiên nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh và cũng là hai người hiểu và truyền bá tư tưởng Hồ Chí Minh nhiệt thành nhất, toàn diện nhất, sâu sắc nhất, thực chất nhất, thuyết phục nhất.
Đặc biệt, ba nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, Nguyễn Đình Toán, Trần Định đã đóng góp cho hội thảo một tham luận tập thể bằng ảnh hết sức quý giá. Đó là gần 40 bức ảnh khổ lớn chụp Đại tướng trong hơn 30 năm cuối đời làm cho cả hội thảo như thấy Đại tướng đã về với chúng ta trong những ngày lịch sử này. Hơn 60 tham luận cùng 40 bức ảnh trong hội thảo sẽ là món quà quý của hội thảo chúng ta dâng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chúc mừng kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân VN.