Bảo Lạc, vùng đất thân thiện và mến khách, nơi hội tụ nhiều giá trị bản sắc văn hóa độc đáo. Trong những năm qua, cùng với việc đầu tư cho phát triển du lịch, huyện luôn chú trọng tới công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đẩy mạnh quảng bá, nhờ đó mà tiềm năng, thế mạnh về du lịch ngày càng được phát huy hiệu quả. Bảo Lạc đang là điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh Cao Bằng.
Bảo Lạc là một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Cao Bằng, nằm cách thành phố Cao Bằng 130 km về hướng Tây. Phía Bắc giáp với Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa (có đường biên giới dài hơn 56 km); phía Đông giáp huyện Hà Quảng và Nguyên Bình; phía Tây giáp huyện Bảo Lâm; phía Nam giáp huyện Pác Nặm (Bắc Kạn). Tổng diện tích tự nhiên là 92.072 ha, với 17 đơn vị hành chính, bao gồm 16 xã và 01 thị trấn. Trên địa bàn huyện có 07 dân tộc chính đang sinh sống là Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, Kinh.
Bảo Lạc có tiềm năng và lợi thế để phát triển các loại hình dịch vụ – du lịch từ Du lịch sinh thái, cộng động, khám phá và trải nghiệm, du lịch mạo hiểm đến du lịch tâm linh. Điển hình như những di tích lịch sử – văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh đó là: Đồn Đồng Mu (xã Xuân Trường); Di tích lịch sử Trông Nhìa Hậu (xã Hồng An); Chùa Vân An, Miếu Quan Đế (thị trấn Bảo Lạc). Ngoài ra, trên địa bàn huyện có nhiều cảnh quan, danh thắng đẹp như: Núi Phja Dạ (xã Sơn Lập) cao 1.987 m so với mặt nước biển, đây được coi là “nóc nhà” của Cao Bằng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ; dốc 15 tầng Khau Cốc Chà, Hồ Thôm Lốm (xã Xuân Trường); hồ thủy điện xã Bảo Toàn; cùng với đó là mạng lưới hang động lớn, nhỏ trong lòng các dãy núi Lũng Nà (xã Thượng Hà), Lũng Rì (xã Khánh Xuân)…
Từ Bảo Lạc theo quốc lộ 4A, quốc lộ 34 – sợi dây kết nối công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Hơn nữa, Bảo Lạc còn là nơi tiếp giáp với các điểm di tích lịch sử cách mạng, các khu du lịch trong và ngoài tỉnh, rất thuận lợi để kết nối tour, tuyến du lịch như ghé thăm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng), khu rừng Trần Hưng Đạo, khu du lịch nghỉ dưỡng Kolia (Nguyên Bình), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn),… Đây còn là điều kiện thuận lợi để Bảo Lạc phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ gắn với phát triển du lịch của huyện.
Nhắc tới Bảo Lạc, đây còn là vùng đất mang nhiều nét văn hóa đặc sắc, rực rỡ sắc màu của dân tộc vùng cao, với nhiều lễ hội truyền thống đó là: Lễ hội Lồng tồng, Chợ tình Phong lưu, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông,… các làn điệu dân ca, dân vũ; các nghề thủ công truyền thống vẫn còn được lưu giữ và bảo tồn là tiền đề cho phát triển dịch vụ – du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc trong huyện.
Theo thống kê, Bảo Lạc có khoảng 20 cơ sở lưu trú (trong đó có 06 khách sạn, 03 homestay và 11 nhà nghỉ). Ngoài ra còn có hệ thống nhà hàng, cửa hàng giải khát, cơ sở phục vụ ăn uống, chợ đêm thị trấn Bảo Lạc được duy trì vào thứ 6 và thứ 7 hàng tuần với 4 khu chính: Khu ẩm thực, khu bán hàng thương mại và các sản phẩm địa phương, khu giải trí trò chơi dân gian, các loại hình nghệ thuật dân tộc, khu trưng bày tranh ảnh. Bảo Lạc còn có nhiều sản phẩm đặc trưng như: bánh chưng, bánh gio, cơm lam, xôi ngũ sắc, khau nhục, thịt gà đen của người Mông, các loại thịt trâu, bò, lợn xiên que được treo lên gác bếp để khô, cá sông suối, các loại cây ăn trái như mận máu, lê, dưa hấu, xoài, chanh leo, các sản phẩm từ cây dược liệu như hà thủ ô, cát sâm, xòm đeng,… Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để du khách được trải nghiệm và thưởng thức những sản vật của địa phương.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Văn Hiến Việt Nam, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho hay, trong những năm qua, huyện Bảo Lạc luôn chú trọng phát triển dịch vụ – du lịch, đây là lĩnh vực mũi nhọn chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương.
Hiện nay, huyện cũng đang tập trung đầu tư cho 02 điểm du lịch đó là: Dự án bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm thực hiện bảo tồn các nội dung văn hóa phi vật thể như mở lớp thêu dệt thổ cẩm, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ và Dự án điểm du lịch Thiêng Qua (mốc 589) xã Cô Ba để phục vụ du khách.
Cùng với việc đầu tư cho phát triển du lịch – dịch vụ, công tác bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, quảng bá những địa danh, sản phẩm du lịch cũng luôn được huyện chú trọng. Nhờ đó mà trong những năm qua, lượng khách du lịch đến với Bảo Lạc ngày càng tăng. Năm 2017, tổng lượng khách du lịch đạt 11.050 lượt người đến năm 2020 đạt 12.529 lượt; năm 2020 khách nội địa là 10.592 lượt, khách quốc tế là 1.937 lượt; tổng thu nhập từ khách du lịch đạt trên 4 tỷ đồng/năm (ước tính trung bình 01 khách nội địa chi phí khoảng 300.000 đồng/ngày; khách quốc tế khoảng 600.000 đồng/ngày khi lưu trú tại địa phương).
Từ những tiềm năng và thế mạnh, những kết quả nhìn thấy trong phát triển du lịch – dịch vụ, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, xác định du lịch là một trong ba nội dung đột phá chiến lược của tỉnh; Quyết định số 214 của UBND tỉnh phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến 2035”; Nghị quyết 02 Huyện ủy Bảo Lạc về “Phát triển dịch vụ – du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lạc giai đoạn 2021 – 2025”; Kế hoạch số 261 của UBND huyện Bảo Lạc về “Phát triển dịch vụ – du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lạc giai đoạn 2021 – 2025”, huyện Bảo Lạc đã xây dựng Dự thảo Đề án phát triển dịch vụ – du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bảo Lạc giai đoạn 2020 – 2025.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Bảo Lạc sẽ tập trung phát triển hạ tầng dịch vụ – du lịch trở thành cơ cấu kinh tế quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện; xây dựng dịch vụ – du lịch đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa, dân tộc. Đồng thời, phát triển du lịch Bảo Lạc trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ nghiêm ngặt các giá trị cảnh quan, tài nguyên và văn hóa; phát triển dịch vụ – du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiểm tỷ trọng cao trong tổng thu nhập xã hội của huyện.
Thế Hiếu