Nông sản Việt lao đao: Phải biết vướng ở đâu?

21:39 | 10/08/2021

TS Hồ Thanh Bình đề nghị cần có điều tra thị trường đối với từng ngành hàng cụ thể, khó khăn các ngành hàng gặp phải để có giải pháp tháo gỡ.

Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19, nên các tỉnh gặp khó khăn trong khâu thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ lúa, dẫn đến giá lúa tươi bán tại ruộng của bà con nông dân thấp. Ảnh: TTXVN

Những ngày qua, liên tiếp các cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân các tỉnh phía Nam đã được Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, các địa phương tổ chức.

Trong đó, phải kể đến Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021 do Bộ Công thương tổ chức hôm 6/8. Tiếp đó, ngày 7/8, Bộ NN-PTNT tổ chức cuôc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương liên quan về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL.

Tương tự, các địa phương ở ĐBSCL cũng đã làm việc với các doanh nghiệp;  thống nhất sẽ thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh.

Theo thông tin được đưa ra tại cuộc họp ngày 7/8 do Bộ NN-PTNT tổ chức, giá lúa gạo tại ĐBSCL nhìn chung đang thấp hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 500-600 đồng/kg. Bộ Công thương cho biết, giá lúa gạo tại ĐBSCL trong tuần từ 2/8 đến  ngày 6/8 ổn định vào đầu tuần; giữa tuần giá lúa giảm từ 50-300 đồng kg sau đó cuối tuần tăng nhẹ. Cụ thể, giá lúa IR50404 dao động trong khoảng 4.400 đồng/kg, giảm so với cùng kỳ năm trước từ 900-1.300 đồng/kg. Giá lúa OM9577 và OM9582 trong khoảng 5.600-5.800 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/kg…

Trao đổi với Đất Việt, TS Hồ Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng trường Đại học An  Giang, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch, không riêng gì lúa gạo, nhiều loại nông sản khác cũng rơi vào tình trạng khó tiêu thụ, thậm chí có loại tình trạng đã kéo dài từ lâu như con cá tra từ năm 2018 giá đã thấp và suốt thời kỳ diễn ra đại dịch giá còn xuống thấp hơn nữa.

Đánh giá cao sự nhiệt tình, quyết liệt của Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các địa phương song TS Hồ Thanh Bình cho rằng các bộ này cùng địa phương cần quyết liệt, cụ thể và nghiên cứu kỹ hơn nữa thì mới mong giải quyết được câu chuyện này.

Theo đó, ông đề nghị cần đi sâu vào từng ngành hàng cụ thể từ đó mới có giải pháp căn cơ bởi mỗi ngành hàng có đặc điểm thị trường (trong nước và xuất khẩu) khác nhau, phương pháp vận chuyển, cung ứng thị trường khác nhau, thậm chí chuỗi cung ứng bán lẻ cũng khác nhau…

“Quan trọng nhất là thị trường. Mỗi thị trường sẽ có một nguyên nhân cụ thể khác nhau nên phải phân tích ngành hàng và có nghiên cứu cụ thể, kịp thời. Nếu không tổ chức khảo sát, nghiên cứu thì sẽ không biết được chính xác nguyên nhân từ đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

Bên cạnh thị trường trong nước, xuất khẩu là vấn đề vô cùng quan trọng. Nhiều nông sản Việt Nam hiện nay, đặc biệt là lúa gạo, cá tra, trái cây (thanh long, xoài, sầu riêng) phần lớn sản xuất nhằm mục tiêu xuất khẩu. Cần nghiên cứu kỹ xem nhu cầu thị trường có biến động không, nếu thị trường có nhu cầu thì nhu cầu ấy là bao nhiêu, có bình thường không? Quản lý nhà nước phải nghiên cứu kỹ, xây dựng từng phương án cụ thể”, ông nói.

TS Hồ Thanh Bình dẫn ví dụ, đối với ngành lúa gạo, hiện nay, nhiều ý kiến cho biết vẫn có các đơn hàng xuất khẩu, vậy đơn hàng đó ở đâu, thậm chí doanh nghiệp nào ở thị trường đó mua? Để đáp ứng đơn hàng đó có khó khăn gì, do đâu? Điều kiện của thị trường ra sao? Các vấn đề về tiêu chuẩn, chất lượng, thủ  tục vận chuyển hàng hóa từ cánh đồng đến cảng, rồi từ cảng đi ra các nước bị nghẽn chỗ nào?

Vị nguyên đại biểu Quốc hội hy vọng những khó khăn ở đây nằm ở khâu cung ứng, bởi những khó khăn ấy có thể giải quyết, còn nếu nằm ở sức mua của thị trường thì sẽ đáng lo hơn nhiều.

Sức mua giảm mới là vấn đề gây khó khăn nhất. Cho nên, cơ quan chức năng, nhất là Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và các đơn vị có liên quan cần tìm hiểu xem có việc này hay không. Ngay cả ở TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác của Việt Nam, sức mua của người dân như thế nào? Nếu có sức mua thì câu chuyện còn lại là phân phối hàng hóa từ cánh đồng đến người tiêu dùng có vấn đề gì không? Việc này thuộc thẩm quyền, trách nhiệm và quyền hạn của chính phủ Việt Nam, trực tiếp là ngành GTVT“, ông Hồ Thanh Bình phân tích.

Trở lại với ngành lúa gạo, thực tế, thời gian qua có tình trạng giá lúa ở ĐBSCL bị rớt giá, mà theo ông tìm hiểu, một trong những nguyên nhân của tình trạng này nằm ở thương lái. Đại dịch khiến việc đi lại bị hạn chế, phát sinh thêm nhiều thủ tục, chi phí, đặc biệt phải đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch. Bản thân các thương lái cũng lo lắng cho an toàn của chính họ khi đi thu mua lúa.

Về phía chính quyền, các địa phương ở ĐBSCL đều cố gắng xét nghiệm nhanh, tạo điều kiện cho người tới thu mua, tiêu thụ lúa cho bà con nông dân nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch. Như An Giang đã làm việc với nhiều doanh nghiệp, đề nghị hỗ trợ thu mua lúa cho nông dân.

Bộ NN-PTNT,  Bộ Công thương, chính quyền các địa phương cần có giải pháp để đảm bảo mỗi khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu mua, bán nông sản thì không gây cản trở. Giải quyết mâu thuẫn giữa hoạt động kinh tế với phòng chống dịch là trách nhiệm chúng ta phải giải quyết“, ông nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của TS Hồ Thanh Bình, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã phát đi công văn đề nghị các tỉnh báo cáo tiến độ thu hoạch để họ thông tin cho doanh nghiệp. Điều đó, theo ông Bình, rất tốt nhưng chưa đảm bảo được gì trong câu chuyện tiêu thụ. Bản thân các doanh nghiệp đó có thị trường tiêu thụ hay chưa? Nếu họ có khách hàng rồi mà hàng đi không được thì phải tìm hiểu nguyên nhân. Khi chưa tính được thì rất khó nói chuyện tiêu thụ và nông sản Việt, đặc biệt, lúa gạo, cá tra, trái cây đã nằm trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Bộ Công thương hoàn toàn có thể khảo sát các doanh nghiệp xem năm nay đơn hàng của họ thế nào, được đặt hàng với số lượng bao nhiêu, khó chỗ nào? Nếu xuất khẩu không được thì do không có container hay do vướng thủ tục hải quan? Nếu vướng ở Cảng Cát Lái không đi được thì cảng khác được không? Những chuyện này thuộc về thẩm quyền và phương pháp của các ngành chức năng.

Trong toàn bộ các khâu thuộc chuỗi cung ứng, từ đầu tư đến sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, xuất khẩu quốc tế, Nhà nước không thể thiếu vai trò ở bất cứ khâu nào. Chúng ta cần quan tâm đến thiệt hại của nông dân, đừng để họ tiếp tục rơi khó khăn, mất niềm tin“, ông Bình lưu ý.

Cũng theo vị nguyên đại biểu Quốc hội, nếu khó do thị trường thì người nông dân  hoàn toàn thông cảm, còn do chính chúng ta thì nhanh chóng tìm ra phương pháp. Chuyện yêu cầu tạo điều kiện thông suốt cho tiêu thụ nông sản thì các tỉnh thừa ý chí làm được.

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 9/8, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ thống nhất sẽ thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thu mua, vận chuyển lúa giữa các tỉnh.

Các tỉnh cũng thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thu hoặc, vận chuyển lúa gạo, hàng nông sản trên địa bàn với điều kiện người được xét nghiệm phải âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp PCR mẫu gộp) còn hiệu lực.

Các doanh nghiệp cập nhập danh sách lực lượng nhân công ở các nhà máy gửi các địa phương để được cấp phép đi lại. Đồng thời sẽ ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho đội ngũ tham gia chuỗi logistics lúa gạo (thương lái, tài công, công nhân bốc xếp, kho, nhà máy…).

Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ cũng thống nhất kiến nghị Trung ương có giải pháp hỗ trợ gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua nông sản và mua tạm trữ lúa gạo.

Cùng đó, tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ sẽ làm việc với các cảng Mỹ Thới, cảng Thốt Nốt để có giải pháp nâng cao công suất đóng container, bốc dỡ hàng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

 

Nguyễn Phương(T/h)


Cùng chuyên mục

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương