Với phác đồ tiêm 2 liều tiêm tiêu chuẩn, được chứng minh an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19, vắc xin AstraZeneca (Vương quốc Anh) đã được phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam.
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca là gì?
Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca là loại vaccine phòng SARS-CoV-2, được đồng phát triển bởi Đại học Oxford và Hãng dược nổi tiếng thế giới – AstraZeneca (Vương quốc Anh). Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ con người trước tác nhân gây bệnh COVID-19 lên đến hơn 89%, dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng.
COVID-19 Vaccine Astrazeneca là một loại Vắc xin được sử dụng để bảo vệ các đối tượng từ 18 tuổi trở lên chống lại COVID-19. Vắc xin giúp cho hệ miễn dịch của người được được tiêm chủng có khả năng nhận biết và tiêu diệt virus corona (SARS-COV-2). Đây là loại virus gây ra bệnh COVID-19, khiến một số bệnh nhân diễn tiến nặng và có thể tử vong.
Vắc xin COVID-19 của Astrazeneca chứa một loại virus gây cảm lạnh thông thường đã được biến đổi gen. Công nghệ “virus biến đổi” đã từng được thử nghiệm và ứng dụng thành công trong việc tạo ra Vắc xin cho các bệnh lý khác.
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID-19 lên đến 89%, dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng. Đây là một con số vượt quá sự kỳ vọng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi WHO công bố hiệu lực bảo vệ trước COVID-19 của vắc xin chỉ cần đạt trên 50% là đã có thể được sản xuất rộng rãi phục vụ nhu cầu phòng bệnh của người dân.
Phân tích chính của các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III từ Anh, Brazil và Nam Phi,mới được công bố trên tờThe Lancet, xác nhận COVID-19 VaccineAstraZenecaan toàn và hiệu quảtrong việc ngăn ngừa COVID-19, không có trường hợp nặng hay nhập viện xảy ra sau 22 ngày sau liều đầu tiên.
Bên cạnh hiệu lực vắc xin từ chương trình thử nghiệm lâm sàng được xác định và phê duyệt, Cơ quan Y tế Công cộng Anh (Public Health England), thuộc Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Vương quốc Anh, gần đây đã công bố bằng chứng đời thực đầu tiên về những người đã tiêm đủ hai liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca, chứng minh vắc xin này có hiệu lực 89% trong việc phòng ngừa Covid-19 có triệu chứng, giảm tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ biến chứng và tử vong.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu lâm sàng của vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca cũng đã chứng minh được tính an toàn của loại vắc xin này, khi không ghi nhận bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. Theo hãng AstraZeneca, vắc xin phòng COVID-19 của họ tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, cũng như gây ít phản ứng phụ ở người lớn tuổi.
Trước đó, báo Financial Times (London, Anh) cũng đã công bố thông tin vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca có khả năng kích thích đáp ứng miễn dịch của tế bào lympho T và lympho B và sinh kháng thể bảo vệ ở nhóm người cao tuổi. Đây là kết quả rất đáng mừng, bởi tuổi càng cao khả năng miễn dịch của con người càng thấp. Trong khi đó, người cao tuổi lại là nhóm có nguy cơ mắc và tử vong cao do COVID-19. Hiệu quả của vaccine tiếp tục củng cố bằng chứng cho tính an toàn và khả năng miễn dịch của vắc xin đối với cơ thể người.
Cơ chế sinh miễn dịch của vắc xin phòng COVID-19 AstraZeneca
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca giúp cơ thể phát triển khả năng miễn dịch, phòng tác nhân gây bệnh COVID-19. Những loại vắc xin khác nhau sẽ có những tác động khác nhau để cơ thể đáp ứng miễn dịch, tuy nhiên có một điểm chung trong cách thức hoạt động của các loại vắc xin là ngoài việc tạo ra kháng thể chống lại virus, vắc xin còn có thể tạo ra tế bào lympho T, lympho B ghi nhớ để chống lại virus xâm nhập trong tương lai.
Vaccine AstraZeneca sử dụng vector là virus adeno mất khả năng sao chép của tinh tinh, dựa trên phiên bản suy yếu của virus adeno (virus cúm gây bệnh ở tinh tinh), có chứa vật chất di truyền là protein gai bề mặt của virus gây bệnh COVID-19 được gọi tên là Spike hoặc S. Protein, Spike chính là thành phần tiên phong mở đường tiến công cho virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể con người. Đây cũng là mục tiêu tấn công của hệ miễn dịch khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập.
Sau khi vào cơ thể, vắc xin sẽ mang mã di truyền của virus corona quy định protein S cho tế bào.., từ đó, cơ thể bắt đầu hình thành cơ chế tự tạo ra protein S.
Các tế bào miễn dịch trong máu của bạn nhận diện protein S là “kẻ xâm nhập”, và điều này kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch.
Cơ thể bạn bắt đầu tạo ra kháng thể và tế bào miễn dịch, gọi là tế bào T, có thể nhắm mục tiêu và tiêu diệt các tế bào có mang protein S. Các tế bào miễn dịch còn kêu gọi sản xuất ra nhiều tế bào miễn dịch hơn để giúp chống lại những “kẻ xâm nhập”.
Hệ thống miễn dịch sau đó tiếp tục tạo ra các tế bào trí nhớ. Những tế bào trí nhớ này có thể phát hiện ra virus corona trong tương lai, bằng cách nhận ra protein S trên bề mặt của virus corona. Nếu các tế bào miễn dịch phát hiện ra virus corona trong cơ thể bạn, chúng có thể kêu gọi phóng thích kháng thể và sản xuất tế bào T rất nhanh. Điều này ngăn chặn virus corona lây lan và làm giảm tác hại do bệnh COVID-19 gây ra.
Nguồn gốc vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca
Vắc xin phòng COVID-19 được phát triển bởi sự cộng tác của Hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Vương quốc Anh). AstraZeneca là công ty dược phẩm sinh học toàn cầu tập trung phát minh, phát triển các loại thuốc đặc trị trong các lĩnh vực: ung thư, tim mạch, thận & chuyển hóa và hô hấp & miễn dịch. Trụ sở của AstraZeneca được đặt tại Anh, hoạt động trên 100 quốc gia và các loại thuốc của hãng này hiện đang được sử dụng bởi hàng triệu người trên thế giới.
Tại Việt Nam, Hãng dược AstraZeneca đã đi vào hoạt động kể từ năm 1994, với mục tiêu nâng cao sức khỏe cho người dân và hoạt động kinh doanh bền vững; điển hình như chương trình “Lá phổi Khỏe mạnh” hợp tác cùng Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh – Bộ Y tế, Chương trình Sức khỏe Thanh Thiếu Niên. Mặt khác, Hãng dược AstraZeneca còn có kinh nghiệm trong việc bào chế vắc xin ngừa SARS và MERS.
Theo nguồn tin từ hãng Reuters, Giám đốc Điều hành của hãng AstraZeneca – Pascal Soriot cho biết đã ký kết thỏa thuận cung cấp 400 triệu liều vắc xin cho châu Âu và dự kiến giao trước cuối năm 2020. Trước đó, Đức, Pháp, Ý và Hà Lan cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc với AstraZeneca nhằm cung cấp ít nhất 300 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Liều dùng và kết quả kiểm tra lâm sàng vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca
Tại Việt Nam, Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm phòng cho những người từ 18 tuổi trở lên.
- Lịch tiêm gồm 2 mũi:
- Mũi 1: Lần đầu tiên tiêm.
- Mũi 2: Sau mũi đầu tiên từ 4 – 12 tuần.
Phân tích chính của các thử nghiệm xác nhận COVID-19 Vaccine Astrazeneca bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Phân tích này mới được công bố trên tờ The Lancet, xác nhận COVID-19 Vaccine AstraZeneca an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19, không có trường hợp nặng hay nhập viện xảy ra sau 22 ngày sau liều đầu tiên.
Các phân tích cũng cho thấy, vắc xin có tiềm năng giảm sự lây truyền không triệu chứng của virus, dựa trên các mẫu xét nghiệm phết mũi họng thu thập được hàng tuần từ các tình nguyện viên trong thử nghiệm tại Anh.
Phân tích chính về hiệu lực nói trên dựa trên tổng 17.177 đối tượng tham gia trong các thử nghiệm pha III ở Anh, Brazil và Nam Phi do Đại học Oxford và Astrazeneca triển khai, trong đó có 332 trường hợp dương tính có triệu chứng, thêm 201 trường hợp so với báo cáo trước đây.
Ông Mene Pangalos, Phó Chủ tịch điều hành Nghiên cứu & Phát triển Dược phẩm Sinh học tại AstraZeneca, cho biết: “Phân tích chính này tái khẳng định rằng vắc xin của chúng tôi giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng và bệnh nhân không phải nhập viện. Ngoài ra, kéo dài khoảng thời gian giữa hai liều không chỉ làm tăng hiệu lực của vắc xin mà còn cho phép nhiều người được tiêm phòng sớm hơn. Với những phát hiện mới về việc giảm lây truyền, chúng tôi tin rằng vắc xin này sẽ có tác động thật sự đến đại dịch”.
Giáo sư Andrew Pollard, quản lý nghiên cứu của thử nghiệm vắc xin Oxford, và là đồng tác giả của bài báo, cho biết: “Những dữ liệu mới này cung cấp một xác minh quan trọng cho loạt dữ liệu ban đầu đã giúp các nhà quản lý như MHRA ở Anh và các nơi khác trên thế giới cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin này. Dữ liệu này cũng hỗ trợ Ủy ban Liên hợp về Tiêm chủng ra chính sách khuyến cáo về thời gian giữa hai liều là 12 tuần trong khi họ đang tìm cách tiếp cận tối ưu để triển khai việc tiêm chủng, đồng thời cũng đảm bảo rằng mọi người đạt được hiệu lực bảo vệ 22 ngày sau khi được tiêm một liều vắc xin”.
Hạn sử dụng của vaccine AstraZeneca
Vắc xin phòng Covid-19 do của Hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford (Vương quốc Anh) sản xuất có dạng dung dịch, đóng 10 liều/lọ, thời hạn sử dụng 6 tháng kể từ ngày sản xuất. Khi đã mở lọ, vắc xin phải được sử dụng trong vòng 6 giờ.
Bảo quản vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca
Trong quá trình sản xuất, lưu trữ và vận chuyển vắc xin, bảo quản là công đoạn đặc biệt quan trọng để đảm bảo chất lượng vắc xin khi đến tay người dùng. Nếu không có cơ sở vật chất và trang thiết bị phù hợp, chất lượng vắc xin sẽ bị ảnh hưởng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 50% vắc xin trên thế giới bị hủy do không đảm bảo chất lượng chỉ vì không có cơ sở vật chất phù hợp để bảo quản. Nếu điều này xảy ra với vắc xin COVID-19, thiệt hại có thể lên đến hàng tỷ liều, đây là một con số đáng sợ, có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu. (4)
Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca có quy trình bảo quản ở mức nhiệt 2-8oC, trong điều kiện bảo quản lạnh thông thường với thời gian trong vòng 6 tháng.
Các trường hợp chỉ định và chống chỉ định tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca
Trường hợp chỉ định tiêm
Vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm cho người lớn từ 18 tuổi trở lên để tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra. Đến nay, vắc xin này vẫn có dữ liệu nghiên cứu về việc sử dụng vắc xin ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên dưới 18 tuổi.
Trường hợp hoãn tiêm
Hoãn tiêm cho các trường hợp nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh lý cấp tính khác, sốt ≥ 37.5°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C.
Trường hợp chống chỉ định tiêm
- Không tiêm vắc xin cho người có phản ứng dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin;
- Không tiêm vắc xin cho những người mắc hội chứng Guillain-Barré hoặc bất cứ bệnh lý nào có tình trạng hủy myelin.
- Không tiêm vắc xin với các trường hợp đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2.
- Không tiêm vắc xin đối với người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, tiêu hóa, gan, nội tiết, và thần kinh nặng và/hoặc không kiểm soát được.
- Không tiêm cho phụ nữ có thai và cho con bú.
- Không tiêm vắc xin cho người có vấn đề về xuất huyết/chảy máu hoặc bầm tím, hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu).
Một số tác dụng phụ khi tiêm phòng vắc xin AstraZeneca
Giống như một số loại vắc xin khác, sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca có thể gặp một số phản ứng phổ biến như:
- Phản ứng tại chỗ tiêm: Nổi ban đỏ, chai cứng, sưng, ngứa, đỏ tại chỗ tiêm.
- Một số phản ứng toàn thân khác: Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ hoặc đau khớp, buồn ngủ, giảm cảm giác thèm ăn, nôn mửa, tiêu chảy.
Vắc xin Astrazeneca bị đông máu sau khi tiêm?
Theo nghiên cứu từ Đức và Na Uy cho biết, ở một số người có đặc điểm sinh học hiếm gặp, vắc xin AstraZeneca tạo nên kháng thể bất thường gây đông máu. Tình trạng này được các nhà khoa học gọi là hiện tượng “giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do vắc xin” (VITT).
Đây là kết quả nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Y học New England và ngày 9/4/2021. Trong cuộc họp báo diễn ra vào ngày 9/4, tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Andreas Greinacher cho biết, có một số người có đặc điểm sinh học cực kỳ hiếm gặp, khiến hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể bất thường và phản ứng ngược lại với vắc xin. Các kháng thể bất thường dẫn đến tình trạng giảm tiểu cầu huyết khối, gây nên tình trạng đông và chảy máu bất thường.
Tiêm vắc xin AstraZeneca bị tiêu chảy?
Không riêng vắc xin Covid-19, tất cả các loại vắc xin đều có thể gây ra một số phản ứng sau tiêm, đa số các trường hợp thường là nhẹ. Một số tác dụng phụ thường gặp sau tiêm vắc xin Covid-19 có thể kể đến như: sưng, đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ và đau đầu, hiếm gặp hơn là đau bụng, tiêu chảy, nôn,… Nếu những biểu hiện hiếm gặp này xảy ra ngay sau khi tiêm, người được tiêm chủng cần thông báo ngay cho bác sĩ, điều dưỡng để xử trí kịp thời. Cá biệt, một số trường hợp có phản ứng muộn trong 28 ngày sau tiêm, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị
Bác sĩ Bạch Thị Chính (Giám đốc Trung tâm Tiêm chủng VNVC)