Cuộc sống của chúng ta ai cũng trãi qua những khó khăn phiền muộn và cũng chắc rằng ai cũng có được bình yên, hạnh phúc. Theo Đại đức Thích Quảng Tịnh phiền não và hạnh phúc là sự luân hồi.
Trả lời trên báo Cafef, khi được hỏi về bí quyết sống khỏe mạnh theo góc nhìn của một tu sĩ, Đại đức Thích Quảng Tịnh đã có những chia sẽ mới và toàn diện. Một trong số đó là quan điểm của ông về hạnh phúc và đau khổ, then chốt cho một cuộc sống khỏe.
Hỏi:
Chúng ta thường chúc nhau vui vẻ, nhưng để đạt được điều này, ai cũng nghĩ rằng nó rất khó khăn. Thầy có bí quyết nào để giúp mọi người tự cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc dễ hơn không?
Đại đức Thích Quảng Tịnh
Ngay cả bản thân tôi cũng có lúc gặp nhiều khó khăn, phiền não, tuyệt vọng, nhưng tôi luôn biết cách vượt qua nó nhờ hiểu và ứng dụng những lời Phật dạy. Phật dạy rằng: Cuộc sống này có vô vàn điều mầu nhiệm, diệu kỳ. Ngày thường vì chúng ta sống quá vội vàng, hối hả nên bỏ quên, không cảm nhận được đấy thôi.
Một buổi sáng khi thức dậy, ta ý thức được rằng mình còn có thể bắt đầu một ngày mới với những kế hoạch, dự định vì chúng ta vẫn còn sống khỏe mạnh, đó là diểm phúc thật lớn nếu ta hiểu rằng, sáng nay có hàng chục ngàn người trên thế giới vừa mới ra, vừa mới tắt thở, hang trăm ngàn người đang thở oxy vì dịch bệnh, vì nhiều lý do khác nữa.
Ta bước vào nhà vệ sinh, đánh răng rửa mặt, vừa nhấn nút, nước từ đâu đâu tuôn trào mát lạnh, ta sẽ thấy hạnh phúc khi hiểu rằng ở châu Phi, có những nơi người ta phải đi hàng chục cây số để có được ít nước nhưng lại đục ngầu. Đánh răng ta nhìn vào gương mỉm cười thấy mình còn nguyên hàm răng để đánh, để chăm sóc và tỏa sáng với nụ cười, rồi ta hiểu ra rằng có hàng triệu người ước có được hàm răng như thế…Ta đi bộ ngoài công viên, hít thở khí trời tự do thoải mái, ta đâu biết hàng triệu người bị mất tự do, bị giam giữ trong các nhà tù mong ước điều đó.
Nhìn những đóa hoa, ngọn cỏ bên đường, ta phát sinh niềm vui khi biết rằng trên hàng ngàn cây số vuông của sa mạc nóng bức, những vùng bán sa mạc, đó là điều không bao giờ xảy ra, có rất nhiều điều tương tự như thế. Vui vẻ và hạnh phúc luôn ở bên cạnh và thuộc về bạn.
Ngoài ra, để cuộc sống không già nua, chúng ta có thể:
Sống đến đâu học hỏi đến đó, người thích học hỏi sẽ không bao giờ già.
Sống đến đâu, đọc sách đến đó, người thích đọc sách sẽ không bao giờ già.
Sống đến đâu vận động đến đó, người thích vận động không bao giờ già.
Sống đến đâu chăm chỉ đến đó, người thích sự chăm chỉ sẽ không bao giờ già.
Sống đến đâu mơ ước đến đó, người thích ước mơ sẽ không bao giờ già.
Sống đến đâu mìm cười đến đó, người thích mỉm cười sẽ không bao giờ già.
Sống đến đâu vui vẻ đến đó, người thích sự vui vẻ sẽ không bao giờ già.
Sống đến đâu yêu thương đến đó, người có lòng yêu thương sẽ không bao giờ già.
Chánh niện, tỉnh giác, ý thức những điều may mắn mình đang có, là cách tự mình chế tác hạnh phúc, để tự hưởng thụ, tự vui sống mỗi ngày.
Hỏi:
Thiền sư Khippapanno Kim Triệu có nói, “ Khi tham, sân, si có mặt thì tâm bị xao động, suy nghĩ lung tung do so sánh đánh giá, tâm ở trong tình trạng bất an mất thăng bằng. Chính lúc đó chúng ta đang sống với phiền não”. Để loại bỏ buồn phiền, chúng ta nên làm gì?
Đại đức Thích Quảng Tịnh
Phiền não là nguồn gốc của đau khổ luân hồi, mục tiêu của con đường tu phật là chấm dứt phiền não, đốt cháy phiền não. Làm được điều này, tức là đạt đến mục tiêu tối hậu, giải thoát hoàn toàn ( khỏi phiền não) còn gọi là Niết Bàn. Ở mức độ thấp hơn, trong cuộc sống thường nhật, ta không giám mong chấm dứt hoàn toàn phiền não, mà chỉ là hạn chế, giảm thiểu phiền não.
Phật dạy, vì không nhận thức được bản chất của cuộc sống như nó đang là, nên ta dính mắc vào nó, lệ thuộc vào nó, và vì thế phiền não phát khởi. Bản chất cuộc sống là vô thường, nghĩa là luôn biến đổi. Quả đất luôn chuyển động từng giờ, từng phút, thời gian, không gian cũng thay đổi liên tục , cho đến bản thân ta, và người quanh ta cũng luôn thay đổi.
Khi không chấp nhận được thực tế đó, chẵng hạn bản thân ta hôm nay bổng dưng đổ bệnh, người thân thương ta hôm nay qua đời, công việc ta trở nên khó khăn, đối tác của ta hôm nay trở mặt…ta đau khổ, ta không chấp nhận thực tại đó. Ta không thể bệnh lúc này( ta chỉ được phép khỏe mạnh mãi mãi). Người ta thương không thể bỏ ta đi như thế ( Phải sống bên ta mãi). Công việc lâu nay tốt lành, bây giờ không thể khó khăn như vậy…
Tóm lại, vì không hiểu rõ và thực chứng vô thường nên ta rơi vào đau khổ, ta phiền não. Kế nữa ta không hiểu bản chất của vạn vật trên cuộc đời là không chắc chắn, nương vào nhau để hiện hữu, không có cái gì là thật có, nên ta đau khổ vì sự duyên hợp kia không còn.
Ví dụ, sau show ca nhạc, MC, ca sĩ, nhạc công ai về nhà nấy, đó là lẽ đương nhiên, nhưng ta không chịu. Họ phải mãi hoài có mặt đó, đứng trên sân khấu cho ta tận hưởng. Đó là không hiểu rõ về bản chất vô ngã của vạt vật.
Có thể nói ngắn gọn thế này: Để giảm thiểu vượt qua phiền não đau khổ, ta phải đủ khả năng để chấp nhận, thứ tha, thay đổi và buông bỏ. Không làm được bốn điều này, khổ đau, phiền não sẽ theo ta dài dài. Thực ra buông bỏ là điều mà tu học cả đời chưa chắc đã đạt được. Trí tuệ cao nhất trong nhà Phật là trí tuệ vô ngã ( không bám chấp), và thái độ cao tột của cảnh giới tu hành là buông bỏ. Con người, nắm thì dễ mà buông thì khó vô cùng. Thực ra khi không còn duyên nợ, nếu không buông, nó cũng sẽ bỏ ta mà đi. Chấp nhận buông hay bất lực nhìn nó vụt khỏi tay mình trong đau khổ, thuộc về cách chọn lựa của mỗi người.
Tóm lại , khi phiền não có mặt nơi tâm, tâm bất an giao động. Khi có dính mắc vào sự vật ưa thích, phát sinh tham ái, hình thành loại hạnh phúc pha trộn, tạp nhạp, không thanh cao vì chứa đựng phiền não. Hạnh phúc dục lạc hình thành từ tham ái. Hạnh phúc phi dục lạc là loại hạnh phúc khi tâm vắng bóng phiền não, không mang tham ái. Đây là loại hạnh phúc thanh cao hiền lành chỉ kinh nghiệm được trong thiền tập.
Lưu Vinh