Thi sĩ Nguyễn Quang Thiều vẽ mộng du…

15:37 | 28/07/2021

Không phải họa sĩ nào vẽ tranh cũng khởi dựng một thế giới. Nhưng tranh Nguyễn Quang Thiều đã bất ngờ thành một thế giới. Thế giới vừa lộng lẫy ảo ảnh mộng du, vừa lãng đãng những bí mật hân hoan. Với màu sắc biến ảo, trong sự xô lệch bất thường của hình họa.

Chính thi sĩ Nguyễn Quang Thiều đã vẽ ra thế giới ấy. của riêng mình. Cho mình. Một thế giới hội họa tinh khôi. Có thể, chính Thiều mới là người kinh ngạc nhất.

MỘT

Đấy là trực giác tê điếng của tôi, đầy ngạc nhiên rợn ngợp, khi bước chân vào phòng triển lãm chi chít những chùm – quả – tranh – chin – mọng của Thiều, dễ đến 5 chục bức tranh sơn dầu và màu nước lớn nhỏ treo chật trên tường, vào 9h giờ sáng mồng 7.1.2021. Phòng triển lãm ấy ngự ngay mặt tiền Đại học Mỹ thuật, phố Yết Kiêu Hà Nội, mới loáng thoáng, chưa đông đặc người. Đúng 10h, triển lãm khai mạc, chính thức khai mở một thế giới mới của “Người thổi sáo” Nguyễn Quang Thiều.

Thật bất ngờ, trực giác tôi vừa chạm mặt, lập tức bị tranh Thiều chiếm đoạt. Cứ thế, trực giác cuốn tôi như thôi miên, không thể cưỡng. Cuối phòng tranh, tôi ngộ ra, cảm giác bị chiếm đoạt ấy, được dẫn dụ bởi thế giới mộng du của tranh Thiều. Có lẽ, tôi đã ngẩn ngơ lạc bước vào thế giới tranh của Thiều theo chính cách ấy.  Cách của mộng du…

 Vẽ theo cách lạ biệt và chập chờn hoang hoải ấy, Nguyễn Quang Thiều có lẽ, càng khát khao người thưởng ngoạn tranh mình theo chính lối đặc hiệu ấy. Thiều thẳng thắn tuyên ngôn, (hoặc tự thú, vừa khiêm cung, vừa kiêu ngạo:“Tôi không phải là họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị”. Ô hay, tôi ngẫm thầm về tuyên ngôn Thiều, thấy phảng phất xa xôi ảnh vọng của triết gia người Pháp Đề-các: Tôi tư duy bằng mộng du thi sĩ, vậy thì tôi tồn tại một họa sĩ”. Và hay nhất, là bất kể thế nào, tranh Thiều cũng là thế giới rất đẹp của mộng du! Họa sĩ Lê Thiết Cương đã chính xác khi cho rằng, tranh Thiều có “giọng mộng du”, và chính cái giọng khác thường ấy đã “chỉ huy người vẽ”, khiến tranh Thiều mang sắc nét “vẻ đẹp vô lý của cái có lý” (theo báo Nhân Dân)…

HAI

Chính Thiều đường hoàng tự nhận: Thiều không phải là họa sĩ. Tôi nghĩ, về bản thể, Nguyễn Quang Thiều là một thi sĩ. Và thế giới của Thiều, trước vẽ tranh, (tranh là hiển thị của nghệ thuật hữu thể), tự nó đã là thế giới phi – vật – thể của con chữ văn chương mơ màng, thuộc nghệ thuật ngôn từ, chỉ dành cho cái đọc. Thiều đã viết chữ, nào là chữ thơ, chữ văn, chữ báo, chữ kịch bản phim…Đặc biệt, Thiều yêu nhất, giỏi nhất viết chữ thơ, yêu – làm – chữ – thơ,  về làng Chùa, nơi miền quê chôn nhau cắt rốn của Thiều. Với tre pheo. thóc lúa, cấy hái, gánh gồng, chăn tằm, dệt lụa, với rau cỏ, hoa trái, nong nia thúng mẹt, dần sàng, chim chóc, trâu bò gà lợn, chó mèo cá mú, rắn rết, với sông Đáy, sông Nhuệ đôi bờ biêng biếc mía ngô, với yêu đương nồng nã quê mùa của cư dân miền… châu thổ sông Hồng Bắc Bộ – vùng văn hóa gốc, kết đọng tinh hoa văn hóa Việt Nam. Với chủ thể văn hóa là nông dân, là những người đàn bà gánh nước sông, bấm chặt mười ngón chân trần trên mặt đất bờ sông trơn trượt, gập gềnh, ngón chân tõe ra như chân con gà mái…

Tôi đã nhìn ngắm, đã thấu cảm, từ trái tim tôi, cái va đập ấm nóng bắt đầu khe khẽ đập, từ cảnh vật bao phủ các giấc mơ bí mật nhiều màu, đang chầm chậm lên hương, ngào ngạt và rực rỡ trong tranh Thiều. Và tôi bàng hoàng giác ngộ: tất cả những ám tượng ấy từ tranh Thiều, bỗng dưng trở nên muôn vàn thân thuộc. Dường như chúng từ tranh Thiều, “trào ngược” về bản thể thi sĩ, vốn là ngọn nguồn sáng tạo riêng của Nguyễn Quang Thiều. Đó là thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều, khởi phát từ Ngôi nhà tuổi 17, (tập thơ đầu đời thi sĩ Thiều). Liền sau đó, lửa thơ Thiều đã cháy lên dữ dội, rồi lắng xuống trầm tư…mất ngủ, trong “Sự mất ngủ của lửa”.

Từ đó, tôi vỡ ra rằng, thơ Thiều thường không thuận bắng trắc và không ngọt ngào đến mức người đọc dễ thuộc nằm lòng, nhưng  xem tranh Thiều, thoắt nhiên, lại thấy thơ Thiều trở lại trong tâm tưởng với tất cả sự lên hương của chữ thơ, đã đọng thành hình sắc của một thứ rất khác thơ. Đó  là tranh. Của một thế giới khác. Không ngẫu nhiên, tranh chân dung Thiều vẽ các họa sĩ bạn thân của Thiều trong đời, như Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, nghệ sĩ tạo hình Rối nước Chu Lượng, nhà văn Nguyễn Văn Thọ, doanh nhân Lê Phương Chung… đều cho tôi cảm giác, đó là phần được nổi lên thành HÌNH, trên phần chìm ở dưới tầng sâu là vốn chỉ là những con chữ thơ VÔ HÌNH. Song, với Thiều, HÌNH lại chính là “vật thể hóa” của thứ chữ nén chặt nghĩa nhất, có thể đổ bóng, có thể không đáy, chính là CHỮ THƠ, đã thật khác chữ văn xuôi truyện ngắn và tiểu thuyết. (Bởi thế, thi sĩ Lê Đạt từng đặt tên tập thơ mình là “Bóng chữ”).Và khi đọc kịch bản, để chuyển ngữ sang vở diễn, cái khốn khó thách thức nhất đạo diễn kịch, đã thường là “đáy chữ”. Không đọc vỡ chữ, không dò được đến đáy chữ, không xuyên qua chữ tìm thấu thông điệp, thì đạo diễn không thể dàn dựng thành vở diễn hữu thể trên sân khấu và trợ giúp diễn viên diễn những vai kịch kinh điển như Nguyễn Trãi trong “Nguyễn Trãi ở Đông Quan” của Nguyễn Đình Thi, hoặc “Hamlet” kinh điển của Shakespeare, nhằm đạt đến nghệ thuật thốt lời tiềm – đài – từ , khi sắm vai kịch trên sân khấu. Tôi đã thoáng nghĩ đến tiềm – thức – thơ trong chính tranh Thiều, bởi trước hết và cuối cùng, Nguyễn Quang Thiều vẫn là một thi sĩ toàn phần, mà hội họa Thiều chỉ là một mảnh văng đẹp lộng lẫy từ chính gốc Thơ Thiều mà thôi.

Gần ngày 15.1 kết thúc triển lãm, Thiều đượm buồn trong hạnh phúc: tranh Thiều được người yêu tranh Thiều chấm đỏ chi chít cạnh tên hầu khắp tranh được trưng bày, chỉ dấu đã có người sở hữu, thậm chí từ lâu. (Thiều phải mượn lại nhiều bức đã được mua, để bày trong triển lãm, với giá tranh cao ngất ngưởng). Tôi là kẻ chậm muộn, bay từ miền Nam ra, kịp xem triển lãm và chỉ kịp, cùng nhà báo Thế Thanh, chấm đỏ muộn vào tên hai bức nhỏ màu nước, và một bức sơn dầu, mà tự thấy tranh mình chọn vẫn đẹp mãn nhãn.

Tôi phải nhận thực một cách rất riêng tư rằng, tôi đã trải qua cái đọc thơ Thiều, nhớ thương nhiều ý thơ, câu thơ, tứ thơ của Thiều, trong những đêm dài xa xứ ở xứ bạch dương tuyết trắng, mưa tuyết bay bời bời ngoài cửa sổ những năm du học xứ Nga – la – tư, (theo cách gọi tên nước Nga của người Việt thuở nào, giờ đã là SNG). Những đêm xa xứ khó ngủ ấy, tôi thường nhớ quê nội Hà Đông qua thơ Thiều và thơ Quang Dũng…

Thật duyên kì ngộ, xem tranh Thiều lại thấy vụt hiện thơ Thiều, thấy chữ thơ Thiều rơi rớt xuống thành những vệt màu vừa chói chang, vừa khắc khoải trên các cây đời màu đỏ đậm. Trên thân cành nương nhờ chi chít nào hình mặt người, chim muông, hoa lá, những cánh bướm bay chấp chới…rồi cả một thế gian được biến tấu trên những hình họa rối bời đan dệt vào nhau, phi logic, phi cấu trúc, phi mạch lạc,,,lại khiến ta tần ngần ngắm nghía, và lạ nữa, ta đã bất ngờ bị sắc màu tranh Thiều thống trị.

BA

Tôi cùng người em thân thiết, họa sĩ Phạm Trần Quân ngưng rất lâu và cùng “phải lòng” một tranh màu nước khổ nhỏ, Thiều đặt tên” Nhân chứng của một cái chết”. Bản thảo đầy chữ thơ nháp của Thiều được “dán” thật đẹp ở góc tranh, quyến luyến với một chân dung mờ nghiêng, đan dệt với hình xanh lục nhạt của chùm ngón tay dài, với những hình như vô tình rơi rụng vào mặt tranh. Và rất chật chội chi tiết. Rất nhiều tranh màu nước và cả sơn dầu khổ lớn đã được Thiều cấu trúc rất chật chội, ăm ắp chi tiết kì dị, với những hình họa liên lạc, đan bện phi lí mà lại thật có lý. Và dù thế nào, cũng chỉ thấy…đẹp.

Nhà báo Thế Thanh, bay cùng tôi từ TP. HCM ra xem triển lãm tranh Thiều. cũng đang đăm đăm và đong đưa lựa chọn trước bức tranh màu nước “Thời gian” của Thiều, hỏi tôi: “Mình chọn bức này, được không?”. Tôi ngắm lâu lâu, tán thưởng: Được. Trìu tượng đẹp. Mặt đồng hồ vẽ thoáng mặt người. Cây thời gian xanh một cành tươi mãi, mặc lòng bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Thời gian thì cứ trôi, cây đời thì cứ xanh.

Thế Thanh gật gù đồng thuận và dán ngay dấu tròn đỏ. Chọn. Hài lòng.

Không thể không nhìn ngắm và ngẫm ngợi về cái tên triển lãm do chính Thiều đặt và giải thích cặn kẽ: “Người thổi sáo” với gần 20 bức tranh vẽ châu tuần chủ đề này.

Tôi nghĩ, phải chăng đấy là những khuôn mặt thơ nhiều sắc diện, hoặc những biến tấu, biến hình phong nhiêu từ hình gốc là cảm thức riêng, xung động riêng của thơ Thiều. Những biến dạng xa xăm nhất, lộng lẫy nhất và lấp lánh nhất của tâm hồn thi sĩ Nguyễn Quang Thiều, đượt nứt ra từ đất làng Chùa quê hương, được lên màu, lên hình, lên sắc, lên hương ngào ngạt, rực rỡ trong tranh Thiều. Bỗng đâu, câu thơ của Đỗ Trung Quân lóe sáng và bừng ngộ tâm thức tôi. Và có lẽ không chỉ tôi:

Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một Mẹ thôi… Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người…

 

                                                     PGS.TS.Nguyễn Thị Minh Thái


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả