Nếu có thể hiện hữu một cõi nhớ của riêng tôi thì Lê Dung là một gương mặt sáng chói hào quang của cõi nhớ đầy nỗi niềm riêng tư ấy. Người đàn bà hát của âm nhạc Việt hiện đại vĩnh biệt cõi sống này đã hàng chục năm, từ 2001, mà vẫn như còn nấn níu ở lại cõi trần này bằng tiếng hát. Một tiếng hát cao vút, trong vắt trong veo, không bợn chút bụi trần, nghe như người từ trên trời cao bay xuống hát cho trần thế, rồi lại vội vã bay trở về trời. Và để lại dương gian những ca khúc lộng lẫy vàng son, khởi nguồn từ giọng hát đẫm tình yêu của một người đàn bà hát có số phận đa đoan nhất trong những người đàn bà hát cuối thế kỉ 20 ở Việt Nam…
Một.
Tôi luôn nhớ Dung, nhớ đến lặng người, nhất là khi nghe ca sĩ thế hệ cùng Dung và cả thế hệ sau Dung nữa, hát những bài mà Dung từng hát lúc sinh thời. Nhưng nhớ nhất vẫn là những kỉ niệm của tình chị em trải dài hàng thập kỉ theo tiếng hát của Dung, khi cả hai chúng tôi cùng lên đường du học Liên xô giữa những năm 90 của thế kỉ 20, tháng 10, năm Bính Dần 1986. Trước đó, tôi đã biết Dung, hay gặp Dung đến Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có trụ sở cùng 8 hội khác, nằm trong khuôn viên tòa biệt thự cũ của vua Bảo Đại, 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội.
Là phóng viên Tạp chí Sân khấu, thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cũng có trụ sở trong cái sân gạch của số nhà 51 danh tiếng ấy, tôi thấy Dung hay ngồi trên chiếc ghế đá trắng trong sân, cười nói rôm rả với vài vị nhạc sĩ, trong đó có nghệ sĩ violon Khắc Huề. Sau khi thành chị em kết nghĩa ở Liên xô, tôi biết Dung đã phải lòng tiếng đàn của vị nhạc sĩ chơi đàn violon này đến mê man, đắm đuối. Dung thú nhận, hễ chàng nhạc sĩ hào hoa và tài năng ấy kéo cần đàn, vút lên nốt cao, là tâm hồn Dung theo đó mà bay lên tận trời mây. Và hễ cần đàn hạ xuống nốt trầm là tâm hồn Dung rơi ngay xuống địa ngục thăm thẳm và lạnh lẽo. Nghe Dung thổ lộ, tôi đùa nhẹ: Yêu đến thế cơ à? Vậy thì sống làm sao hả Dung? Sống theo tiếng đàn của chàng, chừng nào em còn sống. Em lên bổng xuống trầm, năm chìm bẩy nổi chín cái lênh đênh, cũng vì tiếng đàn violon ấy của chàng.
Rồi sự cố chia lìa xảy ra, mãi Dung mới có thể dứt đứt được tiếng đàn ấy khỏi trái tim đa cảm của mình. Dung, sau chuyện tình ngang trái ấy, đã tan nát cả cõi lòng! Giọng rầu rầu, mấy năm sau Dung mới chịu kể tôi nghe chuyện tình buồn thương ấy, trong lần gặp nhau, khi chúng tôi cùng du học ở Liên xô. Dung học thanh nhạc, bậc cao học ở học viện Traicovxki tại thủ đô Maxcova, còn tôi là nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ, ngành Lý luận lịch sử sân khấu tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Âm nhạc Lêningrat, đến năm 1992, thành phố mang tên Lênin đã trở về tên cố đô là St-Peterbourg. Đó là câu chuyện tâm tình Dưng kể cho tôi”để phải quên”, năm1987.
Trước đó, ở Hà Nội, được tiếng là kẻ bạt thiệp, lắm bạn bè, nhưng tôi đã không hề thích kiểu cách đầy vẻ phóng túng ngang tàng, khinh bạc của Lê Dung, nên khi gặp nhau ở sân 51 Trần Hưng Đạo, tôi chưa bao giờ tìm cách hỏi han, làm quen Dung. Chị Ngọc Minh, ca sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng hợp xướng quốc gia, con gái thứ của NSND Thương Huyền, bác ruột tôi, là chị ruột bố tôi, Văn Hanh. Hai chị em bác tôi, bố tôi đều là ca sĩ của Đoàn Ca nhạc Đài TNVN.
Chị Minh có hôm thì thầm thân mật bảo tôi: Này, cô em họ của chị, cái Dung nó là người nhà đấy nhé. Bác Huyền đã nhận nó là môn đệ, là con nuôi đấy. Nó mê cách hát dân ca của bác Huyền lắm, nó chăm xuống nhà học bác cách nhả chữ và rung hột của dân ca quan họ Bắc Ninh đấy. Con bé ham học lắm. Giọng nữ cao (soprano) của nó hiện giờ là nhất bên quân đội, và nhất luôn cả nước đấy.(Hẳn nào thi thoảng tôi thấy Dung diện bộ quân phục sĩ quan, lấp lánh lon thiếu tá trên vai). Tôi vùng vằng: Nó kiêu kì bắc bậc lắm, làm như không biết em là cháu ruột bác Huyền, là vai chị nó, nếu bác đã nhận nó làm con nuôi. Chi là bậc cao nhất, rồi đến em, rồi mới đến phận nó, em út. Đừng có vênh mặt lên với em!
Chị Ngọc Minh biết đã chạm vào cái tính ương như ổi xanh của tôi, lại nhẹ giọng: Bác Huyền bảo, cả hai đứa (tôi và Dung) đều cùng du học ở Liên xô thì phải nhận nhau là chị em kết nghĩa đấy. Bác Huyền thích như thế lắm. Chẳng có lý gì hai đứa đều là con cháu trong nhà, lại đều là những đứa khá cả, mà không nhận nhau. Cùng xa nhà, xa Hà Nội, ở tận nước Nga xa lắc, chị em nhận nhau chỉ có tốt hơn cho cả hai em thôi. Chị nói thật lòng đấy! Tôi đã chịu hẳn cái lý của bác tôi qua cách thuyết phục của bà chị họ tôi, lúc ấy chị Ngọc Minh còn trẻ, từng được hát một vai trong nhạc kịch “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, và giọng nữ cao của chị Ngọc Minh khá là sáng giá lúc bấy giờ.Ngẫm nghĩ một hồi, tôi bảo: Khi nào sang Liên xô, nếu có duyên gặp nhau, em sẽ theo lời bác Huyền và chị dặn. Còn bây giờ thì chưa!
Sau tôi mới hiểu Dung vốn là người nhạy cảm, song cũng thích bông đùa, thi thoảng cũng coi trời…bằng vung. Một hôm ngồi chơi ở hàng nước chè xu vỉa hè Trần Hưng Đạo đầu mùa hạ năm 1985, Dung buột miệng đùa chơi: Vị nào có nhiệm vụ mua vé máy bay cho tôi đi Liên xô du học thì khỏi mua vé khứ hồi. Tôi sẽ ở lại Matxcova luôn đấy! Hậu quả tai hại của lời bông đùa ấy, khiến Dung bị hoãn đi Liên xô một năm, đến năm 1986 mới được du học. May mà không bị kỉ luật, phải chịu ở nhà khỏi du học ở Traicovxki, nhạc viện mà chỉ riêng việc dạy thanh nhạc cho ca sĩ-sinh viên đã đủ thành danh tiếng đào tạo ca sĩ lớn nhất châu Âu. Tài năng toàn cầu của Đặng Thái Sơn và không ít các nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam danh tiếng cũng đã được đào tạo từ nhạc viện số một này của nước Nga xôviet…
Hai.
Lê Dung trở thành người đàn bà hát, (gọi theo cách người Nga đã gọi nữ ca sĩ hát tiếng Nga hay nhất của họ là Ala Pugatrova, khi bà thành nhân vật là chính bà, trong bộ phim cùng tên, và cũng là bộ phim nổi tiếng Liên xô, ngay từ hai thập niên cuối thế kỉ 20). Song, trong đời riêng, số phận Lê Dung không khéo cũng đa đoan như Ala. Lê Dung yêu hết lòng, ngay thẳng, thành thật và chỉ muốn cưới làm chồng người mình yêu, không hề thích tình trạng lơ lửng con cá vàng như trong ca dao Việt, người con gái đã phải hỏi ỡm ờ, đầy nghi ngại: Trăng lên đỉnh núi trăng tà/Mình yêu ta thật hay là yêu chơi? Với Dung, yêu là thật và yêu là phải lấy làm chồng, có chăng, chính là bày tỏ thái độ sòng phẳng, kiên quyết, khi thấy người mình yêu còn e ngại: Nhị tình em ở nhất tâm/Sao anh lại ở với em nhị tình?…
Khi sang Liên xô, Dung lại bắt đầu cuộc yêu một người đàn ông đã có gia đình. Sang được nửa năm, tôi có việc phải sang Pragua Tiệp khắc thăm chồng và em ruột, tôi và Dung tình cờ gặp nhau ở Sứ quán Việt Nam tại Matxcova. Hai người , cho đến lúc ấy mới nhận ra nhau, lập tức thân tình như chị em.Có lẽ vì cả hai đều xa con, xa xứ, và đều đang gặp trục trặc gia đình riêng. Dung hát hay, tính tình vui vẻ, hòa đồng, vồn vã đưa tôi về nhạc viện nơi Dung học và khoe ngay: Chị ơi, em được điểm cao, thầy dạy hát rất khen em hát opera đấy nhé. Tí nữa em đưa chị sang phòng tập, em hát chị nghe cho đỡ nhớ con gái nhé. Rồi Dung giải thích cho tôi nghe, muốn hát opera thật hay, thì phải luyên tập hàng ngày vô cùng kiên nhẫn. Hết sức tránh hát nhát gừng, nhả chữ từng tiếng một như hát tiếng Việt. Kỹ thuật lấy hơi của opera phải làm sao cho nhả chữ thật dài, lăn tăn như sợi chỉ, xuyên suốt từ đầu đến cuối một trường đoạn hát, và sợi chỉ li ti tinh tế ấy không bao giờ được đứt cả. Chị có thể hiểu không? Có, chị chỉ hiểu khi em giải nghĩa cách hát opera, rồi em hát và tự đệm đàn piano cho em thôi. Em hát nồng nàn tình tứ quá. Đang yêu phải không Dung?Nhìn mắt, nghe giọng em thì biết. Dung thú nhận ngay, thành thật, thẳng thắn, đúng tính cách Dung: Em đang yêu một người. Chỉ hiềm một nỗi anh ấy còn vướng víu, vẫn chưa giải quyết xong chuyện gia đình. Anh ấy đã ly thân. Phải chờ, chị ạ. Rốt cuộc, Dung đã chẳng chờ được. Rồi cuộc tình tự nhiên mà tan vỡ …
Sau cuộc tình này, khi rời Liên xô về nước năm 1990, Dung bất ngờ rơi thẳng đứng vào một cuộc tình mới, mà theo Dung quả quyết, đó là tình cuối, với một thi sĩ trẻ hơn Dung gần một con giáp. Lại trở về tính cách rất là Dung: hát hết sức đắm say và yêu cực kì đắm duối, dường như là hai mặt thống nhất trong tính cách người đàn bà sinh ra là để hát và để yêu.
Và yêu lần nào cũng như lần đầu và cũng như lần cuối.
Nhưng hình như, cũng chính vì những lẽ đa đoan ấy của đời Dung, mà Dung đã rất cô đơn. Cô đơn trong tiếng hát. Cô đơn trong cả tình yêu.
Tôi từng nghĩ lan man như thế khi cúi đầu ngăn lệ rơi, chầm chậm đi ngang chiếc áo quan gỗ màu sẫm đỏ, nhìn ngắm Lê Dung lần cuối nằm yên lặng đời đời với khuôn mặt còn tươi như vừa mới hát trên sân khấu nhà hát Lớn Hà Nội. Dung nằm yên đấy, khi tiếng hát của Lê Dung đang cao vút, tươi lành, trong vắt, tình tứ phát ra từ đĩa CD đang vang vọng trong lễ tang của chính mình. Không gian lễ tang ngập tràn tiếng hát của Lê Dung, trong những ca khúc đưa tiễn chính mình, người đàn bà hát cô đơn, khi nằm xuống đầu năm 2001, đã không thấy một người tình nào có mặt trong tang lễ mình, trọn vẹn từ đầu đến cuối.
Tiếng hát Lê Dung nghe như run rẩy, rợn ngợp trong nỗi buồn tàn thu, hoài cảm như mẹ tha thiết yêu con, như em muốn sống bên anh trọn đời, buồn như thiếu phụ đêm đông đã không có một mái nhà và không có cả một tấm chồng…
Thương Dung thế, em gái tôi cô đơn cho đến khi về cõi. Vẫn một mình. Với dung nhan hồng tươi niềm ham sống, niềm khát khao yêu và khát khao hát.
Hôm ấy và lúc ấy, Dung đã chỉ còn lại chính tiếng hát của mình và cái chết. Song,tiếng hát của Lê Dung sẽ còn mãi mãi xanh, mãi mãi ở lại, đầy vấn vương, không thể dứt với cuộc đời này…
Rạng sáng ngày 23/4/2015
Nguyễn Thị Minh Thái