Thơ về Xứ Thanh của Trần Vũ Mai

19:06 | 26/06/2021
Hôm qua, họa sĩ Đỗ Chung từ Thanh Hóa ra, mình lại được tụ tập với 3 kẻ sĩ  xứ Thanh là Tạ Quang Bạo, Lê Văn Hân, Đỗ Chung tại nhà anh Bạo. Ba ông tranh tượng này đều khá thông hiểu văn học nên nhắc nhiều đến Nguyễn Thế Phương, một nhà văn xuất sắc quê Thanh với những Đào Chèo, Đi bước nữa, Nắng, Người trở về, Chân trời gió mưa…từng đứng hàng đầu làng văn xuôi Việt mà đến giờ bỗng như một nhà văn “ngoài luồng”, vẫn chưa được giải thưởng nhà nước hay HCM, chỉ được bác Hữu Thỉnh ký cho một giải thưởng an ủi mang tên Cống hiến. Còn mình thì cho biết Trần Vũ Mai cũng là niềm tự hào của Xứ Thanh mà quê hương các anh chưa biết. Nhà văn được văn giới đánh giá rất cao cứ lặng lẽ sống lặng lẽ viết chẳng màng tên tuổi rồi ra đi ở tuổi 47 này tất nhiên giờ ở bên kia chắc đang nhếch mép cười khi thấy bên này cứ vài năm một lần người ta chen chúc nhau chạy giải HCM, Nhà nước vui phết.
Xin giới thiệu vài bài thơ của Trần Vũ Mai về quê hương Thanh Hóa, tặng bạn bè xứ Thanh vốn rất đông đảo của mình khắp nơi.
Thơ như này chẳng kém Đò Lèn của thi bá Nguyễn Duy đâu ạ.
THANH HÓA QUÊ HƯƠNG
Tưởng nhớ Vũ Đình Văn
Hồi các o các cậu dân công
xe thồ khiêng gánh lên Điện Biên
vui chuyện chú em đi trọ học
sách vở khoác vai
chạy qua ga xép
bao giờ có tàu hỏa về quê?
Các cháu vọc đất thù thì
quây tròn kín mít
hé mắt nhìn ông
bà sang sợ muộn
quà về bánh đúc một sàng
thằng út cười nắc nẻ
lớn lên trốn nhà một bữa
được mấy năm về làng
đã Anh hùng quân đội
đón giữa đình đèn bão ánh trăng
một góc sân trăng trắng khăn tang.
Gần nửa làng đi bộ đội
các o lo cày bừa
thấp thoáng vì cấy hái
đánh tranh lợp nhà
tháng Chạp tát ao rét mướt
Thương Tết
vợ quê không mặc áo mới
làm như vừa được thư chồng
giao thừa
gánh nước đầy chum.
Cả triệu người đã tìm thấy nhân dân
bỏ qua vài tên nói dối
ít ỏi lộng quyền phản bội
nhớ sao năm ấy
các cụ già bắn rơi máy bay.
Nhiều nhà được ba bốn cháu
Ôi, dòng sông Mã sông Chu
trở lại đôi bờ hố bom xanh mướt
đêm đêm Hà Trung
nhớ được mùa Nông Cống
đường làng vỏ dừa tràn phơi
áo tím đoàn em gái
cười tươi hoa ni lông.
Các em vui sống
từng ngày lớn lên.
Thanh Hóa quê hương
quê nhà
đấy ai vào Nam
ai vừa ra Bắc
đường qua
hẳn lòng chạnh nhớ mẹ già
bát nước chè xanh
một lời
chân cứng đã mềm
một phía nghiêng trời gió núi
đồng chiêm được mùa
rơm thơm vi vút.
Cột cây số trên đường số một.
1988
CHUYỆN KẺ SĨ
Ông nội tôi xưa
người ta ban cửu phẩm
thày cúng người làm đầy nhà
cá diếc lượn trắng chậu đồng
xôi mỡ láng nong nia
người thích chiếu cao
người khen cỗ đầy
bà tôi dở cười dở khóc
trộm nhìn lưng the sĩ sụp vái
bụng lo trâu nhà sắp đẻ
quan tiền cuối cùng.
Bố tôi đầy tuổi tháng mười năm ấy
sẩm tối sân lúa đầy
sáng ra nhà đã sạch không.
Về sau bà tôi ru lời
có chàng khăn xếp, áo the phong nhã
gõ đầu trẻ mải ngắm ao trong
có lúc nghiêng người gối xếp
ngẫu hứng đọc canh khuya
có lúc quát nạt giữa nhà
vợ con cũng biết lặng thinh
Những câu những chữ yêu hiền
họ hàng nghe phải nể
về sau bà tôi kể
những người chân đất quỳ lạy tổ tiên
thanh minh hội hè đình đám
nắm xôi trứng gà dính miếng thịt mỏng
xã tổng vinh danh
cũng là kẻ sĩ quê mình
cơ khổ chán ơi.
Phải như vậy không?
mẹ tôi bảo sinh tôi giữa vụ đói
bố tôi dạy học nơi xa
vốn ưa đời mới bay bổng
vì thế vướng vào hội kín
một chiều mật thám sục nhà
tôi gày guộc tiếng khóc lại to
ông tôi không nói
đêm ấy
bà tôi vút roi dâu đuổi ma trừ tà.
Năm sau
bà đi dép da trâu cõng cháu lên cửa Phật
ông ngồi đẽo guốc quai tre
đêm tôi ngủ trõng trời mênh mông tháng Bảy
mơ màng con út vua Thủy Tề
bập bùng theo nước dội lên
sóng đôi chàng áo đỏ
giữa bao hàng bàn chân lấm láp
bao nhiêu mặt vuông lực điền
vành môi thắm đỏ quết trầu
cờ lọng tung cao
Canh năm
ông bế cháu chạy cơm mưa rào.
Thế rồi cầm que cầm than mà vẽ
gạch sâu lá chuối làm sách vở
bà vui nhìn cháu thở dài
ngẫm nghĩ khôn nguôi.
Kể từ năm bà tôi mất
tôi đã lớn
đi nhiều
thấy nhiều
từ trường học ra trận mạc
bữa no nê lúc suýt chết
bữa vui bữa đói lúc buồn
ở đâu cũng tìm một thoảng yên tĩnh
lòng nhớ mảng sân nhà
bờ tre bụi chuối nhà
cầu ao nhà
những hằn dấu như mũi dao khắc
thẳng vào trái tim run rẩy thuở thơ xa.
Có người khăng khăng nghĩ
chết là hết
tôi nhớ những người không còn
họ chết cho ta được sống
gấp đôi lần ngày sống,
có lẽ vì thế
tôi làm nhà thơ
thảng được câu đầy dấu nặng
giống như vớt lên xương xẩu nấm mồ
như bàn chân đành đạch qua đám máu
mặt cô gái từ hầm bí mật bị khai phá lộ ra
những lời thơ đau chết
bỗng được sống lại
sức lực lạ sao.
LỜI CỦA CỤ CỐ TỔ NHIỀU ĐỜI
Tôi người ở xứ Thanh
ra thăm cố đô Thăng Long
thấy trời với đất
phố nhà nhà đẹp
lúa gạo
cây cỏ
hàng họ
người già
trẻ con.
Muôn tâu
vững bền.
SỐNG HAI LẦN XA CÁCH
Con ở nơi nầy, mẹ ạ, rất xa
nhưng những tối ép mình ngoài bậc ruộng
lòng con lại khát khao nhớ tưởng
bóng mẹ bờ kìa vẫn đứng chờ con
Con tự lắng mình trong ánh trời đêm
trên đất nước giờ con như đổi khác
từ bữa ấy con bò vào đồn giặc
con bò vào, trăng lặn cuối rừng non
Chắc đêm này mẹ lại ngóng chờ con
lại thức giấc, lại ngồi nhìn ngọn lửa
mẹ lại nói: thằng con tôi hồi nhỏ…
những mẹ già thường như thế, mẹ ơi.
Với mẹ tôi, tôi hãy nghĩ xa xôi
mẹ tôi sống qua hai lần xa cách
cha và tôi ba lần xa nhà đi đánh giặc
ba lần hơn mẹ nhắc hẹn ngày về
“Mấy năm qua chắc công việc bộn bề
Mỹ chưa chịu, chuyện nhà đâu nghĩ tới…”
mẹ tính vậy lúc mưa dầm gió nổi
mâm cơm nhà lại vắng món ăn ngon.
Gáo tám thơm mẹ để phẩn con
mấy ống đậu mẹ treo trên dàn bếp
biết cha con ưa mật ong dầm rượu nếp
hũ mật đầy để mãi nổi mùi mơ
Buổi chiều nay như một sự chẳng ngờ
mẹ hãy nấu thêm cơm, mẹ nhé
gà đem luộc, nửa xào tra nhiêu gia vị
mẹ ăn trước đi, sáng sớm con về
Nếu còn vắng con mẹ chớ nghĩ ngợi gì
bởi vì con lại bước vào trận mới
khi con bận cha con cũng vậy
dẫu thế nào nỗi nhớ chẳng hề nguôi
Nơi rất xa con tự lắng lại lời
người ta chỉ sống một lần, con ạ
dù có được sống hai lần biến hóa
làm trai lớn rồi nói với mẹ mà đi.
 1972
NHỚ
Khi con đầu bạc, mẹ ơi
Nửa đêm vọng nhớ xa xôi gọi đò
Là khi mẹ đã xanh mồ
Buồng cau chứa trễ.
Đầu thu chớm buồn.
Con thì lại nhớ luôn luôn
Từ xa xưa mẹ ru con những lời
Võng nhà kẽo kẹt không thôi
Ao nhà chim xuống ánh ngời ban trưa.
Nhớ về một sớm hơi mưa
Mẹ hiền hậu nhắc. Con thưa: Dạ, thày.
Con ngẩng đầu, con chắp tay
Thầy giáo già đã rượu say giảng bài.
Không ngờ tới một ngày mai
Con về. Thày đã tuổi ngoài bảy mươi
Chòm râu thày cũng bạc rồi
Và con nhỏ lại trước người như xưa.
Thưa thày, dâu đã nên tơ
Thưa thày, nay của giấc mơ thuở nào
Thưa thày, những tháng năm đau
Đã trôi qua, đã thấm vào lòng con.
Bây giờ trời đất đẹp hơn
Người già ghi lại dấu son của lòng
Thể tình, đời đã xuân xong
Nhà cao cửa rộng cũng không mặn mà.
Đời vui của mẹ của cha
Mừng con khôn lớn nhẩn nha tính rằng
Tới đàn cháu chắt thong dong
Cũng là đời đẹp từ ông có bà.
Tính rằng, có quả từ hoa
Yên lành từ những năm ra chiến hào
Vậy mừng cỗ lớn mâm cao
Tế xuân xin dựng cây nêu bảy màu
Chuyện đời rừng thẳm bể sâu
Những người đi mũi Cà Mau mới về
Mở lòng lắng khúc nhạc quê
Lai đi xa, những chiều hè làng tôi.
Con à, say ngủ trong nôi
Ngày sau khôn lớn đừng nguôi nhớ bà.
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa

Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả