- Chào mừng 96 năm ngày Báo chí VN, nhà xuất bản Trẻ đã cho ra mắt cuốn sách “Tổng Biên tập – Người trong cuộc”. VHVN xin giới thiệu bài viết của nhà báo Võ Mai Nhung, nguyên Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay trong tập sách rất thú vị về thâm cung của đời sóng báo chí một thời
Cơ hội và thách thức
Tôi bước vào nghề báo bằng công việc đầu tiên là nhân viên đánh máy của một tờ báo chiến trường trong chiến tranh. Sau 1975, tôi làm phóng viên cho báo Quảng Nam Đà Nẵng, mấy năm sau đi học báo chí ở Hà Nội, rồi về lại Đà Nẵng làm phóng viên. Do hoàn cảnh riêng nên lại ra Hà Nội làm báo Nông thôn Ngày nay. Công việc cuối cùng là Tổng biên tập của báo này cho đến trước khi về hưu. Tóm lại, cuộc đời tôi chỉ làm mỗi một nghề là nghề báo. Làm riết một nghề, nhất là nghề lấy chữ viết làm công cụ như thư lại hay báo chí, cuộc đời rất dễ bị nghề nghiệp làm cho méo mó. Mà tôi cả đời chỉ làm một nghề, chắc không tránh khỏi khiếm khuyết ấy.
Tôi gắn bó lâu nhất với một tờ báo phục vụ nông dân, là tờ Nông thôn Ngày nay. Khi tôi làm phóng viên của báo này, nó có tên là Nông dân Việt Nam, mỗi tháng ra ba kỳ, mỗi kỳ vài ngàn bản. Giới trí thức không coi nó ra gì, nông dân cũng ít người đọc nó. Nó chủ yếu đến tay các cán bộ Hội Nông dân địa phương. Nhìn bạn bè, đồng nghiệp tôi làm ở các báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên, cũng là báo của các đoàn thể, lúc đó tuy chưa thành nhật báo nhưng mỗi tuần đã phát hành nhiều số với số lượng mỗi kỳ hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn bản, thú thật là cũng thấy chạnh lòng.
Nhưng nghĩ lại thì nông dân Việt Nam chiếm tới 75% dân số. Bà con ngày càng có nhu cầu thông tin, cần được những thành phần khác trong xã hội, nhất là giới lãnh đạo, giới khoa học và trí thức biết đến cuộc sống của họ, thân phận của họ. Họ cũng rất cần được cung cấp thông tin; hướng dẫn, chia sẻ việc làm ăn, ứng dụng kỹ thuật và tiếp cận thị trường. Tôi nhớ giáo sư Võ Tòng Xuân từng nói “đất nước tôi là đất nước của nông dân”. Vậy mà sao vẫn
chưa có một tờ báo đàng hoàng cho người nông dân đọc?- Tôi luôn tự hỏi. Đó phải là một tờ báo viết về họ, viết cho họ, phản ánh đúng tâm tư suy nghĩ và những câu chuyện về đời sống của họ. Đó còn là tờ báo dành cho những ai quan tâm đến nông dân. Lúc đó tôi đang là phóng viên thôi, và cũng chưa nghĩ sẽ làm lâu dài ở tờ báo, nhưng tôi muốn tờ báo phải tốt hơn, hay hơn, phù hợp hơn với điều tôi nghĩ. Tôi đã cố gắng làm tốt công việc của mình với tư cách phóng viên, thường xuyên đi về địa phương, gặp gỡ những người nông dân, viết bài và nghe những câu chuyện của họ. Rồi tôi được tín nhiệm đề bạt làm Thư ký tòa soạn, rồi Phó Tổng Biên tập vào giữa năm 1995. Từ năm 1977 tôi làm Quyền Tổng Biên tập và trở thành Tổng biên tập vào năm 1999.
Thời điểm tôi trở thành Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung của tờ báo, người đứng đầu Hội Nông dân Việt Nam, cơ quan chủ quản của báo là ông Chín Cần (Nguyễn Văn Chính). Nhiều người biết ông là một trong những nhà lãnh đạo đột phá trong công cuộc đổi mới từ khi làm Bí thư Tỉnh ủy Long An với thành công “vượt rào” trong đổi mới giá – lương – tiền, là tiền đề cho các chính sách đổi mới sau này và ông trở thành Phó Thủ tướng Chính phủ. Từ Phó Thủ tướng, ông “xuống” làm Chủ tịch Hội Nông dân với một tầm nhìn vượt trội khi các đoàn thể chưa thoát khỏi tình trạng bị quan liêu hóa. Bởi vậy, ông là người hậu thuẫn rất lớn cho tờ báo trong nỗ lực thoát khỏi sự trì trệ “ăn theo nói leo” để trở thành một tờ báo thực sự hữu ích cho bạn đọc. Tôi nhớ trong một lần làm việc với Ban Biên tập, ông vừa bức xúc vừa tha thiết : “Phải đổi mới tờ báo, phải làm sao cho mọi người đọc nó. Nếu không thì nó không có lý do để tồn tại”.
Được làm việc với ông Chín Cần là cơ hội nhưng cũng là một thách thức lớn. Với một nhà lãnh đạo trực tiếp như ông, những người làm báo chúng tôi có thể đẩy đến cùng của quyền tự do báo chí trong giới hạn tối đa mà thể chế của công cuộc đổi mới cho phép. Đó gần như là sự “bảo kê” về chính trị trước sự kiềm hãm của chủ nghĩa giáo điều và bộ máy quan liêu còn khá nặng nề vào thời điểm đó. Tôi nghĩ làng báo trong thời điểm đó không có nhiều cơ hội như vậy. Và một phần nhờ có người thủ trưởng như vậy mà tôi hứng thú đối với công việc, rồi từ hứng thú thành say mê.
Nhưng muốn khai thác được cơ hội đó, phải có một đội ngũ những người làm báo có nghề và có tâm huyết. Trong báo lúc đó, người đầu tiên tôi biết ơn là anh Nguyễn Thước, Tổng Biên tập. Anh Thước vốn là một Phó Văn phòng của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được đề bạt làm Tổng Biên tập. Anh không hiểu nhiều về nghề báo nhưng lại rất nhạy bén với cơ hội được mở ra cho tờ báo. Anh hoàn toàn tin cậy tôi, hưởng ứng niềm say mê của tôi, ủng hộ mọi đề xuất của tôi và sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm. Anh nhiều lần nói với tôi: “Mai Nhung nghĩ cải tiến tờ báo như thế nào thì mạnh dạn đề xuất, tôi sẽ đứng mũi chịu sào!”Nghĩ lại, thấy biết bao ân tình và tin cậy anh dành cho tôi trong câu nói ấy.
Muốn làm được như vậy, phải có đội ngũ phóng viên giỏi và có tâm. Đây là điều gian nan gần như bất khả, vì chẳng có một nhà báo có nghề nào lại hứng thú về làm “báo nông dân”. Tôi không hề đánh giá thấp đội ngũ đã có. Họ đều là những nhà báo chính trực, có tâm huyết với nghề, nhiều người có trình độ cao và nhạy bén trong tác nghiệp. Nhưng đội ngũ này chưa đủ sức làm cho tờ báo bứt phá theo kỳ vọng của chúng tôi. Vì vậy, tôi phải vận dụng hết “tài cán” và tấm lòng của mình đi “chiêu hiền đãi sĩ”.
Đầu tiên là thuyết phục những người tài giỏi cộng tác với báo. Và thật là bất ngờ, từ năm 1996 đến năm 2000, chúng tôi đã có một đội ngũ các nhà báo chuyên nghiệp từ các báo khác “đầu quân” về Nông thôn ngày nay, lần lượt là : Đỗ Phước Tiến, Lê Thọ Bình, Huy Đức, Kim Trung, Trần Việt Đức, Phạm Tường Vân,
Lương Thị Bích Ngọc, Nguyễn Bảo Chân, Quang Hải, Hải Yến, Đức Nguyện, Nguyễn Thị Nhũ, Lê Minh Đức, Ngọc Chương…, trong đội ngũ này có Hoàng Hải Vân làm “bếp núc” của tòa soạn từ trước. Đặc biệt, cộng tác rất nhiệt thành với báo còn có nhà báo Hoàng Thoại Châu (Ba Thợ Tiện). Anh Ba Thợ Tiện không chỉ cộng tác lâu dài cho báo, mà còn là “quân sư”, luôn bên cạnh chúng tôi trong những bước thăng trầm. Anh còn kết nối toà soạn với các chuyên gia kinh tế trong nhóm “Thứ Sáu” như các anh Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn, Phan Chánh Dưỡng… để các anh viết bài cộng tác cho Nông thôn Ngày nay. Giáo sư Nông học Bùi Huy Đáp, học giả Nguyễn Văn Xuân, giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, nhà văn Nguyễn Quang Thân, Dạ Ngân, Trần Thị Trường cùng nhiều văn nghệ sĩ và nhà giáo dục tài danh khác là những cây bút thường xuyên xuất hiện trên Nông thôn ngày nay. Sự cộng hưởng của đội ngũ nói trên đã tạo ra diện mạo và bản sắc sinh động cho Nông thôn Ngày nay.
Khi ấy, báo đã được đổi tên thành Nông thôn Ngày nay với manchette mới. Không khí tòa soạn rất hào hứng,
sinh động. Số lượng phát hành tăng vọt. Từ tuần báo chuyển sang phát hành tuần 2 số, phát hành cách ngày và cuối cùng phát hành hàng ngày. Chúng tôi tính, nếu báo phát hành mỗi kỳ 10 ngàn bản cùng với nguồn thu từ quảng cáo, chúng tôi có thể tự chủ được tài chính.
Nhưng đến năm 1999, báo đã phát hành mỗi kỳ trên 50 ngàn bản, cao nhất 65 ngàn bản. Nông thôn ngày nay không nhận kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước từ trước đó rất lâu. Nhưng chúng tôi vẫn tranh thủ tận dụng các nguồn tài trợ từ ngân sách
để đầu tư hạ tầng công nghệ hiện đại cho tòa soạn như dàn máy tínhvà trung tâm chế bản điện tử. Nông thôn Ngày nay là một trong vài tờ báo đầu tiên có trung tâm chế bản hiện đại nhất trong nước lúc bấy giờ, vừa phục vụ cho báo vừa phục vụ cho nhu cầu của khách hàng. Sau này chúng tôi còn xây dựng được một nhà in riêng của báo.
Diện mạo sinh động của một tờ báo nhỏ
Tôi không thể nào quên tâm huyết của giáo sư Bùi Huy Đáp. Ông là bậc thầy của các nhà nông học Việt Nam, là “cha đẻ” của lúa xuân, là người phát huy cao nhất sự độc đáo bền vững của nông nghiệp truyền thống với khoa học nông nghiệp hiện đại, là người gắn bó lâu đời với bà con nông dân. Mặc dù bị tai biến không đi lại được, nhưng mỗi tuần ông đều viết bài cho Nông thôn ngày nay. Qua các học trò của ông ở khắp nơi trong nước, ông tiếp cận nhanh những diễn biến thời tiết, sản xuất và những vấn đề kỹ thuật, nên những bài viết của ông hữu ích và sinh động như thể ông vừa bước chân lên từ đồng ruộng.
Tôi không thể nào quên tình cảm và trí tuệ của học giả Nguyễn Văn Xuân dành cho báo. Mỗi một bài viết của ông là một khám phá bất ngờ hấp dẫn về lịch sử và văn hóa, giáo dục. Đặc biệt, ông đã gửi cho Nông thôn ngày nay bản thảo viết tay tiểu thuyết lịch sử “Kỳ nữ họ Tống” để đăng dài kỳ trước khi in thành sách.
Hai ông nay đã qua đời, nhưng ít ai biết rằng hai con người danh tiếng này đã dành cho những tinh chất trí tuệ cuối cùng của mình cho Nông thôn Ngày nay chứ không ở những tờ báo lớn nào khác.
Nhà chính trị Nguyễn Hữu Đang, từng là Trưởng ban Tổ chức Lễ tuyên ngôn độc lập, người khởi xướng Nhân văn giai phẩm, từng bị tù trong nhiều năm. Sau công cuộc đổi mới ông được đánh giá lại, được khôi phục lương hưu, nhưng cuối thế kỷ trước vẫn chưa báo nào dám đề cập đến ông. Nhân Quốc khánh 1999, nhà báo Lê Thọ Bình mang về một bài viết rất thú vị của ông. Bài viết có nhiều chi tiết nhạy cảm, trong đó có lời đánh giá tốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ông Phạm Quỳnh. Tôi quyết định cho đăng. Đó là sự xuất hiện đầu tiên của ông trên mặt báo với tư cách là một tác giả, kể từ vụ Nhân văn Giai phẩm.
Từ đầu những năm 2000, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt có nhiều bức xúc về hiện tình đất nước và tình trạng quan liêu, trì trệ của bộ máy Nhà nước, về những chủ trương kéo lùi tiến trình đổi mới và không được lòng dân. Có lẽ một số góp ý của ông không được lãnh đạo đất nước lúc bấy giờ tiếp thu, nên ông buộc dựa vào báo chí để nói tiếng nói của mình với tư cách là một công dân. Tâm tư của ông trên truyền thông trở thành điều không mấy dễ chịu đối với một vài vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ. Đã có những lệnh miệng từ cấp lãnh đạo cao nhất không cho đăng những bài viết của ông. Giữa lúc đó, ông đã gửi đến Nông thôn Ngày nay một bài báo cảnh báo về những tai hại của việc mở rộng các tập đoàn kinh tế nhà nước. Chúng tôi đăng làm 3 kỳ. Sau khi đăng kỳ 1, có lệnh dừng lại không cho đăng tiếp. Số báo hôm sau phải dừng lại, nhưng tôi nghĩ những ý kiến của cựu Thủ tướng chỉ vì có lợi cho cái chung nên chẳng có gì phải sợ, bởi vậy sau đó tôi tiếp tục cho đăng. Tất nhiên là các vị lãnh đạo lúc đó không hài lòng, nhưng cũng không có lý do làm khó dễ tôi và Ban Biên tập.
Thông tin trên Nông thôn Ngày nay tuy trở nên phong phú, sinh động, và dù số lượng phát hành tăng mạnh, nhưng việc đưa báo ra sạp không dễ chút nào. Thứ nhất là tên báo, nhìn thấy chữ “Nông thôn” phần đông người thành thị không muốn sờ tới. Thứ hai là các sạp báo đều có bạn đọc truyền thống, chủ yếu là bán các tờ báo quen thuộc trên thị trường, nên ít có đại lý nào nhận phát hành. Bởi vậy, dù báo có hay đến bao nhiêu, hữu ích đến bao nhiêu cũng khó đưa ra sạp. Cho nên chúng tôi tìm mọi cách, tận dụng mọi cơ hội làm cho người mua báo biết đến. Một trong những cách đó là tòa soạn tổ chức “săn tin”, giương tất cả các “anten” lên để tiếp cận nhanh nhất mọi sự kiện báo chí.
Tôi nhớ vào ngày 20-4-1999, ở Hà Nội xảy ra vụ bắt cóc con tin. Một người đàn ông đột nhập vào căn hộ của gia đình người Nhật, một tay chộp em bé 6 tháng tuổi, tay kia dí dao vào cổ người mẹ buộc đưa tiền. Bị phát hiện, anh ta dùng dao khống chế em bé và yêu cầu cung cấp một chiếc taxi để tẩu thoát. Nhóm các nhà báo Lê Thọ Bình, Kim Trung và Trần Việt Đức đang ăn trưa, được tin vụ bắt cóc xảy ra ngay trên đường Thụy Khuê, cách tòa soạn không xa. Nhà báo Lê Thọ Bình lúc đó đang phụ trách nhóm phóng sự điều tra, liền triển khai tác chiến.
Anh Kim Trung lập tức lấy chiếc xe máy của anh Lê Thọ Bình đèo anh Trần Việt Đức đến nơi. Trần Việt Đức là nhà nhiếp ảnh có tài, đồng thời là phóng viên săn ảnh thiện nghệ nhất nước lúc bấy giờ. Lúc đó Công an Hà Nội bắt đầu truy đuổi chiếc xe chở tên bắt cóc mang theo em bé chạy với tốc độ rất cao. Hai anh bám sát theo. Cuộc truy đuổi qua cầu Chương Dương qua quốc lộ 5 đi Hải Phòng. Tới
Hưng Yên, xe chở con tin đổi hướng chạy sang Bắc Ninh rồi lên luôn Lạng Sơn. Tới Chi Lăng, nhân lúc đối tượng sơ ý, lực lượng công an bám theo kê súng bắn chuẩn xác làm đối tượng bị trọng thương. Ngay lập tức người lái taxi phối hợp với công an giải thoát em bé và bắt giữ đối tượng. Trong suốt chặng đường ấy, Kim Trung đã vô cùng điêu luyện lái chiếc xe máy bám sát chiếc taxi giúp cho Trần Việt Đức chụp cận cảnh tất cả diễn biến của cuộc truy đuổi. Sự kiện này gây chấn động cả nước và đây là bộ ảnh duy nhất của sự kiện. Kết quả là chiếc xe máy bị rách bươm và một bài tường thuật chi tiết của Kim Trung kèm theo bộ ảnh của Trần Việt Đức được thực hiện ngay sau đó. Vấn đề là khi ấy báo mới ra cách ngày, ngày hôm sau không phải là ngày ra báo. Theo đề nghị của nhóm tác nghiệp, tôi quyết định đưa báo phát hành trước một ngày và phóng sự xuất hiện ngay trong ngày hôm sau. Sau đó các tờ báo lớn đều đăng về sự kiện này với hình ảnh do Nông thôn ngày nay chia sẻ. Nhà báo Lê Thọ Bình đã tranh thủ viết tờ quảng cáo, phóng viên và nhân viên phát hành phấn chấn mang đi dán khắp nơi.
Báo in ra giao cho các sạp báo đều bán hết sạch. Từ đó Nông thôn Ngày nay được nhiều người biết mặt biết tên, một số đại lý bắt đầu nhận phát hành, tờ báo bắt đầu có mặt trên các sạp báo.
Chuyện về con tin người Nhật là sự kiện không ai mong xảy ra, nhưng qua sự kiện này đã khẳng định trình độ tác nghiệp xuất sắc nổi trội của đội ngũ chúng tôi. Toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên tòa soạn đều tự hào thấy mình không thua kém bất kỳ tờ báo nào.
Nhưng, như người ta bảo có hai thứ con người khó thay đổi, nhất là loại thuốc lá người ta hút và tờ báo người ta đọc. Đó là hai thói quen gắn bó lâu dài nhất của con người hiện đại. Tạo thói quen cho người mua báo gắn bó với Nông thôn Ngày nay không phải là chuyện dễ. Tôi chợt nghĩ, ngày xưa nhà văn Kim Dung viết truyện kiếm hiệp đăng feuilleton mục đích đầu tiên là làm tăng lượng phát hành cho tờ Minh Báo của ông. Ngày xưa ở Sài Gòn, sau khi Minh Báo đăng thì dịch giả ra tận sân bay lấy báo dịch tại chỗ về đăng lại, cũng để “câu khách”. Sau năm 1975, Việt Nam cấm in và lưu hành truyện Kim Dung, đến thời điểm cuối những năm 1990 dù đã thông thoáng nhưng chưa nhà xuất bản nào dám in truyện Kim Dung. Tôi nghĩ tại sao mình không lấy truyện của ông đem đăng báo, nếu như liên hệ xin được bản quyền ? Lúc ấy nhà văn Đoàn Tuấn đang làm ở tòa soạn. Anh Tuấn quen với nhà nghiên cứu kiêm dịch giả Phạm Tú Châu. Chị Tú Châu có dịch một tác phẩm của Kim Dung là “Uyên Ương Đao”, tiểu thuyết đó chưa hề được in hoặc đăng ở Việt Nam trước đây. Tôi đề nghị anh Tuấn xin chị Tú Châu cho đăng tiểu thuyết ấy, chị Tú Châu vui vẻ đồng ý và chịu trách nhiệm về bản quyền. Và chúng tôi đã cho đăng liên tục tác phẩm này trên báo. Đó là lần đầu tiên Kim Dung tái xuất ở Việt Nam, kể từ năm 1975, trên một tờ báo chính thống. Tôi cũng đề phòng bị “thổi còi” nên đã chuẩn bị sẵn lập luận để cãi lại. Nhưng cơ quan lãnh đạo và lãnh đạo báo chí không một ai nói gì. Có lẽ thấy chúng tôi an toàn, nên một thời gian sau đó, một số nhà xuất bản mới bắt đầu in lại Kim Dung.
Chúng tôi chỉ có được một cuốn mới (ở Việt Nam) của Kim Dung, đăng một thời gian rồi cũng hết. Rất tiếc ở nước ta sau 1975 không có nhà văn nào phối hợp với các báo viết truyện feuilleton “câu khách”. Xin lưu ý rằng “câu khách” theo cách này chẳng có gì xấu, miễn là tác phẩm viết hấp dẫn và có tư tưởng, không tầm thường “rẻ tiền”. Tôi nghĩ chúng ta không nên cao đạo tự cho mình có phẩm hạnh cao quý mà xem thường thị hiếu của người đọc. Ngày xưa khi chưa có ngành in, các hàng quán ở Trung Quốc thường mới các nghệ nhân đến kể chuyện để thu hút khách, mỗi hôm kể một hồi, từ đó mới ra đời các tiểu thuyết chương hồi, nhiều tác phẩm có giá trị trường tồn cho đến ngày nay như Tam quốc chí diễn nghĩa. Sau truyện của Kim Dung, tôi có cho đăng nhiều kỳ tiểu thuyết “Kỳ nữ họ Tống” của nhà văn-học giả Nguyễn Văn Xuân cũng rất hấp dẫn, rồi quyển “Nguyên soái Lâm Bưu” do dich giả Lê Huy Tiêu gửi đén cũng được đón nhận nồng nhiệt. Tiếc rằng sau đó thì không tìm đâu ra được truyện để đăng nữa.
Tuy vậy, nội dung chính của tờ báo vẫn là những vấn đề thời sự, các sự kiện, các bài phản biện, các điều tra cùng các nội dung khác phục vụ nhu cầu của bạn đọc. Tờ báo là người bạn, là người lắng nghe, người kể chuyện, người chia sẻ với người đọc những điều hữu ích, là cầu nối giữa cộng đồng với những người bất hạnh mà nếu không có báo chí họ mãi mãi bị cuộc đời che khuất.
Niềm cảm hứng từ những trang báo cũ
Đọc lại những số báo cũ phát hành vào những năm trước khi tôi về báo Nông thôn Ngày nay, khi tờ báo mới phát hành được vài ngàn bản mỗi kỳ, tôi phát hiện một điều rất thú vị. Đó là việc báo không hề “ăn theo nói leo”, mà bảo vệ nông dân vô cùng thẳng thắn. Đó là một truyền thống. Truyền thống đó bắt nguồn từ một người bảo vệ nông dân quyết liệt nhất. Đó là ông Nguyễn Thành Thơ (Mười Thơ), một trong những người lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam khi tổ chức này được thành lập.
Ông Mười Thơ là nhà lãnh đạo suốt đời gắn bó với nông dân. Trong chiến tranh, ông từng phản đối chủ trương cải cách ruộng đất. Sau năm 1975, là Ủy viên trung ương Đảng khóa IV, ông thẳng thắn đề nghị cho ngưng hợp tác hóa nông nghiệp vì khi được phân công chỉ đạo làm thí điểm ở Nam bộ ông thấy không có hiệu quả. Ông đã bị kỷ luật vì bị quy trách nhiệm để xảy ra tình trạng nông dân biểu tình đòi giải tán Tập đoàn sản xuất và hợp tác xã. Vì sự thẳng thắn đó mà ông không được tái cử vào Ban chấp hành trung ương Đảng khóa V, chỉ được làm một chuyên viên của Ban Nông nghiệp. Từ năm 1977, ông được phân công phụ trách “Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương”, vì quan điểm của ông mà Đại hội đó phải “trù bị” hơn 10 năm trời, mãi đến sau khi ông Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng bí thư ông mới được ông Linh tin cậy giao “cởi trói cho nông dân”, Đại hội Nông dân lần thứ nhất mới tổ chức. Hội Nông dân Việt nam cấp trung ương ra đời, ông được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực. Ông là nhà lãnh đạo tích cực nhất góp phần thúc đẩy những cải cách trong nông nghiệp, từ thực hiện khoán hộ đến coi hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, khai thông thị trường nông sản, giúp nông dân được hưởng lợi từ kinh tế thị trường.
Những tờ báo cũ tôi đọc thấy đậm quan điểm tư tưởng của ông Mười Thơ. Đối với ông, Hội Nông dân không phải là một tổ chức chính trị xã hội chung chung “làm màu”, mà phải là tổ chức bảo vệ nông dân, kiến nghị tháo gỡ những ách tắc để thúc đẩy sản xuất và lưu thông nông sản. Cán bộ Hội và báo chí của Hội phải phanh phui những kẻ quan liêu ức hiếp nông dân, phải giúp nông dân bị oan ức đưa những người này ra tòa án. Những số báo đó tạo niềm cảm hứng thúc đẩy tôi quyết đưa tờ báo theo con đường của ông Mười Thơ, dùng báo chí góp phần tiếp tục “cởi trói” cho nông dân. Tôi có thể tự hào rằng, suốt trong thời gian làm báo Nông thôn Ngày nay, nhất là trong thời gian làm Tổng Biên tập, tôi đã kiên trì đi theo hướng đó. Những người lãnh đạo Hội Nông dân sau này, từ ông Chín Cần đến ông Nguyễn Đức
Triều đều ủng hộ và hậu thuẫn rất tích cực cho báo hoạt động theo hướng đó. Về tư tưởng, sự đồng thuận đó đã động viên chúng tôi rất nhiều. Đó là hạnh phúc của người làm Tổng Biên tập.
Tôi còn có một may mắn nữa là báo có một Ban Biên tập cùng quan điểm, và tuyệt đối không ai có “lòng riêng”. Các Phó Tổng Biên tập, từ chị Nguyễn Thị Nhũ, Dương Đức Nguyện, Lê Minh Đức, Lưu Quang Định, hay Huy Đức, Lê Thọ Bình, Kim Trung hoặc các cấp phụ trách thấp hơn đều là những người chính trực, vừa thẳng thắn vừa đồng thuận với tôi, giúp đỡ tôi, mỗi người phụ trách một lãnh vực với tinh thần trách nhiệm rất cao, tạo thành một tập thể ăn ý. Trong hoàn cảnh giống như mới “khởi nghiệp”, đây là một tập thể tôi hằng mơ ước. Sau này, vì những lý do riêng, có người ra đi, có người mới lại về, nhưng họ với tôi vẫn suốt đời là những người bạn, đồng nghiệp chí nghĩa chí tình.
Nhưng có lúc chúng tôi đã gặp không ít khó khăn. Quan điểm cho rằng tờ báo phục vụ cho đối tượng nào phải tập trung thông tin những vấn đề của đối tượng đó, là quan điểm lỗi thời của báo chí bao cấp. Trong đời sống thực, người nông dân cần biết chuyện của mình nhưng cũng rất cần biết những gì diễn ra trên đất nước, chưa nói đến việc nhiều nông dân quan tâm đến những chuyện ngoài nông thôn hơn là chuyện của bản thân họ. Bởi vậy, báo phải chuyển tải những thông tin đa dạng về mọi mặt của xã hội. Ngay cả những vấn đề của nông dân cũng không chỉ dành cho nông dân đọc. Chẳng hạn như loạt bài “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp” đăng trên Nông thôn ngày nay kéo dài suốt nhiều số báo với hơn 20 bài viết hồi năm 2007 đã thu hút sự quan tâm rộng rãi trong xã hội, là “ngòi nổ” thu hút rất nhiều phương tiện truyền thông khác vào cuộc để Chính phủ cho rà soát, bãi bỏ sự tận thu phi lý đó và đưa ra những chính sách có lợi cho nông dân hơn, thúc đẩy xã hội phát triển hơn.
Đối với những vấn đề ngoài nông thôn, chúng tôi không để lọt những sự kiện lớn cũng như các diễn biến thời sự và những bài tường thuật và các phản biện mà chúng tôi cho là chân thực. Nông thôn Ngày nay còn quan tâm đến các vụ án lớn cùng diễn biến của các phiên tòa. Chúng tôi không ngại đụng chạm Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương. Chúng tôi tự bảo vệ mình bằng thông tin đúng, bằng các chứng cứ và bằng tinh thần trách nhiệm đối với đất nước và người dân.
Tuy nhiên, nhiều bài viết trên Nông thôn Ngày nay chạm đến những chuyện nhạy cảm với góc nhìn khác biệt so với thông lệ. Khi số lượng phát hành ít, không mấy ai chú ý đến sự “lạ lẫm” đó, nhưng khi số lượng phát hành cao, đã gây dị ứng cho rất nhiều cơ quan và rất nhiều người.
Đi lên trong sóng gió
Năm 1999 là năm báo bắt đầu bứt phá, tạo đà cho sự phát triển bền vững sau này, nhưng cũng là năm khó khăn nhất đối với chúng tôi. Giữa lúc mọi người đang hồ hởi với sự khởi sắc của tờ báo, thì xuất hiện các đơn tố cáo Nông thôn Ngày nay lên cơ quan chủ quản, cơ quan lãnh đạo báo chi và Hội nhà báo, bắt đầu từ nhân sự mới của báo. Người ta đặt vấn đề, vì lý do gì mà một số nhà báo đã thành danh, làm việc tại những tờ báo có tiếng tăm với thu nhập rất cao lại có thể về làm việc tại một tờ báo nghèo như Nông thôn Ngày nay? Rằng tôi tập hợp những cây bút “gai góc” ấy về báo để làm gì ? Rằng tờ báo có khuynh hướng đi chệch tôn chỉ mục đích, liên tục đem những vấn đề đen tối của xã hội và của chính quyền phô lên mặt báo, ai đứng đằng sau ý đồ này ? Tôi buộc phải đề nghị cơ quan chủ quản kiểm tra, xử lý những đơn tố cáo ấy để minh bạch hóa mọi vấn đề. Sau khi kiểm tra xem xét, Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Văn hóa-Thông tin, Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương đã họp và thông báo bác bỏ những tố cáo sai lệch đó. Nhưng người ta vẫn không để chúng tôi được yên. Trong một cuộc giao ban giữa các Tổng biên tập, một TBT tờ báo “có số má” lúc đó đã đọc một tờ “sớ” kể tội Nông thôn Ngày nay, vô cùng ác ý và vô lý đến mức Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương Hữu Thọ đã bác bỏ và phê bình người Tổng biên tập này ngay trong cuộc họp.
Nhưng trong cái năm sóng gió và nhiều hoạn nạn đó chúng tôi vẫn được an ủi. Diện mạo mới của tờ báo được định hình, số lượng báo phát hành tiếp tục tăng. Nông thôn ngày nay phát triển bền vững. Trước khi ra báo ngày, báo còn có một Nguyệt san đăng tải những chuyên đề sâu mà báo ngày không đăng tải được do tập trung cho những vấn đề thời sự. Từ năm 2002, phát hành thêm một ấn phẩm trào phúng mang tên “Làng Cười”, ra hàng tuần, được bạn đọc đón nhận tích cực với số lượng phát hành ổn định trên 30 ngàn bản mỗi kỳ. Đến năm 2006, ra thêm ấn phẩm “Thế giới và Hội nhập”.
Trong khi những ấn phẩm phụ nói trên đều phát hành qua đại lý và có mặt trên các sạp báo thì báo chính phần lớn phát hành qua kênh khác. Đó là đưa về các địa phương để đến tay nông dân thông qua các cơ sở Hội Nông dân.
Nhiệm vụ Tổng biên tập của tôi ngoài việc định hướng, tổ chức nhân sự, lo “cơm áo gạo tiền” cho báo, duyệt những nội dung quan trọng và đối phó với các rủi ro, còn dành thời gian khá nhiều để đi “bán báo”. Nói đúng hơn là đi thiết lập mối quan hệ giữa báo với chính quyền và Hội Nông dân địa phương để đưa báo đến nông dân. Kết quả mỗi lần xuống địa phương của tôi và chị Nguyễn Thị Nhũ, Phó Tổng Biên tập, một người rất yêu tờ báo và năng nổ, đều ký được những hợp đồng phát hành dài hạn hàng ngàn tờ báo. Việc đi “bán báo” của chúng tôi mang nhiều ý nghĩa : Qua những chuyến đi này chúng tôi hiểu tình hình nông thôn hơn, phát hiện nhiều vấn đề phát sinh và nhu cầu của bà con nông dân để kịp thời cải tiến nội dung tờ báo; phối hợp với các cấp chính quyền và các cấp Hội phổ biến tri thức và phản ánh những bức xúc của nông dân thông qua tờ báo; qua đó, chính quyền dành một phần kinh phí hỗ trợ nông dân của địa phương vào một việc có ích là mua báo đưa đến nông dân như một chính sách tài trợ thông tin cho bà con. Vì
vậy, chúng tôi hoàn toàn không có bất cứ cam kết nào tránh né phản ánh những tiêu cực của chính quyền các địa phương đó nếu như phát hiện những nơi đó có tiêu cực.
Khi tờ báo có uy tín thì doanh thu từ bán báo và quảng cáo cao hơn.
Thu nhập bình quân của mọi người không cao như những tờ báo có số lượng phát hành và thu nhập lớn từ quảng cáo, nhưng chúng tôi đủ sống tử tế bằng nghề. Ban Biên tập giao chỉ tiêu bài vở và phát hành cho các văn phòng tại các vùng miền, tiền lương và chi phí được Ban Biên tập phân bổ, không khoán doanh thu, nên anh chị em chỉ tập trung vào nhiệm vụ, tránh được tình trạng vì quá bận tâm vào việc hoàn thành chỉ tiêu về doanh thu mà không khách quan khi khai thác quảng cáo hoặc làm PR thu tiền của doanh nghiệp, dễ dẫn đến tiêu cực.
Tâm tư gửi lại
Nhìn lại cuộc đời làm báo của mình, nhất là cuộc đời làm Tổng Biên tập một tờ báo cụ thể là Nông thôn Ngày nay, tôi có vài tâm tư gửi đến các đồng nghiệp, nhất là những người làm báo trẻ :
Thứ nhất, nghề báo là một nghề bình thường như bất kỳ nghề nghiệp hợp pháp nào. Cũng như các nghề nghiệp khác, vinh quang nhất của người làm báo là giữ được sự lương thiện. Nếu không giữ được sự lương thiện thì tác hại của sự bất lương đó đối với xã hội là lớn hơn so với sự bất lương của những người làm nghề nghiệp khác. Nhà báo không nên có ảo tưởng gánh vác sứ mệnh gì to tát ngoài sứ mệnh đem đến cho bạn đọc những
thông tin chân thực. Nhà báo là người đưa tin, là người kể cho người khác nghe những câu chuyện mà mình chứng kiến. Chúng ta không có tư cách dạy dỗ người khác, không có tư cách rao giảng đạo đức. Có một chút khác biệt giữa nghề báo và một số nghề, là làm nghề báo có nhiều rủi ro hơn. Cho nên nhà báo cần thêm một chút bản lĩnh. Đối với nhiều nghề, không có bản lĩnh vẫn có thể lương thiện, nhưng nghề báo phải có bản lĩnh mới có thể lương thiện. Tôi vẫn tâm niệm điều này trong suốt cuộc đời làm báo của mình.
Thứ hai, tôi nghĩ rất nhiều về tự do báo chí. Tự do ngôn luận là một trong những quyền thiêng liêng của người dân được ghi trong Hiến pháp, nhưng nói đến tự do báo chí lại là vấn đề nhạy cảm. Tại sao như vậy ? Một số Tổng Biên tập mất chức, nhiều nhà báo bị thu thẻ, thậm chí bị đưa vào tù không phải vì không tuân thủ luật pháp mà vì làm trái ý một số người lãnh đạo không thích tự do báo chi. Đó là do Nhà nước pháp quyền của chúng ta chưa hoàn thiện, còn nhiều chỗ sơ hở cho tệ lạm quyền. Không phải giới hạn của quyền tự do báo chí ghi trong Hiến pháp thách thức các Tổng Biên tập, mà sự lạm quyền kia mới là thách thức. Đó là thứ “rào cản mềm” phi văn tự, nhưng rào cản đó còn “cứng” hơn là luật pháp.
Trong hoàn cảnh đó, nếu Tổng Biên tập tìm mọi cách giữ cho chắc cái ghế của mình thì nhiều khi là sự phản bội nhân dân. Làm Tổng Biên tập, tôi không sợ mất chức vì tôi vốn không phấn đấu trở thành Tổng biên tập. Ngày trước, tôi chỉ muốn làm một nhà báo bình thường tử tế mà thôi. Nhưng khi làm Tông biên tập, rất nhiều khi tôi phải cân nhắc. Nếu một bài báo không vi phạm pháp luật, tức là nằm trong phạm vi mà luật pháp cho phép về quyền tự do báo chí, nếu vượt quá cái “rào cản mềm” đó mà chỉ ảnh hưởng đến địa vị và sinh mệnh của bản thân tôi thì tôi vẫn cho đăng, nhưng nếu như tổn hại đến sinh mệnh của phóng viên thì tôi phải gác lại, tôi không thể đưa phóng viên của mình vào tù. Bảo vệ được phóng viên cũng có khi là gián tiếp “phản bội” nhân dân, nhưng phóng viên của tôi cũng là công dân nên tôi không có sự lựa chọn nào khác. Đó là thách thức vô cùng lớn của nền báo chí Việt Nam hiện tại, tôi nghĩ đã đến lúc không cần phải né tránh.
Thứ ba, do sức ảnh hưởng rộng rãi đối với công chúng, nên sự hữu ích nhất của báo chí là kết nối cộng đồng đến với những thân phận con người yếu thế bất hạnh nhất trong xã hội – những người bị bỏ rơi bên lề, bị chà đạp dưới đáy xã hội mà nếu như không có báo chí thì không ai biết đến. Trong xã hội ta ngày nay những thân phận như vậy không hề là cá biệt. Chỉ duy nhất nhờ vào báo chí họ mới được cộng đồng biết đến, mới có cơ hội thoát khỏi oan trái lầm than cơ cực. Tôi tự thấy bản thân mình và báo Nông thôn Ngày nay dù có nhiều phát hiện, phanh phui những bất công, những khuất tất để bảo vệ đồng bào mình, nhưng vẫn chưa quan tâm nhiều đến những thân phận như thế, dù tôi rất trân trọng từng bản tin, từng bài viết về số phận con người và thật sự vui mừng khi từ các bản tin, các bài viết đó mà nhiều người lâm vào cảnh ngặt nghèo đã được cộng đồng cứu giúp. Nhưng nước ta có gần 20 ngàn nhà báo được cấp thẻ mà một nông dân như anh nông dân Nguyễn Thanh Chấn bị tù oan 10 năm không ai biết, thậm chí nhiều nhà báo còn nhắm mắt hùa theo những kẻ vô trách nhiệm trong cơ quan pháp luật. Suốt 10 năm không một nhà báo nào phát hiện con người này bị oan sai trong khi gia đình anh đã gửi không biết bao nhiêu là đơn kêu cứu. Là Tổng biên tập một tờ báo của nông dân, đây là điều đáng hổ thẹn nhất trong cuộc đời làm Tổng Biên tập của tôi, nỗi hổ thẹn như một món nợ không sao trả được.
Võ Mai Nhung