Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa ra mắt cuốn tiểu thuyết “Mặt trời trên đỉnh Thung Khe” của tác giả Nguyễn Thanh Tùng (528 trang khổ 16x24cm). Đây là cuốn tiểu thuyết thứ 3 của anh xuất bản ở đây.
Hai cuốn trước là “Dư chấn” (2005) và “Đêm một đời” (2010).
Nguyễn Thanh Tùng thời trẻ được bạn bè gọi là Tùng xoăn, đẹp trai và đào hoa vào loại siêu khủng, con trai một gia đình danh giá ở Hà Nội. Năm 1971, anh tốt nghiệp trường Múa VN và xung phong về Đoàn Văn Công Giải phóng Trung Trung bộ cùng tôi vào phục vụ chiến trường K5. Sau năm 1975, anh về lại Hà Nội, ở Đoàn ca múa, từng là biên đạo múa chạy show khắp nước những năm 1980. Những năm 1990, mỏi chân, về tĩnh tâm công tác ở Sở Văn hóa HN, được sự khích lệ của những nhà văn K5 kháng chiến như Thái Bá Lợi, Trần Vũ Mai nhất là Nguyễn Khắc Phục, người phát hiện khả năng viết lách của Tùng mà anh rất thân thiết, Tùng xoăn bắt đầu “chơi” tiểu thuyết. Và kết quả là 2 cuốn tiểu thuyết với hơn 1200 trang in chào đời mang tên tác giả Nguyễn Thanh Tùng. Có những hai tiểu thuyết, một số nhà văn tên tuổi có nhã ý giới thiệu anh vào Hội Nhà văn VN. Tùng cám ơn và nói: “Em chỉ “chơi” tiểu thuyết chứ không định làm nhà văn”.
Cách đây vài tháng, Tùng lại đem đến cho tôi một tập bản thảo dày đè chết người và bảo như ra lệnh: “Tiểu thuyết mới của em đấy, anh đọc thấy được thì cho in”. Đây là cuốn tiểu thuyết viết về một cô gái con nhà tư sản phố cổ Hà Nội đã bỏ phố phường lên lập nghiệp và biến mảnh đất heo hút dưới chân đèo Thung Khe bên bờ sông Đà thành nơi đáng sống cho mình và bà con người Mường. Rất chân thật, bất ngờ và sinh động.
Hóa ra việc Tùng bỏ Hà Nội lên ở hẳn một trang trại nhỏ ở Hòa Bình chục năm nay như một trải nghiệm để anh có cái tiểu thuyết mới khá đáng đọc này. Đọc Tùng mới biết anh yêu và tự hào về người Hà Nội đến chừng nào. Chất Hà Nội với trí thức, văn hóa, lòng vị tha, tình thân ái có thể giúp một cô gái như Lan, nhân vật chính của “Mặt trời trên đỉnh Thung Khe”, vượt qua định kiến của gia tộc, bọn lưu manh, trộm cắp các loại, những kẻ làm giàu gian trá, lớp cán bộ hư hỏng, các nhà lãnh đạo giáo điều, vô tâm, tìm được những người đồng hành chân chính để cùng làm nên một cuộc sống tốt đẹp thiện lành cho mình và đồng loại.
Tùng “chơi” tiểu thuyết như thế được cũng là “không phải dạng vừa”. Người Hà Nội thường có những cách “chơi” cao sang kỳ lạ, dù phải trả giá thế nào đã thích là quyết “chơi”. Như 50 năm trước Tùng xoăn quyết định “chơi” chiến trường bất chấp đói rét đạn bom để làm người và làm nghề thật xứng đáng.
Và bây giờ, sắp bước vào tuổi thất thập anh vẫn “chơi” tiểu thuyết.
Chúc mừng và khâm phục người bạn Hà Nội rất biết “chơi” của tôi…
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa