Người vùng ven

10:50 | 10/06/2021

Cuối năm 2018, đ/c Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đa cho xuất bản tập nhật ký ghi trong những năm tuổi 20 vượt Trường Sơn tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Nam Bộ mang tên “Nơi ấy là chiến trường”. Cuốn sách đã được dư luân đón nhận rất nồng nhiệt, gợi nhớ những cuốn nhật ký chiến trường nổi tiếng của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Dương Thị Xuân Quý, Huỳnh Thượng Lân, Chu Cẩm Phong…Năm 2020, cuốn sách của Phạm Quang Nghị đã được chọn vào bộ tuyển tập lớn hơn 5000 trang “Nhật ký thời chiến Việt Nam” do Quỹ Mãi mãi tuổi 20 tuyển chọn và xuất bản. Có thể nói đặc sắc nhất của “Nơi ấy là chiến trường” của Phạm Quang Nghị là những trang ghi chép rất sống động về cuộc sống và chiến đấu của quân dân Nam Bộ những năm 1971-1975. VHVN xin trích giới thiệu một phần những trang viết hết sức thú vị đó.

Ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Về nam lộ

 Chiều nào, sáng nào, trưa nào cũng bốp bốp, tằng tằng súng nổ. Súng nhỏ của bót, súng to ở Bình Đức, Cái Bè, súng đại liên của xe M.113 ngoài Lộ 4, súng từ tàu ngoài sông nổ nhịp ngắn, nhịp dài phun không ngớt vào không gian những âm thanh nhức nhối và xộc xệch.

Chúng bắn ai nữa vào giờ này? Những đường đạn sáng lòe bay cắt ngang mặt kênh, cắm mặt vào thân chuối. Chúng bắn ai vào giờ này? Những tiếng nổ “oàng” vỡ ra nhức buốt ở bờ vườn, đuổi bầy vịt đang đứng rỉa lông lội ào xuống ruộng. Chúng bắn ai vào giờ này? Khi buổi bình yên đã buông xuống vùng ven một màu lam của khói ấm. Khi những người mẹ nhằm hướng ngôi nhà mình băng nhanh về không kể gai góc, mảnh bom, nóng lòng chờ xem đàn con có lấp ló đầu ngõ? Súng nổ nhiều vậy, chúng có nấu được bữa cơm chiều khi ba mẹ chúng vắng nhà?.

Tháng Mười, nước nổi trắng xóa trên những cánh đồng chi chít hố bom bên bắc lộ. Đoàn cán bộ về vùng ven đi thành hàng một, cách thưa đều nhằm hướng có ánh đèn xa xa, có những tiếng xe, những loạt đạn dội lại không ngớt.

Dẫn đầu là một em giao liên, tuổi chừng 15. Nước da bánh mật, khỏe, rắn rỏi trong bộ quần áo đen. Cây súng AK choàng trước ngực, ánh lên nước thép. Giữa Đồng Tháp, nhiều người sẽ ngạc nhiên vì không thể ngờ rằng, em đã có 4 tuổi đi làm cách mạng. Sống giữa đồng nước phèn chua, ngày nối ngày chiến công của em là những chuyến đưa khách qua nam lộ và dẫn khách từ nam lộ về. Người ta cũng không ngờ, gian khổ tôi luyện làm nước da em đen nhưng nụ cười em lại thật tươi. Tươi không phải chỉ vì em có hai chiếc răng khểnh có duyên mà vì tâm hồn em lúc nào cũng như một chú chim non yêu bầu trời.

 Phía đồn Vĩnh Kim ánh sáng hắt lên bầu trời hình dĩa quạt. Một thứ ánh sáng pha trộn giữa ánh điện và pháo sáng, chập chờn. Khi thì bừng lên, khi thì chớp chớp, làm rung rung những làn mây bay thấp. Theo bước chân em giao liên, đoàn cán bộ lặng lẽ băng qua cánh đồng. Dưới ánh trăng mờ phản chiếu trên mặt nước, hình thù vệt đen ấy không ngừng thay đổi. Nhìn lại phía sau, lúc thì đội hình hành quân có hình dáng của bờ giậu trâm bầu, khi mọi người cuối thấp, lại giống như một vệt bờ ruộng nào đó trên cánh đồng.

Mọi người đều bước thật nhẹ. Chân sải dài, cắm mũi bàn chân xuống lớp bùn mát rượi, khi rút lên người khẽ nhón một chút, sao cho tiếng sủi từ mặt nước, từ lòng đất càng nhỏ càng tốt. Thỉnh thoảng, theo sự ra hiệu của em giao liên, hễ người trước cúi đầu mọp thấp xuống, người sau cứ vậy làm theo. Im lặng, răm rắp, không cần một mệnh lệnh bằng lời nào cả. Đi khom như thế thật dễ ngã, đầu cứ chúi thấp xuống mặt ruộng sình lầy đầy những hố bom, hố đạn đại bác. Khi bàn chân chạm phải mảnh bom, mảnh đạn đau nhói. Thế là mất thăng bằng, chân kia lại khua mặt nước ào ào.

 Đang cắm cúi bước, người đi phía trước bỗng dừng lại, phả một hơi thở ra khoan khoái. Tôi ngẩng lên, trước mặt là bờ làng, một rặng cây cao hơn đầu người và lác đác có ngọn dừa xõa lá.

          – Ấp chiến lược!

          Có tiếng ai đó nói nho nhỏ, rồi những tiếng ấy tự động truyền dần xuống phía cuối hàng quân: “ấp chiến lược”.

 Bóng trăng chiếu chênh chếch qua ngọn dừa. Nhiều cây bị cụt ngang, thân cây đứng chơ vơ giữa trời, đen trùi trũi. Ban đêm nên không ai trông rõ, nhưng tôi đoán rằng, trên những thân cây ấy hẳn có nhiều vết đạn. Hàng rào hai bên con đường xuyên qua ấp kính bưng. Phía ngoài lớp cây là những đường kẽm gai chăng dày, chỉ có gà mới chui lọt.

Vùng ven hiện lên trong đêm với những hình ảnh đầu tiên cùng một sự im lặng, sâu thẳm và lởm chởm những lớp bùng nhùng thép gai vây quanh.

Khẩu lệnh từ phía trên truyền xuống, nhỏ như hơi thở:

          – Im lặng, cấm hút thuốc!

          Khẩu lệnh vừa truyền đi đã có tiếng người nào đó thì thầm:

          – Lạnh chết mẹ không có hơi thuốc chịu sao thấu!

          – Khe khẽ chứ, ráng qua khỏi lộ, tha hồ…

          – Im, im đi chứ.

Bóng trăng loang lổ trên con đường cát mịn. Những bàn chân vẫn bước đều đều và chăm chỉ. Trên đầu, C.130 lượn ầm ì, nằng nặng. Những chiếc đèn đỏ khé chốc chốc lại chớp sáng ở sau đuôi và hai bên cánh. Chiếc máy bay bay dọc theo Lộ 4. Từng luồng đạn phun ra đỏ lòe lao thành một đường hơi cong và bỗng tắt khi gần xuống tới mặt đất. Sau đó là tiếng nổ rồ rồ phát ra từ trên không.

Từ các bót hai bên lộ, địch thay nhau phóng hỏa châu lên trời. Trái này đang hấp hối thì một trái khác đã xé không khí vọt lên, nổ bục trên không, nhập nhòe rồi bùng sáng.

Không phải súng bây giờ mới bắn rộ, hỏa châu bây giờ mới hấp tấp bay lên, mà chính vì bây giờ sắp qua lộ nên mọi người mới chú ý nhiều đến những thứ đó.

Đoàn người đi chậm dần, có lúc dừng lại hẳn. Người phía sau không chú ý nên bước tới, ngực đụng phải chiếc bồng sau lưng tôi. Quay lại, tôi thấy đó là một đồng chí đã cao tuổi, miệng nở nụ cười xí xóa. Đồng chí nào đó cào cào mấy ngón tay vào chiếc bồng của tôi, hỏi thì thào:

– Gần tới chưa, đồng chí?

Tôi hiểu là gần tới Lộ 4 chưa, nên đáp:

– Cũng không rõ! Nhưng nghe tiếng xe chạy thì gần lắm.

– Ờ… tôi cũng đoán vậy. Chả nom thấy gì cả. Chú em sáng mắt có thấy gì chưa?

Tôi lắc đầu, những lời trao đổi tạm ngừng. Ánh trăng mờ mờ và ánh sáng hấp hối của những trái hỏa châu trộn vào nhau tạo nên một thứ ánh sáng chập chờn, khi đậm khi lợt. Những bóng cây ngả nghiêng theo gió không khi nào đứng yên. Lúc thì duỗi ra dài đuồn đuỗn khi thu lại tròn xoe đảo qua, đảo lại không ngừng. Bóng hàng cây, ngọn dừa vùng ven cứ vật vờ, oể oải vặn mình trên con đường cát mịn. “ Tiếng đại bác át tiếng ru con, ánh hỏa châu thay thế ánh trăng vàng”. Phải chăng người viết ra câu đó đã từng ngủ trong những ngôi nhà cạnh hàng rào này?

– Dừng lại!

Tôi làm như một thói quen, đứng ngay lại và quay truyền lệnh phía sau:

-Dừng lại!

Dòng suy nghĩ bị cắt vụn ra. Xóm ấp hoàn toàn im lặng. Mỗi căn nhà đều nằm trong vòng rào kẽm gai vuông vức, cửa đóng then cài. Chỉ có những ngọn đèn là thao thức, gió lùa trăn trở luồng ánh sáng trước mỗi căn nhà. Không khí ngột ngạt tưởng chừng những người bên trong hàng rào ấy không thể cựa mình được.

Không một tiếng gà gáy, cũng không có tiếng chó sủa. Dường như dưới ánh sáng ma quái những trái hỏa châu, sự sống cứ thiêm thiếp, lịm đi trong đêm khuya.

Trong hàng quân lác đác có người ngồi bệt xuống đường, hai chân duỗi thẳng. Chiếc bồng vẫn đeo trên vai hoặc kéo lệch qua bên hông, vòng tay ra đỡ. Cạnh con đường có một con mương khô nước, sâu chừng một thước. Mọi người đều quay mặt về phía đó, phòng khi có cối, pháo nhảy xuống cho nhanh.

Những phút chờ đợi trôi qua thật chậm chạp, tựa hồ thời gian níu chiếc bồng trên vai mỗi lúc một nặng, một trễ thấp hơn. Âm thanh phát ra râm ran, hỗn độn và xộc xệch. Máy bay lượn ì ì, xối đạn ồ ồ xuống cánh đồng trống. Đạn cối nổ bùng bùng. Súng cực nhanh, súng liên thanh nhấp từng loạt ngắn, rít trong không khí. Tiếng động cơ xe từ ngoài lộ lúc gần, lúc xa.

 Hàng quân có tiếng nói chuyện thì thầm. Lại có người đốt thuốc, bụm tay che đầu lửa.

          – Ngoài kia là Lộ 4 hả?

          – Chắc vậy.

          – Sao không nghe xe nó chạy?

          – Sao lại không? Thỉnh thoảng có nghe đấy!

          – Mà nó cứ bắn liên tu bất tận làm gì?

          Người kia không biết trả lời sao nên im lặng.

          – Này!  – Người vừa hỏi lại cất tiếng.

          – Gì?

           – Hay nó biết đêm nay mình qua lộ?

           – Việc nó nó bắn, việc mình cứ qua thì có sao? Vùng ven mà lại, đêm nào nó chả bắn như điên như khùng ấy. Rồi mình cũng qua tuốt.

Tiếng xe bọc thép gầm gừ cắt ngang những câu đối đáp. Tôi nghển cổ nhìn qua vai người phía trước. Ngoài kia là mặt ruộng trăng trắng, mờ mờ. Không thấy ánh đèn xe nào di động trên đó cả. Nhiều người đã đứng lên, phủi cát ở quần ướt sũng. Em giao liên đi trở lại phía sau. Em lách nghiêng người và hình như vừa đi vừa đếm.

Mọi người xôn xao chưa biết chuyện gì xảy đến. Đồng chí lớn tuổi ở sau tôi, nắm tay em giao liên lắc lắc:

          – Êm chứ, cháu?

          – Êm!

 Rồi em giao liên thoăn thoắt bước đi. Lúc này tôi thấy lòng mình dào lên một cảm xúc thương yêu, mến phục và tin tưởng lạ thường. Bỗng nhiên tôi rùng mình như mọi tế bào đều cùng một lúc cựa quậy trong người. Tôi muốn gọi em giao liên lại, cho em trái lựu đạn mà lúc chiều em cứ nằn nì đòi xin. Em nói với tôi, mà mắt cứ chăm chăm nhìn vào trái lựu đạn, miệng nở nụ cười bẽn lẽn:

          – Anh có súng rồi, mang theo hai trái là đủ, qua bên kia lộ xin du kích thêm. Cho em một trái đi anh. Trái cũ này cũng được, để em gài…

Rồi em lại phân trần, nửa như nhắc nhở khi biết tôi chưa quen dùng các loại lựu đạn:

          – Thứ “bù nốc” này ưa nổ bậy lắm, đeo ở người không ngon đâu anh. Cho em em gài, để trị tụi chúng. Thứ này mà nổ là ngon lắm a.

          Tôi nhìn theo bóng em giao liên khuất dần. Rồi lát sau, em chạy ngược lên đầu hàng quân. Người đứng trước tôi bỗng bước lên một bước hơi vội vàng, quay lại truyền lệnh:

          – Vượt lộ!

 Tôi truyền tiếp lại sau và nhẩm lại trong đầu những điều em giao liên phổ biến hồi chiều: “Bắt đầu vượt lộ thì phải đi khom, bám sát. Phải băng qua cánh đồng trống có nước, dài quãng bốn trăm mét. Lên lộ, giao liên bên nam lộ sẽ dẫn đi. Không chạy lung tung để tránh thương vong vì lựu đạn, mìn gài. Tình huống gặp địch: Ai đã qua rồi cứ chạy về phía Nam lộ theo giao liên. Ai chưa qua, chạy ngược trở lại theo con đường cũ. Mật hiệu liên lạc: Hỏi Thành, đáp Công. Bị thương, hô Anh dũng…”…

Bấy giờ, người sau vọt theo người trước đều răm rắp. Có những động tác làm y hệt nhau, hễ người trước cất bước, dù một bước ngắn, người sau cũng tiến lên bằng chừng ấy rồi cùng dừng lại. Ra khỏi ấp, ánh trăng, ánh hỏa châu chiếu trên cánh đồng nước một màu trắng nhợt. Tôi nhìn về phía trước nhưng không phân biệt được đâu là con lộ, đâu là bờ ruộng. Bỗng có tiếng động cơ từ phía trái dội lại và mọi người dều ngồi thụp xuống. Trước mặt cách chừng non hai trăm mét có những luồng ánh sáng đèn đỏ quạch, quét tới. Tiếng còi xe vang lên từng hồi kéo dài. Trên một chiếc xe vừa chạy qua hàng chục chiếc đèn hai bên thành xe sáng rực, trông như một căn phòng có nhiều cửa sổ di động. Một người giải thích:

– Xe dân đấy. Xe tụi lính đêm không dám bật đèn đi lẻ vậy đâu.

Đoàn người vừa chạy lom khom được vài chục bước thì một loạt hỏa châu lại phóng lên gần đỉnh đầu. Súng cối phóng những trái hỏa châu bay lên hun hút và sau những tiếng nổ bục bục, một chùm lửa đỏ quạch bùng lên chớp chớp và tụt dần xuống thấp để lại phía trên những cuộn khói loằn ngoằn. Mọi người đã ngồi thụp xuống trước khi trái hỏa châu phát sáng. Tiếp sau là tiếng nổ lẻ tẻ của đạn cối tám và cối sáu ở ven lộ. Có quả rớt xuống lòng mương dội lên nghe chát tai. Phía xa tiếng xe bọc thép đi hộ tống cho đoàn xe vận tải nhà binh chạy rầm rầm trên lộ. Những làn đạn từ phía đó tóe ra đỏ lừ phun dọc con lộ thành hình loa kèn.

Tiếng động cơ ầm ầm, rõ hơn cả là âm thanh của những vòng xích sắt nghiến trên đường nhựa. Đoàn xe chạy cách thưa đều nhau lăn bánh vội vã, ngang qua con đường mà chúng tôi sắp vượt qua. Mỗi xe chỉ bật một đèn nhỏ. Chừng vài phút sau, cả đoàn chỉ còn là một vệt đen, trông như con tàu chạy lẩn trốn trên mặt biển đêm mờ mịt sóng giông bão tố.

  “Vọt!”. Tôi vừa nghe khẩu lệnh thì người phía trước đã phóng lên cách tôi chừng năm mét. Cố đuổi gấp tôi mới bám sát được. Dọc đường ra lộ lớn, cứ mươi mét lại có một du kích hướng thẳng nòng súng ra phía Lộ 4, đúng trong tư thế sẵn sàng xung phong.

 Không biết sự hồi hộp, lo lắng của tôi biến mất từ lúc nào. Dáng đứng điềm tĩnh đầy tự tin và kiên quyết của người du kích vùng ven đã truyền sang tôi…Khi đặt chân lên con lộ láng nhựa phẳng lỳ, thẳng tắp, dài thăm thẳm như một dòng sông thì bỗng dưng tôi muốn đi chậm lại. Tôi nhìn về phía hai hướng của con đường và ở phía nào cũng thấy có những người du kích ôm B.40, AK đứng hiên ngang, điềm tĩnh trên con lộ mà cách đây vài phút đoàn xe giặc vừa mới chạy qua. Và tôi càng bất ngờ đến mức kinh ngạc vì sung sướng khi nhìn thấy em giao liên cũng có mặt trong số những người đứng trên đó. Dưới ánh trăng, tôi trông rõ miệng em cười tươi tắn và đang bắt tay từng người khách mà em đã đưa đi suốt ngày hôm nay:

          – Chú đi mạnh giỏi nghen, chú.

          – Anh đi mạnh giỏi nghen!

Tôi nắm bàn tay em thật chặt và cảm thấy như từ bàn tay nhỏ nhắn của em giao liên vùng ven truyền sang tình thương và nghị lực. Kể từ ngày mai tôi bắt đầu bước vào cuộc sống, chiến đấu trong lòng dân vùng ven anh dũng. Tôi rời tay em và bỗng nhớ tới lời nói của em hồi chiều. Tôi tháo nhanh một trái lựu đạn ở dây lưng, không phải trái lựu đạn “bù nốc” cũ mà là một trái còn mới, mới nhất trong số 3 trái tôi đeo quanh người, chạy quay trở lại. Em giao liên giục tôi:

          – Đi nhanh lên, quay lại làm gì, anh?

          Tôi dúi vào tay em và nói:

          – Anh cho em đấy, trái lựu đạn!

          Tôi chỉ nhìn thấy miệng em cười tươi, lộ rõ hai chiếc răng khểnh.

          Một người phía sau đã thôi thúc tôi “nhanh lên”. Và tôi chạy ào lên phía trước.

  1. Sau đêm vào đợt Bi..Bim – Bim…Tu…tu…tu…

  Từ ngoài Lộ 4, tiếng còi xe chồng lên nhau từng hồi dài, vọng vào trong ấp. Trời chưa sáng hẳn, xe từ Sài Gòn đi lục tỉnh đã chạy ầm ầm ngoài lộ. Tiếng còi bấm liên hồi của đủ loại xe làm không khí của buổi mai trở nên hấp tấp, vội vã. Nhưng sáng nay, dù mấy người tài xế có bấm còi gắt gao hơn nữa thì cả đoàn xe cũng đành nổ máy mà đứng ì tại chỗ.

Đêm qua du kích xã Nhị Quý lên lộ. Bốn trái B.40 đã phóng vào những chiếc xe GMC chở hàng đầy ắp. Mấy loạt AK bắn dồn dập và quyết liệt. Sáng nay, nghẽn đường. Trước mặt đoàn xe đang bực bội kéo còi là những đống sắt cháy rụi, đen xỉn. Mặt nhựa trên lộ rỗ như tổ ong.

          Bác Năm có vẻ hài lòng:

          – Đêm qua, mấy thằng làm ăn được.

          Tôi biết là bác nói về kết quả trận phục kích đánh xe trên lộ đêm qua của du kích.

 Tiếng còi xe mỗi lúc một ồn ào, râm ran, tưởng chừng những chiếc xe tới sau, muốn sử dụng đầy đủ chức năng của chiếc còi xe để hối thúc mấy chiếc M.113 dọn đường cho thoáng. Còi xe để sử dụng để biểu tình, một số ngôn ngữ để đả đảo bọn giặc và quảng cáo thắng lợi của những người du kích vùng ven. Nghe tiếng còi xe râm ran ấy, những người đêm qua lên lộ hẳn là phấn khởi.

   Từ trong ấp Bình, tôi nghe rõ tiếng hụ của xe M.113. Chốc chốc chúng lại xối đạn ào ào vào bìa làng, vào những cụm cây đứng chơ vơ ven lộ. Dường như để ra oai với đoàn xe dân sự đang xếp hàng dài dằng dặc, mấy chiếc M113 chốc chốc lại rú máy, khi chồm tới, khi thụt lùi. Vừa có vẻ hốt hoảng dè chừng, lại vừa tỏ ra ngông nghênh tin vào lớp vỏ sắt có thể đương đầu với những trái lựu đạn cá mòi của du kích.

 Tầm đạn đại liên của M.113 cao dần, thỉnh thoảng có viên cắm vào thân dừa nghe ực, ực! Một tràng đại liên bắn tràn vào ấp, đường đạn đi thấp bay chíu chíu qua mái nhà, có viên cắm xèo xuống mặt ruộng nước. Chị Tư, bác Năm núp sau bờ thành, chờ cho luồng đạn dứt. Bác Năm nhìn lên những thân dừa đã dầy vết xước vì mảnh bom và đạn nhọn, đôi mắt lừ lừ, giọng trầm hẳn xuống:

          – Có giỏi đêm qua lúc xe cháy sao không dám tới. Giờ sáng banh còn đổ đạn vào làng, khổ mấy cây dừa, cây chuối…

          Tôi hỏi chú chủ nhà:

          – Sáng nào nó cũng bắn vậy bác Năm?

 Bác không trả lời vào câu hỏi của tôi mà giảng giải:

          – Đêm qua đằng mình vào đợt. Chắc tụi nó bị nướng xe nhiều nên sáng ngày phải bắn dữ để lấy lại tinh thần.

 `Độ nửa giờ sau, từ ngoài lộ, tiếng còi xe rộ lên náo nhiệt, vội vàng, tu tu…bi…bim…rồi toe…toe…ồn ã. Đó là tín hiệu đường đã thông. Xuyên qua âm thanh hỗn loạn đó là những loạt đạn rít lên, đinh tai, chát chúa kéo dài. Tiếng rú của những chiếc M.113 bỗng dịu đi không đều nhau.

          Bác Năm gật đầu, nói với tôi:

          – Nó dọn xong xác xe cháy rồi chú Hai à!

 Tôi chú ý lắng nghe những âm thanh hỗn độn từ ngoài Lộ 4 vọng vào, chưa kịp hỏi han làm sao mà bác biết được nó đã dọn xong với không xong thì tiếng động cơ của hàng trăm, hàng nghìn chiếc xe từ Sài Gòn chạy đi lục tỉnh đều nổ máy ầm ầm, âm thanh dội tới mỗi lúc một to hơn.

  Mặt trời đã lên, nhưng sương mù còn vấn vương trên đồng lúa. Những rặng trâm bầu mới đâm chồi đứng im lìm tựa như lắng nghe, mong đợi.

Quảng đường chạy qua xã Nhị Quý ồn ào hẳn lên. Gió sớm phất những tàu dừa đành đạch. Vừa lúc đó, một thanh niên mặc áo quần nilông đen, ướt sũng vì mới bươn qua con mương, vội vã chạy vào nhà bác Năm. Nét mặt người thanh niên phấn chấn, cất tiếng sang sảng:

          – Toàn GMC bác Năm à. Cả thảy bốn chiếc, chúng chở đồ hộp và quân trang.

 Bác Năm cười rạng rỡ. Gương mặt như trẻ ra. Chòm râu lốm đốm bạc, lưa thưa cứ rung lên từng nhịp. Vẻ sảng khoái của bác thật tự nhiên, hoàn toàn không tỏ ra đắc ý hay có vẻ gì sửng sốt một cách đặc biệt.

          – Mấy đứa bây cứ làm đều dều như vậy thì nó phải ngán.

           Mà phải trị ba cái thằng xe zip mới ngon.

          Nói rồi bác cười hể hả.

Cái tâm trạng điềm đạm, bình tĩnh khi đón nhận tin chiến thắng của người chủ nhà mãi về sau tôi mới cắt nghĩa được. Người vùng ven coi việc đánh giặc là chuyện bình thường như ăn cơm, phát cỏ và bao giờ họ cũng muốn đánh thắng, những trận sau “ngon” hơn, đích đáng hơn trận trước!

 

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa

 

 

 

 


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam