Gần 51 năm trước, trong những ngày cuối thu 1970 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra hết sức ác liệt ở cả hai miền đất nước. Có một khoá học đặc biệt được tổ chức tại nhà sáng tác Quảng Bá – Hội nhà văn Việt Nam. Đó là khoá IV – Trường đào tạo những người viết văn trẻ – Khoá đào tạo các nhà văn cho chiến trường miền Nam của Hội Nhà văn VN.
Những người khởi xướng lớp học này là nhà thơ Tố Hữu (lúc ấy là Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương), nhà văn Nguyễn Đình Thi (Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam), Bảo Định Giang (Phó chủ tịch Hội liên hiệp VHNTVN-Trưởng ban văn nghệ miền Nam) và đồng chí Phan Triêm (Phó ban tổ chức Trung ương Đảng). Chủ nhiệm khoá học là nhà văn Nguyên Hồng cùng ban giáo vụ gồm các nhà văn, nhà thơ Kim Lân, Phan Tứ, Võ Quảng, Thu Bồn, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Xuân Tùng, Ngọc Trai… Tham gia giảng dạy tại khoá học còn có các khuôn mặt lớn của văn học Việt Nam: Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu… Nhà văn Trần Bạch Đằng, nhà văn Nguyễn Văn Bổng, nhạc sĩ Trần Hoàn. đ/c Nguyễn Hộ ở miền Nam ra công tác đã đến phổ biến kinh nghiệm sống, chiến đấu và viết ở chiến trường. Khoá học có đúng 70 học viên. Phần lớn họ là được tuyển chọn từ những sinh viên vừa tốt nghiệp hoặc mới học hết năm thứ 3 của khoa Văn, khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. Họ còn là những biên tập viên trẻ đầy triển vọng của một số tờ báo và nhà xuất bản TW: Trần Vũ Mai, Đoàn Tử Diễn, Ngô Thế Oanh, Phan An, Từ Quốc Hoài… những cây bút trẻ vừa xuất hiện trong quân đội: Triệu Bôn, Nguyễn Trí Huân, Phạm Minh Lợi… Những công nhân cầm bút có những tác phẩm được chú ý: Nguyễn Khắc Phục, Lê Điệp… Tham gia lớp học còn có 3 nhà văn Lào: Xu Văn Thon, Chăn Thi, Bun Thăm.
Trong gần 6 tháng, các học viên đã được chuẩn bị hết sức tích cực về mọi mặt: tình cảm, ý chí, kiến thức, sức khoẻ để cuối mùa xuân năm 1971 – cái năm mà sau này hai nhà thơ Trần Vũ Mai và Thanh Thảo hay nhắc tới trong hai trường ca nổi tiếng: “Ở làng Phước Hậu” và “Những người đi tới biển”, một lớp nhà văn tri thức trẻ đầy quyết tâm và tự tin đã lên đường đến với các chiến trường từ mảnh đất của làng hoa Hà Nội…
Những ngày Quảng Bá là những ngày không thể nào quên với các học viên khoá IV, dù đây chỉ là một quãng thời gian rất ngắn trong cuộc đời của mỗi người. Họ đến đây theo tiếng gọi của miền Nam yêu thương hay đúng hơn theo tiếng gọi của chính trái tim họ. Cuộc kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, quyết định nhất. Miền Nam đang cần thêm những người cầm súng, cầm bút. Miền Nam đã lựa chọn và họ cũng đã lựa chọn con đường đến với miền Nam yêu thương, con đường gian khổ nhất nhưng xứng đáng nhất của tuổi trẻ thời ấy. Để đến được đây, biên tập viên 26 tuổi Trần Vũ Mai, Bí thư Đoàn Tổng cục thông tin, Đảng viên lớp Hồ Chí Minh (1969), đã từ chối chức vụ Phó giám đốc nhà xuất bản Phổ thông mà cơ quan đã chuẩn bị cho anh. Phạm Quang Nghị mới học hết năm thứ 3 khoa Sử, là con trai một của một cán bộ cao cấp, mẹ đang bị bệnh hiểm nghèo, nhưng anh vẫn gạt nước mắt xung phong đi chiến trường cùng bè bạn dù biết rất có thể anh sẽ không được gặp mẹ nữa nếu còn trở về. Nguyễn Văn Long là người anh cả của một gia đình 6 anh chị em vào loại nghèo nhất Hà Nội ở xóm Vạn Hoàng ven đê (giờ đây đã trở thành khúc cuối đường Trần Khát Chân).
Cả nhà tập trung những đồng tiền đầy mồ hôi, nước mắt cho anh ăn học thành tài hy vọng khi ra trường anh sẽ là cái đầu tàu kéo gia đình ra khỏi cảnh nghèo khó. Nhưng anh đã nuốt nước mắt cúi đầu lạy tạ cha mẹ và các em để xin được ra đi. Anh tâm sự: “Nếu không ra đi, mình sẽ không thể nào sống yên nổi”. Chàng thuỷ thủ 22 tuổi Nguyễn Khắc Phục khi đó đã khá nổi tiếng với những truyện ngắn “Tiếng gọi của biển”, “Hoa cúc biển”, “Ngã ba vô tình”, trường ca “Mắt bão” và những câu thơ tài hoa được chép trong sổ tay của một thế hệ sinh viên:
“Vườn nhà ta mà ta đi bị lạc
Hoa bốn bề hoa trắng tựa tay ai
Dưới chùm lá xanh là một dòng nước trắng
Trắng như là nỗi phiền muộn của ai”.
Nguyễn Khắc Phục có thể yên tâm ở lại thành phố hoa phượng đỏ mà vẫn viết hay vẫn thành danh như bao bạn bè cùng trang lứa, nhưng đó là thời: “Không ai có thể ngủ yên trong đời chật. Buổi thuỷ triều vẫy gọi những vầng trăng…”(Chế Lan Viên) và Nguyễn Khắc Phục cũng đã tìm mọi cách để được lên đường…
Trong gần 180 ngày đáng nhớ tại làng hoa Quảng Bá, 70 học viên – những người sẽ là những chiến sĩ tay súng, tay bút của miền Nam thân yêu đã được nhận những bài học hết sức cần thiết để “làm nghề” và trước hết là để “làm người”. Bài học lớn nhất mà các nhà văn trẻ tương lai nhận được tại đây từ những nhà văn tiền bối Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Bổng, Chế Lan Viên, Thu Bồn, Phan Tứ… không phải là những mẹo luật trong việc làm thơ, viết văn mà trước hết là những tình cảm lớn đối với đất nước và nhân dân, là cách sống sao cho xứng đáng với nhân dân, đất nước, xứng đáng với hai chữ “con người”. Trong mùa đông rét mướt giá lạnh 1970-1971, tại trại viết Quảng Bá, trái tim của 70 học viên đã được tích lửa, tích điện. Sau những chuyến đi thực tế về với Pắc Bó, với chiến khu Cao – Bắc – Lạng, đến với Trại an dưỡng thương binh miền Nam ở Phủ Lý, những trang viết đầu tay non nớt của nhiều anh chị em đã được các nhà văn lớn này trân trọng, chăm chút sửa sang từng câu, từng chữ…
Một sáng đầu tháng 1 năm 2002, trong một sinh hoạt mở đầu cho các hoạt động kỷ niệm 45 năm Hội Nhà văn Việt Nam (1957 – 2002), các học viên Quảng Bá 1970-1971 đã tái ngộ tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Cuộc trở về với những kỉ niệm thiêng liêng rưng rưng nụ cười trong những đôi mắt ngấn lệ. Vượt qua gần 1500 ngày trong “chiến trận gớm ghê sao” (thơ Trần Vũ Mai) và gần 1 vạn ngày trong thử thách khắc nghiệt của đời sống thời bình, họ đã thực sự trưởng thành. Những người trẻ nhất hồi ấy, những người “mặt búng ra sữa” mà năm xưa bác “đốc” Hồng vẫn trêu như Phạm Quang Nghị. Đỗ Thị Thanh (Hà Phương) mái đầu cũng đã chớm bạc. Phạm Quang Nghị bấy giờ đã là Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin còn Hà Phương là Phó Tổng biên tập báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Đức Hạt là Uỷ viên TƯ Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng. Nguyễn Trí Huân, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập Văn nghệ Quân đội. Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Viện khoa học xã hội, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, Phan Xuân Biên, thường vụ TU, trưởng ban TT-VH TpHCM, Dương Trọng Dật, Tổng biên tập baó Sài Gòn giải phóng, Lê Quang Trang, Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết, Vũ Thị Hồng, đại tá, Trưởng ban Phụ nữ quân đội… Nhiều người khác là lãnh đạo các tờ báo, nhà xuất bản, cán bộ chủ chốt các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội ở cả hai miền Nam Bắc. Đặc biệt, không ít người đã trở thành những nhà văn, nhà báo quen thuộc với bạn đọc từ nhiều năm nay: đó là Nguyễn Khắc Phục với trường ca Ăn cốm giữa sân các bộ tiểu thuyết đồ sộ “Bay qua cõi chết”, “Thăng Long ký” cùng hàng chục vở kịch, hàng trăm tập phim, Nguyễn Trí Huân với hai tiểu thuyết “Năm 1975, Họ đã sống như thế” và “Mùa chim én bay”, Trần Vũ Mai với trường ca “Ở làng Phước Hậu”, “Thơ và trường ca”, Ngô Thế Oanh với tập thơ “Tâm hồn”, các tập thơ, tập truyện, tiểu thuyết, kịch, phim, bài báo của Triệu Bôn, Lê Điệp, Đoàn Tử Diễn, Nguyễn Bảo, Lê Quang Trang, Dương Trọng Dật, Ngô Qui Nhơn, Trần Trung Kiên, Vũ Ân Thi, Trần Văn Thành, Trần Thị Thắng, Hoàng Minh Nhân, Từ Quốc Hoài, Đỗ Nam Cao, Bùi Thị Chiến, Nay Nô, Nguyễn Bá Thâm, Đỗ Văn Đông, Phan An, Nguyễn Văn Đồng, Phạm Minh Lợi, Nguyễn Khắc Thuần, Bùi Hồng Việt, Hà Linh Chi, Nguyễn Thế Khoa,….
Các anh Xu Văn Thon, Chăn Thi, Bun Thăm đã trở thành những nhà văn lớn của đất nước Lào anh em và thay nhau giữ cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn CHDCND Lào…
Nhà sử học Trần Đức Cường có một phát biểu gần như “tổng kết”: “Chúng ta có thể tự hào vì Khoá IV – Quảng Bá chúng mình. Tất cả bạn bè, đồng đội chúng ta không ai B quay, chiêu hồi trong chiến tranh ác liệt hôm qua và cũng chưa ai sa ngã vì tiền bạc danh lợi hôm nay. Dù còn công tác văn nghệ, báo chí hay đã chuyển sang công tác khác, dù đã là những người lãnh đạo cao của Đảng như Phạm Quang Nghị, Nguyễn Đức Hạt hay là những người viết văn, viết báo, nghiên cứu khoa học bình thường, anh chị em chúng ta đã vượt qua được những thử thách, thăng trầm của cuộc đời và số phận, đều đã và đang có những đóng góp có ích…”
Trong số 5 người bạn của khoá IV không còn có mặt đến hôm đó, mọi người nhắc nhiều đến Nguyễn Hồng, Nguyễn Văn Long và Trần Vũ Mai. “Đó là những con người tốt nhất và trong sáng nhất trong tất cả chúng ta”, Nhà thơ Đoàn Tử Diễn đã nói về các anh như vậy. Nhà văn Nguyên Ngọc, lãnh đạo văn nghệ chiến trường khu 5 thời chiến tranh, mỗi khi nói đến hình ảnh một nhà văn – chiến sĩ trẻ thường hay nhắc đến trường hợp Nguyễn Hồng. Bạn bè Quảng Bá vẫn nhớ rõ chàng trai Đức Thọ – Hà Tĩnh này là con người hiền lành, nhút nhát thế nào. Nhưng khi vào chiến trường thì đó là một trong những con người dũng cảm, gan dạ nhất. Vào chiến trường được vài tháng Nguyễn Hồng đã xuống chốt cầm AK chiến đấu và đã có ngay ký sự “Đêm cao điểm” hết sức xúc động. Trong chiến dịch chống lấn chiếm đầu 1973, Nguyễn Hồng xung phong xuống mặt trận nóng bỏng nhất Quảng Đà và được cử đến một đại hội địa phương với chức vụ Đại đội phó. Địch tràn tới, một số đơn vị khác đã để mất chốt, đại đội của Hồng vẫn giữ được vị trí chiến đấu nhưng thương vong nhiều, chính trị viên đại đội hi sinh. Dao động, Đại đội trưởng ra lệnh cho đại đội bỏ chốt rút về tuyến sau, Nguyễn Hồng ngăn lại:
– Chúng ta không được rút, phải chiến đấu giữ chốt đến giọt máu cuối cùng!
Tay đại đội trưởng phản bác:
– Ở đây chỉ có tôi có quyền ra lệnh. Anh là nhà văn, không được can thiệp vào công việc chiến đấu, Trên cho quyền được rút để bảo toàn lực lượng.
Hồng kiên quyết:
– Ở đây không có nhà văn nào hết, tôi là đại đội phó. Tôi ở Quân khu về, tôi biết lệnh trên là phải giữ chốt đến cùng. Anh em nào quyết tâm giữ chốt thì theo tôi.
Hồng cầm AK lao về phía bọn địch, có 20 chiến sĩ khác đã lao theo anh. Bọn địch bị đẩy lại. Chốt được giữ vững, phía ta chỉ có một người hi sinh. Người đó là Nguyễn Hồng. Hồng vừa tròn 24 tuổi…
Nguyễn Văn Long thì chưa có được niềm hạnh phúc làm người chiến sĩ nơi tuyến đầu như Nguyễn Hồng. Anh mãi mãi không thể đến được chiến trường Nam Bộ ước mơ của anh. Chàng trai Hà Nội dường như sinh ra để làm thơ, và nung nấu khát vọng thầm kín trở thành một nhà thơ của miền Nam như Lê Anh Xuân đó đã vĩnh viễn nằm lại dọc đường Trường Sơn tại trạm 54, khi rời Hà Nội chưa mới hơn 2 tháng. Khi chia tay với bạn bè đi khu 5 tại trường 105 (Hòa Bình), Nguyễn Văn Long đã đọc bài thơ “Và cuộc đời ngọt hơn”. Những câu kết của bài thơ đó như là lời tiên tri của Long về cái chết của mình:
“…..Một viên đạn chì cay đắng
Làm ta không kịp mỉm cười
Như có hề chi điều đó bạn ơi
Ta đã sống theo những điều ta nghĩ
Và cuộc đời ngọt hơn…”
Chẳng ai có thể ngờ Long lại ra đi sớm thế. Sao số phận lại quá bất công, nghiệt ngã với một con người tốt và một tài năng thơ lớn như anh? Quả thật Long đã “không kịp mỉm cười” nhưng không phải vì “một viên đạn chì”. Một trận sốt rét ác tính đã cướp mất anh và cho đến giờ, 50 năm sau, anh vẫn còn nằm đâu đó trên Trường Sơn, gia đình và bạn bè vẫn chưa tìm được di hài để đưa anh về lại quê hương Hà Nội thân yêu.
Trần Vũ Mai đã đi qua những năm tháng chiến tranh như một tấm gương mẫu mực của bạn vè văn nghệ khu 5. Con người vốn không ưa những sự nửa vời, làm dáng, rất yêu văn Hê – min – uê và thơ Trần Mai Ninh ấy đã thực sự là hình bóng của Trần Mai Ninh thời chống Mỹ. Anh đã có mặt ở những nơi gian khổ và ác liệt nhất của chiến trường khu 5, luồn sâu vào trong lòng địch với các đội công tác và các chiến sĩ đặc công. Có khi cả năm trời cơ quan bặt tin tức anh. Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ đóng ở Quảng Nam có lần được tin anh đã hi sinh ở Cực Nam xa xôi và đã tổ chức lễ truy điệu anh. Trường ca “Ở làng Phước Hậu” và những bài thơ như “Thảm cỏ bờ sông Hồng”, “Cực Nam”, “Thành phố nghiêng mình” của Trần Vũ Mai xứng đáng đặt bên cạnh những “Tình sông núi” và “Nhớ máu” bất hủ của Trần Mai Ninh. Sau chiến tranh, anh chìm đắm vào những nỗi buồn và bi kịch riêng nhưng thơ anh thì vẫn tuyệt vời trong trẻo và nhân hậu. Cả những lúc tuyệt vọng nhất trong đời, Trần Vũ Mai vẫn hết sức tận tuỵ trách nhiệm với công việc với bạn bè và thơ hay vẫn rất hay. Trước lúc bất ngờ mất, Trần Vũ Mai còn kịp hoàn thành thêm một trường ca độc đáo “Nàng chim Lạc”, giúp nhà văn Duy Khán hoàn thành “Tuổi thơ im lặng” và biên tập để xuất bản “Thời xa vắng” của nhà văn Lê Lựu. Hai tiểu thuyết xuất sắc sau chiến tranh đó đến với cuộc đời có công sức và tâm huyết của Trần Vũ Mai, nhà văn khoá IV…
Những năm tổ quốc xót đau
Những năm tuổi trẻ gặp nhau chiến trường (thơ Nguyễn Thế Khoa)
Phạm Quang Nghị tâm sự trong cuộc hội ngộ với bạn bè khoá IV: “Chúng ta đã may mắn gặp nhau trong những ngày đẹp nhất hạnh phúc nhất của cuộc đời mỗi người, khi trong lòng mỗi chúng ta đều cháy sáng ngọn lửa của lý tưởng, đều khao khát được chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp thiêng liêng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Có lẽ, nếu phải bắt đầu trở lại, chúng ta cũng sẽ chọn con đường mà chúng ta đã chọn…”. Nguyễn Đức Hạt cùng chia xẻ : “Chính những ngày gian khổ hiểm nguy ở chiến trường đã gắn bó chúng ta và chắc chắn tình cảm ấy sẽ đi cùng chúng ta suốt cả cuộc đời. Tôi vẫn tìm đọc, tìm xem những tác phẩm của bạn bè khoá IV, những người đã đồng cam cộng khổ ngoài mặt trận và bao giờ cũng thấy hay hơn, xúc động hơn những tác phẩm khác..”. Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh cho rằng khoá IV là khoá đặc biệt nhất trong 8 khoá bồi dưỡng lực lượng viết trẻ của Hội nhà văn Việt Nam và đã để lại những bài học quý giá về tầm nhìn xa của Đảng trong việc đào tạo các thế hệ nhà văn tương lai. Trong trùng trùng điệp điệp những đoàn quân ra trận năm xưa, bao giờ cũng có mặt những đoàn quân văn nghệ.
Còn những người khoá IV sẽ chẳng bao giờ quên, 50 năm trước, từ một làng hoa Hà Nội ở ven bờ song Hồng, họ đã ra đi…
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa