Nguyễn Khắc Hiếu (1400-1472) người thôn Thanh Khê, xã Hoài Khê, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam ngày nay. Nguyên Khắc Hiếu thi đỗ Tiến sĩ, khoa Minh Kinh, năm Kỷ Dậu (1429), làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ. Ông có đi sứ sang nhà Minh. Tác phẩm của Nguyễn Khắc Hiếu có tập thơ Thuấn Thần thi tập gồm 40 bài thơ vịnh cảnh. Sách TOÀN VIỆT THI LỤC của Lê Quý Đôn chép 4 bài. Sách HOÀNG VIỆT THI TUYỂN của Bùi Huy Bích chép 1 bài.
Phiên âm:
ĐĂNG NAM XƯƠNG
THÔNG MINH CÁC
Nhị thập niên tiền ức cựu du,
Vu kim trùng hệ mộc lan chu.
Vũ lại thiên ngoại phàm quy phố,
Xuân mãn giang gian nhân ỷ lâu.
Đan táo dĩ thành tiên ngự khứ,
Linh thu trường tỏa lão long sầu.
Nam lai nhất thướng Thông Minh các,
Lưỡng dịch phiêu phiêu ải cửu châu.
Dịch nghĩa:
LÊN CHƠI GÁC THÔNG MINH
Ở HUYỆN NAM XƯƠNG
Nhớ lại cuộc du chơi hai mươi năm về trước,
Nay lại đến buộc thuyền mộc lan ở nơi này.
Cơn mưa bên trời đang ập đến, thuyền về bến ẩn,
Giữa sông xuân đầy, người tựa lầu trông.
Lò thuốc luyện xong, ngựa tiên đi xa,
Đầm thiêng khóa kín, rồng già buồn rười rượi.
Về phương Nam, lại một phen lên chơi gác Thông Minh,
Tựa như hai cánh phơi phới bay, xem chín châu còn hẹp.
Dịch thơ:
Hai mươi năm trước chơi đây,
Mộc lan thuyền buộc chốn này lại thăm.
Mưa dồn, thuyền ẩn bến chằm,
Tựa lầu ngắm cảnh sông xuân dâng đầy.
Thuốc luyện xong, tiên đã bay,
Đầm thiêng khóa kín, buồn thay rồng già.
Gác Thông Minh phóng nhìn xa,
Chín châu nhỏ xíu, ngỡ ta lưng trời.
(VŨ BÌNH LỤC-dịch)
Nước ta có một số địa danh trùng với một số dịa danh bên Tàu, ví như Thái Bình, Hà Bắc, An Khánh, Hà Đông, Sơn Tây .v.v… Vậy nên, khi khảo cứu, biên soạn các tác phẩm văn chương của các cụ ta sáng tác ở thời kỳ phong kiến, các nhà làm sách hay mắc phải những sai lầm nghiêm trọng mỗi khi chú giải. Thêm nữa, đó còn là sự làm việc chưa thật nghiêm cẩn và thấu đáo. Việc bổ sung, chỉnh lý thêm cho chính xác và đầy đủ, là một việc nên làm của người hậu thế. Chúng tôi đã chỉ ra một số khiếm khuyết của bộ sách THƠ VĂN LÝ-TRẦN (3 tập) của VIỆN VĂN HỌC (1977) và cả cuốn sách HOÀNG VIỆT THI TUYỂN do TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU QUỐC HỌC (TTNCQH) xuất bản năm 2007.
Còn đây, chúng tôi muốn trình bày cảm nhận về bài thơ ĐĂNG NAM XƯƠNG THÔNG MINH CÁC của tác giả Nguyễn Khắc Hiếu (1400-1472). Nguyễn Khắc Hiếu, tự là Thuấn Thần, quê thôn Thanh Khê, xã Hoài Khê, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam ngày nay. Cụ Hiếu lấy tên chữ là Thuấn Thần, có lẽ là với ẩn ý muốn làm “bề tôi” của vua Thuấn, hàm ý gửi gắm mơ ước về một xã hội thịnh trị như ở thời Nghiêu Thuấn bên Tàu hay chăng? Ví như sau này Thánh Thơ Cao Bá Quát tự cho mình là “bề tôi” của nhà Chu (Chu Thần) chẳng hạn.
Cụ Nguyễn Khắc Hiếu đỗ Tiến sĩ năm Thuận Thiên thứ 2 đời vua Thái Tổ (Lê Lợi), làm quan tới chức Hàn lâm trực học sĩ. Cụ cũng có đi sứ sang Tàu, có thể là hai lần, theo như tình ý trong thơ. Sách HOÀNG VIỆT THI TUYỂN do TTNCQH biên soạn, chú thích về địa danh Nam Xương, rằng:“Nam Xương thuộc tỉnh Hà Nam, người dân địa phương còn gọi là Nam Xang”. Tôi ngờ rằng, chú thích như trên thì không sai, nếu như nó không gắn vào nội dung bài thơ ĐĂNG NAM XƯƠNG THÔNG MINH CÁC của Nguyễn Khắc Hiếu. Chú thích không đúng, bởi những lý do sau đây:
Huyện Nam Xương thuộc tỉnh Hà Nam của nước ta. Từ các đời Đinh, Tiền Lê, Hậu Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc, rồi cả thời Lê trung hưng…đã trải qua rất nhiều sự biến đổi. Đến đời vua Minh Mạng nhà Nguyễn, huyện Nam Xương thuộc phủ Lý Nhân. Phủ lỵ của phủ Lý Nhân được gọi tắt là PHỦ LÝ, nay là thành phố Phủ Lý của tỉnh Hà Nam. Tìm khắp trong vùng đất của huyện Nam Xương, tuyệt nhiên không thấy có cái GÁC THÔNG MINH (THÔNG MINH CÁC) cao ngất bên sông nào cả. Nghĩa là không thấy chỗ nào có cái cảnh quan như Nguyễn Khắc Hiếu miêu tả trong thơ.
Trong bài thơ của Nguyễn Khắc Hiếu khá nhiều điển tích khó hiểu, đến nỗi các nhà biên soạn sách HOÀNG VIỆT THI TUYỂN cũng chả buồn chú thích gì nữa. Có lẽ là các cụ không, hoặc chưa tra cứu được, nên cử bỏ lửng đó thôi. Do vậy, người đọc đời sau cũng chả hiểu mô tê gì. Và tất nhiên, cũng không thể nào thưởng thức được giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc của bài thơ.
Hai câu thơ cuối bài, tác giả Nguyễn Khắc Hiếu viết:
“Về phương Nam, lại một lần nữa lên chơi gác Thông Minh,
Tựa như hai cánh phơi phới bay, xem chín châu còn hẹp”.
(Nam lai nhất thướng Thông Minh các / Lưỡng dịch phiêu phiêu ải cửu châu)
Đọc hai câu thơ cuối bài, tôi bất chợt nghĩ đến cái địa danh CỬU CHÂU mà một số nhà thơ nước ta thời xưa từng viết. Ví như bài thơ CỔ LỘNG THÀNH (Thành Cổ Lộng) của Lê Quý Đôn đã viết. Bài “Cổ Lộng thành”, sau khi tả cái sự hoang phế của một di tích lịch sử bên bờ cái ngã ba sông thuộc huyện Ý Yên , tỉnh Nam Định ngày nay, theo đó là sự bại trận thê thảm của giặc Minh, tác giả kết luận:
Phong cương hà sự cân khai thác,
Nghiêu Thuấn đương niên chỉ Cửu châu!
(Còn ham mở cõi chưa thôi / Chín châu Nghiêu Thuấn đủ rồi, tham chi!”…
Cửu Châu, tức là chín châu thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Tác giả phê phán cái lòng tham lam vô đáy của bọn cầm quyền quân phiệt Trung Quốc, rằng đất đai của họ đã rộng mênh mông rồi, mà còn cố tình tham cướp đất đai của các dân tộc khác xung quanh.
Do đó, đây là một địa danh cần chú ý trong bài thơ ĐĂNG THÔNG MINH CÁC của cụ Nguyễn Khắc Hiếu.
Vậy thì huyện Nam Xương trong bài thơ này của thi nhân Nguyễn Khắc Hiếu là Nam Xương nào? Tìm hiểu thì thấy ngay Nam Xương là một địa danh (tỉnh lỵ) thuộc tỉnh Giang Tây, nằm ở phía đông nam Trung Quốc ngày nay. Nam Xương, nay là một thành phố nổi tiếng, có nhiều danh thắng, tọa lạc ở phía nam bên bờ sông Dương Tử. Ở đây có ĐẰNG VƯƠNG CÁC, là một trong “Tứ đại danh lâu” của Trung Quốc. ĐẰNG VƯƠNG CÁC, tức gác Đằng Vương, lại là một trong 3 “đại danh lâu” của vùng Giang Nam, gồm “Nhạc Dương lâu” ở Hồ Nam, “Hoàng Hạc lâu” ở Hồ Bắc.
Sở dĩ gọi là “Đằng Vương các”, là bởi vì một người con trai của Đường Thái Tổ (Lý Uyên) tên là Lý Nguyên Anh (em trai của Lý Thế Dân) được phong tước Đằng Vương. Năm 652, Lý Nguyên Anh được cử đến đất Đằng Châu giữ chức Thứ sử. Ông này cho xây dựng ở đây ba cái nhà lầu, gọi là “Đằng Vương các”, nằm ở phía tây của huyện Nam Xương.
Khoảng hai chục năm sau, ông Diêm Bá Tự được cử đến đây làm chức Thứ sử, Đô đốc. Ông này cho sửa sang ĐẰNG VƯƠNG CÁC. Nhân buổi khánh thành, ngài Diêm Bá Tự cho mở yến tiệc, mời các đại gia, văn nhân thi sĩ khắp miền về dự. Nhân đây, ông Thứ sử còn muốn khoe cái tài văn chương của anh con rể quý là Ngô Tử Chương. Diêm Công sai Tử Chương soạn trước một bài.
Vương Bột, tự là Tử An, ở đời Sơ Đường (618-713), nổi tiếng thông minh, hay chữ từ nhỏ. Khoảng 15, 16 tuổi, Vương Bột nghe tin có cuộc hội ngộ văn chương lớn này ở ĐẰNG VƯƠNG CÁC, Nam Xương. Vương buồn bã than thở vì mình ở xa quá không thể nào đến kịp. Thấy vậy một ông lão khuyên chàng cứ sửa soạn thuyền buồm, đêm nay sẽ có gió lớn. Vương Bột vui vẻ nghe theo. Đêm ấy nhờ gió thổi mạnh, chiếc thuyền buồm của Vương Bột đến “Đằng Vương các” chỉ trong một đêm, vừa kịp khai mạc cuộc vui. Thấy Vương Bột quá trẻ, ông chủ Diêm Công (Diêm Bá Tự) có vẻ không vui. Nhưng để tỏ ra quý trọng tân khách, ông ta cũng sai người đưa giấy bút cho chàng trai lạ hoắc. Dù vậy, ông ta cũng sai người đứng kề bên, thấy Vương Bột viết được đoạn văn nào đều phải “kiểm tra” xem thử thực hư, rồi bẩm báo cho ông ta biết.
Vương Bột sắn tay áo viết liền một mạch bài ĐẰNG VƯƠNG CÁC TỰ. Đây là một bài phú khá dài, được viết theo kiểu câu song mã, đối rất chỉnh. Lời văn lại rất đẹp. Kiểu câu văn “biền ngẫu” này trong bài phú, tạo ra nhịp điệu uyển chuyển, sang trọng và lộng lẫy như thơ. Nhưng nó không phải là thơ. Khi Vương Bột viết đến câu “Lạc hà dữ cô vụ tề phi / Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc” (Ráng chiều rơi xuống, cùng cái cò đơn chiếc đều bay / Làn nước sông thu với bầu trời kéo dài một sắc). Đây là câu văn trong bài phú ĐẰNG VƯƠNG CÁC TỰ của Vương Bột, chứ không phải câu thơ. Chỉ đến cuối bài phú, Vương Bột mới viết bài thơ thất ngôn bát cú, người ta mới đặt tên cho bài thơ này là ĐẰNG VƯƠNG CÁC. Bài thơ như sau:
ĐẰNG VƯƠNG CÁC
Đằng Vương cao các lâm giang chử,
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ.
Họa đống triêu phi Nam phố vân,
Châu liêm mộ quyển Tây Sơn vũ.
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
Vật hoán tinh di kỷ độ thu.
Các trung đế tử kim hà tại,
Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu.
Dịch nghĩa:
Gác Đằng Vương cao ngất dựa bên bãi sông,
Đeo ngọc reo chuông thôi múa hát.
Cột vẽ mây bến Nam bay lúc sáng sớm,
Rèm châu cuốn buổi chiều thấy mưa núi Tây.
Mây lững lờ ngày ngày vẫn in bóng trên đầm,
Vật đổi sao dời trải đã bao thu.
Con vua ở trong gác nay ở chốn nào,
Ngoài hiên sông Trường Giang cứ chảy mãi.
Vương Bột tài năng lớn như thế, nhưng mà yểu mệnh. Có lần thi sĩ đi thuyền sang châu Hoan (Nghệ An), nơi cha ông làm quan … Bấy giờ nước ta bị nhà Đường đô hộ. Gặp sóng to gió lớn, thuyền của Vương Bột bị đắm. Khi ấy chàng Vương mới có 29 tuổi. Xác thi sĩ tài danh Vương Bột được cha ông và dân ở đây vớt lên chôn cất.
Tra cứu hai chữ THÔNG và MINH trong các từ điển Hán –Việt, thấy có hàng chục chữ THÔNG, với nhiều tự dạng và nghĩa khác nhau. Riêng chữ THÔNG mà cụ Hiếu dùng, các từ điển đều ghi là “xuyên qua”, “thông suốt”. Còn chữ MINH có chữ “nguyệt” ôm lấy chữ “nhật” mà cụ Hiếu dùng trong bài thơ ĐĂNG NAM XƯƠNG THÔNG MINH CÁC thì đều có nghĩa là “sáng sủa”. Như vậy, THÔNG MINH CÁC, có nghĩa là một cái gác cao, thông thoáng và sáng sủa. Nó là tính từ, chứ không phải là một danh từ. Do vậy, phải chăng THÔNG MINH CÁC chính là ĐẰNG VƯƠNG CÁC bên bờ sông Dương Tử ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây của Lý Nam Anh, con vua Đường Thái Tổ (Lý Uyên) đời nhà Đường? Vương Bột đã tả cái gác Đằng Vương này qua một bài phú hay đến mức tuyệt diệu.
Xem xét nội dung bài thơ ĐĂNG NAM XƯƠNG THÔNG MINH CÁC của Nguyễn Khắc Hiếu, chúng tôi so sánh với bài phú ĐẰNG VƯƠNG CÁC TỰ của Vương Bột, ngờ rằng địa danh Nam Xương trong thơ Nguyễn Khắc Hiếu rất có thể là địa danh Nam Xương trên đất Trung Quốc đời nhà Đường, nơi có cái danh lầu ĐẰNG VƯƠNG CÁC. Bài thơ của Nguyễn Khắc Hiếu có thể được ông sáng tác khi đi sứ sang Tàu. Không chỉ một lần, mà có thể hai lần đi sứ, cách nhau khoảng hai chục năm. Thơ viết về nước Trung Hoa rộng lớn, trên đường từ Yên Kinh (Bắc Kinh) trở về phương nam. Cho nên, mở đầu, thi nhân Nguyễn Khắc Hiếu viết:
“Nhớ lại cuộc chơi hai mươi năm trước,
Nay lại đến buộc thuyền mộc lan ở nơi này”…
(Nhị thập niên tiền ức cựu du / Vu kim trùng hệ mộc lan chu).
Thi liệu, hình ảnh trong thơ của Nguyễn Khắc Hiếu, chứng tỏ cụ đã đọc rất kỹ, rất thấm, rất say sưa với vẻ đẹp tuyệt vời của Đằng Vương các. Từ vị trí cao ngất, thông thoáng, sáng sủa của gác Đằng Vương mà quan sát cảnh sông nước mây trời như gấm thêu hoa dệt, thi nhân nước Đại Việt sung sướng reo lên, trong tâm thế vô cùng sảng khoái:
Về phương Nam, lại một lần nữa lên chơi gác Thông Minh,
Chả khác nào đôi cánh phơi phới bay, xem chín châu còn hẹp !
Hóa ra là vậy!
Vũ Bình Lục