Cứ lần nào nhìn thấy một anh hề diễn trên sân khấu hay trên truyền hình, tôi lại nhớ đến Tào Mạt (tên thật là Nguyễn Đăng Thục), tôi lại nhớ đến vai Hề Hoạn trong bộ ba vở chèo lịch sử Bài ca giữ nước. Tôi đã xem vở chèo ấy và đọc kịch bản của ông. Tôi đã đọc nhiều lần cái cảnh người ta chôn Hề Hoạn. Cảnh ấy hay đến nhường nào, đau đến nhường nào, bi thương đến nhường nào. Hề Hoạn càng bị đất vùi kín bao nhiêu thì sự thật lại càng được phơi bày bấy nhiêu.
Hề Hoạn, ôi Hề Hoạn. Bi thương, ôi bi thương.
Nhà văn Chu Văn viết về Tào Mạt sau cái hồi bộ ba vở chèo này mới được công điễn: “Một số người tỏ ra thiếu trung hậu đối với việc phê bình Bài ca giữ nước…Người ta bắn tin: “ Lý Thường Kiệt là ai? Lê Văn Thịnh là ai?” Tào Mạt cười đau khổ: “ Là hai nhân vật trung và nịnh, thời Lý thế kỷ XI”. Người đó tò mò lại xoay: “Tại sao anh lại cho chôn nhân vật Hề Hoạn?” Tào Mạt tròn mắt, ngạc nhiên: “Tôi không làm việc ấy. Lê Văn Thịnh chôn Tào Mạt đấy chứ. Vì lão ghét và sợ Hề Hoạn nói thẳng”.
Trong vở kịch của mình, khi Hề Hoạn hỏi những người đem ông đi giết vì tội gì thì những người kia đáp: “Tội của ông: một là, ông quá tin yêu người; hai là ông không biết uốn lưỡi. Những việc như thế ông lại đi nói với quan Thái sư. Chết là đáng rồi. Kiếp sau nếu lại làm người, thì phải tập cho cái lưỡi nó dẻo một tí. Phương ngôn có câu: “Gió chiều nào che chiều ấy mà”.
Ôi Hề Hoạn, ôi Hề Hoạn.
Đọc lời ấy mà hậu thế đau tựa dao cắt.
Tào Mạt mất đã lâu rồi, nhưng người Thạch Thất, Hà Tây quê ông, vẫn kể: Thi thoảng trong những đêm trăng thanh, nhất là những đêm cuối thu, người ta vẫn nghe trên cánh đông làng ông ở Thạch Thất tiếng hát chèo văng vẳng. Bớt sợ, lắng nghe một lúc thì nhận ra đấy là tiếng Hề Hoạn trước khi bị chôn. Rồi nhìn lâu thì thấy dưới ánh trăng khuya, bóng một người cao lớn đang múa trên đồng. Bóng ấy không ai khác ngoài Tào Mạt.
Tào Mạt chết lâu rồi kia mà. Nhưng ông ấy vẫn đang múa kia, vẫn đang hát kia. Câu chuyện này chắc do một ai đó yêu ông mà đặt ra. Người này nói với người khác. Người khác lại nói với người khác nữa… Cứ thế câu chuyện được kể khắp Xứ Đoài quê ông.
Tào Mạt sinh ra và trở thành “ma chèo”. Phải chăng Hề Hoạn là có thật. Trong mọi triều đại trước kia, thời nào mà chẳng có hề. Nhưng Hề Hoạn là một tấm gương sáng về nhân cách của hề cho mọi kiếp hề phải soi vào. Hề Hoạn chết oan nên xin được đầu thai vào Tào Mạt để kể lại cho hậu thế cái bi kịch thời Hề Hoạn sống và để nhắc nhở một điều gì đó với người đương thời. Không phải nhắc nhở mà là gửi một thông điệp. Thông điệp của một nỗi oan khuất gửi lại cho đời sau. Đi đâu, Tào Mạt cũng nói về chèo, cũng hát lời Hề Hoạn. Cho nên, tôi cứ nghĩ rằng Tào Mạt chính là người đi minh oan cho Hề Hoạn.
Có lẽ vì thế cả đời Tào Mạt hạnh phúc, đau đớn, thậm chí đôi lúc hoảng loạn tâm thần cũng bởi vì… chèo. Thời Tào Mạt còn sống, tôi đã được nhìn thấy ông ở nhà một người bạn. Tào Mạt nói về chèo say sưa. Rồi ông đứng dậy vừa múa vừa hát một trích đoạn trong vở chèo của ông. Đấy chính là cảnh chôn Hề Hoạn. Đấy là cảnh ông viết hay nhất, viết như lên đồng.
Phải nói rằng, ông đã hóa thân vào Hề Hoạn. Các nhà phê bình bảo: khi nhà văn hay nghệ sĩ hóa thân được vào nhân vật thì họ chạm tới thành công. Những tác giả chèo, đạo diễn và phê bình sân khấu hầu hết đều thừa nhận, đó là cảnh hay nhất trong sự nghiệp sáng tác chèo của Tào Mạt.
Bạn tôi bảo: Có lần về quê, đi qua cánh đồng gặp những người nông dân đang gặt lúa, ông dừng lại hỏi thăm chuyện làm ăn, và sau đó ông lại chìm ngập vào chèo. Ông nói, ông hát, rồi ông múa. Ông quên tất cả xung quanh. Lúc đó, ông tưởng cả ruộng lúa chính là sân khấu. Ông đi đi lại lại múa hát và quần nát cả vạt lúa chín. Còn những người nông dân thì ngôi im lặng, lắng nghe, nước mắt đầm đìa. Có lẽ khi sống, hình ảnh nghệ sĩ chèo Tào Mạt đã in đậm vào tâm trí người dân mà khi ông chết người ta vẫn thấy ông đang múa, đang hát.
Ôi Hề Hoạn, Hề Hoạn.
Ôi Tào Mạt, Tào Mạt.
Nếu Tào Mạt này còn gì khiếm khuyết thì xin Hề Hoạn thứ tội. Không hiểu sao lúc này tôi lại nhớ đến bộ phim Hạng vũ biệt cơ của Trung Quốc đã chiếu ở ta. Bộ phim có nói về các nghệ sĩ kinh kịch Trung Hoa thời trước Cách mạng. Họ hát cho các quan phong kiến Trung Hoa nghe, rồi Nhật đến lại hát cho Nhật, Tưởng lên lại hát cho Tưởng. Một nghệ sĩ đã yêu một cô gái điếm (do Củng Lợi đóng) và lấy cô ta. Cô gái điếm đó đã đoạn tuyệt công việc tồi tệ vì yêu anh ta và đã sống với anh với một tình yêu trong sáng và chân thành nhất. Khi chính quyền địa phương truy hỏi có phải anh ta đã yêu một cô gái điếm và lấy làm vợ không, thì anh ta từ chối và lên án vợ anh ta là một con điếm, một thứ rác rưởi của xã hội. Cô gái nghe vậy đã quyên sinh. Lòng tin của cô đã sụp đổ.
Trước kia, xã hội tởm lợm về cái nghề làm điếm của cô bao nhiêu thì bây giờ cô tởm lợm cái người cô đã tin, đã yêu và dâng hiến bấy nhiêu. Cô không còn ý nghĩa gì để sống tiếp. Anh ta đã không đủ dũng cảm và lòng trung thực để bảo vệ tình yêu của anh ta. Anh ta là một kẻ mang danh nghệ sỹ nhưng cơ hội, bạc nhược và phản bội. Thể xác của anh ta có thể không ô nhục như thể xác của cô gái kia nhưng tâm hồn anh ta rõ ràng là ô nhục hơn tâm hồn của cô gái đó triệu lần. Hề Hoạn đã giữ được phẩm cách cao thượng của mình. Hề Hoạn đã không chịu khuất phục. Ông thà chết chứ không chịu lừa dối nhân gian. Lúc này, tôi lại nghe lời Hề Hoạn vang lên bên huyệt mộ người ta đào để chôn ông: “Người có thiện, có ác/ Quan có nịnh, có trung/ Hề có chân, có ngụy”.
Hề Hoạn đã chết từ lâu. Kiếp sau của Hề Hoạn là Tào Mạt cũng rời bỏ thế gian. Bộ ba vở chèo lịch sử sẽ còn được diễn nữa. Hề Hoạn đã, đang và sẽ còn lên sân khấu nước nhà để đấu tranh cho lẽ phải và lại bị chôn sống trong một đêm diễn nào đó. Tào Mạt vẫn hiện lên trên cánh đồng quê hương Thạch Thất của ông vào một đêm trăng nào đó; để lại hát, lại múa, lại sống mê đắm và kiêu hãnh với sứ mệnh của một nghệ sĩ, lại đấu tranh cho lẽ phải và lại từ từ biến mất vào cát bụi.
Nguyễn Quang Thiều