Tôi có mấy kỷ niệm về Thu Bồn. Khi thoát ly lên chiến khu rồi, mới có điều kiện biết tên các nhà văn, nhà thơ kháng chiến, chủ yếu là nghe qua đài (radio). Thậm chí không có đài để nghe, còn báo chí làm gì có. Hồi ấy, mà nghe được buổi Tiếng thơ, Sân khấu truyền thanh, Đọc chuyện đêm khuya từ Hà Nội cũng đã quá khó. Những lúc im ắng bom đạn, mắc võng giữa rừng nằm nghe với nhau, dù đói, dù rét cũng vui sướng như thấy cảnh, thấy người đánh giặc bằng văn chương thơ phú sao mà sâu sắc, hào sảng đến vậy.
Đến năm 1965, lần đầu tiên tôi được nghe một số đoạn trong trường ca “Bài ca chim Chơrao” qua đài, tác giả là nhà thơ Thu Bồn, từ miền Nam gởi ra. Tôi vội ghi chép và nhớ được mấy câu nằm lòng:
…Bài hát cũ bây giờ ai hát nữa
Con chim xanh ăn trái xoài vàng
Nhớ da diết vị mùi chua ngọt
Ta là con chim xanh, luyến trái xoài vàng.
Cơ quan tôi lúc đó đóng ở Trà Linh, Đồng Làng, Bình Kiều, có lúc xuống Đá Ngang, Nhụ Sơn, vùng tây Quế Sơn. Các địa danh ấy ở đầu nguồn sông Thu Bồn. Thú thiệt, mấy anh học sinh, sinh viên chúng tôi mới lớ ngớ lên núi, lại sính thơ văn, khi nghe có một nhà thơ mang tên con sông quê hương thơ mộng, hùng vĩ ấy, cảm thấy thán phục, khoái chí lắm. Thu Bồn, có thể chứ! Chúng tôi tự hào như chính mình có phần trong con người thơ tài hoa ấy. Về sau, Thu Bồn có thơ văn đăng nhiều ở báo Giải phóng miền, Cờ giải phóng và tạp chí Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ, nên càng gần gũi và quen thuộc tên tác giả.
Cho đến năm 1967, cơ quan tuyên truyền, văn nghệ, báo chí thuộc Ban tuyên giáo, văn, giáo Quảng Nam, đóng ở Sơn Cẩm Hà (huyện Tiên Phước). Một hôm, có ba vị khách theo giao liên đến chỗ chúng tôi khá đột ngột. Chúng tôi chưa kịp chào hỏi, thì cái anh cao, gầy, da sạm đen, trong bộ bà ba bạc màu, mũ tai bèo bỏ ra sau, thắt lưng súng ngắn, chiếc gùi sau lưng rất nặng, tay xách xâu thịt heo, vừa vào lán trại – anh ta đã oang oang, bổ bả:
– Mình ở Thôn Bù, còn đây là Cuốc và đây là Americain.
Chúng tôi cứ ngớ người. Nhưng là chủ nhà, cứ thế bắt tay nhau rối rít cái đã. Chúng tôi chưa kịp hỏi han, Thu Bồn lại ha hả cười rồi nói toạc ra, chúng tôi mới biết: Thôn Bù là Thu Bồn – Cuốc là Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly) và Americain là Mỹ, Lê Ái Mỹ (vào Khu V đổi tên là Đinh Thành Lê). Ba ông khách văn chương này đều là nhà văn, nhà thơ, nhà báo có “tên tuổi” đều ở tạp chí Văn nghệ giải phóng và báo Cờ giải phóng Khu V thường xuyên về các địa phương. Sau này, các anh trở thành những ông bạn chí cốt của chúng tôi ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà.
Cuộc gặp nhau, cười vỡ cả lán trại. Nói như nhà thơ Thanh Thảo: Cái vẻ ngoài của Thu Bồn “bừng bừng khí thế, mạnh mẽ, trực tính”. Đêm ấy, có thịt heo của Thu Bồn, bọn tôi sục được ít rượu, cứ thế nằm nghe Thu Bồn đọc thơ, kể chuyện. Chúng tôi thân nhau từ đó.
Năm 1972, lại gặp nhau ở Hà Nội, anh em Văn nghệ giải phóng từ miền Nam ra, thường lui tới chỗ Tiểu ban Văn nghệ miền Nam, 51 Trần Hưng Đạo, dạo ấy nhà thơ Bảo Định Giang đang phụ trách.
Có một chuyện, mà mỗi lần gặp nhau, tôi nhắc, Thu Bồn cười, sau sự cười là chê trách, số là hồi ấy ai được đi nước ngoài thì đến chỗ Ban thống nhất, Ban tài chính quản trị Trung ương để “đo thân thể”, ký vào sổ mượn áo quần, giầy dép, cà vạt, mũ miện, túi xách. Thu Bồn được cử đi dự Hội nghị nhà văn Á Phi ở Angéri. Không biết khi về, lười đi trả hay để diện tiếp, hoặc anh quên, khi có giấy triệu đòi lần thứ hai, Thu Bồn đùng đùng, hừng hực, đóng nguyên bộ com lê tươm tất đến chỗ Tiểu ban văn nghệ miền Nam, đứng ngoài tường rào cởi hết áo quần, giày dép ném vào, miệng la bải hoải: ”Hãy vào chiến trường, hãy vào miền Nam mà đòi áo, đòi quần!… “.
Tính khí anh vậy, chẳng ai giận và phê bình anh. Trong một vài lần Thu Bồn đi nói chuyện về chuyến đi ấy – mới biết anh là trung tâm điểm, là nhân vật, là “anh hùng”, chiến sĩ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đến, được các nhà văn, nhà hoạt động văn hoá, xã hội, nhà báo quốc tế săn lùng, quây lấy anh để chụp ảnh, ghi hình bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Người ta giới thiệu anh trên diễn đàn, với những cụm từ đầy sự trân trọng, thán phục: “Người đại diện cho nền văn học trên tuyến đầu chống Mỹ”, “Nhà văn của Châu Á, của thời đại giải phóng dân tộc” v.v… Tổng thống Angéri, nước chủ nhà, nhà văn Azít Nêxin, Chủ tịch Hội nhà văn Á Phi coi anh như thượng khách. Thu Bồn đọc thơ dõng dạc, hào sảng trước hàng ngàn cử toạ, như một chính khách trên chính trường ngoại giao đánh Mỹ lúc ấy. Một lần khác, Thu Bồn được đi nhận giải thưởng quốc tế cũng của Hội nhà văn Á Phi, mang tên giải thưởng Lotus (giải Bông Sen) trao cho trường ca “Bài ca chim Chơrao”. Trong đêm trao giải, Thủ tướng Ấn Độ, bà Gandin gặp và tận tay gửi Thu Bồn một số máu khô của nhân dân Ấn Độ được đóng hộp cẩn thận mang về tặng các chiến sĩ và đồng bào miền Nam. Còn Thu Bồn, tác giả bản trường ca trác tuyệt ấy đã nhờ nhà văn Tô Hoài lúc ấy là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội chuyển giúp 2.000USD tiền giải thưởng của anh tặng cho bà con ở phố Khâm Thiên, Hà Nội bị bom B52 của Mỹ tàn phá dã man đêm 26 tháng 12 năm 1972. Thu Bồn kể lại với chúng tôi chưa hết nỗi xúc động: “Mình sướng run người. Có gặp gỡ, tiếp xúc như thế nay mới thay hết được bạn bè năm châu bốn biển ủng hộ Việt Nam mình là to lớn, thật chí tình” – mà anh đã sống, chứng kiến và cảm nhận tại những nơi anh đến.
Bỏ ra ngoài tai những phiền toái, những nguyên tắc khuôn sáo, mệnh lệnh cứng nhắc ở đâu đó, ngoài đời, Thu Bồn sống cởi mở, hết mình. Anh chóng quên và lại lao vào công việc say sưa, hùng hục….
Những ngày Thu Bồn viết, tôi biết, cùng lúc bốn cuốn (tiểu thuyết, truyện vừa): Những đám mây ngàn cánh vạc (2 tập), Hòn đảo chân ren, Chớp trắng và Vùng sáng hoả châu (Sau có tên Mắt bồ câu, rừng phi tiễn). Viết như để bù đắp lại những ngày ở chiến trường thiếu thốn thời gian, cái ăn và bệnh tật.
Năm bảy hai, bảy ba, bảy tư, Thu Bồn ở một mình bên khu văn công Mai Dịch. Anh tách khỏi bạn bè và sự ồn ào ở trung tâm Hà Nội sang đây ngồi viết. Tôi thường đến anh chơi, có hôm ngủ lại. Thu Bồn tự đi chợ, nấu ăn, chén bát, soong nồi rửa qua quít. Căn phòng tuềnh toàng, ngoài chiếc giường con, cái bàn viết, chiếc ba lô, Thu Bồn mắc chiếc võng mang từ chiến trường ra, và thích ngủ võng. Anh chăm sóc ao rau muống trước sân bằng ủ tro nước tiểu. Rau ăn không hết, cắt đem cho anh chị em Đoàn văn công Khu V, Đoàn tuồng quê Quảng Nam ra đây an dưỡng học tập.
Thu Bồn viết quên ngày, quên đêm, quên cả ăn ngủ, người anh phờ phạc. Hằng ngày, anh Trình, sau này là Phó giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên, bạn cùng lớp báo chí với tôi, từ Hà Nội đạp xe sang chờ, được trang viết tay nào của bộ tiểu thuyết Những đám mây màu cánh vạc, là đem về nhà in xếp chữ để in, sớm phát hành. Thu Bồn viết say, viết chuẩn như lúc làm thơ, viết nhanh, tuôn trào mà sâu, chữ nghĩa ăm ắp, đa nghĩa.
Ba cuốn sách, Hòn đảo chân ren, viết về các em thiếu nhi tham gia đánh Mỹ ở Ngũ Hành Sơn, Chớp trắng, viết về cây rựa làng ông Tía, dân tộc Cơ tu tỉnh Quảng Nam vận động bà con nổi dậy giết ác ôn, đón bộ đội cách mạng về làng, Vùng sáng hoả châu, về phong trào đấu tranh ở đô thị, mà khung cảnh là Đà Nẵng.
Những năm bảy hai, bảy tư những tác phẩm Mẫn tôi của Phan Tứ, Áo trắng của Nguyễn Văn Bỗng, Thúy của Hà Khánh Linh, Dòng sông phẳng lặng của Tô Nhuận Vỹ, rồi Những đám mây màu cánh vạc của Thu Bồn, Mặt trời khát vọng (thơ) của Nguyễn Khoa Điềm, Dấu chân qua trảng cỏ (thơ) của Thanh Thảo, là những văn nghệ sĩ giải phóng từ miền Nam ra, với những trang viết nóng hổi, tươi nguyên hình ảnh đất và người ở nửa phần Tổ quốc đã trở thành sách “bestel” gối đầu giường của bạn đọc miền Bắc sục tìm.
Chắc là trong đời Thu Bồn có những mối tình, như một nhà văn đã viết: “Có người, anh phải chạy trốn, có người họ chạy trốn anh”. Thu Bồn và nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú (mẹ của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ hiện nay) đang trong thời kỳ yêu nhau nửa kín nửa hở. Hỏi Thu Bồn, anh cười tít mắt và bảo: Ông không nghe mấy câu tục ngữ: “Má văn công, mông Ngọc Tú, vú Xuân Quỳnh” hay sao? Thứ thiệt miền Bắc đấy! Cái sự tếu táo trong giới “lắm lời” ấy, chỉ tán cho vui. Thật ra hai nữ văn, thi sĩ ấy đẹp và quyết rũ vào loại nhất ở Hội nhà văn lúc bấy giờ.
Một hôm, giữa trưa tôi tình cờ, lúc đi ngang qua khu vườn trường Đại học Kinh tế, ở mạn Bạch Mai, Hà Nội để đến nhà một người bạn, bắt gặp Thu Bồn và Nguyễn Thị Ngọc Tú ngồi bên nhau trên bãi cỏ mát rượi dưới tán cây sấu um tùm đang mùa ra hoa. Thấy tôi, Thu Bồn vội khoát tay: Cứ đi, đế tôi công tác. Không được dòm ngó. Chuyện ai nấy biết. Kín miệng giúp nước… Rồi phá lên cười! Sau này tôi hỏi, Thu Bồn khì khì “Quên rồi!”.
Ngày Thu Bồn vào Sài Gòn, sau đó lên ở suối Lồ Ồ, tỉnh Bình Dương. Năm 1997, lần đầu tiên, tôi cùng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Lê Hoàng, Giám đốc NXB Trẻ, Hải Ngọc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP. Hồ Chí Minh, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long và nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng tìm lên thăm chơi. Không ngờ vợ chồng Thu Bồn – Lý Bạch Huệ, xây dựng nơi ở thật lạ và đẹp. Hai vuông nhà cao, thấp, có sân vườn, ao cá, vườn cây, hòn non bộ, phòng khách bày biện nhiều hiện vật quý, nhất là bức chân dung phóng to Hoàng hậu Nam Phương, vợ Bảo Đại. Thu Bồn nói: “Đây là người đẹp số một. Người đẹp tiêu biểu nhất của phụ nữ Việt Nam, của phương Đông. Còn Bảo Đại thì không có kí lô nào” (nguyên văn). Trên tường còn mắc mấy cây cung, nỏ, chiếc gùi mây, cây gậy Trường Sơn, mũ tai bèo, tấm dồ hoa văn của đồng bào dân tộc Ba Na…
Hôm ấy, Thu Bồn không đọc thơ, mà Lý Bạch Huệ, vợ anh ngâm thơ. Chị vốn là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975. Giọng ngâm của chị nghe xa vắng, u buồn, tha thiết. Khi Lý Bạch Huệ ngâm đến bài Thu Bồn viết tặng vợ, mô tả thân cò lặn lội, hằng năm đi làm lịch, bỏ lịch cho người ta để kiếm thêm tiền chăm lo cho chồng con. Đi làm lịch cực nhục, truân chuyên, có hôm chị đèo Thu Bồn cùng đi để dễ bán lịch… Thu Bồn khóc, Lý Bạch Huệ nghẹn ngào và chúng tôi không cầm được nước mắt!
Bài thơ ruột gan ấy của Thu Bồn viết lạ lắm. Thu Bồn chép tay tặng tôi, cùng với tập thơ “Một trăm bài thơ tình chưa đặt tên”, anh tặng tôi, ngày anh ra Đà Nẵng dự Hội thảo: “Văn học miền Trung” năm 1998.
Ngày Thu Bồn cùng với vợ ra Đà Nẵng, sau cơn bạo bịnh nguy kịch, tiếng nói còn ngọng nghịu và đi lại chưa vững. Chúng tôi đi cùng anh lên khu du lịch Bà Nà. Ở nhà nghỉ, ở cuộc họp, đi trên xe, trong bữa ăn, Lý Bạch Huệ luôn ngâm thơ Thu Bồn. Anh đăm đắm và rưng rưng nước mắt. Càng về sau này, Thu Bồn làm thơ đầy tâm sự. Tâm sự về cuộc chiến đã qua, về sự hy sinh mất mát không cùng, về vận mệnh nước non, về ơn nghĩa, đồng đội, đồng bào… với nhũng câu chữ nặng trĩu ưu tư. Bài thơ Thu Bồn viết về Bà Nà, có lẽ là bài thơ hay viết về Đà Nẵng trong lần đi cuối cùng về quê của anh, có những dòng tha thiết:
… Tôi còn đâu thời gian đế giận hờn buồn tủi
Trái tim này còn lại chút yêu thương…
Tôi có mấy kỷ niệm với Thu Bồn. Anh là một trong những đỉnh cao trong giới văn nghệ sĩ xứ Quảng, miền Trung và cả nước, có thể vậy. Còn tôi chỉ là người em, người bạn của anh về nhiều phương diện. Tôi thân anh, học ở anh, nói đúng hơn là tìm thấy ở Thu Bồn một con người kết hợp những mặt đối lập hiếm thấy. Mạnh mẽ và yếu đuối, khoẻ khoắn và yếu mềm, thô ráp và chải chuốt, hoang sơ và cổ kính, bền vững và chân thành, kiên quyết và xốc nổi…như dòng sông Thu Bồn, anh cưu mang và chảy trong huyết quản anh.
Có lẽ như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Lê Anh Xuân, Thanh Hải, Quang Dũng, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Chu cẩm Phong, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn… không chết trong công chúng và chúng ta, như nhà văn Nguyên Ngọc viết: “Không thể mất được – Thu Bồn”.
Chắc chắn là như vậy và phải vậy!
Đêm nay ở quê nhà anh có lễ tưởng niệm, chợt nhớ mùa Xuân giải phóng năm nào anh viết: “Đà Nẵng, đợi ta như Mẹ đợi con / Như người yêu đợi người yêu đến…”. Không ai nghĩ anh đang ở cõi khác.
Đà Nẵng, 2020
Tác giả: Hoàng Hương Việt