Nghĩ về bức tranh thờ truyền thống ở Nam Bộ

19:14 | 01/06/2021

Hầu hết người Việt Nam nếu không theo một tôn giáo nào rõ rệt thì kể như theo đạo ông bà, coi việc thờ cúng tổ tiên như điều gì hết sức tự nhiên, hợp với tâm tư tình cảm của mình. Dù có khác nhau về hình thức đến mấy, ý nghĩa của việc thờ cúng tổ tiên của người Việt ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam vẫn là một, biểu hiện lòng hiếu kính, biết ơn đối với các bậc tiền bối đã sinh thành ra mình:

Cây có nước mới nở ngành xanh ngọn,

 Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu.

           Người ta nguồn gốc ở đâu?

                 Có cha có mẹ rồi sau có mình.

Việc thờ cúng ông bà biểu hiện rõ nét những quan niệm về nhân sinh cũng như khát vọng cuộc sống, do vậy người dân Việt nói chung và người Việt miền Nam nói riêng đều rất coi trọng, xem cái bàn thờ như một biểu tượng thiêng liêng gắn liền với mảnh đất, ngôi nhà có ảnh hưởng đến cả mệnh vận của mình cùng biết bao niềm tin qua kinh nghiệm sống lâu đời về những điều u ẩn siêu việt khác nữa.

Cũng như những miền khác của đất nước, người dân Nam Bộ luôn coi việc sắp xếp bàn thờ cho chu tất, trang nghiêm là điều không thể thiếu được.

Nếu nhà nghèo thì bàn thờ thường là một chiếc bàn đơn giản nhưng sạch sẽ, trên để bộ lư hương nhỏ, chiếc đèn dầu và một ống đựng nhang. Nhưng nếu làm ăn khá lên đôi chút thì việc đầu tiên phải nghĩ tới là sắm sửa cho được một tủ thờ trang trọng. Trên tủ thờ này, ngoài bộ lư hương đồng to đùng bóng lộn, với cặp chưn đèn cao hai bên (cũng bằng đồng), và các bài vị (nếu có), còn có bức tranh thờ đặt phía sau, sát vách, có thể treo hoặc kê thẳng trên tủ thờ. Bức tranh cũng không mấy rườm rà, vẽ toàn cảnh bằng màu nước một góc nhỏ của làng quê Nam Bộ, gồm mây nước, cây cối (cau, dừa…) xung quanh một ngôi nhà tường ngói đỏ, trước nhà có chiếc cầu đá bắc qua, xa xa là dòng sông nước đang lớn có những cánh buồm thấp thoáng, và chim én bay liệng tung tăng trên bầu trời quang đãng…

Bức tranh bình dị mộc mạc như tâm hồn bình dị của người dân quê Nam Bộ, gợi nên cảnh sắc quê hương giàu đẹp với kiến trúc trung tâm là ngôi nhà, gắn với môi trường thiên nhiên mát rượi, có những cây cau, cây dừa, vườn chuối, biểu hiện rõ nét khát vọng của người dân về một đời sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc…, một khát vọng cũng bình dị như lối sống, cách ăn ở dễ thương của họ vậy.

 Ngôi nhà tường mái đỏ nói lên khát vọng cải thiện đời sống cơ bản của người nông dân, với ước mơ từ nghèo trở nên giàu, nhà lá cất lên nhà ngói, đời sống sung túc, biểu hiện sự thành công, làm ăn được, thoát khỏi số phận bần nông cơ cực.

 Quan niệm sống của người nông dân xét cho cùng thật đơn giản: Nuôi con lớn lên thì dựng vợ gả chồng, dạy cho chúng biết “mần ăn” lương thiện, biết cách đối nhân xử thế, rồi dựng cho chúng mái nhà lá cột gỗ đơn sơ để “ra riêng”, chia cho vài ba công đất tự lập…. Lo được đến đó, người làm cha mẹ coi như hết phận sự với con cái, rồi có chết cũng cam lòng. Đứa nào giỏi giang cày cuốc thì cất được nhà ngói, bán đôi trâu để sắm được ít nông cụ tương đối hiện đại hơn như máy cày, máy suốt lúa…; đứa nào bản lĩnh nữa thì nuôi cho cháu mình được ra chợ, lên thành phố học, nếu đỗ đạt chút ít thoát khỏi cuộc đời chân lấm tay bùn coi như thành công lớn, được họ hàng và xóm giềng nể trọng.

Cây cầu đá trên bức tranh thờ bắc từ bên kia bờ sông hay con rạch nhỏ đi qua nhà cho tiện cũng chỉ thị khát vọng mong “làm ăn được”, vì có làm ăn được mới có khả năng thay chiếc cầu khỉ bằng cầu ván, rồi lần hồi lên tới cầu đá, cầu ximăng. Khi nhân dân đã sống khá lên rồi thì tự họ biết cách thu xếp trong tinh thần tập thể để cải thiện cuộc sống, mới có đủ điều kiện thực thi lễ nghĩa tốt hơn, và mới có tiền lập miễu, cúng đình, một hình thức đóng góp tự nguyện đã có từ lâu đời để dân chúng vừa tưởng nhớ đến các bậc tiền hiền hậu hiền khai cơ lập nghiệp, vừa cùng nhau ăn uống vui chơi thỏa thích trong những dịp hội hè, bù lại cho những ngày nắng mưa nặng nhọc. Vì thế, phương thức “nhà nước với nhân dân cùng làm” ngày nay thường được người dân nông thôn vui vẻ hưởng ứng, tạo nên ngày càng nhiều những con đường nhựa, đường lót đan nông thôn, và những chiếc cầu ván, cầu ximăng rất tiện nghi cho sinh hoạt chung của cộng đồng.

Ngoài cảnh nhà ở với sông nước, cây cối bao quanh, còn có bức hoành phi và đôi câu đối cũng được gắn chung vào bức tranh thờ, thành một tổng thể cân đối của bức tranh, rất tiện gọn cho việc bài trí. Bức hoành phi ở giữa-trên, hai bên là đôi câu đối, đều bằng chữ Hán. Về sau dân chúng ít người biết chữ Hán nên người ta nhờ thợ vẽ viết lại thành chữ Quốc ngữ theo lối thư pháp mới, với nội dung cũng lấy từ những câu chữ Hán thông dụng phiên âm ra. Các phần chữ nghĩa này trên bức tranh thờ cũng biểu hiện nhân sinh quan và khát vọng cuộc sống của người dân quê Nam Bộ với tâm hồn bình dị, khả ái.

Con người ăn ở phải có đức, không được quá tham lam, sau khi chết cũng để đức lại cho con cháu, đó là quan niệm sống đạo đức rất đơn giản nhưng dứt khoát của người Việt nói chung và đồng bào Nam Bộ nói riêng. Vì vậy trên bức tranh thờ nếu không nhắc nhở việc vun bồi đạo đức thì cũng nói chuyện “uống nước nhớ nguồn”, về lòng biết ơn… Đôi khi bức hoành phi chỉ ghi ba chữ “Phúc, Lộc, Thọ”, cũng biểu hiện sự mơ ước về một đời sống an lành hạnh phúc, hoặc ghi bốn chữ “Cửu Huyền Thất Tổ” để chỉ thị đây là chỗ thờ phượng tập thể ông bà của cả hai bên nội ngoại trong gia tộc.

Có lẽ không phải quá đáng nếu cho rằng hiểu được ý nghĩa của bức tranh thờ như nói trên cũng là hiểu được lòng dân, thấu hiểu tâm lý cùng hoài bão thiết tha về cuộc sống, lúc nào cũng muốn vươn lên bằng sức lao động chân chính của mình. Mà cuộc sống từ đời nọ qua đời kia của họ vốn gắn liền với quyền sở hữu chính đáng ngôi nhà, với đất đai vườn tược xung quanh mà họ luôn ra sức chăm bồi không kém phần cơ cực để chỉ mong có được một ngày thanh thản lúc tuổi già và có chút tài sản để lại cho con cho cháu.

Chính vì vậy, cho tận đến bây giờ, ở các tỉnh thành Nam Bộ, chúng ta vẫn không hiếm thấy được bức tranh thờ với ý tranh đơn sơ giản dị kèm theo những câu đối lộng lẫy biểu hiện tâm thức và khát vọng muôn đời của người nông dân Nam Bộ.

Lương Cường

 

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào