Ít ai không coi lẽ sống chết là quan trọng, và con người phần lớn đều “tham sống sợ chết”.Phải đạt đến một trình độ tư duy ở mức nào đó mới có thê hòa đồng chuyện sinh tử, hoặc phải có một niềm tin tôn giáo mãnh liệt nào đó, người ta mới có thể an nhiên tự tại trước phút lâm chung, vĩnh viên rời khỏi chốn nhân gian vốn được không ít người coi là cõi tạm.
Dẫu biết “sống là gởi, thác là về” (sinh ký, tử quy), thế nhưng hầu như không ai lại không xúc cảm, đau thương khi có người thân quen qua đời, và ai trong chúng ta cũng có một hay nhiều lần trải nghiệm mỗi khi trong nhà có người thân mất hoặc khi đi dự lễ tang của gia đình khác. Chúng ta đau thương sâu sắc có thể vì tiếc thương người mà ta yêu quý, nhưng cũng có thể chỉ xuất phát từ mối đồng cảm trong thân phận làm người vốn dĩ không ai vượt qua ngưỡng của sự chết.
Do không thể cứu vãn được cái chết của chính mình hay của người thân nên thường người ta phải lo việc hậu sự, tức việc tang chế, mồ mả, thờ cúng… mà cách biểu hiện lại tùy thuộc phần lớn ở những người sống còn lại, có tham khảo với nguyện vọng hoặc di ngôn, di chúc của người quá cố.
Đối với con người, việc chôn cất người chết không đơn thuần chỉ là thanh toán một xác chết (đành rằng việc này dù muốn dù không cũng phải làm) mà còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa, tình cảm, đặc biệt là ý nghĩa của việc làm này đối với người còn sống. Sự tổ chức rình rang – trong một cuộc lễ tang không phải lúc nào cũng đáng bị phê bình là sự phô trương hình thức vô nghĩa. Thường khi việc làm này nếu có nổi đình nổi đám cũng có ý nghĩa riêng của nó, được hiểu như đê an ủi kẻ quá cố nếu nó được thực hiện một cách chân thành không kèm theo dụng ý khoa trương giả dối; hoặc là một cách gỡ gạc về mặt tâm lý, tinh thần dù vô vọng khi không thê làm cho người thân sống lại được. Có nơi đám tang diển ra trong thinh lặng, khách đến viếng chỉ uống trà, thắp nhang (hay một hình thức gì khác), thăm hỏi nhau rồi về. Nhưng cũng có nơi ăn uống, nhậu nhẹt, thậm chí kèn trống và đàn ca rất nhộn nhịp, nhất là về đêm khuya đê tạo cơ hội cho những người đến viếng có thê ở lại lâu hơn với gia đình người chết, cũng là một cách an ủi tích cực. Việc này rất khó đánh giá một chiều, vì nó được nhận thức tùy theo cái nền “tiểu văn hóa” vùng miền của những người bàng quan ngoại cuộc. Ở một số miền nông thôn Tây Nam Bộ, thậm chí ngay tại những thành phố lớn mà tang chủ gốc ở quê lên, cách làm rình rang như vừa kể được coi là tự nhiên đối với một số người này, nhưng cũng có thể bị coi là lố bịch đối với một số người khác.
Hình thức phúng viếng và chôn cất người chết cũng khác biệt tùy nơi, tùy người. Thông thường người Việt chúng ta có tục phúng điếu bằng tiền, coi như một hình thức đóng góp, giúp đỡ nhau thiết thực trong lúc hoạn nạn để bù vào các khoản chi tiêu của việc ma chay. Đối với người Việt ở mọi miền, đi viếng tang thì hầu như không có chuyện đi tay không. Tuy nhiên, cũng có gia chủ “miễn chấp điếu”, khiến người đi viếng phải tìm cách thể hiện dưới những hình thức khác, như mua sắm hoa quả, nhang đèn, hoặc vòng hoa. Đám tang có nhiều vòng hoa thường được hiểu là đám lớn, là một danh dự sang trọng. Cách làm này cũng khó đánh giá hay dở, vì nó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh sinh hoạt và lối sống, ý muốn của tang chủ.
Tuy nhiên cũng có những cách xử lý khác. Tôi nghe kể có vị linh mục nọ, khi người thân của ông chết, ông dặn giáo dân trong họ đạo có đi viếng thì nên đi bằng gạo, không dùng vòng hoa, và số gạo này sẽ dành đê tặng lại cho những dân nghèo khác. Khoảng hơn chục năm gần đây, có người trước khi qua đời đã dặn sẵn gia đình ghi trong lời cáo phó : “Nếu anh em thân hữu có lòng phúng điếu, thì xin đừng mua vòng hoa, mà đi tiền; toàn bộ số tiền sẽ được chuyển cho các bệnh nhân nghèo của bệnh viện …”. Cách làm này có thể coi là một nếp mới có tính sáng tạo cho văn hóa lễ tang của thời hiện đại, đáng được tham khảo nếu có hoàn cảnh và điều kiện thích hợp, một cách người chết dem lại lợi ích thiết thực cho người sống còn ở lại.
Ngoài ra, việc chôn cất cũng vậy, nói chung càng đơn giản càng tốt. Trong điều kiện đất chật người đông, hình thức hỏa thiêu đã ngày càng được người Việt lựa chọn, chẳng những không gây tốn kém vô ích mà còn có lợi ích về phương diện bảo vệ môi trường. Trường hợp một số ít gia đình lợi dụng đám tang của người thân để trục lơi, đã ngày càng bị xã hội nhìn với cặp mắt phê phán, thiếu thiện cảm.
Từ đám tang suy ra đám giỗ để tưởng niệm người quá cố, có lẽ chúng ta cũng nên suy nghĩ theo hướng đơn giản hóa tương tự.
Lương Cường