Đến bây giờ thì “Mùa xuân đầu tiên” đã trở thành một trong những ca khúc hay nhất, phổ biến rộng rãi nhất, được yêu thích nhất trong di sản âm nhạc của Văn Cao, sánh ngang với những tuyệt phẩm bất hủ “Bến xuân”, “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Buồn tàn thu”, “Bắc Sơn”, “Tiến quân ca”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Trường ca sông Lô”, “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Tiến về Hà Nội”… Với khúc valse dịu nhẹ, thư khoan mà sức lay động, thức tỉnh dường như không cùng trên, thiên tài âm nhạc Văn Cao đã phục sinh cùng mùa xuân hòa bình thống nhất của đất nước.
Họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao, kể rằng, từ sau khi sáng tác “Tiến về Hà Nội”, Văn Cao đã thề là sẽ không bao giờ sáng tác ca khúc nữa. Chuyện là cuối năm 1948, khi từ Việt Bắc chuyển về công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 3 cùng với Nguyễn Đình Thi, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Tử Phác ở khu căn cứ Chợ Đại (Ứng Hòa, Hà Nội), Văn Cao được hai đồng chí lãnh đạo Liên khu 3 và Thành ủy Hà Nội hồi ấy là Khuất Duy Tiến và Lê Quang Đạo giao nhiệm vụ sáng tác một bài hát về Hà Nội. Văn Cao kể lại, sau một cuộc họp chi bộ, trong bữa cơm, đồng chí Lê Quang Đạo đã nắm chặt tay ông và nói: “Những ca khúc của cậu đã làm tôi rất xúc động. Nhất là bài Làng tôi và bài Trường ca Sông Lô. Vậy nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!”. Đầu xuân 1949, Văn Cao đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, bài hát “Tiến về Hà Nội” ra đời trong niềm vui khôn xiết của ông, bạn bè văn nghệ và các đồng chí Khuất Duy Tiến, Lê Quang Đạo:
Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về…
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh
Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay
Những xuân đời mỉm cười vui hát lên…
Bài hát ngay lập tức được đồng chí Khuất Duy Tiến cho in trên báo Thủ đô, được lưu truyền trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Liên khu 3 và rất được yêu thích. Tuy vậy, chỉ ít lâu sau, khi một đồng chí lãnh đạo thượng cấp được nghe “Tiến về Hà Nội” và phán rằng đây là bài hát “lạc quan tếu”, “lạc quan tiểu tư sản”, Văn Cao liền bị đưa ra kiểm điểm, bị phê phán khắp nơi. Từ đó, không ai dám hát “Tiến về Hà Nội” nữa…
Kể từ cú sốc ấy, và nhất là sau cái tai nạn Nhân văn nặng nề, suốt 26 năm, trong im lặng và cô đơn, Văn Cao vẫn làm thơ, vẽ, nhưng sáng tác âm nhạc thì không.
Nhưng ngày 30-4-1975, cái “ngày vĩ đại” (Chế Lan Viên) của đất nước đã đến. Bên ly rượu nhỏ trên căn gác nhỏ 108 Yết Kiêu, Hà Nội, Văn Cao thầm lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt gầy guộc, khắc khổ. Những giai điệu chợt trào dâng trong ông. Cả năm 1975, Văn Cao bỗng hào hứng trở về với âm nhạc. Ông nhận sáng tác nhạc cho phim “Chị Dậu” của đạo diễn Phạm Văn Khoa rồi viết cả một bản giao hưởng cho phim “Anh bộ đội Cụ Hồ” của xưởng phim Quân đội. Và trong một lần họp mặt cùng bạn bè ở Chiến trường.
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa (TBT)