Giữa những ngày tháng 4 nắng hừng hực nhưng nhịp búa chan chát, tiếng máy cưa vẫn không ngớt tại bãi đá Cô Tô (Tri Tôn, An Giang). Đây là nơi mưa sinh của 60 người thợ đá từ nhiều năm qua.
Bãi đá Cô Tô nằm dọc theo con đường tỉnh 934 đoạn qua thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn, (An Giang) đang là nơi mưu sinh của nhiều lao động. Giữa buổi trưa tháng 4 nắng hừng hực như đổ lửa nhưng nhịp búa chan chát, tiếng máy cưa inh ỏi vẫn không ngừng hoạt động.
Bên cạnh sông Cô Tô là hàng chục chiếc tàu đang đợi hàng để xuất bến đi giao khắp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Ông Tô Kim Hùng (55 tuổi) là thợ đá có 35 năm trong nghề cho biết, công việc này nay đây mai đó chẳng có điểm dừng, dãi nắng dầm sương để mưu sinh.
“Nếu nhà có của ăn của để chẳng ai muốn theo nghề này cả. Công việc vừa cực nhọc vừa dễ mắc bệnh mãn tính. 10 người theo nghề hết 9 người mắc bệnh lao phổi về già, cả những lúc bụi đá văng trúng mắt hay cưa sai đường vân của đá là đứt tay. Vất vả nhưng bù lại thu nhập có nhiều hôm đến 400.000 đồng/ngày đủ cho tôi trang trải sinh hoạt cho 6 thành viên trong nhà”, ông Hùng vừa lau vệt mồ hôi trên trán vừa nói.
Làm việc tại bãi đá không có ngày nghỉ và giờ nghỉ, ai mệt thì vào ngồi nghỉ tay một chút rồi lại ra làm tiếp. Do tính thù lao theo sản phẩm nên ai nấy đều cố gắng làm hết mình. Dụng cụ chẻ đá chỉ gồm chiếc máy cưa, búa và đinh nêm. So với ngày trước, chẻ đá giờ khỏe hơn đôi chút.
Nghề chẻ đá chẳng phân biệt tuổi tác miễn ai còn đủ sức khỏe, chịu cực giỏi thì có thể theo nghề. Em Tô Kim Nhiều con trai thứ 3 của ông Hùng, dù chỉ mới 17 tuổi nhưng đã cùng cha mưu sinh tại bãi đá Cô Tô 2 năm nay. Không ngại nắng mưa cực khổ thứ Nhiều sợ nhất mỗi lần nghe có ai đó bị máy cưa cắt trúng tay chân.
Nhiều kể, “Mấy tháng trước có một chú bị máy cưa cắt đứt chân máu chảy xối xả, chú ấy phải nghỉ làm cả tháng trời. Do em mới vào nghề chưa lâu nên chưa cưa thuần thục. Cha em cưa sẵn rồi em chỉ đục đẽo cho bằng các mặt của trụ đá. Tuy việc nhẹ nhàng hơn nhưng lúc ôm đá rất hay bị dập tay, dập chân hoặc búa đập trúng tay…”.
Công việc chẻ đá thường có nhóm 2 người làm chung: Một người cưa, một người đục đẽo cho đá bằng phẳng. Tiền công chia đôi theo sản phẩm. Ngoài cánh mày râu, tại bãi đá còn có một số chị em phụ nữ làm việc, đa phần họ đều là vợ của các phu chẻ đá.
Bà Vũ Thị Xuyến cho biết, từ khi có cưa máy, nữ giới có thể đi theo phụ chồng đục đẽo đá, kiếm thêm thu nhập.
“Tai nạn tại bãi đá nhiều như cơm bữa. Với bất cứ thợ đá nào, chuyện mảnh đá găm vào da thịt rồi “nằm lỳ” ở đó là hết sức bình thường. Có những người kém may mắn còn bị dăm đá, mảnh đá văng vào mắt, gây cảnh mù lòa”, bà Xuyến kể.
Theo bà Nguyễn Thị Bảy, chủ một bãi đá ở Cô Tô, nguồn đá nguyên khối được mua từ công ty khai thác đá rồi vận chuyển về bến bãi. Sau đó, bà thuê nhân công chẻ đá ra thành các sản phẩm như cột đá, cừ đá, đá miếng vuông, đá lát nền và được tiêu thụ khắp các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ.
Cũng theo bà Bảy, nhân công làm việc được tính thù lao theo sản phẩm nên mức thu nhập cũng khác nhau. Người làm giỏi có thể kiếm được nửa triệu đồng trên ngày.
Theo Dantri