Sau những tiếng hú, hàng trăm người đàn ông lập tức có mặt. Họ thay nhau khiêng võng đưa người bệnh đi cấp cứu. Những cuộc chạy đua mà “đối thủ” là… tử thần thường xuyên diễn ra giữa đại ngàn.
Buổi sáng mười ngày trước, điện thoại của những người đàn ông thôn Tre (xã Trà Tây, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) thay nhau đổ chuông. Từ cuối làng vang lên tiếng la thất thanh “chị Mương ốm nặng”.
Chưa đầy 20 phút sau, khoảng 50 người đàn ông thôn Tre đã có mặt. Trong chiếc võng được cột vào đoạn lồ ô, chị Mương nằm thiêm thiếp. Một chiếc mền được phủ lên võng, vắt ngang đoạn lồ ô. “Cuộc đua” giữa dân làng thôn Tre với tử thần bắt đầu. “Đường đua” là 13 km dốc cao, đầy sỏi đá.
“Hai người khiêng chạy thật nhanh, một lúc thì thay người khác. Mọi người cứ thay nhau khiêng võng đến trạm xá” – anh Hồ Văn Nghĩa, người dân thôn Tre, cho biết.
Thôn Tre là khu tái định cư thủy điện với khoảng 1.000 nhân khẩu. Con đường từ thôn Tre đến trung tâm xã đầy sỏi đá, dốc cao, ô tô không thể vào, xe máy cũng không thể chở được người bệnh. Về khu tái định cư từ 2009, người dân thôn Tre phải quen với cảnh “chạy tiếp sức” đưa người bệnh đến trạm y tế.
Hơn 10 năm về làng mới, anh Hồ Văn Nghĩa không nhớ hết những lần cùng dân làng khiêng người bệnh đi cấp cứu. “Từ đầu năm đến nay là 4 lần rồi, còn trước kia thì nhiều lắm, không nhớ hết được”, anh Nghĩa nói.
Quãng đường 13 km đầy đá lởm chởm nhưng người dân chỉ mất khoảng 40 phút để vượt qua. Họ đi nhanh hết sức giúp người bệnh chiến thắng tử thần. Có điều, đã có những “cuộc đua” mà phần thắng không thuộc về dân làng.
Bà Hồ Thị Sương (81 tuổi) vẫn nhớ như in chuyện buồn của mùa mưa 5 năm về trước. Hôm đó, một thiếu phụ mới ngoài 20 tuổi có dấu hiệu chuyển dạ. Là bà mụ của làng, bà Sương biết đây là một ca sinh khó.
Sau một hồi suy tính, cả làng quyết định đội mưa, vượt rừng đưa sản phụ đến trạm y tế. Tiếc thay, người mẹ và thai nhi đã mất trên võng, giữa cơn mưa rừng tầm tã.
Câu chuyện buồn như lắng lại trong đôi mắt đục ngầu của bà Sương. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, mà móm mém nhai trầu rồi kể, cũng có đứa trẻ đẻ rơi trên võng nhưng may mắn khỏe mạnh.
Trường hợp bà Sương kể là cậu bé Hồ Cao Trung Tiến, con thứ 3 của chị Hồ Thị Nga (46 tuổi). Cuối tháng 12/2017, chị Nga chuyển dạ sớm hơn dự kiến. Các bà mụ của làng bàn nhau rồi quyết định đưa chị Nga đến bệnh viện.
Khi đoàn người lầm lũi đi trong mưa, chị Nga bất ngờ sinh con, ngay trong chiếc võng. Giữa rừng, bà mụ dùng một mảnh lồ ô cắt dây rốn cho đứa trẻ rồi cả đoàn quay đầu về làng. Hồ Cao Trung Tiến bây giờ đã là cậu bé 4 tuổi khỏe mạnh.
“Bây giờ sinh đẻ là phải đi bệnh viện, đâu có ai muốn sinh con ở nhà. Có điều đường xấu quá, nhiều lúc thai phụ chuyển dạ không đúng dự kiến, không còn cách nào nên bà phải đỡ”, bà Sương bày tỏ ước mơ được nhìn con đường bê tông chạy về làng trước khi mất.
Đời sống của người dân thôn Tre còn rất khó khăn, Chủ tịch UBND xã Trà Tây Hồ Văn Phong khái quát. Theo ông Phong, thôn được hình thành từ nhiều thôn nhỏ bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Nước Trong.
Về khu tái định cư nhưng đời sống của người dân thôn Tre còn thiếu thốn, khó khăn. Khó nhất là con đường từ làng về trung tâm xã. Mùa nắng có thể chạy xe máy, còn mùa mưa, con đường hầu như bị chia cắt. Đường trơn như đổ mỡ, chi chít điểm sạt lở, cả làng như bị cô lập.
“Người dân mong, chính quyền cũng rất mong có con đường bê tông về thôn Tre. Không có đường người dân khổ quá”, ông Phong nói.
Hồ Cao Trung Tiến, cậu bé được đẻ rơi trên võng giữa rừng năm nay 4 tuổi. Dân làng vẫn trêu đùa, hỏi cậu bé, khi trở thành người đàn ông của làng, Tiến sẽ lại tham gia khiêng võng chạy tiếp sức?
Theo Dantri