Thomas Sankara – Biểu tượng bất tử của cách mạng châu Phi!

10:06 | 03/04/2021

Nếu người Mỹ Latin tôn sùng Che Guevara, thì người dân châu Phi cũng có biểu tượng của họ – Thomas Sankara, cựu tổng thống và nhà cách mạng Marxist người Burkina Faso. Trước Nelson Mandela, Sankara được coi là nhà lãnh đạo vĩ đại nhất của châu Phi chưa từng có trước đó, được cả những đối thủ phương Tây của ông kính trọng và thường được gọi với cái tên ”Che Guevara châu Phi”.

Nhà cách mạng Thomas Sankara, tên khai sinh Thomas Isidore Noël Sankara sinh vào ngày 21 tháng 12 năm 1949 tại Yako, Thượng Volta. Cha ông là Joseph Sankara, sĩ quan trong Cảnh sát thuộc địa Pháp, nên gia đình giàu có. Trong những năm đầu, ông cùng gia đình chuyển đến thị trấn Gaoua, sống trong ”ngôi nhà gạch hiếm hoi giữa hàng ngàn ngôi nhà đất của Gaoua”. Thomas Isidore Noël Sankara là một tướng quân đội, nhà cách mạng Mác-xít, chủ nghĩa liên kết toàn châu Phi và là Tổng thống Burkina Faso từ năm 1983 đến năm 1987. Được những người ủng hộ xem như một nhân vật cách mạng mang tính biểu tượng, ông thường được gọi là “Che Guevara của châu Phi”.

Nhà cách mạng Thomas Sankara.

Nói sơ qua về bối cảnh đất nước Burkina Faso. Thực ra đất nước chưa có tên như vậy cho đến khi đích thân Thomas Sankara đặt tên cho nó. Đó là một cái tên rất ý nghĩa mà lát nữa sẽ nói tới. Còn trước đó, quốc gia này là thuộc địa của Pháp ở Tây Phi, thuộc ”Liên bang Tây Phi thuộc Pháp” (France Western Africa) và chưa có tên gọi chính thức. Năm 1958, người Pháp trao trả độc lập cho đất nước này, đặt tên là Cộng hòa Thượng Volta, dựa vào vị trí là thượng nguồn của sông Volta.

Sau khi giành độc lập, Thượng Volta nhiều lần rơi vào đấu đá quyền lực, biến nó trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới. Đến năm 1983, đất nước nằm dưới quyền của Tổng thống Jean-Baptiste Ouédraogo, một nhân vật thân Pháp.

Nhà cách mạng Thomas Sankara, tên khai sinh Thomas Isidore Noël Sankara, sinh vào ngày 21 tháng 12 năm 1949 tại Yako, Thượng Volta trong gia đình dân tộc Mossi. Cha ông là Joseph Sankara, sĩ quan trong Cảnh sát thuộc địa Pháp, nên gia đình giàu có dưới thời thuộc địa. Trong những năm đầu, ông cùng gia đình chuyển đến thị trấn Gaoua, một thị trấn nghèo khó mà cư dân sống chủ yếu trong các căn nhà bằng đất. Gia đình Thomas sống trong khu nhà của hiến binh hiến binh mà ông miêu tả ”ngôi nhà gạch hiếm hoi giữa hàng ngàn ngôi nhà đất của Gaoua”.

Mặc dù cha mẹ muốn Thomas trở thành linh mục, nhưng cuối cùng ông đã chọn vào quân đội. Tại học viện quân sự Kadiogo ở thủ đô Ouagadougou, ông được coi là sinh viên tiến bộ, thường xuyên dẫn đầu các cuộc thảo luận về chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, các cuộc cách mạng của Liên Xô và Trung Quốc, các phong trào giải phóng ở châu Phi và các chủ đề tương tự. Ngoài ra Thomas còn được biết là tay guitar xuất sắc và một nhà văn.

Năm 20 tuổi, ông được ưu tiên đến học ở Học viện quân sự Pháp ở Antsirabe (thuộc đảo quốc Madagascar). Tại Madagascar, ông chứng kiến 2 cuộc nổi dậy của người dân chống chính quyền của Philibert Tsiranana, đồng thời lần đầu tiên tiếp cận các tác phẩm của Karl Marx. Từ đây, Thomas Sankara trở thành người trung thành với chủ nghĩa Marx.

Đến năm 1972, Thomas Sankara bị gọi về nước tham gia cuộc chiến tranh tại Dải Agacher giữa Thượng Volta và Mali, 2 thuộc địa cũ của Pháp. Ông nhanh chóng nhận ra một cuộc chiến “vô dụng và bất công”, thực chất là công cụ của nhà cầm quyền Thượng Volta nhằm hướng người dân ra khỏi các vấn đề trong nước. Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, Thomas đã gặp các sĩ quan tiến bộ trong quân đội Thượng Volta, thành lập nhóm quân đội với tên ”Tập hợp những người cộng sản” (tiếng Pháp: Regroupement des officiers communistes, gọi tắt là ROC) nhằm lật đổ tổng thống bất tài. Những nhân vật nổi tiếng nhất của họ là 4 sĩ quan gồm: Henri Zongo, Jean-Baptiste Boukary Lingani, Blaise Compaoré và Thomas Sankara. Ttrong đó Blaise Compaoré là đồng chí thân cận nhất của Thomas, nhưng cũng chính là người đã gây nên cái chết của ông sau này.

Có một thời gian Thomas Sankara làm trong Bộ Thông tin của chính phủ, nhưng ông đã từ chức vì nhận thấy Bộ thông tin phục vụ cho tuyên truyền dối trá của chính quyền. Ông tuyên bố: Malheur à ceux qui bâillonnent le peuple! – ”khốn khổ thay cho những kẻ bịt miêng người dân”.

Năm 1982, lo ngại trước nhóm sĩ quan tiến bộ, chính quyền quân sự bắt giữ các sĩ quan bao gồm Thomas Sankara, Henri Zongo và Jean-Baptiste Boukary Lingani. Tuy nhiên, sĩ quan còn lại là Blaise Compaoré đã lãnh đạo một cuộc đảo chính để giải thoát cho các đồng chí của mình. Chính quyền quân sự bị lật đổ năm 1983, và Blaise Compaoré đưa Thomas Sankara lên làm tổng thống, mở ra thời kì lịch sử mới của đất nước.

Đại uý Thomas Sankara.

Dù chỉ cầm quyền 4 năm ngắn ngủi, Thomas Sankara đã tiến hành những cải cách đầy tham vọng nhằm thay đổi kinh tế và xã hội của châu Phi mà chưa ai từng làm và cũng không ai nghĩ có thể làm.

Đầu tiên, ông đổi tên đất nước của mình, từ Thượng Volta do người Pháp đặt, sang Burkina Faso. Như đã nói, đây là cái tên rất ý nghĩa, lấy từ những ngôn ngữ chính của các dân tộc bản địa. ”Burkina” trong tiếng Mossi là ”ngay thẳng, đứng lên”. ”Faso” trong tiếng Dyula nghĩa đen là ”nhà của cha”, nghĩa bóng để chỉ ”Tổ quốc”. Gộp lại, đất nước có cái tên với ý nghĩa ”ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐỨNG LÊN”.

Tự tay ông vẽ quốc kì mới cho Burkina Faso. Cũng tự ông ôm đàn, sáng tác ra quốc ca của đất nước.

Một chiến dịch tiêm chủng miễn phí trên toàn quốc được tiến hành, với kỷ lục toàn bộ 2,5 triệu trẻ em của đất nước lúc đó chỉ có 7 triệu dân được tiêm phòng chỉ trong 1 tuần để ngăn chặn các bệnh sởi, viêm não, sốt vàng, những bệnh gây chết người bậc nhất châu Phi thời đó. Kết quả là tỷ lệ tử vong trẻ em của Burkina Faso giảm từ 23% năm 1983 xuống còn thấp hơn 3% dưới thời Thomas Sankara.

Ông cho trồng 10 triệu cây xanh để ngăn chặn quá trình xa mạc hóa xuống vùng Sahel. Đây chính là tiền đề để ngày nay Liên Hợp Quốc cùng 20 nước châu Phi đang nỗ lực xây dựng ”bức tường Xanh” dài 8000km để ngăn chặn Sa mạc hóa. Tất cả xuất phát từ ý tưởng của Thomas Sankara.

Ông thực hiện một chiến dịch chống mù chữ toàn quốc, bắt buộc và miễn phí giáo dục, kết quả là tăng tỷ lệ biết chữ của Burkina từ 13% vào năm 1983 lên đến 73% vào năm 1987, một tỷ lệ chưa từng có trước đây.

Ông phân chia lại đất đai từ địa chủ và đưa trực tiếp cho nông dân. Sản lượng lúa mì tăng vọt trong vòng ba năm từ 1700 kg/héc ta lên 3800 kg/héc ta, làm cho nông nghiệp Burkina Faso thành nền nông nghiệp tự cung tự cấp.

Ông thiết lập một chương trình xây dựng đường bộ và đường sắt đầy tham vọng để “nối toàn quốc với nhau”, giúp xây dựng gần 1.300km đường sắt và đường bộ mà không nhận bất cứ một viện trợ nào của nước ngoài.

Trong các công trình của mình, Thomas Sankara không nhận một xu viện trợ nào của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Ông cho rằng các khoản viện trợ này là thứ để kìm hãm các nước châu Phi trong vòng kiềm tỏa của phương Tây. Vì vậy ông kiên quyết phản đối, đồng thời kêu gọi các nước khác từ chối viện trợ của IMF và WB. Ông có một câu nổi tiếng: ”Ai cho bạn ăn, sẽ kiểm soát bạn” (He who feed you, controls you).

Vậy tiền đâu mà Thomas Sankara thực hiện những cải cách trên?

Ông đã bán hết những chiếc xe Mercedes xa xỉ của chính phủ và dùng những chiếc Renault 5 (loại xe rẻ mạt nhất được bán ở Burkina Faso vào thời điểm đó), bắt nhân viên chính phủ dùng những chiếc xe đó khi đi họp hay công tác.

Giảm mức lương của tất cả công chức nhà nước, bao gồm cả của chính mình, và cấm họ thuê tài xế của chính phủ hay mua vé máy bay hạng nhất.

Ông tự giảm lương của mình từ gần 1000 USD xuống còn 450 USD hàng tháng. Ông sống trong căn hộ cho thuê ở khu nhà cũ trong thủ đô. Toàn bộ tài sản có giá trị của Thomas Sankara là một ô tô cũ, 4 xe đạp, 1 tủ lạnh hỏng và đặc biệt: 3 cây guitar. Thực ra cây Guitar tốt nhất cũng bị ông bán gần 2000 USD.

Ông từ chối sử dụng điều hòa không khí trong văn phòng của mình với lý do rằng những thứ xa xỉ như vậy không có sẵn cho bất cứ ai.

Ông buộc các công chức khá giả phải trả một tháng lương cho các dự án công cộng.

Ông cấm các quan chức mặc quần áo Tây, mà phải mặc quần áo truyền thống được may bởi bông bởi công nhân Burkina Faso. Vì vậy, dưới thời Thomas Sankara, ngành trồng bông và dệt may của Burkina Faso rất phát triển.

Khi được hỏi tại sao ông không muốn bức chân dung của mình bị treo ở những nơi công cộng, như tiêu chuẩn của các nhà lãnh đạo châu Phi khác, Sankara trả lời: “Có bảy triệu Thomas Sankara” (dân số Burkina Faso là 7 triệu)

Ông không cho phép xuất khẩu bất cứ thứ gì, nếu người dân Burkina Faso còn thiếu thứ đó. Cho nên dưới thời Burkina Faso, gạo và bông là 2 thứ duy nhất được xuất khẩu, nghĩa là người dân đủ ăn và đủ mặc. Còn lại, không bán bất cứ tài nguyên thiên nhiên nào cho nước ngoài mà để xây dựng đất nước.

Đặc biệt, ông được coi là nhà lãnh đạo châu Phi tiên phong về quyền phụ nữ, vốn chưa bao giờ có trước đó

Ông bổ nhiệm cho nữ giới lên các vị trí cao của chính phủ, khuyến khích họ làm việc, tuyển dụng họ vào quân đội, và cho phép nghỉ thai sản trong thời gian học tập.

 Ông thêm vào luật pháp quốc gia những luật như: cấm cắt bộ phận sinh dục nữ (một hủ tục rất phổ biến ở châu Phi), cấm cưỡng ép kết hôn và đa thê để gia tăng và hỗ trợ các quyền của phụ nữ.

”Các đồng chí, không có cuộc cách mạng xã hội đích thực nếu không có sự giải phóng phụ nữ. Có thể mắt tôi không bao giờ nhìn thấy và đôi chân của tôi không bao giờ đưa tôi đến một xã hội nơi một nửa số người bị giữ trong im lặng. Tôi nghe thấy tiếng gầm của sự im lặng của phụ nữ. Tôi cảm nhận được tiếng ầm ầm của cơn bão và cảm nhận được cơn thịnh nộ của cuộc nổi dậy của họ.” – Thomas Sankara viết trong cuốn sách ”Giải phóng Phụ nữ và Đấu tranh Tự do Châu Phi”.

Chính vì những cải cách tiến bộ trên, Thomas Sankara được coi là hình mẫu của các lãnh đạo châu Phi, được tôn trọng bởi người dân Burkina Faso, các nước châu Phi khác, thậm chí cả bởi các đối thủ là các nhà lãnh đạo phương Tây vốn không ưa quan điểm Marxist của ông, nhưng lại rất khâm phục các cải cách tưởng chừng không thể làm nổi ở quốc gia nghèo bậc nhất địa cầu Burkina Faso.

Về quan điểm đối ngoại, Thomas Sankara là người theo chủ nghĩa Marxist, có quan hệ gần gũi với các nước XHCN Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu và đặc biệt là Cuba. Là một người ngưỡng mộ Fidel Castro và Cách mạng Cuba, ông đã thành lập các Ủy ban Quốc phòng Cách mạng (CDR) theo kiểu Cuba. Ông cũng là người thần tượng Che Guevara.

Ngày 9/10/1987, chuẩn bị kỉ niệm 10 năm ngày mất của Che, Thomas Sankara có bài phát biểu. Ông nói: ”Che Guevara dạy chúng tôi rằng chúng tôi có thể dám tự tin vào bản thân, tự tin vào khả năng của mình. Ông thấm nhuần trong chúng tôi niềm tin rằng đấu tranh là cách duy nhất của chúng tôi. Ông là một công dân của thế giới tự do mà chúng ta đang trong quá trình xây dựng. Đó là lý do tại sao chúng tôi nói rằng Che Guevara cũng là người châu Phi và Burkinabè.”

Cũng lần đó, ông có một câu nói khác: ”Cách mạng như một con người có thể giết, nhưng không thể giết được lý tưởng” (“While revolutionaries as individuals can be murdered, you cannot kill ideas”), cũng dựa trên câu nói của Che Guevara.

Thomas nói những lời này chỉ 1 tuần trước khi bị sát hại.

Một trong những điều khiến Thomas Sankara được đánh giá cao là việc từ chối nhận viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, chính điều này đã dẫn đến số phận bị thảm của ông. Trên thực tế, IMF và WB chỉ là một trong 2 nguồn tài trợ mà các nước châu Phi nhận thời đó. Và thực sự là trước Thomas Sankara, đã có nhiều nước châu Phi cũng đã từ chối nhận viện trợ của IMF và WB. Vậy họ nhận viện trợ từ đâu?

Câu trả lời là từ nguồn thứ 2: ”Dollar dầu mỏ” của Muammar Gaddafi. Đây mới chính là thứ mà Thomas Sankara cho là nguy hiểm nhất.

Ngay từ những năm 70, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã tung hàng trăm tỷ USD từ nguồn lợi dầu mỏ khổng lồ của mình, cung cấp cho các nước nghèo ở châu Phi để giữ họ vào một ”Nhà nước liên Sahara” do Gaddafi đề xuất, gồm các nước châu Phi vùng Sahara và Sahel. Gaddafi muốn các nước này thống nhất thành 1 nhà nước dưới sự lãnh đạo của Libya. Trên thực tế, đại đa số đã thành công, các nước Sudan, Mali, Niger, Uganda, Tây Sahara, Bờ Biển Ngà, Liberia,…đều lần lượt rơi vào vòng ảnh hưởng của Libya. Chỉ có 2 nơi Gaddafi thất bại. Một là ở láng giềng Chad, khi nước này trực tiếp đánh thắng Libya và quân đánh thuê của Libya vào năm 1989. Nơi thứ 2, là Burkina Faso.

Thomas Sankara không nhận viện trợ của phương Tây nhưng cũng nhất quyết không nhận một đồng của Gaddafi. và không chấp nhận ảnh hưởng của Gaddafi lên nước này. Thời điểm đó, bao quanh Burkina Faso là các nước chư hầu của Libya: Mali, Niger, Bờ Biển Ngà, và cả lính đánh thuê Liberia. Rõ ràng phương Tây không phải kẻ thù nguy hiểm hơn của nhà cách mạng Thomas Sankara, mà là Gaddafi. Và điều nguy hiểm nhất với Thomas, chính là đồng chí thân cận nhất của ông, Blaise Compaoré – lại là một người tôn thờ Gaddafi.

Blaise Compaoré, được biết là cánh tay phải của Thomas Sankara, người có công cứu Thomas khỏi nhà tù năm 1983 rồi sau đó đưa Thomas lên làm tổng thống. Tuy cùng chí hướng chống phương Tây, nhưng Blaise có tư tưởng dựa vào Muammar Gaddafi của Libya. Ông được biết là có quan hệ tốt với Gaddafi, với nhà lãnh đạo Bờ Biển Ngà Félix Houphouët-Boigny, và đặc biệt là bạn rất thân của Charles Taylor, tổng thống sau này của Liberia.

Ngày 15/10/1987, Thomas Sankara đang đi đến dinh tổng thống, bất ngờ bị một lính đánh thuê không rõ danh tính bắn chết. Ngay sau đó các lính đánh thuê tấn công dinh tổng thống và giết hại 12 sĩ quan khác. Blaise Compaoré tuyên bố Thomas Sankara đã chết và cho mình lên làm tổng thống. Các sĩ quan quân đội bất bình với Blaise, nổi dậy chiến đấu ở thủ đô. Các thành viên của Hội đồng phòng vệ cách mạng CDR – lấy cảm hứng từ Cuba, phản kháng dưới sự chỉ huy của Henri Zongo (đọc lại 4 ông thuộc ”Tập hợp những người Cộng sản” lúc đầu). Nhưng cuối cùng, không hiểu lấy lính đánh thuê ở đâu, Blaise đàn áp thành công.

Năm 1989, Blaise xử tử nốt 2 đồng  chí còn lại là Henri Zongo  và Jean-Baptiste Boukary Lingani, một mình nắm chính quyền.

Mãi đến sau này, người ta mới biết số lính đánh thuê của Blaise Compaoré chính là những người lính Liberia thuộc Mặt trận yêu nước quốc gia Liberia của Charles Taylor, được Muammar Gaddafi đỡ đầu và hỗ trợ. Số lính này đã từ Bờ Biển Ngà sang Burkina Faso giúp lật đổ Thomas Sankara, cái gai trong mắt Gaddafi. Để ”đền ơn” sự giúp đỡ này, sau này khi Charles Taylor về nước gây nội chiến, Blaise Compaoré đã gửi 90.000 lính của mình sang giúp Taylor, gây nên cuộc chiến vô cùng đẫm máu giết chết 1/4 dân số Liberia.

Sự can dự của Libya và Liberia ngày càng rõ ràng. Năm 2008, khi Charles Taylor đã bị bắt ra tòa án, thì trước 500 phóng viên quốc tế trong buổi họp của Ủy ban hòa giải và sự thật Liberia (Truth and Reconciliation Commission -TRC), một đồng minh cũ của Charles Taylor là Prince Johnson, đã nói công khai trước mọi người rằng chính ông và Taylor đã đến Burkina Faso để giết hại Thomas Sankara năm đó. Phát biểu này được coi là phán quyết cuối cùng, chỉ rõ thủ phạm giết Che Guevara của châu Phi, chính là lính đánh thuê của Muammar Gaddafi. Sau sự kiện này, rất nhiều người Burkina Faso đã đòi truy tố thêm tội danh giết hại tổng thống Thomas Sankara với Charles Taylor trước tòa quốc tế. Nhưng tất nhiên là chẳng có cáo buộc nào cả, vì lãnh đạo Burkina Faso lúc đó chính là Blaise Compaoré, bạn thân của Charles Taylor.

Với đất nước Burkina Faso, sau khi Blaise Compaoré lên nắm quyền, đất nước này trượt dài trong khủng hoảng. Ban đầu, Blaise nhận viện trợ của cả Libya và IMF, nhưng IMF nhanh chóng cắt mọi khoản vay cho Burkina Faso, do sự tham nhũng và yếu kém của chính phủ. Chỉ còn Libya là hỗ trợ cho Burkina Faso, cả về kinh tế lẫn chính trị. Có thể coi Libya là bình oxi cuối cùng trợ thở cho chế độ đang hấp hối của Blaise Compaoré.

Burkina Faso, ngoài việc nghèo đói cùng cực, còn bị các nước khác lên án về ngăn cản tự do nhân quyền. Hàng năm, hàng trăm nghìn nông dân Burkina Faso tràn qua biên giới Ghana và Bờ Biển Nga kiếm việc làm, tạo nên dòng ”di cư thường niên” lớn nhất châu Phi. Vì vậy, mỗi kì họp của Liên Minh châu Phi diễn ra, 2 nước này liên tục lên án Burkina Faso, và đòi quốc tế gây sức ép buộc Blaise Compaoré từ chức. Nhưng những lần như thế, Muammar Gaddafi luôn dùng ảnh hưởng và tiền bạc của mình để bảo vệ Blaise Compaoré.

Nhưng rồi năm 2011, Gaddafi bị lât đổ. Mất đi bầu sữa cuối cùng, chế độ Blaise Compaoré khủng hoảng trầm trọng. Ngay trong năm Gaddafi rớt đài, quân đội Burkina Faso đã đảo chính nhưng thất bại, và Blaise Compaoré cách chức Bộ trưởng quốc phòng và tự tay mình làm Bộ trưởng Nhưng đến năm 2014 thì bị người dân đã lật đổ Blaise Compaoré thành công trong cuộc cách mạng “mùa xuân đen tối” (không phải mùa xuân Arab).

Mãi sau đó, người ta mới đi tìm mộ của Thomas Sankara, người đã bị Blaise Compaoré giấu xác sau khi giết hại năm 1987. Cuối cùng, người ta tìm thấy hài cốt cố tổng thống, và đưa về an táng long trọng với nghi lễ của Nguyên thủ quốc gia. Sau phát hiện này, Burkina Faso đã phát lệnh truy nã quốc tế với Blaise Compaoré vì tội giết hại tổng thống Thomas Sankara.

Đến nay, Thomas Sankara vẫn được coi là lãnh đạo hình mẫu, biểu tượng cách mạng của châu Phi. Tuy nhiên, thời gian cầm quyền quá ngắn ngủi và bị sát hại bởi các thế lực độc tài, các chính sách của ông không kịp thay đổi bộ mặt của đất nước, để rồi Burkina Faso vẫn là đất nước nghèo đói bậc nhất của thế giới ngày nay.

Gaddafi đã phạm sai lầm nghiêm trọng giống như Saddam Hussein. Quá tự tin vào những đồng tiền dầu mỏ của mình. Trong nước thì dùng dầu mỏ nuôi dân. Giành sự ủng hộ thông qua chiêu bài dân túy. Dùng tiền bán dầu để bao cấp cho dân chúng. Bên ngoài thì dùng tiền bán dầu để tranh giành ảnh hưởng, nô dịch các nước xung quanh. Rồi khi dầu mỏ sụt giá thì tất cả đều đổ vỡ. Và thảm kịch của ông ta còn tệ hơn rất nhiều so với kết cục mà người anh hùng bị ô ta giết!

 

Nguyên Ngọc (T/h)

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình