Nò là một dụng cụ quen thuộc để bắt cá trên sông, kênh rạch ở miền Tây. Chỉ cần một vài chục cây sào, thêm ít tấm đăng và vài chục mét lưới là đủ để làm một chiếc nò và tha hồ bắt cá trê.
Theo người dân địa phương, nò được làm khá đơn giản, và đặt cố định trên sông. Chính vì vậy quan trọng là phải biết chọn địa thế đóng cừ làm nò và… kiên nhẫn chờ.
Để làm được một chiếc nò cá, trước tiên người làm tìm chọn những cây tre già, vừa tầm bắp tay để làm cọc. Mỗi cọc dài từ 3-4m hoặc tùy theo độ nông sâu của nước, để khi đóng xuống đáy sông, phần cọc còn nhô lên mặt nước từ 1-1,5m. Sau đó chọn khúc sông có địa thế tốt, nước chảy không mạnh lắm.
Sau khi đóng cọc xong, người làm nò cá sẽ rải lưới hoặc giăng đăng dọc theo bờ cọc. Làm thế để cá không vượt ngang qua bờ cừ mà men theo đến điểm giăng rớ. Sào đóng làm hai hàng theo hình xoắn ốc, còn lưới giăng theo hai hàng sào thành “mê trận”, hoặc có người làm theo hình chữ V, làm sao để cá vào không nhảy ra được. Ngay điểm hẹp nhất của hai mép lưới, chủ nò giăng một tấm lưới hoặc đặt một chiếc rọ (dụng cụ để chứa cá), để cá nhảy vào vẫn sống.
Theo anh Trương Nhật Đăng (phường 1, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau), gia đình anh thường xuyên bắt được nhiều cá trên kênh từ chiếc nò đặt sẵn ở đó. Vào những ngày trời mưa khi đi thăm nò thì cá vào càng nhiều hơn